Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Tâm sự cùng người trẻ

Người có ý phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường.

Hôm nay chùa Hoằng Pháp tổ chức lễ trao học bổng Ươm Mầm Trí Tuệ lần thứ 2 cho các bạn sinh viên. Thay mặt Ban Tổ chức, Thầy xin gởi lời tri ân đến các Phật tử và những nhà Cấp Cô Độc đã ủng hộ chương trình, đồng thời tán thán tinh thần học tập của các bạn sinh viên nhận được học bổng. Tuy hiện tại các bạn gặp phải hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã biết nỗ lực vươn lên, có được thành tích cao trong học tập.

Các bạn thân mến! Đức Phật dạy tất cả chúng ta đều có những nỗi khổ niềm đau, tùy theo hoàn cảnh của từng người mà khổ đau ấy nhiều hay ít. Tuy ai cũng có khó khăn riêng, nhưng xét lại, các bạn là người được phước báu rất lớn: sinh ra làm người, đầy đủ lục căn là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Có những người có mắt mà không thấy được, có tai mà không nghe được, có miệng mà không nói được, có chân tay mà không sử dụng được, có đầu óc nhưng không đủ sự minh mẫn tỉnh táo. Các bạn tuy gặp phải khó khăn về kinh tế, nhưng so với những người khuyết tật thì may mắn hơn nhiều, vì các bạn còn được học tập, có cơ hội tiến thân, tương lai rộng mở.

Chúng ta hiện hữu trong cuộc đời này, mỗi người giống như một con thuyền trôi nổi giữa đại dương, chắc chắn không phải lúc nào cũng gặp gió lặng sóng yên, sẽ có những lúc sóng to gió lớn. Người hoa tiêu giỏi là người biết chống chèo thuyền đời vượt qua phong ba bão táp để đến được bờ hy vọng. Lẽ dĩ nhiên, muối thì mặn, nhưng muối là yếu tố chính tạo nên bữa ăn ngon, nếu nồi canh không có muối thì rất khó dùng. Chanh và ớt có vị chua và cay, nhưng chúng là gia vị không thể thiếu để tạo nên sự đậm đà và đặc sắc cho bàn tiệc. Cuộc sống cũng vậy, phải có những biến cố, khó khăn, thử thách thì đời sống mới trở nên thi vị. Chúng ta cần trải qua những chông gai, nghịch cảnh mới có thể vững chãi trước thế sự thăng trầm. Mỗi lần chúng ta đương đầu với bế tắc, là một lần chúng ta học cách trưởng thành. Nhờ đó, cuộc đời càng thêm thú vị, càng thêm đẹp và có nhiều kỷ niệm khó quên.

Tất cả vĩ nhân trên thế giới, đa phần đều là người trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, hiếm có người nào thành công một cách suôn sẻ. Những ai từng kinh qua thăng trầm, vinh nhục trong cuộc sống, mới dễ dàng đồng cảm với hoàn cảnh của người khác, nhờ đó mà họ được mọi người kính trọng và quý mến hơn. Một khúc cây muốn trở thành một pho tượng có giá trị, cần phải được đục đẽo rất kỹ lưỡng, chăm chút từng chi tiết, nhờ vậy mà pho tượng được người ta tôn thờ, lễ bái, kính trọng. Còn khúc cây nào chưa từng qua mài dũa, cưa cắt, đục đẽo thì chỉ là một khúc gỗ bình thường, có thể sẽ bị người ta cho vào lò đốt.

Trong cuốn Thử Hoà Điệu Sống của Võ Đình Cường có một đoạn rất hay: “Tìm lý tưởng dù sao cũng chưa khó mấy, khó nhất là giữ vững lý tưởng mình. Nhiều người sau vài lần thất bại, bỗng quay lái thuyền đời. Họ không ngờ rằng ở đây cũng như mọi trường hợp khác, kiên chí vẫn là mẹ đẻ của thành công. Trên đường lý tưởng, không phải lúc nào cũng có hoa và bướm. Ðừng thấy những đoạn gai góc khó đi mà vội rẽ sang lối khác đang dâng bày cho ta cái hào nhoáng nhất thời, cứ quyết chí theo hướng của ta đi, rồi chậm hay mau, thế nào cũng có ngày đến đích. Em ạ, sóng triều dào dạt mỗi ngày hai bận xuống lên, kẻ thấp chí bạc tài thì theo nó mà ra vào sông bến cũ. Những kẻ kiên tâm cả chí, thì dù sóng gió tơi bời, cũng cố ra sức chống chèo cho qua cơn biển động. Qua cơn biển động ấy rồi gió thuận căng buồm, sẽ đẩy vút thuyền ta đến những bến trời mới lạ”.

