Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Kỷ yếu khóa tu Phật thất chùa Hoằng Pháp
Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Cảm tưởng Phật tử Ngọc Hường
Cảm tưởng Phật tử Ngọc Hường
Con là một Phật tử rất mộ đạo. Từ lâu, con rất muốn đến chùa để được tu học, nhưng vì cuộc sống mưu sinh con không có thời gian để thực hiện điều mơ ước thiêng liêng đó. Thỉnh thoảng con có đi chùa vào những ngày chủ nhật, nhưng chỉ đến lạy Phật rồi về vì chùa không có thầy thuyết pháp. Buồn bã vì trần duyên ràng buộc con không được tu học, mà cũng không biết tu học ở đâu. Rồi một hôm, có mấy bác ở gần xóm nói rằng: “Chùa Hoằng Pháp có tổ chức những khóa học Phật thất”. Con rất vui mừng và nghĩ mình cứ mãi lo làm ăn hoài thì làm sao tu học được, nên con quyết định nghỉ làm để được đến chùa tu học. Và đây là lần đầu tiên con đến chùa Hoằng Pháp để “học Phật thất”.
Vừa bước chân vào cổng chùa, con nghe từng chữ, từng câu niệm Phật với tiếng chuông chùa ngân vang khiến lòng con dâng dâng lên một nỗi niềm khó tả. Con cảm thấy như mình đang bay bổng giữa hư không. Con mường tượng như từ muôn kiếp trước mình đã được sống trong ánh đạo vàng rực rỡ, trong sự thanh tịnh trang nghiêm, đã được quay về thực tại mà từ lâu vì cuộc sống mưu sinh, bon chen danh lợi đã che lấp trong vô minh mờ mịt. Con vào chùa với sự hướng dẫn của mấy bác đi trước. Vào nhập khóa, con được các thầy dạy học giới luật và thời khóa tu hành. Tuy bước đầu có những cái chưa quen, nhưng con cũng cố gắng tập sự những giới luật, cách công phu tu học, cách ăn nói và uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi để thích nghi với mọi người. Ai bảo giới luật là ràng buộc, nhưng theo con vì người đời đã quen sống theo cảnh trần duyên, buông lung theo ý muốn nên vào chùa bị khép vào giới luật họ cho là khó, chớ nếu đi sâu vào đạo sẽ thấy giới luật các thầy đưa ra vô cùng thâm thúy. Chính vì giới luật là nền tảng cơ bản ngăn chặn sự giải đãi của người Phật tử và để rèn luyện cho mỗi Phật tử trở thành một con người toàn thiện. Cũng như lúc đầu ngồi tịnh niệm, con nghe hai chân đau nhức, hai đầu gối run lên, con buông chân ra và tâm tư tán loạn; con định đứng dậy đi nhưng nhớ lại giới luật không cho phép nên con đành chịu. Bỗng nhiên con nhớ lời thầy dạy sau giờ ăn cơm là: “Nếu không chịu đựng được sự đau đớn khó khăn buổi đầu thì không làm nên được việc gì, ráng tập từ từ sẽ quen thôi”. Con lại nhớ đến hai câu sám phát nguyện:
Một lòng mỏi mệt không nài
Cầu về Cực lạc ngồi đài liên hoa
Vì nhớ lời thầy dạy có khó khăn buổi đầu mới thành công mai sau, và muốn về ngồi đài liên hoa thì không sợ sự mệt mỏi. Bởi vì vạn sự khởi đầu nan. Thế là con làm lại từ đầu và mỗi lần đau là con nhớ như vậy. Con nguyện lấy sự đau đớn đó để rèn luyện mình. Bây giờ thì con cảm thấy đã quen dần, tuy có lúc cũng còn thấy mỏi đau. Vì đến với đạo bằng một tâm hồn thiết tha thành khẩn, nên sau vài ngày tu học, con đã tìm thấy được sự an lạc của thân tâm, an lạc trong ngôi nhà Phật pháp. Niềm vui an lạc đó bằng sự cảm nhận rất thật của tâm hồn con chớ không phải bằng những lời nói văn hoa thêu dệt. Mỗi ngày ở chùa đều được nghe những lời thuyết pháp của thầy trong những buổi sáng ở trai đường, sau giờ ăn cơm. Con vô cùng thấm thía bởi giáo pháp vi diệu của thầy làm thức tỉnh lòng con. Thầy ơi! Từ nay con sẽ cố gắng tu học tinh tấn để không phụ lòng thầy, để xứng đáng với những nguyện vọng và bao nhiêu tâm huyết của các thầy làm nên.
Tiếng lòng
Kim Giác
Một tiếng chuông ngân vọng ngàn xưa
Khổ đau vạn kiếp nói sao vừa
Con nương Hoằng Pháp tu Phật thất
Danh hiệu Di Đà niệm sớm trưa
Khổ đau vạn kiếp nói sao vừa
Con nương Hoằng Pháp tu Phật thất
Danh hiệu Di Đà niệm sớm trưa