Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Thứ 205
Nghe Đời Ngộ Đạo
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.”
Câu hát trên tôi được nghe, không phải từ một người ca sĩ mà là một người tu sĩ, người đó chính là thầy tôi. Thầy tôi rất từ bi, đức độ, dung nhan ngài rạng rỡ như ánh mặt trời sáng soi. Tôi đã nghe tiếng đời trong nức nở, không chỉ là cha, là mẹ, là bạn bè hay là bất kỳ ai mà là cả chính tôi. Chạy trốn đời vì nhiều đau khổ, tôi đã gặp được thầy như ánh đèn trong đêm tối, tôi không thể diễn tả niềm hạnh phúc đó, như kẻ bần cùng đứng trước mâm cơm, như người trôi dạt gặp được thuyền trong cơn bão, như kẻ sống sót cuối cùng trong sa mạc hay sau trận chiến. Sau mấy dòng lê thê trở lại với thầy tôi, người đã cho tôi niềm hạnh phúc ấy. Thầy thật vĩ đại, thầy như ông Phật đã đưa tôi trở về với hạnh phúc ở chính tôi và với tất cả chúng sanh.
Thầy tôi tu từ thuở thiếu thời, khi 15 tuổi vô tình đọc được cuốn sách Lược Sử Đức Phật, ngài giác ngộ và trốn nhà đi tu, hai ba lần như thế, mẹ ngài ngăn cản, nhưng bà thấy con mình quyết tâm “dữ dội” nên đành chấp nhận. Tuổi trẻ đời tu, thầy đã có những sai lầm, năm 23 tuổi thầy đem lòng thương một cô gái trẻ, xinh đẹp và dễ thương, cả hai người tìm mọi cách để liên lạc trò chuyện, kể cả mượn cớ Phật pháp. Ngài đã có ý định “ra đời theo tiếng gọi con tim”. Đúng! Tu là cõi phúc, tình là dây “thun”. Nó cứ dặc qua, dặc lại lòng thầy không yên. Có một lần trên đường đi thầy đã nghe một bản nhạc vàng có câu: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở - Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”, nghe xong thầy “giật mình” ngộ đạo và quyết định không yêu nữa. “Thà một lần đau còn hơn mang nhiều cay đắng”, đời mấy ai đi mà không qua đoạn đường này. Đi qua để thấu hiểu và cảm thông chứ không phải để nhiễm hay trách móc. Lời Phật dạy: “Cửa ải tình ái là một cửa ải khó vượt qua nhất trong bảy cửa ải”. Đúng vậy! Thầy rất cảm thông cho chúng sanh, cho hàng môn đệ. Tôi mà buồn thì chỉ cần nhớ tới thầy là buồn qua nhanh, tất cả chúng ta cũng vậy phải không?
Hạnh phúc thay vì tôi được gặp thầy, giờ tôi không còn ở chùa, nhưng những ngày tháng tươi đẹp bên ngôi chùa Hoằng Pháp - những lời dạy thân thương trìu mến không bao giờ quên được, tự hứa với lòng mình, sẽ gắng tu hành để không phụ công ơn dạy dỗ của thầy. Ước gì tôi trở nên từ bi thánh thiện như thầy, cả một đời chỉ nghĩ đến lợi ích của chúng sanh. Ngài luôn trăn trở làm sao để mở rộng cơ sở hạ tầng? Làm sao để chúng sanh muôn loài hướng đến Phật pháp? Làm sao có tiền để in thật nhiều kinh sách? Có khi ngài còn trăn trở, làm sao để gửi kinh sách miễn phí đến mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu vùng xa và cả trên thế giới. Ngài luôn nhắc nhở các đệ tử: “Anh em sau này đi ra hoằng pháp, phải biết dấn thân vào nơi miền núi xa xôi hẻo lánh, những nơi chưa có có Phật pháp vì ở đó chúng sanh cần, đừng nên sinh tâm chọn chỗ nào có điều kiện tốt. Mục đích của người đệ tử Như Lai là hoằng dương chánh pháp, chứ không phải đến để hưởng thụ’’. Nơi nào chúng sanh cần hoằng pháp viên sẽ đến, dù lên rừng xuống biển, dù xa xôi hẻo lánh. Dù cực khổ khó khăn không quản ngại gian lao. Quyết một lòng vì đạo, đem an lạc giải thoát, cho tất cả mọi người.
