Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Người Thầy đáng kính của chúng con

Kính bạch Thượng tọa Thích Chân Tính, cùng chư Tôn đức Tăng chùa Hoằng Pháp – TP HCM.

Con tên là Nguyễn Thị Mai, quê Nghệ An. Bây giờ con đang là sinh viên năm 4, khoa Quản Trị Kinh Doanh - Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Hà Nội.

Lời đầu thư, cho con xin được gửi lời chúc tới Thầy đầy đủ sức khỏe và an lành. Chúc cho mọi công việc Phật sự của Thầy cũng như chư Tăng chùa Hoằng Pháp gặp nhiều thuận lợi và mang ánh sáng Phật pháp đến với nhiều người hơn nữa.

Kính bạch Thầy! Có lẽ, Thầy sẽ tự hỏi tại sao con lại viết thư gửi cho Thầy, đúng không ạ? Bức thư này sẽ trả lời những điều đó ạ. Còn với con, Thầy còn hơn cả một người thầy. Con biết đến Thầy trong một lần tham gia Khóa Tu Mùa Hè tại chùa Bằng – Hà Nội. Sau đó con có nhân duyên nghe được những câu chuyện về Thầy từ lời kể của mọi người. Có lần con may mắn được quý thầy mời tham gia làm cộng tác viên từ xa - đọc kiểm tra chính tả cho nhà chùa. Từ đó con có cơ hội được đọc các sách Thầy viết, hiểu nhiều hơn về Phật pháp. Những câu chuyện và những bài pháp thoại đó đã thay đổi con rất nhiều. Nhưng có lẽ những ảnh hưởng của Thầy đối với con không chỉ dừng lại ở những việc đó. Mỗi người sinh ra đều có một quỹ đạo của riêng mình. Chúng ta gặp một ai đó trong cuộc đời có thể khiến cho quỹ đạo của bản thân bị thay đổi. Nếu gặp được người tốt trong đời, dù chỉ trong một quãng ngắn của cuộc đời thôi cũng có thể làm thay đổi quỹ đạo của người đó theo hướng tích cực hơn, thậm chí là thay đổi cả vận mệnh. Và Thầy, chính là người đó.

Từ năm con học lớp 5, vì có nhiều chuyện xảy ra mà bố con bị căng thẳng thần kinh. Tính tình bố trở nên không tốt. Bố con lúc tỉnh lúc mê. Lúc bình thường thì sẽ đi làm chăm chỉ, ngay cả chi tiêu cũng rất dè dặt. Lúc không ổn định thì sẽ suốt ngày rượu chè cờ bạc và đánh nhau bên ngoài. Bao nhiêu tiền bạc trong nhà cứ theo đó mà ra đi. Lúc đó còn bé, con tự hỏi tại sao gia đình mình lại xảy ra chuyện như vậy? Giữa lúc đó con chỉ muốn đi thật xa, đi khỏi chỗ này để không phải thấy, không phải nghe bất kì điều gì cả. Nhưng lúc đó con mới 11 tuổi, chẳng thể đi đâu được! Con chỉ còn cách đối diện với những điều đó bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán của hàng xóm và cố gắng học thật tốt. Vào năm lớp 9, con được chọn vào đội tuyển thi tỉnh môn Vật lý. Con biết nhà mình không có tiền để con đi học ôn, mẹ con cũng nghĩ con không cần quá xuất sắc làm gì. Hàng xóm lúc đó còn nói với mẹ con rằng con gái thì học Văn, Sử, Địa chứ học Vật Lý làm gì, môn học đó chỉ dành cho con trai thôi. Con nghe xong thì không nói gì! Lúc đó, con chỉ biết mình phải làm điều này. Dù khó khăn thế nào phải dùng việc đạt giải học sinh giỏi tỉnh để khiến bố mẹ vui vẻ, khiến cho mọi người thấy rằng con không dễ dàng từ bỏ như vậy.

Sáng hôm sau, khi đi học về, con không về thẳng nhà mà lên thẳng quán cắt tóc. Chị thợ cắt tóc e ngại nhìn mái tóc dài của con, nhưng khi nghe những lời nói đầy chắc chắn của con thì chị ấy cũng cầm kéo lên và cắt. Khi thấy mình trong gương chẳng khác gì con trai, con mới đạp xe về nhà. Mẹ con vốn dĩ ngạc nhiên nhưng không dám nói gì, mẹ cũng dặn cả nhà không nói gì con.

Thời gian đó, vì không có tiền đi học ôn, con chỉ có thể mượn vở của bạn để chép bài, hỏi xin cô giáo những đề thi từ các năm trước và tự mình học ở nhà. Khi bạn bè con thức đến 21h-22h đã đi ngủ hay đang còn say sưa với những bộ phim tình cảm thì con vẫn đang còn làm bài tập. Trước những hôm kiểm tra để loại bớt người ra khỏi đội tuyển, con đã phải thức đến 2h-3h sáng để ôn thi. Có những lúc thật sự như muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại lý do mình bắt đầu và những người đang theo dõi mình nên con lại tiếp tục cố gắng. Cho đến giờ, con vẫn tự hào khi xem lại giải Nhì Vật lý cấp tỉnh năm đó mình đạt được! Nhưng cũng ở khoảng thời gian đó, bố con lại không được tỉnh táo. Niềm hạnh phúc mà con muốn dành cho bố thì bố không cảm nhận được. Mười bốn tuổi, con và em con chân trần chạy ra khỏi nhà vì bố đang làm loạn trong nhà, đòi đánh chém tất cả. Hai đứa con vừa chạy vừa khóc. Mọi người nhìn thấy nhưng chỉ ái ngại nhìn hai đứa con, không dám nói dù chỉ là một lời hỏi thăm. Hai đứa con cứ chạy, không đích đến, không biết tương lai sẽ về đâu.

Con quyết tâm phải thay đổi mọi thứ, con không muốn như thế này nữa. Mãi cho đến khi bắt đầu chọn trường Đại học, con mới có cơ hội để làm điều đó. Mọi người vẫn luôn khuyên nhủ con học một trường gần nhà. Nhưng con vẫn quyết tâm ra Hà Nội. Con biết vì gia đình mình như vậy nên con cần phải cố gắng hơn người khác, cần phải thay đổi thực tế này.

Con tự an ủi mình rằng những khó khăn đến với con cũng chỉ kéo dài đến hết những tháng năm Đại học mà thôi. Con tự tin rằng bản thân mình đã dành bốn năm Đại học cho những điều cần thiết, chuẩn bị thật kĩ lưỡng cho hành trình dài hơn sau này của chính mình. Và những cố gắng của con đã mang về cho con một điểm số nhiều người mơ ước, Giải Nhì giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018’’ của trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân và rất nhiều điều tuyệt vời khác.

Con hiểu rằng cuộc đời vốn dĩ là một đường gấp khúc. Ai cũng sẽ đều phải trải qua những quãng thời gian khó khăn trong cuộc đời mình. Không ai thích một cuộc sống khó khăn cả, nhưng cũng giống như đường điện tâm đồ của một người, nếu đó là một đường thẳng nghĩa là chúng ta đã chết. Thế nhưng có lẽ con vẫn chưa đến lúc có thể đi lên. Có một lần có người đã nói thẳng với con rằng: “Đừng tự hào rằng mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi vì sao mình giỏi mà vẫn nghèo’’. Con đã không thể nói gì! Con nhớ lại không biết bao lần con không dám gọi điện về xin tiền học phí vì số tiền đó quá lớn so với những gì mà nhà con có. Mấy sào ruộng, một mảnh vườn, một người mẹ 40 năm cuộc đời lam lũ, một người bố lúc tỉnh lúc mê. Con đã cảm thấy thật sự bất lực. Con đã nghĩ, sau bốn năm Đại học, thế giới tươi đẹp sẽ mở rộng vòng tay chào đón con. Con đã luôn luôn cố gắng và luôn luôn hi vọng. Nhưng thực tế đã cho con một cái tát đau đớn. Bố mẹ con đang mang trên mình một khoản nợ không biết bao giờ mới trả hết. Mỗi lần nộp học phí là mỗi lần mẹ con chạy vạy không biết bao nhiêu là nơi để có đủ tiền. Có lẽ với nhiều người, số tiền đó không đủ để mua một góc của cái túi xách hàng hiệu hay một cái áo đắt tiền. Nhưng với con, nó là tuổi xuân của mẹ con và sức khỏe của bố con… Có người còn hỏi con là có bao nhiêu người quen bạn bè đó, sao không nhờ họ giúp đỡ. Nhưng thật sự, họ đã giúp đỡ gia đình con quá nhiều và quá lâu rồi... Con thật sự không biết bao giờ mới có thể trả lại những ân tình đó. Hành trình của con còn rất dài, con không thể cứ mãi mãi bám víu vào họ được. Chính con phải tự đi. Nhưng đi một mình, thật sự rất đơn độc. Con đã vốn dĩ muốn bỏ cuộc...

Nhưng, Thầy đã đến! Người ta nói: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Nhưng Thầy còn xây nên biết bao nhiêu tòa tháp và đã cứu giúp bao nhiêu con người. Và Thầy cũng đã cứu con. Trong sách Tặng phẩm xuân, Thầy có nói: “Cho là còn có mất đâu, gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”. Có lẽ Thầy đã giúp rất nhiều người như con, hoặc thậm chí là khó khăn hơn con nữa. Có lẽ Thầy cũng sẽ không nhớ hết tên và khuôn mặt của những người đó như thế nào khi nhận được sự giúp đỡ từ Thầy. Nhưng bản thân con nhớ rõ mình đã như thế nào khi thấy được thông báo từ quỹ học bổng “Ươm Mầm Trí Tuệ”.

Khi nhìn thấy được thông báo đó, con đã rất vui mừng. Con lục lọi lại tất cả những bài đăng về quỹ, về sự hỗ trợ của mọi người, và về những gì Thầy mang đến cho các bạn giống như con. Thật sự tất cả đều khiến con cảm động. Sự giúp đỡ, ủng hộ của tất cả mọi người cùng với Thầy, quỹ học bổng “Ươm Mầm Trí Tuệ” đã làm được quá nhiều thứ, nhiều hơn những gì con có thể nghĩ.

Ban đầu con đã nghĩ có lẽ quỹ học bổng này cũng giống như những học bổng khác. Nhưng con đã nhầm. Đó không chỉ là một quỹ học bổng, đó còn là tình yêu thương từ những người xa lạ với thế hệ tương lai của đất nước. Và đó còn là tấm lòng cao cả của một người Thầy đáng kính.

Thầy cho chúng con không chỉ là hi vọng mà còn cho con cả một điểm tựa rất vững chắc. Thầy cho chúng con thấy chúng con không đơn độc trong cuộc đời này. Thầy cho chúng con hiểu rằng thực tế dù tàn khốc nhưng tình yêu thương vẫn luôn ở xung quanh đây. Chỉ cần chúng con không ngừng cố gắng thì một ngày nào đó, sẽ có những người dang rộng vòng tay giúp đỡ chúng con. Thầy cho chúng con hiểu được giá trị của những đồng tiền không chỉ nằm ở những con số mà nằm ở những ước mơ được ươm mầm trở lại từ những đồng tiền đó.

Lúc viết bức thư này, con đã nghĩ thật tiếc nuối khi con chưa có nhân duyên được một lần gặp Thầy. Nhưng sau khi viết xong, con đã nghĩ rằng việc được biết Thầy, được biết đến những gì Thầy đã làm và nhận được sự giúp đỡ của Thầy đã là nhân duyên lớn nhất mà con có được. Và có lẽ lời cảm ơn nói ra lúc này cũng thật thừa thãi. Nhưng con vẫn muốn thay mặt tất cả các bạn đã nhận được học bổng một lời cảm ơn chân thành nhất đến Thầy – gửi đến con người đã dành phần lớn 60 năm cuộc đời của mình để xây đắp biết bao nhiêu năm tháng tốt đẹp và yên vui cho những người khác. Con cũng gửi lời cảm ơn đến quý chư Tăng chùa Hoằng Pháp, các nhà hảo tâm và quỹ học bổng “Ươm Mầm Trí Tuệ”. Con hi vọng quỹ học bổng ngày càng phát triển và sẽ có thêm nhiều bạn nữa nhận được những sự giúp đỡ quý giá này.

Thay mặt cho tất cả các bạn đã, đang và sẽ nhận được sự giúp đỡ từ quỹ học bổng “Ươm Mầm Trí Tuệ”, con xin hứa sẽ luôn cố gắng, luôn hướng về phía tương lai tươi sáng để không phụ sự kì vọng cũng như tấm lòng của Thầy khi tận tay trao cho chúng con những hạt mầm hi vọng này. Chúng con sẽ trồng lên những rừng cây thật lớn để lan tỏa tình yêu và niềm hi vọng đến tất cả mọi người. Mong rằng mọi người sẽ giữ vững niềm tin vào tương lai tươi sáng, trao đi những điều tốt đẹp để giúp những người khác vượt qua khó khăn và khiến cho thế giới sẽ trở nên tuyệt vời hơn.

Con kính chào Thầy.

Nguyễn Thị Mai

 SV Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Hà Nội.

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính