Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Thứ 208
Thư gửi đạo diễn Hoàng Quân
Con kính gửi sư thầy trụ trì chùa Hoằng Pháp, chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử, cùng toàn thể ekip đoàn làm phim “Con đường giác ngộ” và “Tìm về bến giác”, hai bộ phim về đề tài Phật giáo.
Xem xong bộ phim “Con đường giác ngộ”, con thật vô cùng hãnh diện và vô cùng xúc động khi được tắm mình trong dòng Phật pháp. Trái tim con đã hoà theo dòng nước mắt, được chiêu cảm từ lòng từ bi, trí tuệ thù thắng của đức Phật, vị Toàn Giác bậc nhất trên cõi địa cầu, trên cả nhân loại... xuyên suốt mấy ngàn năm, trải qua bao thế kỷ.
Cuộc đời đức Phật từng được miêu tả qua biết bao kinh, sách, truyện, lời truyền dạy và cả điện ảnh. Ở Việt Nam, đây là bộ phim thứ hai tái diễn cuộc đời đức Phật sau bộ phim “Ánh đạo vàng” cũng đã thành công cách nay khá lâu. Nay, xã hội chúng ta với nền đạo đức đã và đang xuống dốc trầm trọng thì sự ra đời của bộ phim “Con đường giác ngộ” đã đáp ứng, bồi dưỡng cho đời sống tâm linh, tăng cường đạo đức. Sự thành công của bộ phim quá to lớn, vượt hẳn bao tác phẩm đẳng cấp về đức Phật từ các quốc gia lớn, giàu có trên thế giới từng sản xuất. Con xin đại diện tất cả, tri ân đạo diễn Công Hậu, hoá trang Xuân Chính thật tài ba thâm hậu, đã hoàn thành viên mãn bộ phim nói về đức Phật, một nhân vật lịch sử vĩ đại, lãnh đạo đời sống tâm linh mà đa số trong chúng ta đều đã “thuộc lòng” về thân thế, sự tu tập, sự thành đạo, sự nghiệp hoằng pháp của Ngài...
Quả là chuyện không dễ dàng gì! Bởi lẽ, chúng ta còn quá nhiều hạn chế về kinh phí, phương tiện, kỹ thuật... kém hoành tráng như điện ảnh của các quốc gia “sừng sỏ” về lĩnh vực này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Và thoả mãn thị hiếu dân ta vốn dĩ đòi hỏi cao, vọng ngoại, chê nội. Thế nhưng, bộ phim “Con đường giác ngộ” vẫn “ngang nhiên” thành công ngoài sức tưởng tượng. Tuy “Con đường giác ngộ” đơn sơ, mộc mạc nhưng thật tinh tế, súc tích, hấp dẫn, gây ấn tượng sâu sắc, chạm đến tim người xem và chinh phục được người khó tính, cầu toàn, dù đó có phải là Phật tử thuần thành hay người mới hiểu đạo.
Đóng góp vào thành công “Con đường giác ngộ” ngoài nội dung, hoá trang, diễn xuất, cảnh trí, y trang, nhạc nền, may mắn hơn cả là chúng ta có được một diễn viên trẻ đẹp Tuấn Phương. Thật là duyên lành! Sở hữu một gương mặt, dáng vẻ, thần thái đẹp và giống đức Phật đến làm vậy. Ngay cả tài tử “gốc” Ấn Độ, quê hương của đức Phật cũng không sánh được với Tuấn Phương chúng ta. Anh lại diễn xuất quá giỏi, quá hay... từng lời nói, từng cử chỉ đã lột tả đầy đủ phong thái từ bi, trí dũng vốn dĩ có từ nhân cách đức Phật. Cũng xin gửi lời tán dương đến bốn diễn viên Gia Lâm, Nhất Duy, Thiên Tâm, David Phạm,... đã thể hiện hết lòng, đem đến sự hoàn mỹ cho bộ phim “Con đường giác ngộ”.
Ngoài nội dung, đạo diễn, hoá trang, cảnh trí, nhạc nền,... Chủ lực đem đến sự thành công tuyệt đỉnh, vô đối cho bộ phim “Con đường giác ngộ” phải kể đến giọng nói mà người phụ trách về khâu lồng tiếng, giọng nói quả là người dày dạn kinh nghiệm, đem đến hiệu quả nhất định cho cả năm nhân vật trọng yếu trong cuộc đời đức Phật: Đức Phật, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan Đà, Đề Bà Đạt Đa. Chính sự chọn lọc kỹ về giọng nói thật tinh tế, phù hợp, chuẩn xác đã hấp dẫn người xem. Theo dõi từ đầu đến cuối, nghe còn để hiểu ý nghĩa Phật pháp vốn dĩ “Phật pháp cao sâu mầu nhiệm, làm thân người đã khó, được nghe Phật pháp càng khó hơn nhiều”.
Những cảnh trong phim: đức Phật độ con rắn, độ con voi, đá lăn, độ tên sát nhân Vô Não, cảnh đức Phật nhập thiền định 49 ngày, thành đạo,... quá ấn tượng. Dù cảnh quay quá ít cũng đủ truyền tải, đủ thấm thía sự huyền diệu về đức độ, từ bi, trí dũng của đức Phật. Riêng cảnh đức Phật nhắm đôi mắt tịch diệt, kèm theo tiếng chuông, “chỉ cần có thế thôi” mà đã lấy không biết bao nhiêu là nước mắt của khán giả. Đạo diễn quá khéo, diễn viên diễn quá hay, quá thần thái! (Hai điểm mạnh: giọng nói và nhạc nền... Xin trân trọng gởi lời tán dương và cảm ơn sâu sắc!).
