Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Lá Thư Còn Lại 2

Lá Thư Còn Lại 2

Tác giả: Nhiều tác giả
Mục lục
Lá Thư Thứ 150

Lá Thư Thứ 150

 

Kính tặng Hoằng Pháp xưa!

Một thoáng hương trong gió

 (Viết trong mùa Hạ 1995 của Hồng Diệu Tường)

Chánh điện của ngôi chùa cũ giờ đây không còn nữa. Mái ngói đã bị dỡ ra, gỡ xuống nhìn thấy tất cả bầu trời. Vách tường bị đập vỡ, chỉ còn sót lại vài mảnh tường đập chưa kịp, màu vôi loang lỗ, chỗ còn chỗ tróc. Đó đây, những đống gạch vụn đổ nát chồng chất lên nhau. Tôi đứng lại nhìn ngắm những gì ngày hôm qua còn thật là xinh đẹp, nền gạch hoa còn sạch sẽ bóng loáng, không một vết bụi trần, lớp vôi vàng vẫn còn mới. Và tôi vẫn còn nhìn thấy trên khung cảnh hỗn độn này một đạo tràng trang nghiêm khói hương nghi ngút. Tôi vẫn như còn nghe vang vọng tiếng chuông trống liên hồi của ngày lễ sám hối vừa qua dồn dập như tiếng trống thúc quân ra trận, giục giã các Phật tử hãy dũng cảm lên để chiến đấu với chính bản thân mình và mọi khúc mắc ở quanh ta. Đạo tràng thật trang nghiêm! Thầy bước ra oai nghi như một vị tướng. Các Phật tử đứng chật cả ngôi chánh điện. Và khi hồi trống chấm dứt, giọng chuông ngân nghe êm ái, nhẹ nhàng, vọng trong không gian tĩnh mịch. Lời thầy trầm bổng khai kinh cho mọi người tiếp nối theo sau như một điệu nhạc ấm lòng cho những ai muốn trở về quê hương Cực Lạc.

Hôm nay thì mọi việc đã khác, chánh điện dời tạm qua hội trường chờ xây lại. Tất cả đã đập phá. Trên nóc chùa trống trải mây bay. Dưới mặt đất, gạch bông được nạy lên chỉ còn trơ lại một lớp xi măng xù xì, nham nhám, chỉ còn một nền gạch chơ vơ. Tôi im lặng nhìn ngắm những đổi dời của sự vật. Một tia lửa rất nhỏ có thể đốt cháy tất cả thành tro bụi, nhưng như thế không có nghĩa là đã chấm dứt. Trong sự sanh diệt vô thường của sự việc, tôi lại nhìn thấy mầm bất diệt luân lưu. Vì chỉ một thoáng gió thổi đến đám tro tàn kia sẽ bùng cháy cao hơn trước nữa. Và, nếu như đã có một giọt nước mưa rơi xuống mặt đất, nhìn bên ngoài như thế đã hết, hình như đã có một thời sôi nổi, những dữ kiện vừa qua, bây giờ mọi việc im lắng ngưng đọng. Nhưng giọt nước mưa ấy không mất đi và càng ngày càng thấm sâu vào lòng đất, hoà chung với mạch nước ngầm để chờ đợi một nhân duyên mà thực hiện lại quy trình “máu chảy về tim”.

Thế nên, trong gẫy vỡ hoang tàn sụp đổ, tôi lại nhìn thấy một ngôi chùa mới to lớn hơn, rực rỡ hơn, nguy nga tráng lệ hơn, hiển hiện trên nền đất cũ trong ngày mai sắp đến. Thế đấy, cuộc sống trên đời này thực tế luôn phũ phàng cay đắng lẫn đôi chút xót xa, nhưng chính nó lại cũng êm dịu sinh động biết dường nào. Như một dòng sông êm đềm chảy mãi đến vô tận, trong những gì hôm qua còn xinh đẹp, ngày nay đã hoang tàn rụng vỡ. Và trong điêu tàn đổ vỡ, cái mới tốt đẹp hơn lại được xây dựng lên tiếp tục, một bài trường ca được tạo hoá và con người hát mãi, mà nhạc trưởng ở đây là vị thầy mà tôi và các Phật tử đã hết lòng yêu thương quý trọng. Thế gian thường nói “được cái này thì mất cái kia”, hoặc là “không có gì toàn diện”, vậy mà ở thầy văn võ song toàn. Chẳng những dáng vẻ bên ngoài thầy có một tướng mạo tự nhiên, khơi dậy trong tâm hồn người khác những tình cảm tốt đẹp, mà bên trong thầy lại tài trí vô song. Bởi thế, không thể trách được mọi người dù nam hay nữ khi gặp thầy đều có một tình cảm đặc biệt mến thương. Có lẽ do thế mà trong các công việc Phật sự, thầy đã huy động được rất đông Phật tử và mọi người đều làm hết nhiệt tình của mình. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là thầy nhớ rất rõ mọi việc, từng dữ liệu về các món quà dù rất nhỏ khi thầy mang đến tận tay những người dân bị lũ lụt và kể cho Phật tử nghe lại cuộc sống dân nghèo khổ sở vì thiên tai. Thầy tổ chức thật chu đáo buổi lễ giỗ Tổ từng khâu một: nào nghi lễ, tiếp tân, đãi các món ăn và từng chậu hoa trang trí cũng được thầy quan tâm đến.