Tâm nguyện ngài thật lớn lao rộng khắp, ngài than thở về dân Việt Nam sống ở Biển Hồ - Campuchia. Mỗi lần nhắc tới, tôi nghe giọng kể của thầy như quằn quại một nỗi đau. Làm sao cho dân Biển Hồ không còn nghèo đói, trẻ em được đến trường? Làm sao có trường cho các em học? Thầy mơ ước đem đến cho họ những điều tốt đẹp đó, nhưng khổ nỗi, lòng thì dư mà sức thì thiếu, thầy tự trách mình không đủ phước. Thầy còn nói cho chúng tôi nghe giữa bữa cơm sáng, ước mơ sau này nếu đủ duyên, thầy sẽ xây trường lớp, cung cấp tiền cho các em ăn học, để mai này các em là nhân tài của đất nước. Tôi cảm nhận được nỗi đau đáu trong lòng thầy, đó là một điều ước rất giản dị nhưng quá lớn lao đối với thầy. Chương trình gây quỹ học bổng Ươm Mầm Trí Tuệ, dành cho các bạn sinh viên nghèo hàng năm, với tổng số tiền trên dưới một tỷ đồng. Số lượng hồ sơ gửi về rất đông nhưng nguồn tài chính còn eo hẹp, cầm trên tay những bộ hồ sơ dư, mà trong lòng thầy day dứt!..
Ngoài vấn đề đó ra, chùa Hoằng Pháp còn nỗ lực đào tạo Tăng tài, đó là chương trình du học Thái Lan, Đài Loan, Mỹ... dù rất tốn kém, nhưng vì tương lai Phật pháp, lòng thầy không quản ngại. Và nỗi đau trong lòng tôi cũng dâng trào, không biết phải làm sao để giúp thầy tôi thực hiện ước mơ đó, khi tôi chỉ là một người làm công quả bình thường, làm sao có thể??? Tôi luôn cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ-tát, xin cho thầy tôi sớm hoàn thành tâm nguyện. Giờ tôi không còn ở chùa nhưng những lời thầy dạy, tôi nguyện mang theo suốt cuộc đời. Tôi còn nhớ trước lúc ra đi thầy dạy tôi rằng: Sau này con muốn làm được việc lớn, con phải có cái tâm rộng lớn, một cái tâm chật hẹp, sẽ không làm được việc gì lợi ích cho đạo; hãy biết ơn những người cộng sự, hãy xem họ là ân nhân thay vì đầy tớ; một người có ý chí phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường...
Đức Phật khi đi qua bốn cửa thành, nghe người bệnh rên rỉ, nghe tiếng lão già, tiếng khóc trẻ chào đời, tiếng khóc than người chết. Ngài đã từ bỏ vợ đẹp con xinh, ngai vàng điện ngọc, sống đời khổ hạnh tới lúc thành chánh giác. Bồ-tát Quán Thế Âm nghe thấu mọi âm thanh kêu cứu, ngài biết rõ chúng sanh cần tới ngài. Bồ-tát tu hạnh quán sát, nghe âm thanh bất kỳ đều có thể giác ngộ và đạt đạo quả. Nhĩ căn là viên dung nhất trong sáu căn, vì khi đứng yên một chỗ vẫn có thể nghe âm thanh từ mọi phía. Mình mà quán kiểu đó chắc là điên loạn, Đông-Tây-Nam-Bắc chửi mắng, yêu ghét, cười nói, vui buồn đúng là một đống âm thanh, một hầm rác thải đưa vào tâm tư. Nhưng nếu rác thải sử dụng đúng mục đích sẽ phát huy được sức mạnh ghê gớm. Các thiền sư khi xưa nghe tiếng sấm ngộ đạo, nghe tiếng mảnh sành ngộ đạo, nghe mưa rơi ngộ đạo... Còn chúng ta thì nghe cái gì cũng ngộ ghê, ngộ ghê!!!. Bản thân tôi, khi nghe tiếng heo, chó, mèo la hét, khi bị giết, cũng “ngộ, ngộ’’ được chút. Tiếng kêu cứu, đau đớn thảm thiết, đã ám ảnh, và tôi quyết định ăn chay trường, mặc dù chưa biết đạo. Hết thảy mọi âm thanh, đều là bài pháp vô tình, vô tình nghe pháp. Còn chúng ta thì sao? Nghe mưa rơi sao buồn nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ tùm lum đủ thứ; nghe sét đánh thì “sợ chết”. Ôi đời, thật mắc cười! Thật là mắc cười!!! Đức Phật dạy: Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai. Sư phụ tôi nghe đời ngộ đạo, còn chúng ta nghe đời nhớ đời, nhớ người yêu...! Sư phụ, vì nghe quá nhiều tiếng đời nức nở thở than, ngài quyết một lòng tu hành, để giải thoát chính mình, và hoá độ chúng sanh.
Tôi thầm cảm ơn người viết ra bài hát ấy và ca sĩ. Giả như hôm ấy trên đường về, thầy không nghe tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề, thì giờ đây chắc đã lấy vợ và một đàn con, và tôi không thể gặp để viết nên những cảm xúc về thầy. Bởi vậy trên thế gian không có gì là xấu, nếu mê thì nhìn cái gì cũng mê, nếu ngộ thì nhìn cái gì cũng ngộ. Âu cũng là duyên phước nhiều đời, nhiều kiếp ngài đã tu. Năm nay 2014, mặc dù tôi đã xa chùa Hoằng Pháp gần một năm, nhưng không lúc nào thôi nhớ về ngôi chùa xưa, một nỗi nhớ mênh mang, không lấy gì tả nỗi. Và cuối cùng, tôi quyết định viết mấy dòng thư này, gởi về người thầy đáng kính để xoa dịu. Tôi tự nhắc mình, phải sống theo hạnh của thầy, mà không sao làm được. Tôi cảm thấy hổ thẹn, và day dứt!
Hôm về thăm thiền viện Thường Chiếu, Hoà thượng Nhật Quang nói với tôi rằng: Con biết đấy, thời đại bây giờ, Tăng Ni tu hành hàng trăm hàng ngàn người, may chăng được một người như thầy Chân Tính, một mình mà dám đứng ra xây dựng một cơ đồ hoằng pháp đồ sộ. Phải nói là một người có tâm lớn mới làm được việc đó. Ai cũng nói chùa Hoằng Pháp giàu có, ai cũng khen Sư phụ tôi có phước. Đúng là, thầy tôi phước trí trang nghiêm nhưng đằng sau đó là một đời sống hết sức giản dị. Tôi lúc đó mới vào chùa 2010, nhìn thấy thầy mặc áo vá, tôi rất ngạc nhiên, nghe mấy thầy nói Sư phụ mặc chiếc áo đó gần 40 năm rồi. Phòng ngủ thì gần nhà vệ sinh của Phật tử, nhiều lúc bốc mùi xông vào phòng Sư phụ nồng nặc, quý thầy xuống gọi chúng tôi lên làm vệ sinh gấp, hôi quá!
Từ đằng sau, tôi dõi theo từng bước chân thầy, tiến thẳng về phía chúng ta, về những con người đang đau khổ lầm mê, về những cảnh đời bất hạnh, về khắp chúng sanh vạn loài. Người là sứ giả Như lai, đang trên đường hoằng pháp đạo. Nơi thầy ngồi tiếp khách, là bức tranh Phật Thích-ca chưa thành đạo, một nét mặt u sầu, làm sao sớm đạt đạo? Làm sao để cứu chúng sanh thoát khổ? Có lẽ ngài và đức Phật đã có chung một nỗi ưu tư chăng?
Đồng Nai, nhiều đêm thao thức, tôi trăn trở không biết làm sao để bày tỏ tâm tư tình cảm của một người trò đối với thầy mình, như một người con đối với một người cha. Giờ này đã giữa canh khuya, đôi mắt không thể nhắm lại, lòng đầy thổn thức. Tôi vội mong mấy dòng thư, đôi lời bộc bạch, bày tỏ tâm tư của người con sau bao ngày xa cách cha được gởi đi. Trời đã về khuya, khung cảnh như tĩnh lặng êm đềm, chỉ còn lại ánh trăng bên khung cửa sổ nói với tôi rằng, hãy ngủ ngon nghe con gái. Ngày mai thức dậy, lúc ánh bình minh, tất cả chúng ta tiếp tục lên đường trở về với Phật.
Hồ Bến Hải