

Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Thứ 34
Thái Bình, ngày 08 tháng 12 năm Tân Mão
Kính bạch thầy trụ trì chùa Hoằng Pháp! Con rất cảm động khi thấy thầy “Phật sự đa đoan” như thế mà vẫn nhớ đến chúng con và gửi đĩa Phật pháp cho chúng con. Con xin được cúi đầu tạ ơn Tam bảo, tạ ơn thầy trụ trì và các quý thầy chùa Hoằng Pháp đã dành cho chúng con sự quan tâm như vậy.
A-di-đà Phật! Kính bạch thầy! Được nghe lời thầy dạy, đôi khi con thấy ân hận vì mình kém phước, nên mãi đến sau này con mới được tiếp xúc với ánh sáng Phật pháp. Giá như con may mắn được tiếp cận với Phật pháp sớm hơn, chắc chắn đời con sẽ bớt đi nhiều chướng duyên và khổ đau. Vậy nên, nay được tiếp xúc với Phật pháp qua lời giảng tận tâm của quý thầy và cảm nhận được đức độ cao quý của các tu sĩ và cư sĩ Phật tử chân chính của đạo Phật, con cứ khát khao, giá như có được nhiều ngôi chùa “Hoằng Pháp” như chùa của quý thầy đang trụ trì thì thật quý giá biết bao! Vì nhiều người sẽ có cơ duyên đến với ánh sáng của Phật pháp, sẽ có nhiều người được sống hạnh phúc hơn và rất có thể có nhiều người được “vãng sanh” về nơi Cực Lạc thoát khỏi kiếp luân hồi chìm nổi.
A-di-đà Phật! Kính bạch thầy! Khi xem đĩa “Biết Bến Nào Trong”, con cứ thấy day dứt trong lòng, khi nhớ lại hình ảnh những bà con Việt kiều đang sinh sống tại vùng Biển Hồ, đời sống của họ thật vô cùng khó khăn vất vả, tương lai của họ quá mịt mờ. Con hình dung ra nỗi vui mừng của họ khi được đón quý thầy từ Việt Nam sang, mang cho họ ánh sáng Phật pháp và cũng mang cho họ hơi ấm của quê nhà.
A-di-đà Phật! Kính bạch thầy! Ở quê chúng con về đời sống kinh tế và văn hoá xã hội, nhìn chung có khá hơn những bà con ở vùng “Biết Bến Nào Trong”. Nhưng mà đời sống tâm linh, về Phật pháp thì có lẽ cũng giống như đời sống tinh thần của bà con ở vùng Tonlé Sap (Biển hồ Campuchia). Ở quê con, hầu như làng nào cũng có chùa, nhưng rất ít ngôi chùa có sư trụ trì. Còn hầu hết là dân làng cử ra một người gọi là “Thủ nhang” để ngày Rằm, mùng Một hằng tháng mở cửa chùa gõ chuông và mọi người ra thắp nhang lễ Phật như là một niềm tin được truyền lại từ nguồn cội chứ chẳng hiểu Phật pháp ra sao! Bởi hầu như chẳng có ai nói Pháp cho mà nghe, chẳng ai giảng kinh cho mà hiểu! Có thể nói quê chúng con bà con cũng có lòng lắm, cũng có nhiều người tu lắm, nhưng mà “tu mù”, chứ hầu như không được học hành, không người hướng dẫn. Có thể nói cũng giống như những trẻ em ở Tonlé Sap cũng khát khao học chữ nhưng vẫn mù chữ vì không được học! Thầy nghĩ hộ con xem có đáng buồn không!
Con cũng đã nghe thầy giảng về trưởng giả “Cấp-cô-độc”. Chúng con vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ đức hỷ xả của Ngài. Con trộm nghĩ (con xin sám hối trước Tam bảo) chúng con ở Thái Bình đang đói Pháp lắm! Về vấn đề này chúng con đang là “kẻ khó”, thiếu “cơm ăn, nước uống” liệu có quý thầy trẻ tuổi ở các tu viện, các chùa phía Nam (đặc biệt là ở chùa Hoằng Pháp) tình nguyện dấn thân làm một “Cấp-cô-độc” thời này không? Chúng con cứ mong ước đón được một “Cấp-cô-độc” như thế làm trụ trì ngôi chùa làng con và bố thí Phật pháp, hướng dẫn cho chúng con tu tập thì chúng con thật là có phước đức lớn. Bản thân con đã phát nguyện: Nếu có một “Cấp-cô-độc” dám xả thân về quê con giáo hoá Phật pháp, con xin tình nguyện dùng những năm tháng còn lại của đời mình làm một người giúp việc cho vị “Trưởng giả” ấy. Nếu không có cơ duyên may mắn ấy, nay mai khi đã hoàn thành nhiệm vụ xã hội giao (nếu như “Vô thường” chưa gọi đến), con sẽ từ giã quê hương vào Nam, cố gắng thu xếp để thuê (nếu có điều kiện thì mua) một chỗ ở gần chùa Hoằng Pháp để có cơ hội thường xuyên đến chùa tu tập và như vậy chúng con có cơ duyên được ở gần quý thầy, được nghe quý thầy chỉ dạy cho con đường tu tập, hy vọng sẽ sớm được vãng sanh về nơi Cực Lạc, thoát khỏi kiếp luân hồi chìm nổi này.
Nếu có thể được con xin quý thầy hoan hỷ cho con xin một đĩa “Oai nghi người tu Phật thất” để học cách thức tu tập thì thật là may mắn cho chúng con.
Một lần nữa con xin được tri ân quý thầy. Con xin kính chúc quý thầy thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành!
Kính thư!
Phạm Văn Nguyên