Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Nhiều người cho rằng, người xuất gia phải biết thuyết pháp, giảng kinh, tham thiền,… Nói chung theo họ nghĩ là phải làm những chuyện lớn lao, đại sự thì mới đúng nghĩa là thầy tu. Quan điểm này phải chăng hoàn toàn đúng hay chúng ta cần bàn luận thêm?
Trong phạm vi bài viết này, tôi không viết để tự bào chữa cho mình. Bởi vì tôi chưa làm được như thế! Tôi đã vào chùa được sáu năm, nhưng việc học chưa vào đâu. Mỗi sáng dùng cơm, nghe Sư phụ nói pháp mà tôi thực hành cũng chưa xong. Ngoài việc học ở chùa, tôi có theo học lớp Trung cấp Phật học bốn năm. Càng học, tôi càng thấy mình dốt. Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi dốt, dốt ở chỗ hay quên lời dạy của Thầy, của Phật. Thầy dạy tôi tu thì phải giữ chánh niệm, phải quán chiếu chính mình trong từng giây, từng phút, phải biết cảm ơn người dưới, tập nói ái ngữ,… Đức Phật dạy, đừng để bị cuốn trôi, bị nhấn chìm do vô minh và tham ái, bởi cơn lũ ngũ dục, lục trần, mà tôi chưa làm được thì không dốt là gì? Thế nên, cuối cùng tôi quyết định chỉ nhớ một lời khuyên của Sư phụ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.” Và tận tâm tận lực vào công việc mà mình được đại chúng giao phó.
Công việc của tôi cũng chẳng mấy gì to tát và cao cả, rất đỗi bình thường, chỉ là phụ dưới nhà bếp, nấu ăn cho đại chúng. Huynh đệ chúng tôi chỉ việc xào, nấu, kho còn những việc khác quý Phật tử làm hết rồi. Ngoài làm ở nhà bếp, tôi còn có một công việc rất đặc biệt mà tôi muốn nói nhiều về nó, đó là việc giữ xe máy. Viết đến đây chắc nhiều người thắc mắc, ủa thầy tu sao lại đi giữ xe? Vốn là những Khóa Tu Một Ngày, hay những ngày lễ lớn như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan,… Phật tử về rất đông. Để thuận tiện cho quý Phật tử đi xe máy đến chùa, nên huynh đệ chúng tôi xin phép đại chúng giữ xe. Ban đầu làm việc bằng phương pháp thủ công viết phiếu, bấm ghim. Việc này cần rất nhiều người. Phải cần hai người ghi phiếu, hai người bấm ghim, rồi vài người hướng dẫn khu vực để xe, người trông xe. Khi xe ra thì phải có người kiểm tra phiếu. Phương pháp này thì hơi chậm, xe dễ bị ùn tắc lúc ra vào. Cứ tưởng rằng ở chùa thì không có kẻ gian, nào ngờ cũng có lần bị mất xe. Thế là chùa phải đền tiền cho khách. Ở bên ngoài, người ta giữ xe thì lấy tiền, còn ở chùa thì không, chỉ đặt thùng tùy hỷ. Ai bỏ bao nhiêu thì bỏ, 1000đ, 2000đ,… tùy tâm. Giữ xe không lấy tiền mà mất thì phải đền. Tôi nhớ có lần mất chiếc xe tay ga, chùa phải đền hơn 20 triệu. Sau nhiều lần kinh nghiệm, sư huynh đệ chúng tôi quyết định nâng cấp bãi xe, sắm trang thiết bị hiện đại, công nghệ máy quẹt thẻ từ. Với công nghệ này thì cần ít người hơn, và cũng ít xảy ra mất trộm. Xe của khách được hướng dẫn đi vào khu vực để camera chụp lại hình ảnh, biển số xe và lưu lại bằng thẻ từ, khách chỉ việc giữ thẻ. Xem ra rất hiện đại, chỉ cần ngồi trên ghế quẹt thẻ đưa cho khách, thế là xong. Nhưng hiện đại thì hại điện. Việc đó cứ như vậy thì còn gì để nói, để bàn. Ai có ra giữ xe thì mới biết được là dễ hay khó, khổ đau hay hạnh phúc. Nhiều lúc, tôi hay nói đùa với huynh đệ giữ xe: “Ai mà nói tu tập tốt, tu tập giỏi, cứ ra giữ xe chừng vài lần là biết giỏi hay không à!”
