Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Không biết “mặt trời” của bạn ló rạng vào lúc mấy giờ? Với những người xuất gia như chúng tôi, đúng 3 giờ 30 phút, khi tiếng chuông Đại hồng ngân vang khắp khuôn viên chùa, đánh thức màn đêm tĩnh lặng là báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Không khí đêm còn nguyên vẹn trong lành, những âm thanh còn chưa kịp xao động. Có lẽ ngoài kia, mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ, nhưng trong này tất cả anh em chúng tôi đều đã thức dậy. Dậy sớm và ngắm nhìn cảnh vật buổi sớm luôn mang đến cho tôi những cảm xúc kỳ lạ. Trong một không gian yên tĩnh và cảnh vật dường như bất động, con người tự nhiên cũng chẳng cần vội vã làm chi. Với những bước đi chậm rãi, từng hàng người nối nhau dần lấp đầy chánh điện. Tiếng nhạc niệm Phật và tiếng đại chúng tụng kinh cứ vang vang khắp không gian làm tôi cảm thấy thật an lạc.
Là một người tu, tôi luôn ghi nhớ lời dạy của đức Phật, rằng cõi chúng ta đang sống tên gọi là cõi Ta-bà, có nghĩa là “kham nhẫn”, “đại nhẫn”; hay nói rõ hơn, vì cõi Ta-bà này có đủ năm thứ ác trược nên chúng sinh nào sinh ra ở đây cũng phải chịu đựng nhiều điều không như ý. Đặc biệt là với những người tu hành, họ phải có được “đại nhẫn” đối với mọi khổ não trên thế gian thì mới có thể tu học và thành tựu. Chính vì vậy, tôi càng trân trọng hơn từng giây phút an lạc mà mình có được, lấy đó làm động lực để tiếp tục cuộc sống tu hành của mình.
Cả cuộc đời người tu chỉ hướng đến hai mục đích duy nhất: giải thoát và hoằng pháp lợi sinh. Nói ngắn gọn thì giải thoát ở đây là giải thoát khỏi lưới vô minh trói buộc, dần dần tiến đến vượt thoát khỏi luân hồi sinh tử. Hoằng pháp lợi sinh là mang Phật pháp phổ biến đến cho tất cả mọi người, để cuộc sống của ai cũng được thêm phần an vui, hạnh phúc. Từ khi vào chùa sống đời sống của một người xuất gia, tôi cảm nhận được nhiều sự yên bình và an lạc. Tôi nghĩ, có lẽ đó chính là thiện duyên mà đức Phật đã dạy. Đâu dễ gì để những con người không quen biết từ khắp ba miền Tổ quốc có thể cùng quy tụ về một mái già lam, cùng bảo ban nhau tu học. Mà đâu phải chỉ những người trong gia đình mới là người thân? Bây giờ tôi có thêm nhiều huynh đệ, những người mà tôi có thể tin tưởng tâm sự mọi điều. Và đối với anh em chúng tôi, Sư phụ luôn là người Cha lớn, là tấm gương sáng để tất cả cùng noi theo học tập, dù là trong đời sống tu hành thường nhật hay cả trong hạnh nguyện phổ độ chúng sinh.
Huynh đệ chúng tôi có người mới xuất gia, cũng có người đã xuất gia chục năm có lẻ, nhưng đều là người trẻ nên chẳng thiếu những lần “lầm lỡ” làm cho Sư phụ phải lưu tâm. Nhờ được nương dưới bóng từ của Sư phụ mà không ít lần tôi đã học được nhiều bài học thật sự quý giá. Nếu bảo kể ra thì cũng nhiều kỷ niệm vui lắm. Mới viết đến đây thôi mà những hình ảnh lúc mấy anh em bối rối ngồi nhìn nhau đã hiện lên trong đầu, làm tôi bất giác mỉm cười.
Tuổi trẻ mà, dù là người tu thì đôi khi cũng vẫn còn ham chơi, ham ngủ. Chuyện là, thường thì buổi chiều chúng tôi không ăn, vì vậy có những huynh đệ đi học về khuya chưa quen sẽ bị đói bụng. Có lần nhịn không được, chúng tôi nghĩ ra một cách, đó là thay vì chế mì gói vào tô thì chúng tôi chế vào ly, để khi Sư phụ đi ngang qua, dù Người nhìn thấy cái ly cũng sẽ không thấy mì. Nhưng chắc tại đói quá, nên chúng tôi quên mất một điều, chế mì thì làm sao không có mùi thơm của mì gói cho được ạ? Chính vì vậy, khi đi ngang, Sư phụ chỉ liếc mắt một cái là biết tỏng mấy anh em tôi đang làm gì. Nhưng Người chỉ đứng đó nhìn chúng tôi mỉm cười.
Hay một chuyện khác, cũng là một lần “nghịch dại” bị phát hiện của mấy anh em tôi. Ở tổ đình Hoằng Pháp, chư Tăng ở các khu Tăng xá được đánh số lần lượt từ một đến bốn. Tôi ở Tăng xá một, khá gần nơi nghỉ ngơi của Sư phụ, vì vậy Người hay đi ngang qua hành lang trước phòng chúng tôi. Thường thì mỗi thứ năm hằng tuần, khoảng 20h00 huynh đệ chúng tôi lại có một cuộc họp nhóm trong Tăng xá để cùng nhau xem xét lại tình hình tu học một tuần vừa qua. Giữa cuộc họp cũng là thời gian Sư phụ đi hộ niệm cho Bà Nội (đây là cách gọi thương yêu chúng tôi dành cho thân mẫu của Sư phụ). Hôm ấy, vài anh em có mang về được chút bánh và nước để chia cho đại chúng dùng chung, mà không ai dám bày ra. Nhưng khi Sư phụ vừa mới xuống cầu thang chưa được 5 phút là anh em chúng tôi lập tức bày bánh kẹo ra chuẩn bị “liên hoan” liền. Không ngờ đúng hôm ấy Sư phụ để quên đồ trên phòng nên quay lại. Qua phòng chúng tôi, Người thấy cảnh tượng thật bất ngờ: Chỉ mới có 5 phút thôi mà sao đồ đạc la liệt, khác hẳn với lúc đầu! Gần hai mươi huynh đệ chỉ biết ngớ người ra, lo lắng nhìn Sư phụ đang đứng đó. Mãi đến khi Người nở nụ cười thì chúng tôi mới dám thở phào khe khẽ. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không biết làm gì ngoài việc nín cười, cười cho những lần “bày trò” thất bại của mấy anh em.
Sư phụ chúng tôi là vậy đấy, dù chúng tôi làm sai điều gì Người cũng biết hết, nhưng Người rất ít khi khiển trách mấy anh em. Người không dạy dỗ chúng tôi bằng khẩu giáo, mà bằng thân giáo – những bài học đến từ chính nếp sống giản dị mà thanh tịnh của Người. Tôi chưa từng thấy Sư phụ nổi giận bao giờ cả. Ánh mắt bao dung và thấu hiểu ấy chính là bài học không lời sâu sắc nhất đối với chúng tôi. Tuy Người không trực tiếp nhắc nhở, nhưng ai cũng cảm thấy mình cần phải tu tập nghiêm cẩn hơn để xứng đáng với tình thương, xứng đáng là đệ tử của Sư phụ.
Khi vui thì rất vui, nhưng vào thời khóa tu tập thì anh em đều tinh tấn, bởi Hoằng Pháp là một môi trường thanh quy với giờ giấc và giới luật rất trang nghiêm. Một ngày chúng tôi có hai thời công phu, sáng sớm và chiều tối; còn trong an cư kiết hạ thì có ba thời công phu. Thường mỗi buổi sáng, sau khi tụng kinh xong, chúng tôi đồng loạt qua chào Sư phụ một ngày mới. Mỗi khi chắp tay xá chào Người, tôi đều thầm nhắc nhở bản thân mình cần phải tự trau dồi, hoàn thiện tốt hơn, để có thể cống hiến sức mình cho xã hội, noi theo công hạnh cao cả của Người. Ngày nào chúng tôi cũng làm như vậy, tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng luôn khiến tôi cảm thấy thật ấm áp. Rồi mỗi người một việc, anh em tôi cùng nhau chấp tác: người quét sân, người nấu cơm, người chuẩn bị đi học,…
Sau thời gian chấp tác, đại gia đình chúng tôi ngồi lại bên nhau cùng ăn sáng và được nghe Sư phụ kể chuyện: Có khi là câu chuyện về những chuyến đi hoằng pháp gần xa, có khi là sự sẻ chia về những trăn trở trong cuộc đời tu hành của Người, và có cả những mẩu chuyện vui nhưng đầy thiền vị mà Người đã bắt gặp ở đâu đó… Không biết tự bao giờ, Sữa pháp ban mai Sư phụ dành cho mấy anh em chúng tôi mỗi buổi sáng đã trở thành nguồn động viên tinh thần quen thuộc. Có lẽ biết được điều này nên mỗi khi có Phật sự phải đi xa, Người đều thu âm trước vài dòng tâm sự ngắn để thầy Thị giả mở cho đại chúng cùng nghe. Tăng đoàn lấy lục hòa làm kim chỉ nam, sống, tu tập và làm việc cùng nhau,… đồng lòng như vậy nên khi làm Phật sự đều thành công tốt đẹp.
Tôi còn nhớ mãi buổi sáng hôm ấy, Người tâm sự với chúng tôi nỗi trăn trở lớn lao về công việc hoằng pháp lợi sinh. Đó là hiện nay, có một số Phật tử nghĩ rằng, chùa Hoằng Pháp đã là chùa “đại gia” rồi, họ chỉ đến đây để tu tập chứ không cần cúng dường. Họ chỉ muốn cúng dường cho chùa nào còn nghèo, còn thiếu thốn mà thôi. Đây là một nỗi băn khoăn khó giải thích của Sư phụ. Đúng là một năm Hoằng Pháp tổ chức rất nhiều khóa tu: Phật Thất, Sinh Viên, Tu Một Ngày, Tu Thiếu Nhi, và Khóa Tu Mùa Hè… Sở dĩ có nhiều khóa tu như vậy cũng bởi hạnh nguyện của Sư phụ là phải làm sao phổ biến Phật pháp đến cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp, mọi độ tuổi, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo. Vì vậy mà người dự tu không phải đóng góp bất kỳ một khoản phí nào trong các khóa tu. Vậy thì chùa lấy đâu ra tiền để tổ chức các khóa tu lớn cho vài ngàn người ăn ở và sinh hoạt như vậy? Chính là nhờ có đàn-na tín thí phát tâm cúng dường, được bao nhiêu Sư phụ liền đem đi làm Phật sự hết. Những khóa tu bảy ngày tiêu tốn rất nhiều, nếu bây giờ Phật tử nào cũng nghĩ chùa Hoằng Pháp “đại gia” rồi không cần gì nữa, thì không biết làm sao duy trì được việc tổ chức các khóa tu nữa đây?
Tôi nhớ mình đã từng đọc tác phẩm Sinh Ra Để Chạy của tác giả Christopher McDougall có đoạn viết: “Mỗi sáng, con linh dương thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất hoặc nó sẽ bị giết. Mỗi sáng, con sư tử thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ chết đói. Dù bạn là linh dương hay sư tử, bạn đều phải chạy khi mặt trời ló rạng”. Bạn có suy nghĩ gì khi đọc mấy câu trên? Đối với tôi, chỉ mấy dòng thôi mà mang đến cho tôi biết bao suy ngẫm. Đúng vậy, người đời thường thương hại những kẻ yếu, bởi họ dễ dàng nhìn thấy kẻ yếu đang phải vật lộn từng ngày để sống. Nhưng kẻ mạnh thì sao? Phải chăng là kẻ mạnh thì có thể an nhàn, thảnh thơi, không cần lo nghĩ? Sống trong cõi Ta-bà này, có ai không có những nỗi bận tâm riêng? Người công nhân nghèo lo lắng cho mình từng bữa ăn, còn ông giám đốc thì mang trên mình những nỗi lo về công việc, bởi chỉ một quyết định sai lầm thôi là đời sống của biết bao công nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đứng càng cao thì càng phải đảm nhận nhiều trọng trách lớn, càng cần sự suy nghĩ và tư duy chính xác nhiều hơn...
Tôi cũng là một người xuất gia, xa người thân, xa gia đình để theo đuổi một đời sống tuy đạm bạc về vật chất nhưng lại cao thượng về tinh thần. Thế nhưng, mỗi khi nghĩ tới Sư phụ, tôi đều cảm thấy mình nhỏ bé, như chiếc lá đang nương nhờ nhựa sống nơi cây cổ thụ của Người mà lớn dần theo năm tháng. Tôi tự thấy mình còn phải trau dồi nhiều lắm! Và tôi cũng luôn thầm cảm ơn tất cả, cảm ơn Sư phụ, cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi cơ hội được đi theo con đường này, con đường thực tập để có được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại, và thực hiện được hạnh nguyện vì mọi người như lời chư Tổ dạy: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.
Nghe có vẻ cao sang và mơ hồ, nhưng mỗi con người muốn thành công thì phải có mục đích và lý tưởng, đừng nghĩ rằng mình không làm được để rồi chưa cố gắng mà đã bỏ cuộc. Nếu nghĩ như vậy thì chúng ta đã thất bại ngay từ trong suy nghĩ rồi. Dẫu biết phía trước còn nhiều chông gai, nhưng tôi luôn biết tôi không cô độc. Tôi còn có Sư phụ, còn có các huynh đệ, các bậc thiện tri thức luôn bên cạnh hướng dẫn, sách tấn tôi tu tập. Chỉ mong trong cuộc đời này, tôi làm được chút gì đó có ích cho xã hội, giúp bản thân mình và mọi người xung quanh thêm phần an lạc, hạnh phúc, góp phần nào công sức để xiển dương Phật giáo nước nhà, vậy là tôi đã thấy cuộc đời mình không uổng phí rồi.
Cuộc đời xuất gia do đạm bạc mà an vui, do thanh quy mà tự tại. Mong sao ai cũng noi gương theo Sư phụ, mãi giữ được chí nguyện cao thượng như thuở ban đầu:
Bỏ hình giữ khí tiết
Lìa ái, xa người thân
Xuất gia truyền Phật đạo
Nguyện độ hết chúng nhân.
Thích Trí Thông kính ghi