Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Lá Thư Còn Lại 1

Lá Thư Còn Lại 1

Tác giả: Nhiều tác giả
Mục lục
Xem thêm
Lá Thư Thứ 82

Lá Thư Thứ 82

 

Kính bạch thầy!

- Có một lần đến chùa con được nghe thầy thổ lộ tâm nguyện của mình rằng thầy luôn nghĩ cách làm sao để ngày càng có nhiều người hơn biết đến Phật pháp. Là một Phật tử chùa Hoằng Pháp, con luôn lấy thầy làm tấm gương tu học và nguyện góp sức mình vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của thầy cũng như của chùa. Những lúc rảnh rỗi, con cũng dành thời gian nghĩ về việc làm thế nào để đưa Phật pháp lan rộng hơn ra ngoài xã hội, giúp cho thêm nhiều người được hưởng niềm an lạc, hạnh phúc chân thật mà Phật pháp mang lại. Ngoài những Phật sự chùa đã và đang thực hiện rất thành công, sau đây là một số cách khác mà thầy có thể tham khảo:

- Những tấm lưng thuyết pháp: Đặt làm những chiếc áo phông, áo gió, áo mưa... có in lời Phật dạy ở phía sau lưng, ví dụ như những câu kinh Pháp cú chẳng hạn, sau đó gửi tặng hoặc bán lại cho Phật tử với giá gốc và khuyến khích Phật tử mặc những chiếc áo này ra đường hoặc đến chỗ học, chỗ làm.

- Những quyển vở thuyết pháp: Đặt làm những quyển vở ngoài bìa in hình và thơ liên quan đến Phật pháp, bên trong dưới mỗi trang in một câu Phật học, hoặc in lần lượt các câu kinh cho đến khi hết quyển vở thì hết một bài kinh ngắn, hoặc đơn giản là chỉ in câu Phật hiệu “Nam mô A-di-đà Phật”... như thế thì hằng ngày người sử dụng quyển vở, ví dụ như các em học sinh, sẽ luôn được tiếp xúc với Phật pháp. Những quyển vở như vậy, có thể dùng làm quà tặng cho các trường học hay bán cho Phật tử để họ hoặc con em họ sử dụng.

- Văn phòng phẩm, quà lưu niệm in lời Phật dạy: Cách này tương tự như cách trên, nhưng không thiết thực lắm. Nó thích hợp cho Phật tử tại gia hơn. Chùa mà buôn bán những thứ như vậy thì có thể sẽ mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh.

- Quán cà phê Phật pháp: Cách này cũng dành cho Phật tử tại gia. Thầy có thể khuyến khích những Phật tử có điều kiện kinh tế mở quán cà phê, tại đó khách hàng sẽ được nghe ca nhạc Phật giáo, nghe thuyết pháp, đọc sách Phật học tại chỗ,... tương tự như vậy, Phật tử cũng có thể mở các loại quán khác như quán ăn chay, quán trà đạo, quán kem - sinh tố,...

- Tìm cách đưa các ngày lễ của đạo Phật thành quốc lễ. Ngày lễ Giáng sinh của đạo Thiên Chúa gần như đã trở thành “quốc lễ”. Ai cũng biết đến ngày này, mặc dù phần lớn không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhìn lại ngày lễ Phật đản của chúng ta mà thấy ngậm ngùi, thậm chí có một số Phật tử còn không biết ngày lễ Phật đản là ngày gì? Hiện nay, có lẽ lễ Vu Lan là lễ hội Phật giáo được những người không theo đạo Phật biết đến nhiều nhất. Việc phổ biến lễ Vu Lan trong xã hội cũng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Chúng ta có thể dùng các cách như: tổ chức diễu hành, tổ chức ca nhạc ngoài trời, tổ chức toạ đàm về tình cha mẹ, tổ chức triển lãm chủ đề Vu Lan, tổ chức thi viết truyện ngắn về Vu Lan, xin phép tổ chức lễ Vu Lan tại các trường học (mời cả phụ huynh, học sinh tham dự), phát động phong trào tặng quà cho cha mẹ nhân dịp Vu Lan, phát hành thiệp mừng Vu Lan (con cái sẽ tặng thiệp cho cha mẹ, nên đính kèm một tờ rơi bên trong nói rõ ý nghĩa ngày Vu Lan Báo Hiếu, khuyến khích mọi người viết những lời yêu thương lên thiệp và gửi tặng cho cha mẹ mình),...

- Đưa Phật pháp vào văn học, nghệ thuật: chùa Hoằng Pháp đã rất thành công khi tiến hành đưa Phật pháp vào các loại hình nghệ thuật như ca, múa, phim, hài kịch, cải lương,... có nên chăng, chúng ta tiếp tục đưa Phật pháp vào thêm các loại hình nghệ thuật khác nữa, nhất là đưa vào trong văn học. Với người không theo đạo Phật, nếu đưa cho họ một quyển tiểu thuyết và một quyển sách Phật, thì phần nhiều là họ sẽ chọn quyển tiểu thuyết. Vì thế, quý thầy, quý cô, cũng như quý vị Phật tử, nếu ai có khả năng viết truyện hoặc làm thơ (tất nhiên là nội dung về Phật pháp) thì nên sáng tác và tập hợp lại thành sách để dùng làm phương tiện hoá độ chúng sinh.

