Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Trong kinh Tăng chi bộ, đức Phật dạy năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Năm pháp đó là: Tuổi thọ, dung sắc, an lạc, tiếng tốt và thiên giới. Đức Phật khẳng định rằng năm pháp này được thành tựu là do tu tập, do tạo nhân lành mà có quả, không phải do cầu nguyện, mong muốn mà được.1
Thứ nhất là tuổi thọ, đức Phật dạy: Năm pháp này, này các Tỳ-kheo, không gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm? Làm việc không thích đáng, không biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ không tiêu hóa, du hành phi thời và sống không Phạm hạnh. Năm pháp này, này các Tỳ-kheo, gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm? Làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời, và sống Phạm hạnh.2
Chúng ta muốn có tuổi thọ thì phải xa lìa nghiệp sát sinh, nên phóng sinh, biết sống có chừng mực, không buông lung theo tình dục. Không sát sinh là nhân đưa đến tuổi thọ. Nhân này có thể thuộc quá khứ, cũng có thể thuộc hiện tại. Người nào ở quá khứ sát sinh hại vật nhiều thì trong đời này hay đau bệnh hoặc bị chết yểu, bởi vì sát sinh là cắt đứt mạng sống của chúng sinh, cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt mạng sống của chính mình, làm giảm tuổi thọ và tạo nhân bệnh tật, đau đớn. Ta hành hạ chúng sinh như thế nào thì phải nhận lãnh hậu quả như thế ấy.
Có nhiều người bị bệnh là vì điều gì? Vì ăn chơi sa đọa, xì ke ma túy, bài bạc, rượu chè, dâm dục quá độ? Chúng ta phung phí sức lực của mình vì những lý do đó thì dễ bị bệnh và chết. Nếu muốn có tuổi thọ, trước nhất là không sát sinh hại vật và nên phóng sinh; sau là biết tiết chế vấn đề ăn uống, không buông lung theo tình dục, không phung phí sức bởi các cuộc ăn chơi sa đọa, chúng ta sẽ có tuổi thọ dài lâu mà không cần phải van xin hay cầu nguyện bất kỳ ai.
Thứ hai là dung sắc, tức hình tướng bên ngoài của mình có tốt đẹp hay không, điều đó tùy thuộc vào nhân của cả quá khứ và hiện tại. Đức Phật dạy: Người nào đời trước hay sân hận thì đời sau sinh ra bị xấu xí, bởi vì do sân hận làm nhân, do sân hận làm duyên, lúc nào người đó cũng bực tức, giận hờn, nên biểu hiện ra ngoài gương mặt như khó chịu, nhăn nhó… Không những vậy, trong hiện tại, nếu người nào hay sân hận, bực tức thì cũng không thể đẹp. Khi giận lên, khuôn mặt trông rất hung dữ và xấu xí. Muốn giữ gìn thân thể được tươi nhuận, khỏe mạnh, chúng ta không nên phung phí sức lực nhiều, đặc biệt là không buông lung theo tình dục, ăn nhậu, sân hận, bởi thân thể của mình khi bị những điều đó tác động sẽ mau tàn hoại.
Thứ ba là an lạc. An lạc có được do mình không chấp ngã, chấp nhân. Chấp ngã là chấp ta, chấp nhân là chấp người, vì chấp người chấp ta nên mới sinh phiền não. Còn mình không chấp, xem thân thể như là một “món đồ dùng tạm” được hình thành bởi đất, nước, gió, lửa. Bản chất của thân là bất tịnh, không thật, bất toại nguyện, bất như ý, vì nó không phải của mình. Khi thân đau, ta kêu nó đừng đau nữa cũng không được, khi thân bệnh ta muốn đừng bệnh nữa cũng không được, mình không làm chủ được thân này. Do đó, đừng chấp vào nó, cũng đừng vì nó mà phiền não. Những người bên ngoài cũng không phải đối tượng để ta phiền não, hay nói cách khác, nếu ta biết tu tập tâm từ bi, hỷ xả, thương yêu, tha thứ, sẽ không bị phiền não làm dao động, khi không bị phiền não chi phối thì ắt sẽ có an lạc.
Khi có ai đó nói với ta một lời nặng, thường ta sẽ khởi tâm phiền não. Thế nhưng, nếu họ nói với người khác thì mình lại không phiền não. Trong cuốn Cổ học tinh hoa có một câu chuyện đáng để chúng ta ghi nhớ:
Một ông lão đậu chiếc thuyền bên bờ sông, bỗng nhiên một chiếc thuyền khác va vào, ông giận quá la lên. Nhưng khi ông bước ra ngoài, nhìn thấy trên chiếc thuyền đó không có người, nó bị gió và nước đẩy rồi va chạm vào, vì thế ông im lặng không chửi nữa. Một lát sau, lại có một chiếc thuyền khác va vào, ông nghĩ: “Chắc là chiếc thuyền nào đó bị gió đưa nước đẩy nên va vào thuyền mình”, nên ông không chửi, không giận. Nhưng khi nhìn ra ngoài, thấy có người trên thuyền, ông liền lên tiếng chửi mắng.
Cũng là sự va chạm của hai chiếc thuyền, nhưng ông lão đã có hai cách hành xử khác nhau. Đó là do ông chấp nhân, chấp ngã, nên mới khởi sinh phiền não; còn khi không chấp, tự ông sẽ không giận và không chửi mắng ai. Đó cũng là một bài học rất hay, nếu chúng ta muốn an lạc thì đừng chấp, hễ chấp ta - người - đây - kia, thế nào cũng phiền não.
Sống trong cuộc đời, hằng ngày chúng ta phải đối nhân xử thế, tiếp xúc với mọi người, mọi thành phần trong xã hội, nếu mình càng chấp lại càng đau khổ, bực tức. Chúng ta tu tập trong chùa phải cố gắng học hạnh buông xả, bên ngoài chỉ có một vài người đã làm cho mình khổ, trong chùa có hàng mấy trăm người sẽ làm cho mình đau khổ nhiều hơn nữa nếu mình không biết tu, không biết xả. Tu hành mà không có được sự an lạc thì thật uổng phí.
Trong kinh Di giáo đức Phật nói: “Như cây đại thọ mà cả bầy chim tập hợp lại thì sẽ bị cái họa khô gãy”. Ở đời, người ta có một đứa con thì mừng lắm, đến chừng có năm, mười đứa cũng mừng. Nhưng khi có rồi, chúng nó quậy lên thì thật là khủng khiếp. Có con ít thì khổ ít, có con nhiều thì khổ nhiều, không có sẽ không khổ. Nhiều người chưa có con, mong sao có được một đứa thì mừng lắm, có con rồi lại tốn bao nhiêu công sức, khó nhọc mới nuôi dạy được con cái lớn khôn. Nhưng khi trưởng thành, chúng nó không báo hiếu mà còn chửi rủa, hành hạ cha mẹ đủ điều. Có người lúc đó lại nghĩ: “Phải chi ngày xưa mình đừng sinh nó ra, không có nó có khi còn tốt hơn bây giờ”.
Cho nên, đức Phật dạy: An lạc hay phiền não là do mình có biết tu tập chuyển hóa hay không, không phải do mong cầu mà được.
Thứ tư là tiếng tốt. Sống để được mọi người ca ngợi không phải chuyện dễ, phải trải qua một quá trình tu tập, rèn luyện tự thân. Nghĩa là người đó phải có đạo đức, làm được nhiều việc đem lại lợi ích cho cộng đồng. Thời đức Phật, ông Cấp Cô Độc là người có lòng từ bi lớn, thương xót và giúp đỡ rất nhiều người. Ông bố thí với đôi bàn tay rộng mở, nên được người đời tặng cho cái tên là Cấp Cô Độc. “Cấp” là cho, “Cô Độc” là những người cô đơn, nghèo khổ, không ai chăm sóc. Ngoài việc giúp đỡ người khác, ông còn là một cư sĩ tại gia mẫu mực, có đạo đức, có tu tập; thường xuyên phụng sự cho chư Tăng; nhiệt tình trong việc hướng dẫn bạn bè, người thân, những người quen biết và tôi tớ trong gia đình biết đến Phật pháp. Do vậy, ông không chỉ nổi tiếng ở thời đức Phật, mà cho đến bây giờ người ta vẫn còn nhắc đến tên ông. Tiếng tốt đó đâu phải do sự cầu nguyện hay van xin mà được. Khi mình có đạo đức, có sự tu tập, có tâm cống hiến, sống vì mọi người, làm được những điều lợi ích lớn, tự nhiên tiếng tốt sẽ lan xa, đó gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Thứ năm là Thiên giới, nghĩa là những cõi trời. Cõi trời là cảnh giới rất vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc. Trong kinh, đức Phật thường mô tả nơi đó không có khổ đau, chỉ có sự hưởng thụ, mong muốn cái gì được cái đó. Ngay trong đời này, có những người dù sống ở cõi Ta-bà, nhưng cũng sung sướng như ở cõi trời. Bởi vì họ có đầy đủ phước báu. Ăn, mặc, ở, bệnh và các nhu cầu cần thiết đều được thỏa mãn, từ vật chất đến tinh thần đều đầy đủ, không thiếu thứ gì. Đó cũng chính là cảnh giới cõi trời tại nhân gian, mặc dù chưa lên trời nhưng họ đã sống quá sung sướng.
Muốn được tái sinh lên các cảnh giới chư Thiên, đức Phật dạy mình phải làm phước, biết tu tập mười nghiệp lành để sinh lên các tầng trời Dục giới. Người nào muốn sinh về cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới phải siêng năng tu thiền định để chứng đắc các tầng thiền. Có nhân mới có quả, không phải tự nhiên mình mong muốn về cõi trời là được.
Bài kinh này, đức Phật khẳng định rằng năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời là: tuổi thọ, dung sắc, an lạc, tiếng tốt và Thiên giới. Nếu muốn thành tựu những điều này thì mình phải tự tạo ra nhân duyên, không phải do cầu xin khấn nguyện mà được. Cầu phước không có phước, làm phước mới được phước. Nhân quả công bằng, không phải mong cầu mà có được.
Mình đi chùa lúc đầu cũng cầu xin, đó chỉ là tín ngưỡng của những người chưa hiểu Phật pháp. Khi mình đã hiểu Phật pháp thì phải biết tất cả đều vận hành theo luật nhân quả. Muốn có quả thì phải gieo nhân, không thể cầu mà được. Nếu cầu được chúng ta cần gì phải tu, cần gì phải làm. Ai muốn thành bác sĩ cứ lên chùa thắp hương cầu Phật độ, Thầy chưa thấy ai không nhờ việc học, chỉ cần đi chùa cầu xin mà được làm bác sĩ. Bài pháp này, đức Phật dạy rất rõ, muốn có quả thì phải gieo nhân.
Thượng tọa Thích Chân Tính
Tài liệu tham khảo:
(1) ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Khả lạc, VNCPHVN ấn hành, 2003, tr.379
(2) ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Tuổi thọ, VNCPHVN ấn hành, 2003, tr.543