
Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Thứ 167
Sư phụ kính mến!
Con không nhớ đây là lá thư thứ mấy con gửi cho sư phụ, chỉ nhớ rõ là mỗi lần cầm bút lên và nghĩ đến Sư phụ là lòng con lại rưng rưng!
Con còn nhớ cách đây chừng 6 năm, khi mà con chưa biết gì đến Phật pháp, tình cờ nghe được bài giảng “Vô Tình Nói Pháp” của Sư phụ, lúc đó tâm hồn con bừng nở ngàn vạn niềm vui, tựa như người đói được ăn, người khát được uống, người mù được sáng, kẻ sắp chết đuối mà chụp được phao... Con khao khát được gặp thầy.
Thế mà giờ đây khi con có đầy đủ phước duyên được sống trong sự che chở, bảo bọc của thầy thì con lại luôn làm cho thầy phiền lòng.
Người xưa có câu “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Dù có cố gắng bao nhiêu thì cái bản tính thô tháo của con nó vẫn cứ hiện nguyên hình. Ôi! Biết làm sao đây? Khi mà con đã quen sống theo pháp thế gian trong gần 40 năm, quen ăn to nói lớn, cười ha hả, hễ khi vui thì cứ việc cười xả láng, hễ khi buồn thì cứ khóc tự nhiên, còn khi bức xúc thì cứ việc nói toạc “móng heo móng lợn”. Giờ đi vào trong chùa phải tập hiền thục, đoan trang, nhẫn nhịn thì con đây làm sao mà làm được hở thầy? Điều làm cho con khó chịu nhất là cái cảm giác bị soi mói từ việc lớn đến việc nhỏ; từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, nói chuyện, đi đứng cho đến việc rửa chân; tất cả mọi lời nói, hành vi, nhất cử nhất động đều bị ghi nhận và soi mói một cách tàn nhẫn. Nhiều lúc, con có cảm giác mình là cái gai nhọn trong mắt mọi người.
Ông bà ta có câu “bói ra ma quét nhà ra rác”, soi mói “nhiệt tình” thì thế nào cũng ra lỗi mà thôi. Con mà còn ở đây thì chắc là Sư phụ sẽ còn phải nghe người ta “mắng vốn” về con dài dài. Con có thể chịu đựng được lời ong tiếng ve, chịu đựng sự mắng nhiếc, sỉ nhục từ người này người nọ, nhưng chỉ cần một cái nhìn trách móc của Sư phụ thôi cũng đủ làm lòng con khổ sở. Đó chính là điểm yếu lớn nhất mà con không thể khắc phục được khi con được sống gần thầy.
Con vẫn biết Sư phụ rất quan tâm và thương yêu con. Chính vì thương con nên Sư phụ mới tìm cách uốn nắn, đục đẽo cho con mau được thành Phật, thành Bồ-tát nhưng mà con... con chịu đau dở ẹc, hễ đau vừa vừa thì con còn ráng gồng mình chịu, nếu mà đau quá là con “chạy mất dép luôn”. Ơ! Nhưng mà chỉ “mất dép” thôi chứ sự thương kính mà con dành cho Sư phụ thì chưa bao giờ mất, kể cả khi Sư phụ nổi nóng vì con, con thề đấy!
Làm sao con có thể quay lưng với người đã dẫn con vào đạo, người đã hết lòng cưu mang, đùm bọc chở che con, nâng đỡ tinh thần con trong những phút giây sợ hãi nhất của cuộc đời. Mỗi lần nhớ đến cú điện thoại bất ngờ mà Sư phụ gọi cho con trong những ngày con còn ở chùa Hưng Pháp là nước mắt con lại rưng rưng. Lúc đó, con nói chuyện với Sư phụ mà cứ ngỡ mình đang nói chuyện với Quan Thế Âm Bồ-tát. Con chẳng biết Bồ-tát Quán Thế Âm hình tướng ra sao cho đến khi con đích thân nhận được cuộc gọi của thầy. Còn hạnh phúc nào hơn khi nhận được sự quan tâm đúng lúc từ chính người mà mình hết lòng thương kính. Con tự nghĩ từ nay về sau con phải sống thật tốt để làm hài lòng mẹ cha, hài lòng Sư phụ, thế mà chẳng hiểu sao con toàn làm ngược lại.
Ôi! Bồ-tát của con! Bồ-tát đừng buồn vì con chưa thể giỏi giang, hiền thục như lòng Bồ-tát mong mỏi, nhưng mà con... con có thể cố gắng từ từ. Con rời khỏi chùa chẳng phải vì hờn mát, giận dỗi gì ai hay là bất mãn điều gì. Vì con hiểu tất cả những đau khổ xảy đến cho con đều là do nghiệp lực chiêu cảm, là bởi vì trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp con đã gieo nhân đau khổ cho người. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, kiểu gì thì đau khổ vẫn phải xảy ra. Những người mang đau khổ đến cho con thực sự họ chỉ là “công cụ” bên ngoài sức mạnh của chính họ, tất cả những lời nói hành vi của họ đối với con đều là giúp cho con trả nghiệp mà thôi. Nhưng mà Sư phụ ơi! Sức chịu đựng của con quá kém, con không thể cùng một lúc trả nghiệp cho quá nhiều người.
Con rời khỏi chùa là để tránh duyên, Sư phụ cũng từng dạy chúng con “cái gì mình không đương đầu nổi thì hãy né nó đi”. Con ra đi là để né bớt oan gia trái chủ chứ không phải vì hết thương Sư phụ. Con ra đi là để có cơ hội quay nhìn lại đấy mà!
Đừng lo cho con. Nếu quả thật giữa con với Sư phụ có nhân duyên thì thế nào con cũng sẽ quay về. Tự nhiên con nhớ đến 4 câu kệ mà con đã từng đọc được đâu đó, 4 câu ấy như thế này:
“Nhân duyên đủ biểu hiện
Nhân duyên khuyết ẩn tàng
Không đi cũng không đến
Không có cũng không không.”
Ôi! Con buồn ngủ lắm rồi. Con đi ngủ đây. Con kính chúc Sư phụ có đầy đủ sức khoẻ, thân tâm thường lạc và... thương con hoài.
Ký tên: Siêu mít ướt