- Những câu Phật học quanh sân chùa: Chuyện đại cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám nhân một buổi viếng cảnh tại chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn, đọc được bài kệ của tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa, mà có ấn tượng sâu sắc về đạo Phật và sau đó ít lâu đã quy y Tam bảo, chắc nhiều người biết đến. Sân chùa Hoằng Pháp rất rộng, nhưng quanh sân chùa hiện nay ta bắt gặp chủ yếu là những câu nhắc nhở khách tham quan không hút thuốc, không ăn mặc hở hang, không tình tứ, gái trai... có hai bảng thông báo, trên đó có dán những bài viết về Phật học nhưng có lẽ vì chúng hơi dài nên nhiều người cũng ngại đọc. Con nghĩ thầy có thể bố trí thêm những câu Phật học ngắn gọn mà sâu sắc ở đâu đó quanh sân chùa (như dưới mỗi gốc cây chẳng hạn), chùa Hoằng Pháp khách tham quan rất đông, và biết đâu trong số đó chúng ta lại có một Tâm Minh - Lê Đình Thám thứ hai!

- Thư viện công cộng: Đầu tư mở các thư viện Phật học ở các quận đông dân trong thành phố. Ngoài chức năng cho đọc sách miễn phí và cho mượn sách về nhà, các thư viện này còn có thể được dùng để làm nơi tặng kinh sách, băng đĩa cho Phật tử. Tuy nhiên, vấn đề là, ngày nay cuộc sống quá gấp gáp, văn hoá đọc không còn được như xưa, có lẽ nên mở một thư viện thử nghiệm trước, rồi nếu thấy hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng.

- Lớp học giáo lý: Phật tử tại gia khi tham dự vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh rất cần được trang bị một nền tảng giáo lý vững chắc. Với cơ sở vật chất hiện có, chùa mình có thể mở các lớp giáo lý từ cơ bản đến nâng cao (học vào tối thứ 7 chẳng hạn) để Phật tử nào có nhu cầu thì về chùa học tập. Quý thầy đi học các lớp Trung Cấp, Cao đẳng về có thể lấy những kiến thức đã học dạy lại cho Phật tử, đó cũng là cách rất tốt để quý thầy nhớ bài và tập thuyết giảng trước đông người.

- Mở rộng địa bàn và đối tượng nhận từ thiện: Chùa chúng ta mỗi lần đi từ thiện đều tặng kèm Pháp bảo. Nhiều nơi mới và nhiều người mới nhận từ thiện hơn, đồng nghĩa với việc nhiều nơi mới và nhiều người mới được nhận băng đĩa, kinh sách Phật pháp hơn. Việc từ thiện chỉ là phương tiện, hoằng pháp lợi sinh mới là chính yếu.

- Những công trình xã hội: Tham gia xây dựng các công trình xã hội sẽ giúp chùa chúng ta được nhiều người biết đến hơn nữa. Những người được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình đó sẽ có thiện cảm với đạo Phật, thậm chí có thể sẽ quy y và trở thành Phật tử. Các công trình xã hội như: cầu qua suối, kênh, rạch, đường nông thôn, nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, trung tâm nhân đạo,...

- Trường tiểu học, trung học, đại học Hoằng Pháp: Việc trang bị kiến thức Phật pháp và định hướng tư cách đạo đức cho học sinh, sinh viên trước khi các em bước vào đời là vô cùng quan trọng. Việc xây dựng cơ sở vật chất, tuyển giáo viên, quản lý trường... tất cả đều giao cho cư sĩ lo liệu. Chúng ta chỉ lo cử người đến giảng dạy môn Phật học Phổ thông, môn học mà tất cả học sinh của những ngôi trường này sẽ bắt buộc phải học.

- Trung tâm hoằng dương Phật pháp trên mạng: Chúng ta có thể phong phú hoá nội dung của trang web chùa bằng cách thêm vào các mục như: thư viện (một thư viện online có thể chứa đựng toàn bộ kinh điển và sách Phật học hiện có mà không tốn bao nhiêu dung lượng), từ điển (trong quá trình đọc, học và dịch kinh sách Phật giáo nhu cầu tra cứu từ điển chuyên ngành Phật học rất lớn, việc xây dựng một từ điển online quy mô và đa dạng sẽ có ích rất nhiều cho cả Phật tử tại gia cũng như người xuất gia), diễn đàn (là nơi thành viên của trang web có thể đăng các bài viết về đạo Phật của mình, là nơi phát huy trí tuệ của Phật tử, và là nơi giao lưu, trao đổi về Phật học), hỏi đáp (một mục hỏi đáp riêng sẽ giúp ích rất nhiều cho Phật tử trong quá trình tu học, những câu hỏi dễ thì để cho thành viên của trang web trả lời, những câu hỏi khó thì quý thầy quản lý trang web sẽ thỉnh ý kiến Sư phụ rồi trả lời cho người hỏi)...

