Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Lá Thư Còn Lại 1

Lá Thư Còn Lại 1

Tác giả: Nhiều tác giả
Mục lục
Xem thêm
Lá Thư Thứ 10

Lá Thư Thứ 10

Cảm Tưởng

Về Hoa Đăng Phật Giáo

Tại Chùa Hoằng Pháp

Vào dịp cuối năm Kỷ Mão, tại Tổ đình Quán Thế Âm, tôi có dịp gặp lại Đại đức trụ trì chùa Hoằng Pháp, nhân dịp thầy đến đồng chủ toạ lễ ra mắt hai cuốn băng nhạc “Từng Giọt Ma-ni”. Thầy nói với tôi: “Dịp Tết Canh Thìn năm nay, chùa Hoằng Pháp có tổ chức Hoa đăng Phật giáo, đạo hữu lên chùa xem cho vui”. Tôi trả lời: “Kính bạch thầy, con và gia đình sẽ đến dự trong đêm khai mạc. Con xin cảm ơn thầy.”

Đối với tôi, những đêm hoa đăng thì tôi đã có dịp thưởng lãm nhiều lần rồi, nhưng với lễ hội hoa đăng Phật giáo thì đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói đến. Hoa đăng Phật giáo gợi lên trong tôi bao nhiêu là hình ảnh và ý nghĩa đẹp đẽ, nhất là đối với chúng tôi, những người con Phật thuần thành, bao lâu nay vẫn thầm mong được dịp dạo bước giữa muôn ánh hoa đăng thuần tuý và mang đậm màu sắc dân tộc và Phật giáo.

Chiều 27 tháng chạp, gia đình tôi cùng vài người bạn đi dự hoa đăng. Khi chúng tôi đến cổng chùa, phần nghi thức khai mạc đã bắt đầu. Rất nhiều chư Tôn đức, quan khách và Phật tử đã đến dự! Bãi giữ xe trước chùa tuy rất rộng lớn mà đã chật ních. Mọi người gặp ai cũng tay bắt mặt mừng như người thân trong cùng một nhà, cùng chào hỏi với hai bàn tay búp sen trước ngực, thân ái và thấm tình đạo vị. Phật tử đi dự đêm nay ai cũng chọn cho mình một bộ trang phục thanh nhã và khả ái nhất (như mấy chị em cô Thuỷ, những Phật tử trung kiên của chùa Hoằng Pháp). Cách đây thời gian không lâu, tôi có cơ duyên tham dự Khoá tu Phật thất lần 3, nên quang cảnh chùa Hoằng Pháp, tuy rộng trên ba hectares, nhưng đối với tôi không xa lạ. Tôi đã thuộc từng dãy nhà, từng lối đi, từng gốc cây cảnh, nhưng đêm nay khuôn viên ngôi già lam thân quen như được đổi mới hoàn toàn với khung cảnh vào đêm, với muôn ngàn hoa đăng đang rực sáng cảnh chùa. Tôi chợt ngỡ ngàng và sung sướng. Trong tôi, dâng lên niềm xúc cảm dạt dào...

Đêm hoa đăng Phật giáo... Ôi, những ánh đèn huyền diệu và kỳ bí, những ánh đèn lung linh và lộng lẫy trong đêm, như nhảy múa, như mời gọi, như đang tâm tình với chúng ta... Những ánh hoa đăng, hàng ngàn hoa đăng đang nhấp nháy và thắp sáng ngôi già lam thân yêu, đang thắp sáng tâm hồn ta, hướng tâm linh ta về đấng Thế Tôn muôn vàn kính yêu, như đang khuyến khích, đang khuyên bảo ta hãy nghe theo lời dạy của đấng Từ Bi để sớm phá tan màn vô minh đen tối đang bao phủ kiếp phù sinh, để sớm quay về bến Giác.

Những ánh hoa đăng đang rực sáng ngôi tổ đình và đang sáng rực trong tâm hồn tôi. Tôi như đang sống lại dĩ vãng ở quê hương, nơi xứ Huế xa vời. Vào đêm Phật đản, dòng sông Hương thơ mộng của tôi cũng được thắp sáng với muôn ánh hoa đăng huyền ảo và dịu hiền, trong tiết trời lành lạnh của đêm cuối xuân, trong mờ ảo và lung linh của dòng sông êm ả, ngọt ngào. Đó là “dòng sông thắp nến” như tâm tình của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, bạn tôi, đã viết trong tác phẩm cùng tên, nói về những đêm lễ hội rực rỡ ở Huế, mừng ngày đức Phật ra đời.

