Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Dòng luân hồi trôi chảy không ngừng nghỉ, ta đã lang thang vô định trong nhiều kiếp sống. Có phải mỗi kiếp sống, con người như đám mây bảng lảng bay qua bầu trời? Mây bay đi không ghi nhớ, không buồn vui. Nó không thể tự quyết định đến đi hay dừng lại, cơn gió thổi đến nó phải đến đi, mặt trời sẽ quyết định sự sống còn của nó. Có phải con người sống trong thế gian trần tục này cũng không quyết định được đến đi, dừng lại, buồn vui, không quyết định được sự sống còn của mình? Không phải vậy! Ta không phải là đám mây, ta là con người! Ta có thể quyết định được cuộc đời của mình. Tất cả đều phụ thuộc vào sự hiểu biết, ý chí, nghị lực, sự kiên nhẫn, sức mạnh nội tâm, và một môi trường sống thích hợp. Nhiều khi ta có được các điều kiện đó nhưng phải làm cái gì trước, cái gì làm sau, cái gì không được làm, cái gì cần phải tránh, cái gì cần phải nhớ, cái gì cần phải quên? Không đơn giản chút nào! Chỉ một sai lầm nhỏ nó sẽ đưa ta rời xa con đường ta đã chọn. Tôi xin đơn cử một điều rất nhỏ. Nhiều khi những điều cần nhớ thì ta không nhớ, những điều cần quên ta lại nhớ. Có một lần tôi về quê thăm nhà, mẹ tôi có chuẩn bị rất nhiều thứ để cúng dường Sư phụ khi tôi trở lại chùa. Nhìn vào những thứ đồ thực phẩm, tôi bảo mẹ: “Sữa này Sư phụ chúng con không dùng được vì Ngài bị tiểu đường. Mẹ tôi hỏi: “Vậy Sư phụ con dùng được sữa gì?” Tôi bảo mẹ cứ gửi tịnh tài con sẽ cúng dường cho Sư phụ. Mẹ tôi đồng ý, nhưng nét mặt mẹ hơi buồn. Thật sự lúc đó nhìn mẹ, tôi cũng chạnh lòng. Tại sao mình là đệ tử mà không biết Thầy mình ăn được gì? Tình hình sức khỏe của Ngài như thế nào? Thật ra tôi cũng không biết! Cũng lạ thật! Tôi không biết những việc này. Tôi ái ngại vô cùng, mình đã từng đọc luật, là học trò phải đối với thầy ra sao? Trong Tạng Luật Đại Phẩm có ghi: “Sáng phải sang đảnh lễ hỏi thăm sức khỏe, dâng cháo (nếu thầy cần), phải cầm y, bê bình bát, phải kỳ lưng khi tắm, phải rửa bát khi thầy ăn xong, phải đấm bóp cho thầy khi thầy mỏi mệt,…”.
Có lẽ Sư phụ bận việc hoằng pháp nên Người đã lược qua rất nhiều lễ nghi trong Luật Tạng đã dạy. Có phải vì điều này mà tôi đã vô tình như thế? Khi trở lại chùa, tôi đã tự trách mình rất nhiều, xuống bếp hỏi sư đệ, Sư phụ ăn được thực phẩm gì? Sư phụ cần phải kiêng thực phẩm gì? Những thực phẩm nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của Sư phụ?…Tôi hỏi rất nhiều thứ với suy nghĩ sau này có đi hoằng pháp cùng Ngài thì biết cách làm thị giả cho tốt. Trở về Tăng xá với nhiều suy nghĩ trái chiều trong đầu, có phải ta đã quên ơn Sư phụ rồi không? Không phải vậy! Vì lúc nào tôi cũng nghĩ Sư phụ chuyên tâm hoằng pháp, và mình cũng sẽ đi trên con đường đó. Ngoài ra mình giữ giới, sống đạo đức, tu học đàng hoàng, thế là mình đã báo ơn Sư phụ rồi. Không phải vậy? Hình như vẫn thiếu điều gì đó!
