Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Ý nghĩa buổi lễ “Tri Ân Đệ Tử”

Chúng ta có mặt trên cuộc đời này là do cha mẹ sinh thành dưỡng dục, cùng rất nhiều ngoại duyên hỗ trợ khác. Chúng ta có cơm ăn nhờ vào người nông dân cày cấy. Chúng ta có quần áo mặc là nhờ các công nhân dệt vải. Chúng ta có kiến thức và nghề nghiệp là nhờ thầy dạy học. Chúng ta hiểu được Phật pháp, biết cách tu hành là nhờ chư Tăng Ni. Chúng ta có một xã hội trật tự, an ninh là nhờ những chiến sĩ bảo vệ biên cương. Chúng ta có cuộc sống đầy đủ ấm no là do công sức của rất nhiều người. Ngoài ra, nếu không có không khí, nước, đất, hơi nóng mặt trời, chúng ta cũng không thể tồn tại. Như vậy, chúng ta không thể độc lập mà có thể tồn tại trên cuộc đời này.

Bản thân Thầy cũng như bao người khác, có mặt trên cuộc đời là do cha mẹ sinh thành dưỡng dục, có kiến thức là do thầy cô dạy học. Sau này Thầy xuất gia, được Bổn sư thế độ, nuôi dưỡng, dạy dỗ, lại được đàn na tín thí hỗ trợ mà Thầy mới có thể an ổn tu hành. Khi làm trụ trì chùa Hoằng Pháp, Thầy phải xây dựng lại cơ sở, rất nhiều Phật tử đã góp công, góp của để tạo dựng nên ngôi chùa như ngày hôm nay. Sau đó, Thầy thế độ xuất gia cho đệ tử, mặc dù đệ tử nương vào Thầy tu học, thế nhưng tất cả Phật sự đều nhờ đệ tử xuất gia và tại gia mà thành tựu.

Trong một năm, chùa Hoằng Pháp tổ chức ba Khóa Tu Phật Thất, mỗi khóa tu diễn ra trong 7 ngày, số lượng Phật tử tham dự trên dưới 2000 người. Hằng năm, chùa còn tổ chức một Khóa Tu Mùa Hè trong 7 ngày dành riêng cho thanh thiếu niên sinh viên học sinh, với số lượng trên dưới 3000 khóa sinh. Mỗi tháng, chùa có Khóa Tu Một Ngày với số lượng Phật tử về tham dự từ 5000 người trở lên. Cách hai tháng, chùa có Khóa Tu Sinh Viên Hướng Về Phật Pháp với số lượng trên dưới 1000 em. Bên cạnh đó, chùa còn có Khóa Tu Thiếu Nhi “Em Về Bên Phật” với số lượng trung bình là 1000 bạn về dự tu mỗi tháng. Ngoài ra, trong một năm chùa tổ chức 4 ngày lễ lớn: Phật Đản, Vu Lan, Giỗ Tổ và đêm Hoa Đăng Kỷ Niệm đức Phật A Di Đà. Số lượng tham dự những ngày lễ cả mấy chục nghìn người. Chùa tổ chức 3 lần quy y Tam bảo trong một năm cho khoảng năm đến sáu nghìn thiện nam tín nữ. Như vậy, chùa chúng ta tổ chức rất nhiều khóa tu và ngày lễ, số lượng người về tham dự hơn cả trăm nghìn người mỗi năm. Với số lượng người về dự lễ và tu học đông như thế, bản thân Thầy không thể đảm đương tất cả công việc, đa phần là nhờ chư Tăng và các Phật tử phát tâm công quả, cùng Thầy hoàn thành các Phật sự. Như vậy, chùa Hoằng Pháp làm được những việc có lợi ích cho Phật pháp, lợi lạc cho mọi người là nhờ vào sự đóng góp của chư Tăng cũng như Phật tử.

Trong cuộc sống, con nhờ cha mẹ, có lúc cha mẹ phải nương nhờ con. Trò nương nhờ thầy và thầy cũng phải nương nhờ trò. Tớ nương nhờ chủ, ngược lại, chủ cũng nương nhờ tớ. Công nhân nương nhờ giám đốc, giám đốc nương nhờ công nhân. Bệnh nhân nhờ bác sĩ, bác sĩ nhờ lại bệnh nhân… Chính vì có suy nghĩ đó mà Thầy đã làm ra câu này: “Bác sĩ cứu bệnh nhân, bệnh nhân cứu bác sĩ”. Khi nghe như vậy, chúng ta cũng hơi thắc mắc: “Bác sĩ cứu bệnh nhân là chuyện đương nhiên, nhưng tại sao bệnh nhân lại cứu bác sĩ?”. Nếu không có bệnh nhân đến khám chữa bệnh thì bác sĩ lấy gì để mưu sinh. Vạn pháp tồn tại tương quan tương duyên. Nếu không có bệnh nhân thì bác sĩ cũng không còn là bác sĩ. Các mối quan hệ giữa thầy - trò, chủ - tớ, công nhân - giám đốc… đều như thế, tác động hỗ tương qua lại với nhau. Nếu không có những người công nhân thì giám đốc không làm được việc và công ty không thể phát triển, thậm chí thiếu nhân công làm việc là phá sản. Nếu không có quân sĩ thì vị tướng chẳng thể điều binh. Chùa Hoằng Pháp mà không có chư Tăng và Phật tử thì Thầy cũng chẳng làm được Phật sự gì lớn lao.

