Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Kỷ yếu khóa tu Phật thất chùa Hoằng Pháp
Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Âm vang Hoằng Pháp
Âm vang Hoằng Pháp
Chúng con đại diện cho một số nhỏ Phật tử ở vùng biên địa phía Tây Nam tỉnh Bình Phước, thuộc huyện Phước Long, xã Đăk-ơ, Bù Gia Mập, xin dâng một vài dòng cảm tưởng.
A Di Đà Phật, không biết từ vô thỉ kiếp về trước, chúng con đã tạo tội gì mà sinh vào thời mạt pháp, ở vùng biên địa, thuộc vùng sâu vùng xa. Muốn đến được chùa gần nhất, phải đi hơn 40 km, dù là mùa nào cũng gặp phải khó khăn. Nắng thì bụi, mưa thì lầy, đường đi đồi dốc, nhất là những cụ già lớn tuổi thì không thể nào đến được. Đó là nghiệp chướng của chúng con.
Nhưng, A Di Đà Phật, cũng không biết chúng con đã gieo trồng được nhân duyên gì mà hôm nay có phước duyên biết được Phật, pháp, tăng, gặp được “Hóa Thành”, tìm đến “Bảo Sở”, được dự Phật thất tại chùa Hoằng Pháp, và có diễm phúc được bày tỏ cảm tưởng của mình.
A Di Đà Phật, trong chúng con, có những người tuy mới dự khóa đầu tiên, nhưng đã có cảm giác sững sờ trước vẻ đẹp uy nghi, trang nghiêm của Hoằng Pháp. Chúng con có nghe các huynh đệ đã đi mấy khóa trước ca ngợi về cảnh đẹp và sự tu tập nơi đây, chúng con vẫn không hình dung ra, nay mắt thấy tai nghe, chúng con vô cùng xúc động, tự dưng nước mắt chực trào không thể nào cầm. Chúng con chưa thấy sự tu và học ở đâu như nơi đây, mà thầy trụ trì và đại chúng ở chùa đã tạo điều kiện sách tấn giúp đỡ chúng con tìm đến một con đường sáng. Chúng con không biết bày tỏ như thế nào để nói lên tấm lòng tri ân sâu thẳm của chúng con.
Từ tờ mờ sáng khi mặt trời chưa ló dạng, tai chúng con đã nghe tiếng niệm Phật, tiếng chim ca ẩn hiện trong những giọt sương mai, và quý thầy, quý chú mỗi người một việc. Phật tử thì kẻ quét sân, người lượm lá, trên nét mặt mỗi người đều hiện rõ ra sự bình an thanh thản, không một chút ưu tư.
A Di Đà Phật, dựa theo kinh Phật, chúng con hiểu đường về Cực lạc còn rất xa (cách đây khoảng mười muôn ức cõi Phật). Nhưng không, giờ này chúng con đã thấy được Cực lạc là đây, chính ngôi già lam Hoằng Pháp này là một phần của quê hương Cực lạc!
Nơi chúng con ở gần biên giới, vời vợi xa xôi. Chúng con ở hòa đồng với dân tộc S’tiêng, thiếu thốn mọi bề. Khó khăn lắm chúng con mới tạo dựng được tạm thời một nơi để tập hợp Phật tử lại lễ bái trong những ngày lễ, ngày rằm. Chúng con xem đó như ngôi chùa nghèo nhỏ đơn sơ, chưa được hợp pháp vì chưa có sư, có thầy ở. Phật tử chúng con được một sư huynh mộ đạo chỉ dẫn cách thức đánh mõ, tụng kinh, niệm Phật… ai ai cũng đã học qua và đều làm được. Sư huynh ấy biết được nơi tu học lý tưởng của chùa Hoằng Pháp nên đã động viên, khuyến khích chúng con đi.
A Di Đà Phật, chúng con cầu nguyện sao cho âm vang Hoằng Pháp được lan rộng ra. Chúng con dùng từ “Âm vang Hoằng Pháp” vì theo chúng con, là sự vang dội âm thanh, hoằng truyền chánh pháp. Câu Nam Mô A Di Đà Phật ở chùa Hoằng Pháp được lan rộng ra cho nhiều người, nhiều nơi, nhiều nước biết để học hỏi và tu tập. Mà “Âm vang Hoằng Pháp” còn là cội cây to lớn, đâm nhiều cành, nhánh, ra nhiều quả lớn tốt, nhiều hạt to, để chiết rộng ra và gieo trồng khắp nơi khắp chốn. Mà, A Di Đà Phật, nơi địa phương chúng con đang ở đã nhận được một hạt, một cành và đang nẩy lá, đâm chồi.