- Bằng chứng về lợi ích của sự niệm Phật: Người thời nay, nhất là thành phần trí thức, cái gì cũng cần phải có bằng chứng rõ ràng họ mới có thể tin tưởng. Chùa chúng ta hoằng dương Tịnh độ, nhất định phải viết sách hoặc làm đĩa về lợi ích của sự niệm Phật để người chưa tin thì khởi lòng tin, người đã tin thì tin sâu sắc hơn vào pháp môn: “Quảng đại vi diệu, nhất thiết chư Phật xưng tán” này. Các đề tài có thể tham khảo như: Những người đã vãng sinh Cực Lạc (sưu tầm những chuyện vãng sinh đặc sắc của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam), những người niệm Phật khỏi bệnh nan y, những người niệm Phật chuyển nguy thành an, những người niệm Phật chuyển hoá bản thân và gia đình...

- Thành lập Hội Hoằng Pháp Viên: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Có một đoàn thể với những hội viên cùng chí hướng hoằng pháp lợi sinh sẽ có ích rất nhiều cho công cuộc hoằng pháp. Chùa chúng ta hiện nay có đầy đủ điều kiện về nhân lực cũng như vật lực để thành lập một đoàn thể như thế.

- Sách “Nhận thức đúng đắn về đạo Phật”: Thực tế là hiện nay nhiều người nhìn thấy những điều sai chánh pháp đang diễn ra trong một số ngôi chùa mà có nhận thức sai lầm về đạo Phật, cho đạo Phật là trái khoa học, là cầu nguyện suông, là mê tín dị đoan, là buôn thần bán thánh... Mong thầy soạn một quyển sách chỉ ra đâu là đạo Phật chân chánh, đâu là nhận thức đúng đắn về đạo Phật, để các Hoằng Pháp Viên có phương tiện giáo hoá những người có cái nhìn sai lầm như vậy. Biết đâu, khi có hiểu biết đúng đắn về đạo Phật họ lại quay về nương tựa Tam bảo và trở thành một người Phật tử chân chính.

- Phát huy trí tuệ tập thể: Nhiều người bao giờ cũng nghĩ ra nhiều ý tưởng, nhiều phương pháp hơn. Thầy nên khuyến khích chư Tăng tại chùa cũng như đệ tử tại gia dành thời gian suy nghĩ về việc hoằng dương Phật pháp, làm cách nào để càng nhiều người hơn nữa biết đến Phật pháp. Chắc chắn khi phát huy được trí tuệ tập thể chúng ta sẽ có rất nhiều ý tưởng khả thi, thiết thực, độc đáo, sáng tạo,... để đưa Phật pháp lan rộng trong dân gian, làm lợi ích cho mọi người, mọi loài.

Tuy có nhiệt tâm nhưng do tài hèn, sức mọn nên con chẳng nghĩ được bao nhiêu cách. Trong khi trình bày ở trên, nếu có gì không phải, mong thầy vì thương tưởng tuổi trẻ non nớt, ấu trĩ mà từ bi bỏ qua cho con. Con xin không dài dòng làm tốn thời gian quý báu của thầy nữa. Kính chúc thầy pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, chúng sinh dị độ, Phật đạo viên thành! Nam mô A-di-đà Phật!

Tái bút: Gần đây con về chùa thấy nhiều người tập trung hứng hoa Sala trông rất phản cảm thầy ạ! Chùa Hoằng Pháp là nơi hoằng truyền chánh pháp mà lại để một việc đậm màu sắc mê tín như thế tiếp diễn thì không nên chút nào! Mong thầy tìm cách nào đó (thầy làm một bài thơ khuyên mọi người tin vào nhân quả, đừng hứng hoa nữa, rồi dán ở gốc cây, chẳng hạn) để sự việc này chấm dứt nếu không thì những người hiểu đạo lần đầu đến chùa thấy như vậy sẽ mất cảm tình với chùa, và chỗ gốc cây Sala sẽ trở thành điểm mất trang nghiêm, thanh tịnh, mất an ninh, trật tự nghiêm trọng.

A-di-đà Phật!

Phật tử xin giấu tên

Sách cùng thể loại
Góc Khuất
Góc Khuất
Nhiều tác giả
Ngày mới của tâm
Ngày mới của tâm
Chùa Hoằng Pháp
Nghi Lễ Hằng Ngày
Nghi Lễ Hằng Ngày
Chùa Hoằng Pháp
Lời Người Còn Ghi Lại
Lời Người Còn Ghi Lại
HT. Ngộ Chân Tử
Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Còn Lại 2
Nhiều tác giả
Thương yêu sự sống
Thương yêu sự sống
Thích Tâm An