Đã có ai từng đọc tác phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã hay Nanh trắng của tác giả Jack London chưa? Con chó sói khi được người ta cứu mang về nuôi, đã nhiều lần tập khí hoang dã trỗi dậy, bởi tiếng hú gọi của đồng loại. Nó muốn trở về rừng xanh, nó đã chạy đến rừng. Nhưng nó không đi được. Nó đã quay lại, vì nó nhớ ơn ông chủ của nó. Hình ảnh của ông chủ đã ám ảnh nó, nó đã không quên được ơn ông chủ. Nó đã luôn nhớ. Kể cả khi chủ nó đã chết, nó luôn trở về nơi ông chủ của nó nằm xuống. Ta là con người có gì sai khác ở đây?
Con xin cảm ơn tất cả mọi người, vì có mọi người mà con mới được gọi là con người. Nghe lạ quá phải không? Mọi người thử suy nghĩ đi, nếu trên trái đất này chỉ có một mình ta, không có ai cả thì ta có được gọi là con người chăng? Không bao giờ! Lúc đó, ta sẽ là một con gì đó trong vô số con mà thôi! Tại sao con lại suy tư như vậy? Quá khứ đã trở về trong con, con thấy mình có lỗi. Trong kinh Trung Bộ, bài Nhất dạ hiền giả - đức Phật có dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước hẹn, hãy sống trong hiện tại”.
Hiện tại con sống trong giáo pháp của đức Thế Tôn, nhờ vậy, giáo pháp đã làm duyên cho phần người trong con lớn mạnh. Hiểu được điều này con càng thấy xấu hổ nhiều hơn. Con đã từng nói với Sư phụ: “Con đã định bỏ đi mấy lần rồi, nhưng con không đi được, vì con cung kính Sư phụ.” Con tu còn kém, nếu không có Người làm gương cho con, con không tu được!” Nếu ông thầy bảo con là hãy hành thiền mà ông thầy lại đi ngủ hoặc bảo đệ tử là các con hãy buông xả mà tự mình không buông xả, chắc chắn là không bao giờ con nghe theo. Tại sao con lại muốn ra đi vì con thích Phật giáo Nam truyền, vì con thu thúc lục căn còn kém, nên con sợ phương tiện.
Con đã từng nói với Sư phụ: “Con không tu phương tiện gì hết, con chỉ tu thiền quán Vipassana”. Sư phụ đã nói những câu, làm con rúng động tinh thần vì sự chấp tướng. Sư phụ dạy: “Nam truyền hay Bắc truyền chỉ là mầu áo thôi, còn mình tu cái gì có ai biết đâu”. Thật là xấu hổ khi con đã đọc kinh, luật nhiều mà sao không ứng dụng.
Trong Trường Bộ Kinh - Đại Bát Niết Bàn, đức Phật dạy: “Ngoài Bát chánh đạo không có bốn quả Sa-môn”. Vậy đệ tử đức Phật là những người đi trên con đường Bát chánh đạo, Thế Tôn chưa từng dạy đây là Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp Hoa tông, hay đây là Nam truyền Phật giáo, Bắc truyền Phật giáo. Trong Tạng Luật: “Này các thầy Tỳ-kheo, không nên hoán chuyển lời của chư Phật sang dạng có niêm luật vị nào hoán chuyển thì phạm tội Dukkata. Này các Tỳ-kheo ta cho phép học tập lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân”. (Tạng Luật, Tiểu Phẩm tập 2, trang 72).
Phật giáo tùy thuộc vào quốc độ, tùy thuộc vào ngôn ngữ, tùy thuộc vào văn hóa, để đưa con người hướng thiện, hướng thượng; nhưng mục đích cứu cánh là đoạn tận tham, sân, si và chứng ngộ Niết-bàn. Viết đến đây nước mắt con đã muốn trào ra rồi, con xin đê đầu sám hối Sư phụ. Con nói như vậy, đó chính là tri kiến của con, nhưng trong thâm tâm con chưa bao giờ suy nghĩ bất kính với Sư phụ. Thực sự con chỉ thương Sư phụ hơn… vì đối với con, nếu muốn con có thể nói tất cả những gì mình biết. Còn địa vị của Sư phụ, lời nói của Sư phụ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đại chúng. Nhiều khi đúng mà không nói được! Để tìm sự hòa hợp trong tư tưởng, con đã từng giải thích rất nhiều điều theo cách: trong một ngôi nhà, gỗ tốt sẽ làm trụ chính, còn gỗ tốt vừa vừa làm xà dọc xà ngang, làm đồ đạc; gỗ trung bình để đóng cửa làm bàn ghế; gỗ xấu làm bờ rào; còn gỗ tồi tệ nhất cũng làm được củi đun. Nhưng con không muốn biến mình làm củi đun!
