
Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Thứ 77
Thái Hà, ngày 09 tháng 10 năm 2012
Kính thưa Thượng toạ Thích Chân Tính.
Bạch thầy! Con thành thật xin lỗi thầy, con xin được thưa với thầy:
Con là: Phạm Mạnh Tường.
Quê quán: Xã Thái Hà - Thái Thuỵ - Thái Bình.
Chức vụ: Hiện là Bí thư Đảng uỷ, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thái Hà - Thái Thuỵ - Thái Bình.
Đã từ lâu con muốn viết thư cho thầy nhưng con sợ và rất ngại vì con không phải là Phật tử. Tối nay con mạnh dạn viết thư tâm sự với thầy: Quê nhà con vốn là làng Thuyền Quan ngày xưa, từ năm 1956 đến nay đổi tên thành xã Thái Hà. Theo sử sách thì mảnh đất này đã có cách đây chừng 2500 năm. Làng Thuyền Quan chúng con đã từng có 3 ngôi chùa, 4 ngôi đình làng và một đền thờ quan Thượng thư Quách Hữu Nghiêm đã 509 năm. Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng văn hoá từ Trung Quốc, mà lần lượt cả 3 ngôi chùa và 4 đình to, đẹp đều bị phá bỏ để làm sân kho của Hợp tác xã vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Sau này, được cấp đất cho dân ở. Trong ba ngôi chùa đó có một ngôi chùa hiện còn phần lăng tháp cụ sư tổ. Cụ sư tổ đã từng hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ đã tổ chức một đội quân đứng lên đánh giặc Pháp làm cho quân địch nhiều phen khiếp vía, kinh hoàng. Khi phá chùa, phá đình, nhiều pho tượng Phật được thả trôi lềnh bềnh ngoài sông. Mãi đến những năm gần đây, con mới dần hiểu được vị trí, tầm quan trọng của những ngôi chùa, ngôi đình làng của quê hương con, cũng như các ngôi chùa, đình làng trong văn hoá Việt. Đặc biệt là con đã được xem nhiều băng đĩa mà quý thầy thuyết pháp, giảng đạo, trong đó có thầy giảng về Phật pháp nhiệm mầu. Con nhận thấy nhân dân quê hương chúng con thiệt thòi nhiều, các thế hệ con cháu của làng chúng con không được bằng người, các cụ già trong xã từ nhiều năm nay phải đi quy y ở chùa Phúc Lâm xã bên cạnh, các cụ phải đi chừng 4km mới tới chùa để hành lễ. Thật là vất vả, nhiều phiền toái, các vong hồn những người đã khuất cũng chịu những thiệt thòi đó!
Thầy ơi! Hiểu được một phần nhỏ về đạo Phật, về quy luật luân hồi trong đạo Phật. Mấy năm nay, con cũng đã đặt vấn đề, thậm chí thảo cả những lá đơn giúp các cụ để các cụ đứng lên xin đất khôi phục lại ngôi chùa. Cũng chính con phải đứng ra trình bày tại các hội nghị của Đảng, họp với nhân dân để thống nhất xin quy hoạch đất để xây dựng một ngôi chùa chung của toàn xã và thống nhất lấy tên làng ngày xưa đặt là “Thuyền Quan Tự”. Cũng rất may đến tháng 11-2010, chúng con đã quy hoạch được 1800 m2 đất trồng lúa để xây chùa.
Hiện chúng con đang xúc tiến chuẩn bị cho việc hạ móng chùa vào ngày 02-09-2012 (âm lịch). Đồng thời, làm đơn xin để có nhà sư về trụ trì lo những công việc sau này. Hiện nhà sư còn đang đi học tại Học viện Phật giáo Hà Nội. Thầy đã nhận lời nhưng chỉ có ngày Rằm và mùng Một thầy mới về để hướng dẫn cho các cụ tụng kinh, niệm Phật. Thầy ơi! Từ mấy tháng nay công việc từ họp bàn, việc san lấp mặt bằng, tìm thầy cắm hương, động thổ, chuẩn bị cho lễ động thổ đều do Đảng, chính quyền xã đứng ra, mà con là người chịu trách nhiệm chính, vất vả con không ngại, nhưng trong cán bộ và nhân dân cũng còn một số ít chưa đồng thuận cao. Nhiều đêm về con đâu ngủ được, suy nghĩ nhiều, muốn làm nhiều mà không biết làm gì và làm từ đâu, việc gì trước, việc gì sau? Con cũng đã đi nhiều chùa, hỏi nhiều thầy từ việc xin đất, xin nhà sư, cách tổ chức, vận động sao có tiền để làm chùa? Công việc của con thì quá bận...
Thầy ơi! Chuẩn bị ngày Hạ làng rồi, công việc còn nhiều lắm, con ngồi tâm sự với thầy để chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của con với thầy, cũng như tỏ lòng thành kính, kính trọng và mến mộ tài năng, đức độ, hiểu biết của thầy. Con rất mong có dịp nào đó thầy ra Bắc thăm quê hương con và được thấy ngôi chùa nhỏ bé của làng con, được trực tiếp nghe thầy thuyết pháp, giảng đạo với Phật tử và nhân dân địa phương chúng con.
Con rất hiểu đấy chỉ là mong ước thôi! Mong ước thì như thế, nhưng với một miền quê thuần nông còn nghèo, bao nhiêu năm nay không có chùa, không có nhà sư hướng dẫn, do vậy mà nề nếp gia phong cũng như lòng tin của nhân dân đối với đức Phật không nhiều! Vì thế, nên việc công đức của quê hương con để xây dựng ngôi chùa cũng hết sức khó khăn và cũng chưa biết trong bao nhiêu năm công trình mới hoàn thành để nhân dân và các Phật tử có thể đến sinh hoạt tâm linh cũng như tụng kinh, niệm Phật. Con cũng đã có mấy lần đi công việc ở một số tỉnh trong miền Nam, con đã thấy nhiều ngôi chùa to đẹp và sạch sẽ, các Phật tử tối tối đến chùa tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật rất có nề nếp. Con cảm thấy dân làng con thiệt thòi quá thầy à! Thầy đã đi nhiều nơi, có nhiều kinh nghiệm, con mong thầy chỉ bảo giúp con cách thức tổ chức, vận động để chúng con sớm có ngôi chùa như mong muốn và cũng là tạo phúc, tạo đức cho các thế hệ con cháu của quê hương con nghe thầy. (Văn phạm chỗ nào không đúng với đạo Phật con mong thầy thứ lỗi cho con).
Phạm Mạnh Tường