Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Lá Thư Còn Lại 2

Lá Thư Còn Lại 2

Tác giả: Nhiều tác giả
Mục lục
Lá Thư Thứ 159

Lá Thư Thứ 159

 

Ngày 22/04/2011

Lời tự sự mang số 66

Kính bạch đại đức Tăng, Ni và toàn thể đại chúng Phật tử. Con xin mạn phép xin một vài phút quý báu của quý vị để xin thưa một vài điều. “Con” dùng từ này cũng là hợp lý thôi, bởi vì đa phần các Phật tử ở trong khoá tu đều là bậc trưởng bối của con.

Trước tiên, khi vào bài những lời chia sẻ, con xin quý vị nghe con kể về gia đình của con một chút. Được sinh ra trong gia đình toàn là nữ, con là đứa con trai út nên cũng được thương yêu. Gia đình con gồm có ngoại, mẹ, một người chị cùng mẹ khác cha, một người chị, con là trai út. Ngoài ra, con còn một người chị và một người anh cùng cha khác mẹ (tức là mẹ con có hai chồng và cha con cũng thế), nhưng họ không sống chung nhà. Gia đình của con lại có hai nhà lớn và một nhà nhỏ (lều), tức vậy là mẹ con phải ở một căn nhà to đùng và ngoại con cũng như thế. Chị hai con ở với ngoại, chị nhỏ của con đa phần cũng ở với ngoại, chỉ có con là dân “di canh di cư” từ ngoại vào mẹ và ngược lại. Vì lý do bị bên nào mắng chửi là phải di tản liền, bởi lúc nhỏ con ngang và lỳ lắm.

Nói thực chất là hai nhà to nhưng thưa với quý vị là có “tiếng” nhưng không có “miếng”. Gia đình con từ sau khi làm ăn thất bại thì chỉ còn lại nhiêu đó thôi, vả lại bị người ta không trả tiền, nói chính xác là “quỵt” ấy mà. Vì thế, nhà con từ một nhà giàu, từ chính đôi bàn tay của ngoại con có chí làm ăn mà có của (trước đây, nhà con làm nghề biển, đầu nậu, có nhiều ghe, mua cá về làm nước mắm để xuất khẩu - là một trong những gia đình giàu có lúc bấy giờ), nhưng bây giờ chẳng còn lại gì, thiếu nợ tùm lum, nhiều nhất là ngân hàng. Nhưng ngoại con tuyệt đối không bán nhà để trả nợ, mà chọn từ từ trả cũng gần mười mấy năm hay bằng tuổi con gì đó. Vì con nhớ rất rõ, mẹ con sinh chị nhỏ thì giàu mà sinh ra con lại trúng thời điểm thiếu nợ. Tuy không nói ra nhưng con cũng biết là mình mang danh “phá gia chi tử”.

Thật vậy, con quả xứng với danh này. Bởi vì con thường bệnh liên miên, hết mổ ruột thừa lại thêm lá lách, tét đầu đi vá. Con còn nhớ lúc đó đi vá nhưng không có thuốc tê, bị tét hai lỗ, vì còn nhỏ nên con đã la hét rất nhiều. Ngoài ra, chạy xe đạp mà cũng gãy tay, băng bó nhưng không được kỹ nên lại đi mổ để sắp xương và kẹp inox vào. Rồi đá banh lại bị lệch dây chằng. Nói chung, thân thể con không chỗ nào không bị thương tích. Có lẽ kiếp trước con cũng ăn ở “hiền” lắm nên mới bị “nhẹ” tới mức này. Thôi không nói về con nữa mà nói về hai nhân vật chính mà con muốn đề cập đến là ngoại và mẹ con.

Ngoại con thì tay không làm nên tất cả rồi bị mất đi tất cả, vì vậy một người từng trải sẽ sống trong quá khứ nhiều hơn. Ngoại con phải nuôi heo, nói chung làm những gì khổ cực để trả nợ. Ngoại không có sự hạnh phúc trong tình yêu. Đó là một lý do con không đề cập đến ông ngoại. Còn lý do con sống với ngoại mà không sống với nội thì con xin lý giải sau. Nói chung hình ảnh ngoại con cũng giống như một cánh cò vậy, gọn nhẹ, dễ hiểu. Còn về tánh ngoại con, tuy là một người hiền lành, nhưng lại bảo thủ và hay sống hoài niệm về một thời vinh quang nên khó mà tiếp nhận tư tưởng mới.