“Objetc inamimés, avez vous donc une aame?” - Hỡi cảnh vật vô tư, các ngươi có tâm hồn không? Các ngươi có đang xúc động cùng ta không? Có lẽ, vì người yêu không còn nữa, nên tác giả câu nói trên đã tâm tình với cảnh vật như thế! Cũng dễ hiểu thôi, vì Lamartine không được may mắn có cơ duyên như chúng ta bây giờ, biết và tiếp cận với Phật pháp, nên mới thốt lên những lời như vậy. Thi sĩ đâu có hiểu rằng, tất cả vạn vật, từ cỏ cây hoa lá đến loài sinh vật hữu tình, tất cả đều có sẵn trong mình một tâm hồn để xúc động, để chia sẻ những buồn vui với chúng ta. “Ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói trong một ca khúc quen thuộc.

Thì ta hãy nhìn kìa! Những ánh hoa đăng Phật giáo với muôn vàn vẻ diễm lệ trước mắt ta, đó cũng là những “objets inamimés”, nhưng rất linh động, rất sống động. Hào quang những ánh hoa đăng đang đi sâu và đi thẳng vào tâm hồn tôi, đang hiểu rõ và đang tâm tình với tôi. Bao nhiêu là cảm xúc dạt dào khó diễn tả!

- Đẹp quá, ba ơi! Rực rỡ quá! Lần đầu tiên trong đời con được chứng kiến đêm hội hoa đăng huyền diệu như đêm nay.

Lời nhận xét của cô con gái út, bỗng nhiên cắt ngang suy nghĩ của tôi.

- Kìa, con hãy nhìn xem! Bao nhiêu và bao nhiêu lồng đèn nhà chùa đang thắp sáng để mừng xuân mới! Con hãy nhìn kỹ, bên trên tam quan của chùa là những chiếc lồng đèn thập thiện được sắp xếp rất công phu theo chữ Vạn, làm tăng vẻ trang nghiêm của đêm hội hoa đăng. Và đây nữa, đôi Rồng chầu Phật đài, Lưỡng Long chầu Di Lặc, những hình ảnh hàm xúc bao nhiêu là ý nghĩa. Rồng, như con đã biết, tượng trưng cho nguồn gốc của dân tộc Việt Nam - con rồng cháu tiên. Rồng cũng là ý nghĩa của sự vươn lên không ngừng của dân tộc ta, vươn lên trong lao động, trong cần cù sáng tạo, vươn lên tinh tấn trong đạo Pháp nhiệm mầu. Đức Phật Di Lặc, đó là biểu tượng của an lạc và hạnh phúc. Ngài là hình ảnh của hạnh hỷ xả, vui vẻ và buông xả hết tất cả mọi phiền toái ở cõi đời trần tục, giả tạo. Có buông xả, ta mới được an vui. Xả tức là buông bỏ, là điều kiện tất yếu của hạnh phúc, mà hạnh phúc là tự do. Xả là tự do. Hãy biết buông xả để được sống trọn vẹn mùa xuân miên viễn. Và đây nữa, đây là cảnh vườn Lâm Tỳ Ni với bảy đoá hoa sen lớn, thật khéo léo và rực rỡ. Cặp lồng đèn kéo quân với mô hình chùa Một Cột ở miền Bắc trông thật sinh động làm sao! Và Huế mình cũng có một hình tháp chùa Linh Mụ đang dịu dàng soi bóng trên dòng sông Hương. Đẹp và ý nghĩa quá phải không con?

Nhà tôi thêm ý kiến:

- Những đoá hoa đăng, đó là những ngọn đèn tâm linh, là hình ảnh của Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ của đức Phật A-di-đà. Những đoá hoa đăng, đó là đức Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, là ánh sáng của từ bi, trí tuệ, Bát nhã, dẫn dắt ta đến Chân Như, Pháp Giới, Chân Không.

Những ánh hoa đăng, đó là hình ảnh của hồi quang phản chiếu mà giáo lý của đấng Thế Tôn thường dạy dỗ chúng ta. Chúng ta sống mấy mươi năm tưởng chừng như đã dài lắm, nhưng thật ra, ngày qua ngày, hết sáng đến tối loay hoay, nhìn lại năm tháng mấy chốc trôi qua như giấc mộng, nếu biết và nhận thấy rõ thân này như huyễn, cuộc sống như giấc mộng thì ta dứt sạch được phiền não. Tại sao ta không chịu hồi quang phản chiếu, tại sao ta cứ mãi buông tâm chạy theo ngoại cảnh, không chịu quay lại với tánh giác sáng suốt sẵn có của mình. Tại sao ta cứ thường bỏ Giác chạy theo Mê? Tự hồi quang phản chiếu là ta không còn chạy theo cái sắc thân ngũ uẩn giả dối và tạm bợ này nữa.

Những ánh hoa đăng lung linh tuyệt vời trên bầu trời của tổ đình Hoằng Pháp đêm nay đang khuyên bảo, đang thúc giục ta hãy nhìn lại chính mình. Nương theo hoa đăng, ta tự hồi quang phản chiếu để suy nghĩ lại trong năm qua, trong thời gian qua, ta đã học hỏi được gì? Ta đã nghiên cứu được gì về Chánh Pháp? Ta đã suy tư được gì? Và ta đã tiến được bước nào trên lộ trình tu học để từng bước đi lên trên con đường học Phật còn xa và còn dài?

Suốt trọn đêm giao thừa dương lịch 1999 - 2000, qua màn ảnh nhỏ của đài truyền hình thành phố HTV 7, cứ mỗi mười phút trước thời điểm bắt đầu của năm 2000 lần lượt khắp hành tinh chúng ta từ Đông sang Tây, tôi đã thức suốt đêm để được chứng kiến qua màn ảnh nhỏ bao nhiêu là lễ hội hoa đăng đầy đủ màu sắc, hoành tráng và vĩ đại của nhân loại đón chào thiên niên kỷ mới. Từ New Zealand, Sydney, Tokyo... rồi đến Bắc Kinh, New Delhi, Le Caire, Rome, Berlin, London, Paris... khắp nơi là những lễ hội pháo bông muôn màu muôn vẻ. Các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, còn thi nhau đốt pháo bông cho thật nhiều để soi sáng cả Đại Tây Dương! Tốn kém bao nhiêu là công sức và tiền bạc (có lẽ đến hàng chục triệu đô-la). Ở khắp mọi nơi, những đêm hội hoa đăng vui nhộn, rực rỡ, muôn màu, muôn vẻ đã lần lượt thắp sáng cả hành tinh bằng những loạt pháo bông rực rỡ... Lòng tôi cũng hân hoan hoà chung niềm vui của nhân loại trong giờ phút thiêng liêng của thiên niên kỷ mới. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm của tâm tư, tôi vẫn thấy như đang thiếu và đang hụt hẫng một điều gì đó. Nếu so sánh lễ hội hoa đăng của chúng ta với những đêm pháo bông rực rỡ, vĩ đại và hoành tráng của những thành phố lớn, giàu tiền, lắm của trên thế giới, thì có vẻ khập khiễng, nhưng theo tôi đó chỉ là sản phẩm phù hoa của nhân loại, nặng về hình thức phô trương mà không có tâm hồn. Những chùm pháo bông rực rỡ và toả sáng khắp hành tinh kia, cho dù thật vĩ đại, thật hoành tráng qui mô đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng chỉ trong phút chốc, loá sáng trong giây lát ngắn ngủi, như gió thoảng, như mây trôi, rồi tất cả sẽ chìm dần đi trong bóng tối, như màn vô minh dày đặc đang tiếp tục triền miên vây phủ chúng sanh trong cõi Ta-bà tạm bợ. Những giây phút rực rỡ đó rồi sẽ qua đi, lạnh lùng trôi qua mà không để lại một ấn tượng, một cảm xúc gì đặc biệt! Cho dù với phương tiện hiện đại và nguồn vật chất dồi dào, trong chốc lát, người ta đang thắp sáng cả hành tinh, cũng không bằng Phật tử Việt Nam chúng ta đang tự thắp sáng tâm linh của mình trong đêm hội hoa đăng Phật giáo.