Đặc biệt nhất ở thầy mà tôi nhìn thấy được đó là đức tính giản dị. Đối với tôi cái gì càng đơn sơ, càng giản dị lại đáng yêu hơn tất cả những thứ lộng lẫy, kiêu sa. Mỗi khi đi đâu ra khỏi chùa, thầy thường mặc chiếc áo dài màu nâu. Chiếc áo tuy cũ nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Khi thầy trở về ngôi chùa quen thuộc, những bông hoa đủ màu mừng rỡ chào đón người thầy thân thương của mình, không làm cho màu nâu bị mờ nhạt đi, mà giữa ngôi chùa rộng lớn xinh đẹp, màu áo của thầy nghiêng trong ánh nắng, nổi bật như một xấp vải nhung ánh lên một màu bạc lấp ánh trước ánh đèn. Có lẽ, chiếc áo thầy mặc đã từng trải nhiều đoạn đường gió bụi để làm Phật sự, đã làm vơi đi đau khổ của nhiều người trong cuộc đời này. Thế mà, chính chiếc áo đó cũng không có thời giờ để nhận thấy được vẻ đẹp thanh cao và giản dị của chính bản thân mình.

Tuy rất bận rộn, nhưng thầy luôn quan tâm đến từng Phật tử. Không có dịp tiếp xúc với thầy nhiều, nhưng tôi nghĩ thầy biết rất rõ về hoàn cảnh và tính tình của mỗi Phật tử đến chùa và trong mọi sinh hoạt cuộc sống đời thường của mình. Tôi không bao giờ quên được ánh mắt, đôi mắt màu nâu trong sáng của thầy có lúc như đầy nghị lực, có lúc lại dịu dàng một tình cảm yêu thương. Những kẻ nhìn hình tướng bên ngoài để đoán già non, bên trong sự thực sẽ không hiểu được gì. Chỉ có tôi mới biết, thầy chính là ánh lửa mà tôi đã đốt lên trên ngọn đuốc của chính cuộc đời mình để đi hết đoạn đường còn lại trong cát bụi trần gian. Và con đường đời dằng dặc gian nan kia tôi chỉ có những cuốn sách là người bạn thân thiết duy nhất, duy nhất an ủi mình. Ý tưởng này giống tựa đề cuốn “Trăm năm cô đơn” nổi tiếng trên thế giới mà tôi chưa có dịp xem. Trong một lần bao sách cho nhà chùa, tôi đã tò mò đọc quyển Hoa Nghiêm và biết rằng mình hoàn toàn không hiểu gì cả, chỉ còn lại trong tôi bốn chữ “thế gian như mộng”. Tôi chợt nhớ cách đây mười mấy năm, khi tôi còn là một cán bộ của nhà nước, chắc tôi chưa biết việc chùa chiền là gì. Vậy mà tôi lại có một giấc mơ tuyệt đẹp. Tôi thấy mình đi vào một ngôi chùa có các thầy mặc áo vàng, sau khi tôi lễ lạy các tượng Phật trở ra, trời đã về chiều, cổng chùa khép kín và chỉ còn một chú tiểu mặc bộ đồ nâu có đôi mắt to trong sáng đứng trong sân chùa. Nói thế nào để giải thích về một giấc mơ đã lâu, giờ đây thành sự thực, thì giữa cuộc đời và mộng ảo có khác gì nhau. Chuyện đời như bóng qua gương và dòng thời gian cứ êm đềm trôi chảy mãi, như một khúc nhạc du dương ru con người chìm sâu vào giấc mộng đời. Nhưng chính nó, chính cái thời gian im lặng, âm thầm trôi qua đó, sẽ lấy dần đi tất cả những gì ta đang có - Chỉ Còn Lại Có Hư Không.