Mẹ con là vợ nhỏ của ba con, nhưng lại là vợ lớn của ba chị hai con nên con không sống bên nội là vậy. Mẹ con tánh tình hơi phóng túng, tham sân si đầy dẫy nhưng lại tiến bộ tư tưởng hơn ngoại của con. Nói chung là mẹ và ngoại như nước với lửa vậy, khó ở gần nhau nên hễ gần nhau là có chuyện. Nhà con lại chia phe. Ngoại thân với chị hai, còn con với chị nhỏ thì gió cuốn chiều nào theo chiều đó, nhưng đa phần thì theo mẹ. Bởi vì mẹ thương con nhiều hơn. Nói chung thì cả nhà phải chịu khổ cùng nhau, dầm sương dãi nắng, lại bị thế thái nhân tình - khi giàu thì nhiều người nâng đỡ nhưng nghèo thì chẳng còn ai giúp mình cả... Còn con thì thương mẹ nhưng tánh tình ngang bướng nên thường cãi lời mẹ, ngoại, chị. Ai chửi là chửi lại, bỏ nhà đi bụi khi bị chửi, cá độ đá banh, trộm tiền,... đủ mọi thứ tội lỗi trên đời, mặc dù con mới đi khoảng 1/3 kiếp người. Nhưng sau những lúc đó, họ vẫn không bỏ con, vẫn tận tình lo lắng. Khi con đối diện ca mổ không dưới 2 - 3 lần, tử thần có thể mời con đi làm bạn tù với tội nhân địa ngục. Toàn gieo nhân ác thì làm sao chết sinh về cõi lành. Đôi lần đã nhìn thấy giọt nước mắt trên gò má mẹ, con lại thương nhiều. Con tự hứa với bản thân rằng phải kiếm thật là nhiều tiền và trả thù từng người, từng người một - những ai đã chế giễu gia đình con, khiến họ phải sống không được mà chết không xong. Con nói thì cũng hơi quá nhưng cũng gần gần là vậy. Nhưng cũng nhờ tu nhân tốt ở kiếp trước mà sau những ngày tháng thất bại đó, mẹ dẫn con vào chùa, đa phần là ở trong đó làm công quả, để cho ngày qua tháng tới mà thôi. Nhờ đó con có duyên tiếp xúc và tìm hiểu với đạo Phật từ hồi đó mãi cho đến tận bây giờ. Chùa đó tên là Hải Hội, thường tu một ngày như chùa mình vậy, nhưng mà chia theo tuổi: Giới Tử là già nhất, sau đó là Giới Sinh và cuối cùng là Cánh Sen. Con vào nhóm Cánh Sen, lúc đó con học lớp 3 hay lớp 4 gì đó. Trải qua quá trình tiếp xúc đạo pháp, căn bản con cũng chiêm nghiệm nhiều điều. Thật ra thì con cũng không có tài năng gì cả, chẳng tướng hảo, lại thêm nhiều tật xấu của người thế gian. Tham, sân, si người ta mười thì con cũng chín. Ngoài ra, còn rất nhiều. Quá trình tiếp xúc với đạo con đã đạt được các giải thưởng giáo lý (giải 3 và khuyến khích liên tiếp). Mới có như thế thôi mà con đã tự cho mình là giỏi, thường hay sinh ra lòng ngạo mạn, kiêu căng, lúc nào cũng tự cho mình là tài giỏi, là người hiểu đạo. Bây giờ nhìn lại khi xưa con cảm thấy rất khinh bỉ bản thân mình “ếch ngồi đáy giếng”.

Sau đó, mẹ và con lại về nhà làm việc. Một thời gian sau lại làm công quả tại một ngôi chùa gần nhà cố con. Chùa nhỏ thôi, xem là chùa thì không đúng mà nhà cũng không phải. Ở đó, con được gặp được thầy Thích Tâm Thông trụ trì chùa Giác Trí, tuy tuổi nhỏ tài cao, thường hay giúp đỡ mẹ con về vật chất cũng như thiền môn... Tính khí của con cũng dần dần bớt đi “ác tâm” dần dần hướng thiện... Nhưng ở những chùa trước thì không nhiều bằng ở đây. Con tuy làm điều bất thiện nhưng con cũng là người thích làm chuyện phước đức, đó là lý do con thường hay ngạo mạn.