Xã hội có ngày 20/11 nhằm tôn vinh và tri ân các thầy cô giáo. Phật giáo có lễ Vu Lan để tưởng nhớ đến công ơn của hai đấng sinh thành. Tri ân và báo ân là đạo lý sống ở đời, đặc biệt là trong văn hóa Á Đông. Lâu nay, chúng ta luôn luôn nghĩ rằng mình phải tri ân những bậc trên, điều này đúng, hợp tình hợp lý, thế nhưng chúng ta sẽ vẫn còn thiếu sót nếu không biết tri ân những người dưới mình, những người nhỏ hơn mình, vì nhờ họ mà ta mới thành tựu được công việc, thành công trong sự nghiệp. Như vậy, mình cần phải tri ân những đệ tử, những người giúp đỡ mình. Nói về Phật tánh, tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật, thầy cũng như trò, trò cũng như thầy, ai cũng có khả năng giác ngộ. Đồng thời, việc tổ chức buổi lễ Tri Ân Đệ Tử này giúp cho những người lãnh đạo, những người thầy, những người chủ, những người giám đốc sẽ suy nghĩ lại, lắng nghe và học hỏi, bớt đi lòng ngã mạn cũng như không còn xem thường người dưới, vì có họ mới có mình.

Đôi khi, mình đứng trên cương vị ông thầy, là giám đốc, là ông chủ nên xem những người dưới không ra gì, thậm chí có những hành động, suy nghĩ, lời nói khinh chê. Nếu chúng ta tổ chức được những buổi lễ tri ân như thế này sẽ giúp cho những người thầy, những người làm chủ, những người giám đốc thấy được công lao, sự đóng góp của những người nhỏ hơn mình. Từ suy nghĩ đó, Thầy mạnh dạn tổ chức buổi lễ Tri Ân Đệ Tử. Mới nghe tên buổi lễ thì thấy hơi ngược đời, nhưng ý nghĩa của nó lại rất nhân văn, hợp tình hợp lý. Lâu nay, chúng ta thường tôn vinh những người trên mà không để ý đến những người dưới, nhưng chính những người dưới lại là người giúp mình, âm thầm lặng lẽ hy sinh để đem đến sự thành công cho mình cũng như cho tổ chức, đoàn thể, hội, nhóm. Thầy hy vọng hình thức buổi lễ Tri Ân Đệ Tử sẽ được nhân rộng ở các chùa, dần dần ảnh hưởng ra ngoài xã hội để mọi người biết tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là tôn trọng những người dưới mình.

Tại sao Thầy lại chọn ngày 31/12? Vì đây là ngày cuối cùng của năm Dương lịch, người Việt Nam thường không tổ chức ăn mừng vào Tết Dương lịch, do vậy mà nhiều người có thể đến chùa tham dự. Chúng ta rất khó tổ chức lễ vào ngày cuối năm âm lịch, vì hầu như ai cũng bận rộn, chùa cũng có nhiều việc phải làm để chuẩn bị đón năm mới. Do vậy, Thầy chọn ngày 31/12 Dương lịch và năm nay là năm đầu tiên. Trong những năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục lấy ngày 31/12 làm ngày lễ truyền thống Tri Ân Đệ Tử, đó là ngày tổng kết mọi Phật sự trong một năm, những thành tựu này có được là nhờ chư Tăng và Phật tử.

Thầy xin cảm ơn tất cả các đệ tử hiện diện cũng như những người không hiện diện, các Phật tử có mặt và không có mặt. Từ khi Thầy bước chân vào con đường xuất gia, tất cả mọi người đã giúp đỡ, hy sinh để Thầy có được cuộc sống ngày hôm nay, thành tựu được những Phật sự như mong đợi. Thầy xin cảm ơn tất cả, gởi lời tri ân sâu sắc đến những đệ tử tại gia và xuất gia. Chúng ta cũng mong rằng tinh thần của buổi lễ sẽ được truyền tải đến với tất cả mọi người. Hy vọng trong những ngày tới, chư Tăng và Phật tử sẽ cùng Thầy tiếp tục vận chuyển bánh xe chánh pháp, làm lợi ích cho đạo, cho đời. 

Thượng tọa Thích Chân Tính

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính