Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Thứ 144
Kính gửi thầy trụ trì chùa Hoằng Pháp, đồng kính gửi ban trị sự chùa.
Thưa thầy trụ trì! Con là Nguyễn Văn Ry (51 tuổi), nhờ phúc ấm tổ tiên và ánh sáng khai minh của đức Phật đã soi đường cho con tìm đến nơi cửa Phật. Vậy con xin đề đạt với thầy trụ trì và ban trị sự chùa nguyện vọng của con như sau:
Con tin rằng đức Phật không thể xoá tội cho những ai đã gây ra tội, nhưng Ngài lại chỉ ra con đường cho những kẻ lầm đường để tự cứu lấy mình, cũng như dẫn dắt những ai chưa bước vào con đường lầm lạc đi vào con đường sáng. Đó chính là phép khai minh, thông tuệ của đức Phật. Rất giản dị, gần gũi với đời thường của người Việt Nam ta. Nhưng phép khai minh của đức Phật dù là giản dị nhưng rất uyên sâu, càng ngẫm nghĩ càng nhận ra trí tuệ uyên sâu của đức Phật. Thật uổng công cho những ai đã sống ở trên đời này mà lại không dành thời gian để chiêm nghiệm luân lý mà đức Phật đã khai mở. Từ nhận thức ở trên, con muốn dành một quỹ thời gian từ ba đến sáu tháng để học kinh Phật, còn thiếu bao nhiêu thì con sẽ nghiên cứu dần dần. Con muốn học kinh Phật để hoàn thiện nhân cách ở chiều sâu, kết hợp với kiến thức xã hội và khoa học là chiều mở. Điều đó sẽ giúp cho con hoàn thiện nhân cách của mình và có ích cho đời hơn. Vì vậy, con muốn đến chùa ở một khoảng thời gian để tịnh tâm, tĩnh trí mà nhập tâm luân lý của đức Phật. Hơn nữa, ở hẳn chùa thì còn hỏi được các nhà sư những điều mà con chưa hiểu. Con nghe nói chùa Hoằng Pháp thường xuyên mở các lớp tu tập. Vì thế, con viết thư này kính mong thầy trụ trì và ban trị sự chùa tạo điều kiện giúp con.
Thưa thầy trụ trì và ban trị sự chùa. Hoàn cảnh gia đình con rất khắc nghiệt. Con năm nay 51 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Bố con 87 tuổi. Mẹ con 85 tuổi. Mẹ con đã lẫn và gào thét suốt ngày. Đó là hậu quả của những dồn nén, những bất công mang đến đã chồng chất lên cuộc đời nghèo khổ của bố mẹ con. Bố con là đàn ông nên chịu đựng được, mẹ con là phụ nữ nên đã đâm ra hoảng loạn. Gia đình con có 8 anh em, tất cả đều phải gian truân và cơ hàn. Một người anh trai của con đi bộ đội từ trước năm 1975, sau đó đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và đã chết đột tử chỉ 2 ngày trước khi về nước... Gia đình điêu đứng từ đó. Đứa em trai con học xong đại học nhưng không thể xin được việc. Sau đó, em con chuẩn bị về quê làm ruộng và lấy vợ. Tuy nhiên, em con đã không thể tìm được vợ. Thế rồi, đột nhiên, em con bị hỏng thận nặng. Hiện nay, em con đang nằm điều trị ở bệnh viện tỉnh Đồng Nai. Các anh chị em con rất nghèo nhưng cũng phải gồng mình để lo toan thuốc thang cho đứa em tội nghiệp. Ngoài ra, các cháu con cũng bị rắc rối trong học hành và có những đứa cháu bị tai nạn khốc liệt. Bác ruột con hy sinh trong kháng chiến. Người con trai duy nhất của bác cũng hy sinh trong chiến trường miền Nam.
Gia đình con rất nghèo. Khi anh trai con còn ở nước ngoài, biết gia đình nghèo, đông anh em, anh con chắt bóp được đôi chút để hỗ trợ gia đình, cũng chẳng dư dả gì, chỉ là đỡ đi phần nào khó khăn. Tuy vậy, dân gian vẫn sinh lòng đố kỵ. Họ để ý, soi xét gia đình con rất chu đáo. Họ dèm pha, chênh lệch, ngấm ngầm mưu kế với nhau, dẫn đến hậu quả là anh con phải chết. Anh con phải chết oan nghiệt mà họ vẫn chưa yên tâm. Họ còn tiếp tục kiếm chuyện để làm cho gia đình con luôn luôn bất an.
Nắm bắt được tình hình gia đình con bị dồn đến cuối đường, bên công giáo họ đã nhiều lần gợi ý con lấy vợ người công giáo. Con không chống lại người công giáo, nhưng về chuyện tâm linh thì phải rõ ràng và minh bạch, không có chuyện thờ phượng lẫn lộn để gây nên sự giằng xé của tâm linh. Vì vậy, con đã nhiều lần trả lời họ là dòng họ con rất hiếm hoi và đang trong giai đoạn khí vận chưa thoát. Vì vậy, lấy vợ người công giáo - nghĩa là con phải học kinh công giáo và chịu làm phép rửa tội, như thế sẽ gây ra sự giằng xé về tâm linh, sẽ vô cùng phức tạp. Những người khác lấy vợ hoặc chồng là người công giáo thì không có gì đáng ngại, vì vận khí của gia đình họ đang mạnh và họ sẽ vượt qua được sự giằng xé về mặt tâm linh. Sau đó, họ đã tìm cách để mua chuộc và khống chế được đứa cháu gái của con ngay từ khi nó mới vào học lớp 10. Nó đi học thì xe thường xuyên bị thủng săm, thậm chí mẹ nó vừa mới thay săm cho nó xong thì đi học lại bị thủng nhiều chỗ luôn. Cuối cùng, nó không dám đi học bằng xe đạp nữa mà đi nhờ xe của bạn. Đến lớp, họ lợi dụng không có xe, gạ gẫm rủ cháu con đi chơi nhà bạn rồi họ đưa về. Trong thực tế, họ đã đưa đến chỗ mà cháu con không biết lối về, để cháu con phải ở lại nhà họ. Đó chính là thời gian để họ mua chuộc cháu con. Bên cạnh đó, họ còn kích động kẻ khác xúc phạm cháu con, để gây ra mâu thuẫn giữa bạn bè với nhau, buộc cháu con bị đuổi học. Vì bị dồn nén về nhiều phương diện, lại sợ gia đình mắng mỏ, họ bày mưu cho đứa cháu ngây thơ của con giữ kín mọi chuyện. Thế là cả gia đình con lẫn cháu con bị sập bẫy của họ. Hiện nay, họ đã mua chuộc và khống chế được cháu con và họ đang chờ thời cơ thuận lợi để cưới. Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng họ đã thâm nhập được rất sâu vào làng con. Họ mua chuộc được một số người, những người đó họ cũng muốn ban ơn cho, để tạo nên áp lực về tâm lý lên gia đình con, cũng như khuyến khích gia đình con đồng ý.
Về bản thân, họ giám sát mọi cử chỉ lẫn lời nói của con trên từng chặng đường để tìm ra sơ hở của con. Con đã bị hàm oan rất nhiều mà không kêu vào đâu được. Hoàn cảnh của con là như vậy, mong thầy trụ trì và ban trị sự nghiên cứu để có thể giúp con.
Con đọc và viết tiếng Anh thông thạo. Con có thể viết luận văn bằng tiếng Anh, cũng như đọc báo bằng tiếng Anh không cần từ điển. Tiếng Pháp thì con biết ít hơn. Con nắm vững khái lược về lịch sử và triết học Đông Tây kim cổ. Vì vậy, vào trong đó, tài sản của con không có gì ngoài sách cả. Ngoài ra, con có nghề kẻ biển quảng cáo, vẽ truyền thần và chụp ảnh chuyên nghiệp.
Vậy con mong thầy trụ trì và ban trị sự nghiên cứu giúp con. Nếu được chấp thuận thì con nhờ thầy thông qua giáo hội để bảo vệ an ninh cho gia đình con ở quê, vì ra đi con rất lo lắng cho gia đình. Họ không khống chế được con thì họ sẽ xúi bẩy nhau gây áp lực lên bố mẹ già và các cháu. Con cũng nói thêm rằng, con tìm đường tu tập để tĩnh tâm, dưỡng trí chứ không phải làm quan sang, bổng hậu hoặc để đối phó với ai hoặc tôn giáo khác, học là để hoàn thiện nhân cách và hoàn thiện con người đạo lý.
Nguyễn Văn Ry