Thôi con nói gọn lại đỡ tốn thời gian các vị Phật tử, con đã hiểu nhiều hơn, thông qua các khoá tu, mặc dù chỉ có hai khoá là khoá 62 và khoá 66. Ở đây, gặp được các bậc tri thức, cho con biết thế nào là đúng, đặc biệt là pháp môn Tịnh độ,... Mặc dù con còn trẻ làm sao tránh khỏi những vọng niệm chen vào. Nhưng nhờ thầy đó thầy ơi! Nhờ khoá 66 này mà con ngộ ra một vài chân lý sống, con muốn đem ứng dụng vào cuộc sống “nhàm chán” trước kia. Coi như là nhờ Phật pháp mà con sinh ra đúng là “người”, không còn là “con” như trước đây. Con xin vì lòng thương tưởng đến ngoại và mẹ của con. Con xin quý vị Phật tử khởi một hay hai niệm thôi cũng được, để nhờ sức đại chúng mà xua tan đi những chướng duyên làm ngoại và mẹ của con không thể niệm được lục tự “Nam mô A-di-đà Phật”. Con biết là gia đình con nhiều kiếp về trước tạo nhiều nhân xấu, nghiệp lực quá nặng nề, tạo thành một chướng duyên nên không hiểu được Phật pháp. Bằng chứng là con đã khuyên rất nhiều mà chẳng được, trái lại còn phản tác dụng nữa.

Con rất đau xót khi trên đường về đất Phật mà không có ngoại và mẹ cùng đi. Vì con đang uống từng viên thuốc A-di-đà Phật để cầu vãng sinh, trong khi họ lại không uống khi thuốc có ngay trước mặt.

Con biết công phu tu hành của mình còn rất yếu, như một hạt cát giữa dòng sông, điều con học còn bao la vô tận, làm sao mà cứu được người con thương yêu đây. Chẳng lẽ chờ họ tan đi hết nghiệp lực của mình sao, hay là chờ họ đau đớn ở cõi chẳng lành mà niệm Phật, đơn giản thôi chỉ có sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” mà vì không đủ duyên nên không thể niệm được. Nghĩ đến điều này nước mắt con cầm không được thưa quý vị! Cứu người như cứu lửa, con không thể đợi được nữa.Vì vậy, con mạn phép xin quý vị hoan hỷ hồi hướng cho hai người:

Ngoại con: Nguyễn Thị Hai, pháp danh Nguyên Tộ.

Mẹ con: Hồ Thị Dung, pháp danh Nguyên Tích.

Đ/C: Thị trấn Phan Sỹ Cửa, huyện Tuy Phong, tình Bình Thuận.

Để nhờ năng lực đại chúng mà tiêu trừ một phần nào đó nghiệp lực, để họ phát khởi tấm lòng niệm Phật cầu vãng sinh, trừ bớt các chướng duyên; hay cũng vì một người hậu học còn non kém cũng được, hoặc lòng ích kỷ mong muốn người thân của riêng mình được vãng sinh... Các vị mà làm được như vậy, đó quả là công đức vô lượng thưa các vị!

Ngoài ra, con nguyện đem công đức trọn một đời này cùng công đức trong các khoá tu hồi hướng hết tất cả về họ và toàn thể chúng sinh. Dầu có bắt đầu lại con số không con cũng cam, miễn sao họ được niệm Phật và toàn thể tất cả chúng sinh đều cầu về Tây Phương là con mãn nguyện rồi. Bởi vì ngay từ giây phút này, con đã chết một nửa để tái sinh thành một người tốt hơn, hoàn thiện hơn về mặt nhân cách, đạo đức. Con đường con đi còn dài, còn rất nhiều chênh vênh, gập ghềnh, nhưng con biết mục đích cuối của đời là cầu được vãng sinh.

Cuối cùng, con xin cảm ơn các vị đã nghe và hồi hướng cho gia đình con. Có gì không đúng xin quý thầy, quý Phật tử bỏ qua và cho con một lời khuyên đúng đắn.

Con xin cảm ơn BTC, toàn thể các Tăng chúng tại chùa Hoằng Pháp đã tổ chức khoá tu. Kính chúc quý vị tâm thường an lạc và giữ vững chánh niệm trong ánh hào quang của chư Phật.

“Mai chua che chở hon dan toc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

“Phat đa khong trach người lam loi

Chỉ trách người mê chẳng chịu quay đầu.”

Sách cùng thể loại
Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Còn Lại 1
Nhiều tác giả
Góc Khuất
Góc Khuất
Nhiều tác giả
Ngày mới của tâm
Ngày mới của tâm
Chùa Hoằng Pháp
Nghi Lễ Hằng Ngày
Nghi Lễ Hằng Ngày
Chùa Hoằng Pháp
Lời Người Còn Ghi Lại
Lời Người Còn Ghi Lại
HT. Ngộ Chân Tử
Thương yêu sự sống
Thương yêu sự sống
Thích Tâm An