Ân tình Sư phụ dành cho con quá lớn, Sư phụ đã biến con thành người có ích. Con không biết nói ra sao với công ơn mà Sư phụ đã tạo dựng để cho con được ngày hôm nay. Con chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, sách của con rất nhiều có đến gần 5000 quyển (với mục đích làm thư viện), con sẽ cho một chùa nào đó làm thư viện là con hoàn thành trách nhiệm, con rất thoải mái và tự tại.
Tự sách tấn chánh niệm,
Không thích cư xá nào,
Như ngỗng trời rời ao,
Bỏ sau mọi trú ẩn.
(Pháp Cú kinh, kệ 91)
Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xứ,
Không, vô tướng, giải thoát,
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi, khó tìm.
(Pháp Cú kinh, kệ 92)
Nhưng điều con muốn nói ở đây, chính Sư phụ đã loại phần “ngợm” trong con để cho phần người được lớn mạnh và tăng trưởng. Vì sao con nói như vậy? Lúc con chưa xuất gia, thực chất người ngợm lẫn lộn trong con. Có lúc con là đứa con ngoan, con thi đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội (1997), con rất giỏi võ, con biết thương đến người khác, hay giúp đỡ mọi người. Nhưng cũng có những điều trái ngược, con bắn súng quân dụng rất giỏi, đã từng làm tướng cướp, đã từng cướp của, nghiện thuốc phiện, đã từng ở tù, từng muốn để xác mình ở lại trong tù, đây chính là phần “ngợm” trong con.
Vậy mà kỳ lạ thay, khi đọc được cuốn sách Lá thư Tịnh độ của Hòa thượng Thích Thiền Tâm, trong đó có đoạn: “Sống làm thây đi thịt chạy, chết đồng mục nát với cỏ cây”. Con đã suy nghĩ về cuộc đời tại sao mình sống không có ích cho ai cả? Con đường ta phải đi chính là xuất gia vậy. Với ý nghĩ xuất gia là sẽ báo hiếu cho cha và mẹ. Đúng y như vậy, khi con xuất gia, mẹ như được sống trên cõi trời vậy. Mỗi lần về nhà mẹ bảo: “Nếu mẹ có chết con đừng về nhà nhé, cứ ở chùa tu cho tốt”. Trời ơi! Cao cả thay là tấm lòng người mẹ, con đã từng làm khổ mẹ và cha rất nhiều, vậy mà chưa từng bao giờ con nghe một lời trách móc. Không phải là con không có trái tim mà vì con chưa tìm ra con đường riêng của mình... Con đã từng muốn tự sát, khi biết rằng cha rất đau khổ và thương nhớ con khi con đang ở tù, ông đã nhớ thương con cho đến tận phút lìa đời. Con đã từng kể cuộc đời mình cho người khác nghe, không phải vì muốn nổi tiếng mà muốn cứu người ta, con chứng minh cho họ thấy cuộc đời của họ vẫn còn hạnh phúc. Đau khổ, nhưng chưa đến nỗi tột cùng, họ vẫn nên sống. Thật sự con đã cứu người muốn tự sát bằng cách này.
Hôm nay con viết ra những dòng chữ này chẳng phải vì muốn người đọc thấy hay, chẳng phải vì muốn Sư phụ thông cảm cho con. Con chỉ nhắc nhớ bản thân mình có những điều luôn phải tự nhìn lại, luôn luôn phải ghi nhớ, vì có nó, sẽ làm cho mình sống hiền thiện, hướng thượng. Và một điều đặc biệt nữa nếu có sự nhớ ơn mình sẽ cung kính Thầy, nghe lời Thầy, sẽ đi đúng con đường mình chọn…
Thật là thương cảm khi nhớ lại hình ảnh con chó sói quay đầu nhìn ngôi nhà cũ một cách lưu luyến, rồi phóng nhanh vào rừng sâu. Chắc nó nhớ ơn ông chủ của nó.
Thích Tâm Sỹ kính ghi