Dù hôm nay tôi đứng tại đây, trong ngôi chùa này, hay ngày mai tôi không còn hiện hữu nơi đây nữa thì mọi sự vật xung quanh vẫn diễn ra tươi đẹp, hoa vẫn nở, mây vẫn bay và bướm vẫn lượn trên bầu trời xanh mát, chỉ xin giữ lại một chút hương hoa bay trong gió rằng: đã có một bàn tay thật bé nhỏ góp một nốt nhạc cho cung đàn chung của mọi người được nối tiếp không bị cách khoảng. Như một giọt nước, dù đã trôi qua tại khúc sông này, nhưng cũng nối được một khoảng trống để cho những giọt nước sau tiếp tục chảy đến. Và dù bị vùi dập trong phũ phàng cay đắng, trong thực tế xót xa, con người lại mang trong cơ thể của mình một trái tim nồng nàn đầy cảm xúc, để còn nhận ra được rằng: trong mọi hoàn cảnh ngang trái nhất vẫn yêu thương được cuộc sống chung quanh mình và giữa sa mạc cằn cỗi vẫn nở được một đoá hoa hạnh phúc. Những tình cảm trong tôi bỗng trào dâng như biển lớn, tràn đầy trong tâm tưởng, làm ngập lụt cả không gian. Vậy thì, trước khi bản thân có thể đứng lên trên sự yêu ghét, vượt được ra ngoài vòng phân biệt thì hãy để trái tim mình yêu hết mọi sự việc dù nhỏ nhặt tầm thường, dù bao la rộng lớn, yêu tất cả mọi điều thiện hạnh, yêu những người yêu thương ta, dâng mật ngọt cho đời thêm hương vị đậm đà và yêu cả những con người ghét ta, lòng còn đầy ganh tị, độc ác.

Không có cái gì là tuyệt đối ở một trần gian tương đối. Trong những gì cao sang tốt đẹp nhất vẫn có một cái gì đó thật tầm thường và trong những gì nhơ bợn thấp hèn vẫn ẩn chứa một chút cao thượng. Cứ như thế, giữa chánh và tà, giữa thiện và ác chỉ cách nhau một khoảng quá ngắn trong đường tơ kẽ tóc của ý nghĩ.

Bỗng dâng có một cảm giác thật lạ chen vào trong trí óc của mình. Tôi cảm thấy khối óc trên đỉnh đầu không có gì che đậy, thân thể tan biến đi như một kẻ đã tàng hình. Tôi không còn nhận được ra mình có đang hiện hữu trong không gian và có trôi theo dòng thời gian đang cuộn chảy. Như một chiếc lá giữa dòng, tâm tư tôi bập bềnh theo ghềnh đá vươn tận mãi lên cao trên các đám mây bàng bạc trong ánh nắng chói chang của buổi trưa hè. Tôi nhìn thấy đấng Từ Phụ - vị Cha lành hiền dịu đang đưa tay xoa đảnh các con của Người, ánh sáng lấp lánh từ hào quang của Ngài chiếu xuyên suốt qua tâm hồn tôi, một tâm hồn còn nhiều vẩn đục.

Tôi để tâm tư mình yên lặng, lắng nghe từng tiếng niệm Phật rơi vào giữa trái tim mình, như tiếng từng giọt mưa tí tách rớt xuống mặt hồ, làm gợn sóng lăn tăn thành những chiếc vòng nhỏ rồi đến lớn, gần rồi ra xa, đậm sang màu nhạt và từ từ lắng sâu đi mọi thứ: nỗi đau xót, những yêu đương, cuồng vọng xôn xao một thời quá khứ, chỉ còn lại trong tôi một khoảng bình an. Chuyện gì cũng qua đi, nhưng nó cũng không qua hết được mà còn hằn lại một ít dấu vết trên tâm linh phải cần nhiều thời gian để gột rửa. Tôi lại nhớ đến câu hát “muốn gởi cho ai một chút nắng vàng”.