Các bạn sinh viên là những người có đầy đủ phước báu, cho nên mới được đặt chân vào ngưỡng cửa đại học. Tương lai đất nước sau này tuỳ thuộc ở các bạn. Một đất nước phát triển hay không là do thế hệ trẻ có được giáo dục cả tài lẫn đức hay không. Sau này, chính các bạn sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ gia đình, hay ít nhất chúng ta làm chủ bản thân. Đối với đạo Phật, làm chủ người khác tuy hay, nhưng không bằng làm chủ chính mình. Đức Phật từng dạy: Thắng được thiên binh vạn tướng chưa phải là chiến công oanh liệt. Thắng được lòng mình mới thật là chiến công oanh liệt nhất. Người thắng được lòng mình là người thành công, thành công nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta biết làm chủ lấy mình thì nhất định sẽ chiến thắng trên mọi mặt trận.

Trước mắt, các bạn đang gặp chút ít khó khăn, nhưng chính những điều này sẽ là nấc thang để nâng bước chúng ta đi lên, đồng thời đó cũng là vực thẳm cho những ai bạc nhược yếu hèn. Trong cuộc sống, đừng bao giờ các bạn cho phép ý chí của mình xuống dốc, nhất quyết làm thế nào để đạt được ước mơ. Người có lý tưởng và hoài bão sẽ vươn đến thành công bằng sự nỗ lực chân chính của bản thân. Ngoài ước mơ và ý chí, chúng ta đòi hỏi cần có sự kiên trì và nhẫn nại. Thiếu những đức tính đó, chúng ta không thể thành công dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Các thầy đi tu cũng vậy, nếu thiếu kiên trì, thiếu nhẫn nại, rất khó để có thể bước đi trọn vẹn trên đường đạo. Sự siêng năng, chăm chỉ, kiên trì, nhẫn nại chính là những yếu tố cần thiết để đạt được sự nghiệp và công danh, thành tựu ước muốn dù ngoài đời hay trong đạo. Chúng ta phải vượt lên tất cả dù có chông gai ngăn trở, dù có phong ba bão táp, thế mới là những người tài giỏi.

Nhân dịp này, Thầy có một câu chuyện muốn kể cho các bạn nghe làm bài học từ người xưa. Một người tên Tôn Tẩn tìm đến học đạo với vị thầy tên là Quỷ Cốc, anh ta học được một thời gian thì cảm thấy thua kém người bạn tên là Bàng Quyên, cho nên chán nản bỏ thầy xuống núi. Trên đường đi, Tôn Tẩn gặp một ông già đang đục đá trong núi, anh hỏi: Thưa cụ! Cụ đục đá để làm gì thế?

Ông già trả lời: Nhà của tôi ở sau núi, mỗi lần ra chợ phải đi vòng qua ngọn núi này, đường xa quá! Tôi muốn đục hầm xuyên núi để đi cho gần.

Anh nói: Cụ đã già rồi, núi đá thì cứng, làm sao cụ có thể đục nổi?

Ông già tay vừa đục, miệng vừa nói: Đá cứng, nhưng mà chí ta còn cứng hơn.

Tôn Tẩn nghe ông già nói xong, tự nhiên cảm thấy hổ thẹn, nhưng anh vẫn tiếp tục đi xuống núi. Một lúc sau, anh gặp một bà già tay cầm cây sắt đang mài trên đá nên hỏi: Thưa cụ, cụ mài sắt để làm gì vậy?

Bà cụ đáp: Ta mài sắt làm kim.

Anh bất ngờ, hỏi: Cây sắt này mà cụ mài làm kim được à? Cây kim có mấy đồng tại sao cụ không mua cho khoẻ?

Bà cụ trả lời: Tôi không có tiền, đường đến chợ cũng xa.

Anh hỏi tiếp: Thế cụ mài thế này biết chừng nào sắt mới thành kim?

Bà cụ cười đáp: Có công mài sắt, có ngày nên kim mà cậu.

Sau khi gặp một ông lão và một bà cụ, nghe những lời nói như vậy, Tôn Tẩn quay trở lại núi học hành chăm chỉ hơn, sau này anh thành tài. Nguyễn Bá Học có câu: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Trên đời này, không có việc gì khó cả, nếu chúng ta có ý chí và nghị lực thì chắc chắn sẽ thành công.

Tóm lại, chùa Hoằng Pháp tổ chức chương trình học bổng Ươm Mầm Trí Tuệ nhằm giúp đỡ phần nào học phí cho các bạn sinh viên, để trân trọng tấm lòng của chư Tăng và Phật tử, Thầy hy vọng các bạn cố gắng nhiều hơn nữa. Mặc dù số tiền không đáng bao nhiêu, nhưng đó là sự đóng góp thầm lặng của mọi người, mong rằng các bạn sử dụng xứng đáng số tiền này đúng mục đích. Sự thành công của các bạn trong tương lai sẽ có ý nghĩa rất lớn, trước nhất đối với bản thân, sau là gia đình, cuối cùng là xã hội. Thầy cầu chúc các bạn sinh viên học tập thật tốt, có được nhiều thành công trong cuộc sống, gia đình luôn được an vui hạnh phúc. 

Thượng tọa Thích Chân Tính

(Bài viết được biên tập từ clip nói chuyện của thầy Chân Tính trong lễ trao học bổng “Ươm Mầm Trí Tuệ lần thứ 2” vào ngày 30 tháng 03 năm 2014 tại chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh).

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính