Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Sao đêm

11h30 phút.

Thằng nhỏ kéo cái chăn lên đắp, trăn qua trở lại rồi ngồi dậy. Nó bước ra hàng hiên rồi nhìn lên bầu trời đêm với chú trăng treo tròn đủng đỉnh trên đầu ngọn cây cổ thụ. Trăng mười sáu tròn đẹp, sáng lung linh. Trời đêm tĩnh mịch, đâu đó vài tiếng côn trùng ngân lên rả rích. Vạn vật như đang chìm sâu vào giấc ngủ say giữa đêm. Nó đi thêm vài bước rồi nhìn sang phòng thị giả. Đèn vẫn còn sáng, hình như Thầy vẫn chưa về.

Một tháng rồi Thầy đi Phật sự phương xa, xa tít tận phía trời Tây, nơi mà nó chưa hề đặt chân đến đó lần nào. Một tháng, nó không phải thưa ai khi đi học, đôi khi lén ra ngoài mà cũng không hỏi quý thầy quản lý. Thật ra, nó có đi đâu hay chơi bời gì, chỉ là ghé siêu thị mua chút đồ dùng cá nhân hay đi nhà sách kiếm một vài quyển sách hay để đọc. Có điều, nó ngại phải xin nên âm thầm ra đi không nói lời thưa hỏi với các thầy lớn mà thôi. Cứ tưởng là thoải mái, nhưng nó cảm thấy trống vắng đến lạ.

Thầy ở nhà, một năng lượng gì đó tràn ngập cả ngôi chùa. Nguồn năng lượng ấy rất yên bình làm cho mọi người cảm thấy an tâm, dù có chuyện gì xảy ra thì vẫn có một điểm tựa để nương vào và thưa hỏi cách giải quyết.

Thầy vắng nhà, đến bữa cơm sáng cũng thấy thiếu thiếu, vì vắng đi những lời nhắc nhở, động viên và sách tấn. Thầy đi rồi mới thấy mình có lỗi vì đôi khi ngủ gà ngủ gật khi nghe Thầy nói chuyện. Bữa nọ, Thầy đang nói thì Thầy im vài phút, rồi nhắc: “Buổi sáng Thầy dành vài phút để nói chuyện với anh em, mà anh em ngồi ngủ không chịu nghe thì Thầy nói phí quá”. Đại chúng giật mình, ai cũng ngồi thẳng lưng lên, cứ tưởng từ đó trở đi sẽ không còn thời pháp thoại vào buổi sáng. Nào ngờ, tâm từ của Thầy lớn hơn nhiều so với suy nghĩ nông cạn của nó. Cũng từ đó, nó tự hứa với mình sẽ cố gắng không để bị hôn trầm khi nghe những lời chỉ dạy của Thầy.

Không biết tự khi nào, nó cảm thấy gần gũi như một người mẹ. Ngày ở nhà, mẹ lo cho nó từng miếng ăn giấc ngủ, quan tâm chăm chút từng tí một, lo từ khi mới sinh ra cho đến tận bây giờ. Vào chùa tu, Thầy có tới hơn trăm đệ tử, nhưng nó vẫn cảm nhận được tình cảm mà Thầy dành cho tất cả, từ những việc nhỏ như cách sinh hoạt và tu tập hằng ngày cho đến những chuyện lớn hơn như học hành ngoại điển, nghiên cứu nội điển, xây chùa, làm đạo, hoằng pháp lợi sinh… Nó nhớ có một lần, Thầy cho hơn bốn mươi anh em ra thăm các chi nhánh ngoài miền Bắc và dự lễ khánh thành ngôi chùa do một sư huynh lớn làm trụ trì. Vì đi một lúc đông người nên chư Tăng đi bằng xe ô tô trước còn Thầy có việc phải đi máy bay ra sau, cứ vài lần trong một ngày, Thầy gọi điện hỏi thầy quản lý anh em đi đến đâu, ăn uống ra sao, chỗ nghỉ thế nào. Thậm chí, Thầy quan tâm đến từng việc nhỏ như chuyện tắm giặt của mọi người, nơi chùa ghé lại có chỗ phơi quần áo hay không, thời tiết mưa nhiều đồ có kịp khô cho kịp chuyến hành trình. Nó thấy thật ấm áp và bình yên. Anh em đều trên hai mươi tuổi, nhưng dưới mắt Thầy có lẽ đàn học trò luôn cần được chăm sóc bảo ban.

Kể về Thầy có biết bao nhiêu là chuyện: chuyện dạy chúng, chuyện hoằng pháp, chuyện đời Thầy. Thỉnh thoảng, Thầy lại kể cho chúng nghe về những ngày xưa Thầy ở với Tổ. Một lần nọ, nó mon men qua phòng cô Hồng để nghe kể chuyện lúc Tổ còn sống. Ngày đó, xung quanh chùa chỉ toàn là ruộng lúa và rẫy mì, khi đêm về, ếch nhái cứ ngân vang những khúc nhạc buồn não ruột. Nó thấy quý thầy, ở tuổi đôi mươi mà chỉ có một mình, không huynh đệ để chia sẻ buồn vui như nó bây giờ, cũng không có những phương tiện học tập và sách vở nhiều như anh em nó. Chắc trong ngôi chùa này, cô Hồng là người biết nhiều điều về Thầy nhất. Cô từng sống với Tổ, nhìn thấy Thầy xuất gia rồi học đạo với Tổ ra sao, thuở nào “chú Cường” được Tổ gọi vào phòng riêng để truyền đạo, nghe “thiền vị” giống như chuyện của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và Lục Tổ Huệ Năng vậy.

Có lẽ vì tính Thầy đơn giản, nên anh em không để ý sẽ khó học được những bài học giá trị qua cách sống bình dị của Thầy. Có lần, một anh làm thị giả nấu cơm cho Thầy, lúc làm muối mè anh lớ ngớ thế nào mà lại lấy nhầm phần ngon phía trên mặt để dùng, còn phần dưới toàn cát thì lại dâng Thầy. Đến khi hũ muối mè còn một ít, anh mới phát hiện ra lầm lẫn đáng tiếc của mình. Anh bạch Thầy sám hối, Thầy cười nói: “Chuyện ăn uống mà, có gì quan trọng đâu”. Nhớ nhất là khi bệnh, Thầy dùng gạo lứt nên phải ăn ngày ba bữa thay vì hai bữa như lúc bình thường, Thầy cũng thưa với đại chúng về điều đó để mọi người thông cảm. Sống cạnh Thầy, nó thấy mình nhỏ bé, chỉ học những điều thật nhỏ từ Thầy thôi thì cả đời nó cũng chưa chắc gì học được, đừng nói đến việc có những tư tưởng cao xa hay làm những điều trọng đại.

Nó không sống với Thầy khi Thầy còn trẻ, lúc Thầy mới lập đạo tràng và nhận đệ tử xuất gia, nên không biết khi xưa Thầy thế nào, có giận dữ đánh đòn hay la mắng ai không. Nhưng kể từ khi nó vào chùa đến giờ, chưa một lần nó thấy Thầy nổi giận quát mắng huynh đệ. Thầy có buồn thì gọi vào phòng rồi chỉ dạy, nhiêu đó thôi cũng làm cho anh em cảm thấy lo lắng và tự biết lỗi của mình. Sợ nhất là những khi “im lặng hoành tráng”, mười phút giữa thầy trò mà cảm tưởng như cả trăm năm. Biết Thầy giận nhưng không muốn mắng mình, còn mình thì ngại nên không biết xin lỗi hay giải bày sao cho phải.

Bao người ra đi, bao người lầm lỗi, nhưng dấu chân nào biết quay gót trở về thì Thầy đều mở rộng tấm lòng để đón nhận lại, tiếp tục cho nương chúng tu học, cái tình đó khó người có được. Nó nhớ Thầy thường hay nói: “Cả đời tu của Thầy chưa chứng đắc được cái gì, nhưng Thầy chỉ mong một điều là mình tu làm sao để người ta thấy mình họ cảm thấy vui, cảm thấy an lạc. Còn chúng ta tu mà người ta thấy mình là né, nhìn mặt mình là sợ muốn tránh xa, đó là thất bại rồi”.

Nó chưa từng được làm thị giả lần nào, nhưng may mắn một điều là được Thầy giao cho một số việc nên có cơ hội gần và hiểu Thầy hơn một số anh em khác. Có lẽ, chắc nó chẳng bao giờ quên những phút gần Thầy để được Thầy chỉ cho cách viết văn, từng lỗi sai trong những bài viết hay cách dùng từ, dùng câu sao cho đúng. Có một lần, Thầy gọi nó lên phòng rồi cho… bánh, chỉ đơn giản vì mấy ngày trước đó nó viết được một vài bài hay. Hay những khi nó đi ra ngoài mà không xin phép, Thầy cho thị giả đi tìm không ra, lúc về dù bị nhắc nhở nhưng nó vẫn cảm thấy vui vì mình được quan tâm.

Tiếng chiếc xe Mercedes cũ kỹ quen thuộc làm cắt đứt dòng tư tưởng miên man của nó. Thầy về rồi, 12 giờ khuya, trễ hơn hai tiếng so với dự kiến. Tiếng bước chân và dáng người quen thuộc đi lên cầu thang Tăng xá. Nó vội đi qua phòng để chào Thầy mà quên cả chuyện mặc chiếc áo dài. Thầy nhìn nó có vẻ hơi bất ngờ rồi hỏi:

Ủa, giờ này mà chú chưa ngủ nữa hả?

Nó ấp úng: Dạ mô Phật, con chào Sư phụ mới về!

Nó xá Thầy xong rồi lui về phòng. Trời khuya tĩnh lặng đến độ nghe cả tiếng bước chân, huynh đệ đều đang ngon giấc. Nhìn qua ô cửa sổ, nó thấy những vì sao đang chiếu sáng khắp bầu trời đêm…

Thích Tâm Biện kính ghi

Sách cùng thể loại
Tặng phẩm xuân 2025
Tặng phẩm xuân 2025
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính