
Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Thứ 35
Kính bạch thầy Thượng toạ Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp!
Kính bạch thầy! Nay, con thành kính biên thư kính thăm thầy cùng chư Tăng của bổn tự!
Con kính bạch thầy! Con vui mừng kính báo sáng ngày ba, tháng mười một (03-11-2011) con nhận được Pháp bảo thầy ban cho con. Ấn phẩm Hương Pháp tập hai do thầy chủ biên. Khi tay con nâng niu ấn phẩm, con không khỏi trào dâng niềm hạnh phúc. Để có được ấn phẩm phải tốn biết bao công sức, trí tuệ của Ban văn hoá chùa Hoằng Pháp và các cộng tác viên cùng bao tác giả...
Kính bạch thầy! Con trân trọng mở từng trang, từng trang ấn phẩm. Ấn phẩm trình bày khoa học, hình ảnh sáng đẹp, nét chữ to rõ ràng (con tuổi đã cao mà vẫn đọc tốt), nội dung phong phú, giàu về thể loại... Trong chuyên mục: “Bước đầu học Phật” có bài viết “Những nét đặc sắc cơ bản của Phật giáo” của thầy Thích Trí Huệ. Thầy đã chỉ cho Phật tử chúng con hiểu những điều cơ bản về Phật giáo: Những điều đức Phật dạy không do Ngài suy tưởng ra hay dựa vào hệ thống kinh điển nào đó, mà đó là những chứng nghiệm sâu sắc về sự hiện hữu của vô thường, khổ, vô ngã, nhân quả, nghiệp báo... Đó là sự thật cuộc đời, tồn tại suốt không gian và thời gian. Đạo Phật đưa con người đến vẻ đẹp toàn diện cả về hình thức lẫn tinh thần. Về hình thức, người học Phật có cử chỉ, lời nói ôn hoà, chuẩn mực, toát lên vẻ oai nghiêm, đức hạnh (oai nghi và tế hạnh). Hình ảnh những nhà tu hiền lành, sống đời phạm hạnh, dấn thân vào đời cứu giúp cho bao chúng sanh thoát khổ đã trở thành hình tượng đẹp đẽ giữa lòng cuộc sống.
Con kính bạch thầy! Hương đức của thầy đã toả khắp nhân gian. Bài viết: “Hành trình học đạo của Phật tử phương Tây” do thầy Thích Tâm An thực hiện đã nói lên tất cả. “Là một giảng viên nghệ thuật học đã về hưu, ông Ivolase người Bỉ, đã quyết định dành khoảng thời gian còn lại của mình để du lịch đến đạo tràng các nước. Qua đó, ông sẽ tìm hiểu, học hỏi, thực tập các phương pháp hành trì để chia sẻ cùng các học trò, bạn bè và người thân của mình. Cũng là một cái duyên khi trong chuyến du lịch tâm linh ấy, ông đã chọn chùa Hoằng Pháp làm một trong những điểm dừng chân tại Việt Nam”.
Con kính bạch thầy! Hoà thượng Thích Trí Tịnh, trong chuyên mục “Tịnh Độ”, với bài “Nhắn nhủ tu hành”, Ngài dạy: “Trong sinh hoạt hằng ngày, có những điều giúp mình tăng phước và giảm phước mà chúng ta không để tâm lưu ý. Trong mười đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền, điều nguyện thứ năm là “tuỳ hỷ công đức” dễ thực hiện lắm, lấy công đức của người làm công đức của mình”. Ngài dạy cho Phật tử chúng con điều rất đơn giản, dễ thực hiện mà phước rất lớn.
Con kính bạch thầy! Con rất mừng là gia đình con, từ ông bà cho tới thế hệ cháu con, đều ham đọc sách báo, khi có sách báo gì con cháu đều giành nhau đọc, chính vì lẽ đó, con là bà mà phải nhường cho cháu học lớp ba đọc. Đang đọc bỗng cháu reo to:
- Bà ơi! Có bài này hay lắm cơ!
- Cháu nói bà nghe nào!
- “Người chăn bò” bà ạ!
- Tác giả là ai hả cháu?
- Thầy Thích Chân Tính thưa bà!
- Ừ, cháu đọc đi.
Cháu vui thích đọc đến đoạn “người chăn bò không hưởng được hương vị của sữa từ đàn bò...”, bố cháu nhắc cháu học bài, cháu tiếc nuối nói với con: “Bà để cháu đọc, nhớ đừng cho ai mượn bà nhé!” Con kính bạch thầy! Con đọc tiếp phần còn lại, thầy dạy Phật tử chúng con: “Trong cuộc đời này, nếu ai cũng hiểu được Phật pháp, ai cũng tin sâu nhân quả, cũng sống đúng lời Phật dạy thì chắc rằng thế gian sẽ an vui, thanh bình.” Con đọc liền ba ngày, sau đó người thân mới đọc. Vậy là, Phật tử chúng con lại có tài liệu của Phật giáo để học, để hành đúng lời Ngài dạy cho đời này an lạc và kiếp sau thoát cảnh luân hồi, được sinh về quê đức Phật A-di-đà! Nguyện là vậy, xong có ăn chay, có niệm Phật được đều đặn hằng ngày hay không mới là cái khó đối với Phật tử mới như chúng con. Một vài vị cao tuổi như con thì hứa là làm được, còn người trẻ thì khó, thôi thì cứ dần dần...
Kính bạch thầy! Ấn phẩm Hương Pháp của bổn tự ra đời đã đem lại lợi lạc cho hàng Phật tử chúng con. Vì ở đâu cũng đọc được, một người đọc nhiều người được nghe, rồi truyền nhau mà đọc, san sẻ cho nhau. Có những từ Phật học đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu được và nhớ mà ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Thí dụ: Vấn đề tu học gồm có từ “Văn, Tư và Tu” nếu không được thầy giảng nghĩa trong bài “Người chăn bò” thì Phật tử chúng con làm sao hiểu được nên trăm nghe không bằng một đọc. Hàng Phật tử chúng con vô cùng biết ơn và xin chân thành cảm ơn bổn tự mà đặc biệt là thầy, người chủ biên của ấn phẩm Hương Pháp tập hai.
Mỗi khi ấn phẩm trên tay
Là con lại nhớ đến ngay lời thầy
Thầy dạy con phải học hay
Chuyên chăm tu học, hành ngay con à!
Chúng sanh sống cõi Ta-bà
Mà không học Phật thật là khổ thay
Nên con phải nhớ hằng ngày
Ăn chay, niệm Phật đổi thay con người
Miệng luôn luôn nở nụ cười
Sống luôn thể hiện là người thanh lương
Lời nói phải có vị hương
Hương sen thơm mát bốn phương hài hoà
Rồi sau con sẽ hiểu ra
Học Phật là lẽ sống của ta đó mà!
Cuối thư con kính chúc thầy sức khoẻ để đem lại sự bình an, hạnh phúc cho muôn dân.
Con kính thư!
Nguyễn Thị En