Nhưng hiện tại, cái nắng nung người từ những tia nắng giữa trưa, trắng như những cây kim bạc, xuyên thẳng vào lớp da mặt đã được đậy che sau vành nón lá, làm tuôn những giọt nước như mưa chảy xuống làn môi, hương vị của biển trời. Những buổi công quả mà có lẽ ở ngoài đời mướn bao nhiêu tiền chắc tôi cũng không mó tay đến. Vậy mà, nơi đây, bao nhiêu con người yêu thương đức Phật không hề thấy sự cực nhọc, trên môi họ luôn nở những nụ cười như bông vô ưu trong vườn hoa hạnh phúc và có đâu trên trời xa. Tôi đã nhìn ra thật gần, thật thiết thực, một Niết-bàn đang ở quanh đây, một Niết-bàn đang ở trong tim. Trong những cơn gió hiếm hoi từ nơi xa thổi lại, làm bớt đi vài giây phút nóng bức.

Tôi nghe vẳng lời thơ trong gió:

Trời trong không một bóng mây,

Lòng ta hạnh phúc như cây giữa rừng.

Xôn xao gió thổi chẳng ngừng,

Gió ơi, gió hãy thôi đừng rung cây.

Xôn xao mặc gió mặc mây,

Lòng ta trong sáng gương soi giữa trời.

Ánh vàng chiếu khắp nơi nơi,

Là muôn khúc nhạc trong đời ta yêu.

Mùa Hạ 95!

Hồng Diệu Tường

Trong đêm 1

 (Thơ: Hồng Diệu Tường)

Khi ánh dương dần tắt

Nỗi xôn xao dừng lại ở bên đời

Khi hoàng hôn buông phủ xuống chân trời

Là tôi sống một cuộc đời riêng lẻ

Tôi ngồi đó trong nỗi buồn rất khẽ

Đêm còn đây như ngàn kiếp mây bay

Khi bóng đêm tràn ngập cả hình hài

Tôi tìm thấy một tâm hồn chân chính

Đêm đã xuống khi mình tôi ngồi định

Sương đã rơi, có hối tiếc gì không?

Cứ mỗi đêm, tôi tự hỏi lại lòng

Được gì đó, và có gì để mất

Được, sẽ được những điều không có thật

Một hạt châu sáng rực giữa trời đêm?

Bay bổng chăng, ai người biết nẻo tìm

Được như thế, không biết làm gì nhỉ

Được như thế chỉ là trong vị kỷ

Mất điều gì, tôi có mất được chăng?

Một mảnh tình, kèm theo một mảnh trăng

Một nuối tiếc, một tấm lòng gợn sóng

Hai mươi năm bay bổng

Thấy mình chẳng được gì

Một nỗi sầu còn đọng ở bờ mi

Một vực thẳm trước mặt còn sâu lắm

Đêm đêm tôi không ngủ

Ngồi dậy để toạ thiền

Tự vượt qua nỗi đau của chính mình

Để đón ánh bình minh ngày sắp tới.

Hóc Môn, ngày 24/03/2001

Trong Đêm 2

 (Thơ: Hồng Diệu Tường)

 

Trong đêm tiếng dế nỉ non,

Như con nhạn lạc biết còn về chăng?

Nỗi sầu mây tím che ngăn,

Biết tìm đâu một mảnh trăng cuối trời.

Trong đêm 3

Em viết bài thơ biết gởi ai?

Khi em ngồi viết giữa đêm dài,

Nhân gian không thấy người tri kỷ,

Một kiếp phù sinh để một mai.

Trong đêm nghe gió lùa qua cửa,

Một mái đầu xanh đã nhạt màu.

Thế sự qua đời thăng trầm lắm,

Còn lại mình em những giọt sầu.

Cười đó người nói mình vui đó.

Giọt lệ canh tàn ai hiểu đâu?

Nụ cười em gởi bay theo gió,

Còn lại ngàn năm sóng bạc đầu.

Lang thang đi mãi trăm ngàn lối,

Mệt mỏi cảnh đời biết về đâu?

Lữ hành chân mỏi tìm nơi nghỉ,

Bóng tối quanh em chỉ một màu.

Em viết bài thơ muốn gởi anh,

Cho em gởi chút tình mong manh,

Xin anh giữ lấy hồn tri kỷ,

Em hướng về anh nơi có anh.

Hóc Môn, ngày 27/04/2001

Sách cùng thể loại
Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Còn Lại 1
Nhiều tác giả
Góc Khuất
Góc Khuất
Nhiều tác giả
Ngày mới của tâm
Ngày mới của tâm
Chùa Hoằng Pháp
Nghi Lễ Hằng Ngày
Nghi Lễ Hằng Ngày
Chùa Hoằng Pháp
Lời Người Còn Ghi Lại
Lời Người Còn Ghi Lại
HT. Ngộ Chân Tử
Thương yêu sự sống
Thương yêu sự sống
Thích Tâm An