Trở về với cội nguồn dân tộc, với đạo Pháp, còn gì đẹp hơn, còn gì sâu đậm hơn, hình ảnh của “dòng sông thắp nến” nơi quê hương tôi trong mỗi mùa Phật đản, sâu xa mà trầm lắng, tuyệt vời mà giản dị, cũng như những ngọn nến tâm linh đang thắp sáng hồn tôi trong đêm nay, đêm hội hoa đăng Phật giáo nhiệm mầu. Đây là tình quê hương Việt Nam yêu dấu, đây là hình ảnh của Tổ quốc mến yêu, đây là đạo tình, đạo tâm và đạo vị ngọt ngào như dòng suối mát. Đây là nguồn sáng từ bi hỷ xả của những người con Phật chúng ta, những người đã tâm nguyện suốt đời dẹp bỏ đi lòng vị kỷ và nuôi dưỡng lòng vị tha mà đối đãi với đồng loại. Một là tất cả, tất cả là một, như những cọng lau nương nhau mà sống, cái này có vì cái kia có, tất cả đều nương tựa vào nhau mà sống, mà tồn tại trong tình bao dung rộng lượng, bao la không bờ bến.

Nói lên lời cảm ơn hay khen ngợi cũng chỉ là khách sáo, nhưng con không thể không tỏ lòng mến phục và kính nể đối với vị Đại đức trụ trì chùa Hoằng Pháp đã có sáng kiến rất độc đáo và đã bỏ ra bao nhiêu công sức để cho hàng Phật tử chúng con được những giây phút tuyệt vời trong đêm nay. Đã lâu lắm rồi, và có lẽ đây là lần đầu tiên (theo ý nghĩ chủ quan của tôi), một lễ hội hoa đăng Phật giáo thắm đượm màu sắc dân tộc, thắm tình đạo vị, được tổ chức qui mô và đặc sắc như thế này!

Hoa đăng toả sáng đạo từ bi

Soi tỏ lòng ta ánh nhiệm màu

Tổ đình Hoằng Pháp lung linh sáng

Thắm tình đạo vị, dạt dào tình quê.

Kìa, từ trên cao, trong quần thể hài hoà và mỹ thuật, hình tượng đức Bồ-tát Quán Thế Âm đang rực sáng, rạng rỡ và tươi vui, từ bi và nhân hậu, đang ưu ái nhìn chúng con với nụ cười bao dung.

Kính lạy đức Quán Thế Âm Bồ-tát!

Hàng Phật tử chúng con luôn ghi nhớ công ơn cứu khổ, cứu nạn của Ngài. Với lòng bao dung rộng lớn bao trùm khắp tất cả chúng sanh, Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe những lời cầu xin của chúng con. Đêm nay, trong khuôn viên của ngôi già lam khiêm tốn ở một huyện ven đô thành phố Sài Gòn hoa lệ, chúng con tạm quên đi những nỗi khổ đau của trần thế, chúng con đang an vui trong tự tại để hoà chung niềm vui trong đêm hội hoa đăng, với tất cả mọi người. Chúng con như đang thấy rõ và cảm nhận nụ cười hiền dịu và bao dung của Ngài đang chia sẻ niềm vui cùng với chúng con.

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

Viết tại gác nhỏ Chân Như, mùa xuân năm Canh Thìn, Phật lịch 2544.

Phật tử Chúc Bảo

Bác Sĩ Trương Đình Hiên

Sách cùng thể loại
Góc Khuất
Góc Khuất
Nhiều tác giả
Ngày mới của tâm
Ngày mới của tâm
Chùa Hoằng Pháp
Nghi Lễ Hằng Ngày
Nghi Lễ Hằng Ngày
Chùa Hoằng Pháp
Lời Người Còn Ghi Lại
Lời Người Còn Ghi Lại
HT. Ngộ Chân Tử
Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Còn Lại 2
Nhiều tác giả
Thương yêu sự sống
Thương yêu sự sống
Thích Tâm An