Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Lá Thư Còn Lại 1

Lá Thư Còn Lại 1

Tác giả: Nhiều tác giả
Mục lục
Xem thêm
Lá Thư Thứ 103

Lá Thư Thứ 103

 

Ngày 08 tháng 08 năm 2013

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

Kính bạch thầy!

Con! Phật tử Diệu Nga, hôm nay con mạo muội viết vài dòng chữ này, kính mong thầy hoan hỷ đọc giùm con.

Kính thưa thầy! Là Phật tử khi thấy ai đó có khả năng hoằng pháp dù là lớn hay nhỏ con đều rất hoan hỷ. Có việc này con xin phép được thưa với thầy. Con có người ông là em ruột của ông ngoại con ở ngoài Nha Trang. Có lần con về thăm ông, con gặp bạn của ông con sang chơi. Ông con mới giới thiệu với ông ấy con là cháu ở TP.HCM ra thăm, nó cũng hay đi chùa Hoằng Pháp và làm việc Phật pháp, vậy là con được làm quen với ông ấy.

Qua lời tâm sự, con được biết ông đã 95 tuổi, công việc của ông hằng ngày là buổi sáng ở nhà ghi chép sổ sách, chiều khoảng 3 giờ đến 6 giờ là ông đi tặng đĩa, có tư liệu nào hay thì ông photo và đĩa thì ông chịu khó ghi chép vào sổ. Ví dụ: Ông đưa nhà này đĩa A và nhà kia đĩa B thì ông ghi rõ ràng để hôm sau không đưa trùng đĩa. Nếu có nhiều đĩa thì ông tặng luôn! Mỗi ngày ông đi khoảng hai đến ba cây số, có khi xa hơn nữa, xong việc là ông vòng về. Ông còn vào các quán ăn để tặng đĩa nữa. Có những người bán hàng ăn mặn, chưa hiểu gì về Phật pháp ông cũng hướng dẫn cho mà tu. Vậy là họ xem ông như ông ngoại nên cũng thường tới lui. Sau một thời gian, thì quán ăn của họ cũng có đĩa Phật pháp để tặng cho khách. Ông có dẫn con đến quán ăn đó để thăm. Thấy hình ảnh của ông con rất thương và thầm thán phục một người già như vậy mà sống thong dong trong biển pháp mênh mông. Thật là đáng quý! Có lần con hỏi ông: “Tiền ở đâu mà ông làm việc này hoài?” Ông cười và trả lời rất thản nhiên: “Phật cho”, rồi ông nói tiếp: “Làm được điều gì cho mọi người an vui là ông vui rồi”. Khi con hỏi ông về cách tu tập thì ông nói: “Ông lớn tuổi rồi nên không đọc kinh mà mỗi ngày ông ngồi trên ghế và để hình Tam thế Phật trước mặt. Vậy là ông vừa niệm Phật vừa xá xuống khoảng 1.000 đến 3.000 câu niệm Phật trong một ngày (tuỳ theo sức khoẻ mỗi ngày)”. Con hỏi: “Ông đi hoài như vậy có mệt không?” Ông nói: “Mệt thì ông nghỉ. Mà không sao đâu con. Hai chân ông cứ một bước là “Nam”, một bước là “Mô”, một bước là “A”... Cứ như vậy là ông đi khoẻ thôi!” Con thấy hình ảnh của ông mà cứ thổn thức trong lòng. Con suy nghĩ phải làm một cái gì đó để ông vui. Vậy là con về thăm ông con lần nữa, và sang nhà của ông chơi. Con đến vào giờ ông chuẩn bị đi làm Phật sự và đem theo máy chụp hình chụp mấy tấm, nhìn thấy hình một cụ già tay cầm túi xách đi hoằng pháp thật đáng kính làm sao!

