
Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Thứ 105
Tâm Thư Tri Ân
Kính bạch Thượng toạ!
Phật giáo du nhập vào Việt Nam và phát triển hơn hai nghìn năm, để lại những trung tâm Phật giáo có bề dày lịch sử, để lại những bậc Tăng tài đi cùng dân tộc và đất nước. Những gương sáng của thiện nam tín nữ Phật tử thâm hiểu giáo lý đức Phật phục vụ cho đạo, cho đời tuyệt không mệt mỏi, đạo đức ấy mãi hằng vang.
Tiếp nối truyền thống ấy, vào thập niên 90 cuối thế kỷ XX, trên ba miền Nam Trung Bắc đâu đâu cũng nghe danh đạo tràng niệm Phật chùa Hoằng Pháp, thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh do Thượng toạ thượng Chân hạ Tính khai mở cho chư Tăng Ni Phật tử gần xa câu hội về tu tập.
Hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay Tăng già hoà hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu.
Ngôi chùa Hoằng Pháp là biểu tượng của tinh thần ấy, rồi mai này đây chùa Hưng Pháp là một cơ sở mới hình thành ở cuối miền Đông Nam Bộ, đầu miền Trung Nam Bộ là nơi hội tụ tu học cho hàng vạn con người bám rừng, bám biển, cho khách lữ hành tha phương trên dòng đời ngược xuôi của quốc lộ 1A hướng về tâm linh, hướng về đạo đức, dừng chân ghé lại ngồi dưới đạo tràng cất tiếng hoà vang cùng đại chúng câu niệm Phật thân thương! Trong giây phút ấy, dòng sinh tử bộn bề của kiếp người ngũ trược chợt tan biến!
“Nam mô A-di-đà Phật” là câu niệm Phật thân thương linh thiêng hùng tráng, càng niệm càng say sưa, đưa tâm linh về bên mẹ hiền, người hằng giờ, hằng ngày đưa tay rước con về bên sự giải thoát khỏi cảnh đời đau khổ! Nhớ lại, hơn mười năm qua, con về trú xứ này ở một vùng, có thể nói là: “Biên địa hạ tiện cập miệt, lệ xa như thị đẳng xứ”. Dẫu vậy, những tưởng bản thân sẽ đơn độc trong hành trình ấy, nhưng không, ở nơi xa xôi này, con vẫn được sự động viên, giúp đỡ của Thượng toạ bằng cách gửi các ấn phẩm Phật giáo giúp con khai mở trí tuệ. Thật hạnh phúc làm sao, khi kiếp luân hồi này, hai món hành trang không dễ có là thân người khó được, Phật pháp khó gặp; vậy mà, nhân duyên đời này con đã được và đã gặp. Con nguyện cố gắng vượt muôn vàn khó khăn của sinh lão bệnh tử làm chủ thân tâm, nhất hướng niệm Phật để về bên đức Từ phụ, đáp đền công ơn thầy vì chúng con khai thị pháp môn niệm Phật ở đời mạt pháp này.
An Lạc thiền tự (chùa An Lạc), làng Quán Khái - cư dân bản địa thường gọi chùa Quán Khái - sao chiều nay vui thế? À đúng rồi, hôm nay, ngày 25 tháng 05, là ngày thứ bảy, Phật tử vân tập về tu pháp môn niệm Phật hai ngày cuối tuần thứ bảy, chủ nhật, quý vị có tâm nguyện thỉnh Thượng toạ chùa Hoằng Pháp về An Lạc khai thị tu học không? Phật tử đồng thanh: “Muốn lắm, thầy thỉnh Thượng toạ về nhé!” Có một cụ già tên Nguyễn Thị Sắng, năm 2013 này tuổi đã cao nhưng sức khoẻ tuyệt vời, hay niệm Phật ở chùa và đi hộ niệm cho nhà Phật tử bên ngoài chùa, có lúc đi ở những xã lân cận cụ đều đi không lúc nào vắng mặt, cụ nói: “Chùa ở xa thế này, chỗ ăn chỗ ngủ không có, thầy còn khó khăn phải đi làm “cái bang” xuôi ngược Nam Bắc xin kinh phí về lo cho chùa, vậy mời có được không?” Rồi cả đạo tràng lặng im như buổi chiều thu từng chiếc lá rơi trải đều theo nhịp mõ của những tâm hồn hướng Phật.
Ngày thứ bảy đã qua, ngày chủ nhật cũng sắp hết cả đạo tràng lại rộn lên câu hỏi: “Năm này có thỉnh được Thượng toạ về chùa An Lạc không thầy?” Thầy tin rằng chùa Hưng Pháp chưa phải là cơ sở cuối cùng của Thượng toạ mà trải dọc hình chữ S thân thương này ở đâu đó hôm nay và mai sau còn rất nhiều đạo tràng cơ sở của Thượng toạ, trong đó có chùa An Lạc làng Quán Khái của chúng ta.
Tâm nguyện kia hướng về hư không bao la, hướng về đức Từ phụ A-di-đà, hướng về Thượng toạ Viện chủ chùa Hoằng Pháp, những niềm tin kia rồi sẽ thành hiện thực.
Nam mô A-di-đà Phật.
Kính thư!
Tỳ-kheo Thích Mẫn Thiện