Trong nỗi khao khát “ghiền” được xem tiếp Tuấn Phương thủ vai đức Phật... cầu là được. Thật diệu nghiệm, con vui sướng biết dường nào khi được xem tiếp về cuộc đời đức Phật qua bộ phim “Tìm về bến giác”. Nhưng... con lại có cảm giác vô cùng thất vọng. Thất vọng vì không phải sự so sánh độ thành công của “Con đường giác ngộ”, bộ phim và diễn viên đạt giải thưởng xuất sắc trong liên hoan phim Phật giáo Vesak. Và cũng thừa hiểu nội dung giữa hai bộ phim “Con đường giác ngộ” và “Tìm về bến giác” có khác nhau xa. Đức Phật vẫn là đức Phật... về diễn xuất, diễn viên Tuấn Phương vẫn giữ phong độ, hoàn toàn xuất sắc, nhưng trong “Tìm về bến giác” đã bị thiếu vắng đi hai diễn viên thủ vai A Nan Đà và Mục Kiền Liên. Thôi âu cũng đành!
Điều đáng nói là ai đã phụ trách khâu lồng tiếng cho hai nhân vật vĩ đại, chủ yếu là đức Phật và Xá Lợi Phất? Ôi! Giọng nói đanh thép, thô, thiếu nội lực,... khiến bị giảm sút về phần nội tâm, ý pháp được phát ra từ đức Phật, Xá Lợi Phất truyền giảng. Thật là đáng tiếc cho bao tâm huyết, công sức khi thực hiện bộ phim “Tìm về bến giác” này. Vì để đầu tư về phim Phật, giọng nói luôn được xem là quan trọng hơn diễn xuất. Thưa có phải vậy không? Con xem mà cảm giác có hai vị Phật, hai vị Xá Lợi Phất,... thật chơ vơ, lạc lõng, thất vọng... Tại sao không giữ y nguyên như “Con đường giác ngộ”, liền lạc cả về mặt hay của bộ phim và tâm lý của người xem, thay đổi làm gì và dở quá? Đã thế, nhạc nền kỳ này khi nghe vo ve, vo ve giống như tiếng muỗi, tiếng ong, tiếng ve,... kêu. Thật là...!
Riêng diễn viên Hiếu Nghĩa thủ vai A Nan Đà, tuy là đẹp trai, sáng láng hơn A Nan Đà trong “Con đường giác ngộ”, nhưng diễn hời hợt, thiếu cái tâm, vốn dĩ A Nan Đà vừa là đệ tử, vừa là thị giả thân cận, trung thành với đức Phật nhiều nhất.
Về hoá trang, đức Phật kỳ này “đậm đà” hơn, đẹp sáng hơn, nhưng có vẻ diễn và thiếu trung thực hơn so với “Con đường giác ngộ”, (đáng tiếc!).
Kính thưa, như con đã nói, đầu tư sản xuất bộ phim về đức Phật không dễ dàng gì. Vả lại không thể lập lại bộ phim có cùng một nội dung vừa sản xuất, nhất là đức Phật, đã ăn sâu trong mọi tiềm thức Phật tử thuần thành và cho Phật tử mới vào đạo, phải liệu cân nhắc thật kỹ lưỡng thưa toàn thể quý vị. Cho nên xin tất cả tha thứ cho những lời nhận xét chân thành của kẻ chưa hề có sự đóng góp gì, chỉ có việc thưởng thức mà còn khen chê đủ thứ.
Tuy là như thế, song, bên cạnh của bộ phim “Tìm về bến giác” phải tán dương công đức của các diễn viên nữ. Tuy các cô không được “hot” là “sao điện ảnh”, chưa được nổi danh trong làng giải trí, nhưng các cô diễn xuất thật giỏi, thật hay và các cô rất đẹp, không thua gì hoa hậu, người mẫu. Ấn tượng nhất, để lại cảm xúc lớn nhất đó là cô thủ vai Liên Hoa Sắc. Điều đáng tán dương hơn cả là sự can đảm về việc cạo đầu láng nhẵn, dám bỏ đi mái tóc cực kỳ quý báu của phái đẹp như các cô quả là quá hy sinh. Chứng tỏ lòng quá ngưỡng mộ đức Phật, yêu nghề, yêu nghệ thuật của các cô. Xin tri ơn và tán dương!
Tóm lại, con xin đại diện cho tất cả khán giả trong và ngoài đạo đã được xem hai bộ phim “Con đường giác ngộ” và “Tìm về bến giác” tri ơn đến toàn thể quý thầy chùa Hoằng Pháp, toàn thể ekip đoàn làm phim. Phật tử Việt Nam chúng ta thật cừ khôi, đoàn kết,... đã dám nghĩ, dám làm phim về cuộc đời đức Phật, sẵn sàng “đọ sức” với bao nhà sản xuất phim ảnh “sừng sỏ” trên thế giới, kể cả Ấn Độ (cái nôi của Phật giáo). Thật tự hào! Thật hãnh diện! Xin tri ơn, xin tán dương, tán dương tất cả và tất cả.
Nam mô A-di-đà Phật!