Cách đây hơn một năm rưỡi, con có về chùa Hoằng Pháp và đến Văn phòng của chùa, con có gặp một thầy con không biết tên, thầy cao và đeo kiếng cận trắng gọng màu đen. Thầy còn trẻ. Con thưa với thầy là con nhờ thầy một chuyện để đưa hình ảnh của ông cụ lên báo cho ông cụ vui, nhưng con không có năng khiếu viết bài, chỉ tóm tắt công việc của ông và kèm theo mấy tấm hình. Thầy đó nhận nhưng ngần ngừ vì con không viết bài, con thưa là nhờ thầy giúp giùm chứ con không biết viết văn. Thời gian sau con đến gặp thầy và hỏi thì thầy nói là chưa làm. Thấy không có kết quả gì nên con xin thầy cho con xin lại mấy tấm hình của ông cụ thì thầy bảo là thầy để ở đâu rồi, để thầy tìm lại mai mốt cô đến. Như vậy là con biết không có chút hy vọng nào, nên con đi về luôn. Ra về mà lòng con thật buồn bã và tự giận mình sao mà ngu si, một bài văn nhỏ cũng không viết được!

Mỗi lần về Nha Trang thấy ông mà con hổ thẹn trong lòng. Thôi thì mọi việc đã quá lâu rồi. Năm nay ông đã 97 tuổi, sức khoẻ mỗi ngày một yếu đi nên thời gian sau này ông chỉ đi một tuần hai đến ba ngày và tư liệu hay ông vẫn photo để tặng. Còn đĩa cũng vậy có bao nhiêu ông tặng bấy nhiêu, chứ không như mấy năm trước, cho mượn về phải ghi sổ mất công lắm vì ông yếu rồi!

Hôm trước, rằm tháng tư vừa qua, con có về Nha Trang và đến thăm ông. Ông khoe là đã chuẩn bị sẵn hai thùng quà nhỏ để đi phát trong ngày lễ Phật đản. Con thấy nhà ông có treo hình lịch khoá tu của thầy. Ai đó đã tặng cho ông, ông vẫn thường khen thầy Chân Tính giỏi quá!

Sáng nay, ngày 08-08-2013 (02-07 âm lịch), con gọi điện thoại về thăm ông. Ông nói đã chuẩn bị sẵn quà rồi để đi phát ngày lễ Vu Lan.

Kính bạch thầy! Tự nhiên trong con lại nghĩ ra ý này nên con mới mạo muội viết thư gởi đến thầy. Con rất mong thầy có một câu nào đó thật hay để gởi đến ông chắc là ông vui lắm! Nếu có thể, thầy hoan hỷ gọi điện cho ông, chắc là ông vui lắm đó ạ! Ông lãng tai nặng lắm, phải nói to mới nghe, hay có người nhà dịch lại, con gọi thì ông nghe tiếng được, tiếng mất nhưng ông cũng vui lắm! Ông tên: Bửu Ích, Pháp danh là Nhật Huy Vượng, nhà số 27A Chi Lăng, Nha Trang. Điện thoại: 058.3874284.

A-di-đà Phật. Kính thầy vì con không biết làm gì hơn nên phải phiền lòng đến thầy. Con rất mong thầy hoan hỷ cho con.

Cuối thư, con không biết nói gì hơn chỉ nguyện cầu hồng ân Tam bảo, mười phương chư Phật thường gia hộ đến thầy thân tâm an lạc, đạo tâm kiên cố. Thầy mãi mãi là bóng đại thọ, là Bồ-đề che chở cho tất cả hàng Phật tử, nương nhờ ân đức của thầy được tu tập tinh tấn.

Nam mô A-di-đà Phật.

Kính thầy!

Phật tử Diệu Nga

Sách cùng thể loại
Góc Khuất
Góc Khuất
Nhiều tác giả
Ngày mới của tâm
Ngày mới của tâm
Chùa Hoằng Pháp
Nghi Lễ Hằng Ngày
Nghi Lễ Hằng Ngày
Chùa Hoằng Pháp
Lời Người Còn Ghi Lại
Lời Người Còn Ghi Lại
HT. Ngộ Chân Tử
Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Còn Lại 2
Nhiều tác giả
Thương yêu sự sống
Thương yêu sự sống
Thích Tâm An