“Âm vang Hoằng Pháp” đã vang đến nơi chúng con cư ngụ. Có những huynh đệ đi dự tu, mang về những băng niệm Phật, kinh sách đọc tụng và từ đó đến nay, chúng con từ thôn này sang thôn khác, nhà này sang nhà khác, âm thanh của những chiếc máy vang lên hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” cứ vang mãi, vang mãi. Có nhà mở cả amply thật lớn cho những người đi đường được nghe, để gieo nhân duyên “A Di Đà Phật” vào tâm họ. Ở nơi “chùa tạm thời” của chúng con, hàng đêm từ khoảng 19 giờ có từ 5 đến 20 Phật tử tụng niệm theo nghi thức tụng niệm Phật của chùa Hoằng Pháp. Đặc biệt, Phật tử trong xã con có thành lập một nhóm đạo tràng chuyên đi hộ niệm. Khi trong xã có hữu sự cần đến như an vị Phật hoặc đám tang v.v… chúng con liền dùng nghi thức niệm Phật ở Hoằng Pháp để đọc tụng.
Âm vang A Di Đà đã vang dội và đã gây được ảnh hưởng lớn đến Phật tử tại địa phương chúng con. Có lúc chúng con nhìn thấy những khách đi đường, những người đi chợ, những em nhỏ đi học, khi đi ngang qua nhà có mở máy niệm Phật là họ liền niệm theo một cách điều hòa vui tươi nhẹ nhàng như ca hát. Chúng con ước mong và sẽ cố gắng thực hiện cho được nhiều những gia đình theo đạo Phật trong xã chúng con đều biết niệm Phật, họ đều có băng đĩa niệm Phật và khắp nơi khắp chốn trong xã chúng con, đâu đâu cũng đều to tiếng niệm Phật.
Nhớ lời một thượng tọa đã giảng trong một khoá tu: “Phật tử trong đạo tràng Hoằng Pháp này phải là sứ giả của thầy trụ trì, đi hoằng pháp khắp nơi, khắp chốn”. Vậy, xin cho chúng con được phép làm sứ giả của thầy trụ trì, sẽ noi gương của quý thầy học hỏi và truyền bá rộng ra câu Nam mô A Di Đà Phật. Chúng con sẽ cố gắng làm sao cho một người biết niệm Phật phải hướng dẫn được ít nhất một người biết niệm Phật, một nhà biết niệm Phật phải hướng dẫn ít nhất một nhà biết niệm Phật, một xóm biết niệm Phật phải làm sao cho một xóm nữa biết niệm Phật. Và cứ như thế, âm vang của câu Nam mô A Di Đà Phật hay âm vang Hoằng Pháp sẽ bất diệt, mãi lan xa.
Chúng con ước muốn chư liên hữu trong đạo tràng Phật thất này cũng sẽ phát nguyện làm sứ giả của thầy trụ trì, đem trình độ tu học, khả năng hiểu biết của mình để truyền bá rộng ra khắp nơi, làm sao cho Phật tử chúng con nói riêng và toàn thể quý Phật tử trong nước nói chung, đi đến đâu trên đất Việt Nam, từ hang cùng ngõ hẻm, từ thôn quê hay thị thành, đâu đâu cũng nghe được câu Nam mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật, nhờ quý thầy chỉ dạy, chúng con mới biết được rằng, sở dĩ đến được nơi đây là nhờ túc duyên thâm hậu từ nhiều đời mà chúng con đã gieo trồng sẵn. Chúng con rất mừng vì được đến đây tu học, nhưng buồn vì chúng con ở vùng sâu vùng xa, nghèo khổ, không tịnh vật tịnh tài để cúng dường mà chỉ đến đây để thọ nhận. Chúng con không biết phải làm gì, chỉ biết vâng theo lời quý thầy dạy bảo: “Thực hành giáo pháp Như Lai là sự cúng dường Như Lai cao thượng nhất”.