Bạn sẽ thắc mắc giữ xe thì có gì khó, đơn giản, việc giữ xe thì liên quan gì đến tu tập tốt hay không tốt. Xin thưa với bạn là có đấy. Tôi nhớ đêm Giao thừa năm Mậu Tuất 2018, khi chùa mới mua máy quẹt thẻ được vài hôm. Đêm Giao thừa, tôi với một vài huynh đệ được phân công giữ bãi xe máy cùng mấy chú cư sĩ, thay vì lên khánh tuế Sư phụ như những năm trước. Gần đến Giao thừa, khách thập phương về chùa rất đông, con đường vào chùa đi lại khó khăn hơn. Người ra, người vào tấp nập, nhộn nhịp. Bỗng nhiên cái máy quẹt thẻ dở chứng, không chịu nhận thẻ. Khách không lấy xe ra được, xe ùn tắc ngày một nhiều. Xe vào thì không được, mà xe ra cũng không xong. Chúng tôi nói với chủ xe, do máy tính làm việc nhiều nên bị đứng máy, xin quý vị chờ trong giây lát máy chạy lại xe mới ra được. Ngay lúc đó, có một bác trai trung tuổi muốn cho xe ra khỏi bãi, tôi đoán chắc không phải là Phật tử. Bác la ầm lên, vẻ mặt nóng giận, quát lớn: “Mấy thầy làm ăn kiểu gì vậy, không cho xe ra, bắt người ta phải chờ. Giờ tôi có việc phải về gấp, không chờ được các thầy tính sao?”. Sư huynh tôi vốn hơi nóng tính, nói lại “không chờ, bác cũng phải chờ. Lỗi do máy chứ đâu có phải do người đâu mà bác la, bác quát. Đi chùa mà không có tâm chút nào hết!” May thay chỉ vài phút sau thì máy chạy lại được, vị khách khó tính đó cũng lấy xe ra về. Ngồi uống chén nước, tôi nói với mấy sư huynh đệ, gì mà ngay đêm Giao thừa, ngày đầu năm mới đã bị người ta mắng. Cũng may mình đi tu nên nhẫn nhịn được, chứ nếu ở ngoài đời thì to chuyện rồi. Ông ấy thấy mấy thầy đi tu nên làm lớn chuyện, chứ giữ xe bên ngoài có mà dám la, dám mắng. Giữ xe đến khoảng hơn ba giờ sáng mồng Một Tết thì huynh đệ chúng tôi đóng cửa bãi xe để sớm mai mở trở lại.
Trưa mồng Một Tết, máy lại trục trặc. Khi khách đưa thẻ lấy xe ra, máy báo xe không có trong bãi. Tôi nói nhỏ nhẹ với chủ xe, cô cho con xem giấy tờ xe và Chứng Minh Nhân Dân để kiểm tra. Cô nói: “Xe mới vào sao mà không có trong bãi, tôi đâu có ăn cắp xe mà mấy ông đòi kiểm tra giấy tờ. Mấy ông nói tôi ăn cắp xe hả?” Tôi nói với cô: “Không có, vì để cẩn thận khỏi mất xe nên con phải kiểm tra thôi ạ! Cô hoan hỷ ạ!” Cô nói bằng giọng nhát gừng: “Giờ tôi không đem theo giấy tờ thì tính sao?” Tôi đáp: “Vậy cô phải về lấy giấy tờ hoặc nhờ người thân đem lên.” Vị khách bực tức gọi điện cho người thân nói chùa vu oan cho cô ăn cắp xe của khách, kêu người lên giải quyết. Tôi phải gọi sư huynh phụ trách bãi xe thì mọi việc mới xong. Đúng là nhiều chuyện thật, mới đêm qua bị một trận chưa hết, trưa nay lại một trận nữa. Nhiều khi bị mắng oan cũng đành phải chịu. Bởi mình là người tu, đâu có xắn tay xắn áo mà to tiếng với người ta được! Nhiều lúc tôi nghĩ, thôi ở luôn trong bếp khỏi ra giữ xe để khỏi phiền não, khỏi bị người ta chửi. Nhưng nghĩ cho cùng thì người tu hành sao mà tránh khỏi mấy việc đó. Có câu nói: “Chạy trời không khỏi nắng.” Mình phải tập đối diện với sự thật để tự chuyển hóa chính mình. Trốn tránh không phải là cách giải quyết sự việc. Trong kinh Tăng Chi Bộ, Phật dạy: “Thế nào là Tỷ-kheo biết kham nhẫn, ở đây Tỷ-kheo kham nhẫn những cách nói chửi mắng, phỉ báng, chịu đựng các cảm thọ về thân, khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, không khả ý, không khả hỷ, chết điếng người. Như vậy này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết kham nhẫn.” Kinh Tiểu Bộ cũng chép: “Ngày xưa, đức Phật trên đường đi khất thực, bị một Bà-la-môn nhiếc mắng Ngài, Ngài im lặng nghe và tiếp tục đi. Bà-la-môn ấy lại chửi mắng Ngài, dân chúng phê bình sự im lặng của Ngài. Ngài giảng dạy cho dân chúng như sau:
“Với ai bị chửi mắng,
Lên tiếng chửi mắng lại,
Người ấy tệ ác hơn,
Người đã chửi mắng trước.
Với ai bị chửi mắng,
Nhưng không chửi mắng lại,
Người ấy được chiến thắng,
Trên cả hai mặt trận.”
Nghĩ đến bài kinh này, tôi quán chiếu lại chính mình, đến Phật là một bậc đạo sư trời, người đều tôn kính mà còn bị chửi mắng thì tôi là ai mà có thể tránh khỏi? Huynh đệ chúng tôi phải học theo Phật, dù biết rằng cần phải cố gắng rất nhiều. Đúng như Sư phụ nói: “Tu trong công việc chứ đâu phải lên chính điện tụng kinh, trì chú mới là tu.” Thế nên, tôi thiết nghĩ trong bất kỳ công việc nào, mình luôn làm việc đúng với tinh thần trách nhiệm, làm việc với tâm hoan hỷ thì làm gì ở đâu chẳng có an lạc, hạnh phúc, cho dù việc đó chỉ là một việc nhỏ, chẳng hạn như việc coi xe của sư huynh đệ chúng tôi.
Thích Tâm Triệu kính ghi