Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Trong cuộc đời này, từ khi chúng ta sinh ra và lớn lên, ngoài cha mẹ là hai bậc sinh thành cho ta thân thể này thì thầy cô là người truyền cho chúng ta ngọn nến của tri thức. Vậy nên giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ông cha ta có những câu nói: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”,… thì những dòng kí ức hoài niệm về thầy cô rất thân thương và không còn xa lạ đối với mỗi chúng ta. Khi còn cái tuổi cắp sách đến trường, hình ảnh quen thuộc và gần gũi là bóng dáng của thầy cô trên bục giảng trao truyền kiến thức cho thế hệ tương lai và những cánh phượng đỏ thắm rơi đầy trên những hàng ghế đá mỗi khi hè về,... Những hình ảnh đó đã đi vào trong thơ ca, in sâu vào trong trái tim mọi người như là bài Bụi phấn hay Mong ước kỉ niệm xưa, mỗi khi vang lên làm cho tâm ta bồi hồi, xao xuyến. Đó là nói về những người thầy thế gian . Hôm nay, tôi sẽ nói đến vị thầy xuất thế gian (thầy tu), người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cả cuộc đời và hy sinh hạnh phúc riêng tư để đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Thời gian thấm thoát trôi qua, mới ngày nào bước chân vào chùa với bao nhiêu bỡ ngỡ thế mà tôi đã ở chùa hơn sáu năm. Đời người không phải là dài nhưng cũng không quá ngắn. Cuộc đời giống như một giấc mơ tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ vào chùa đi tu, sống một cuộc đời vô ưu, không phải lo toan, bôn ba, tính toán, hơn thua được mất trong kiếp con người. Được như vậy là nhờ ơn đức cao dày và lòng từ bi độ sinh rộng lớn của ân sư.
Từ ngày tôi chọn con đường đi cho chính mình là xuất gia, tu tập không phải là vì chán đời, trốn nợ hay thất tình, như phần nhiều mọi người đều nghĩ. Ngày tôi đi tu cả xóm bàn tán xôn xao với ba mẹ rằng: “Tại sao con trai ông bà đang làm ăn lại bỏ đi tu?”. Họ nói rằng: “Con ông bà bạc nhược, trốn đời vào đạo, núp bóng từ bi’’, nhưng họ đâu hiểu được rằng, mình đi tu là hảo tâm xuất gia, vì đã nhận chân ra cuộc đời vô thường, kiếp sống mong manh, hạnh phúc là tạm bợ. Vậy nên có câu hát: “Đường thương đau, đày ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người”. Đúng thật là như vậy, tuy tuổi đời tôi chưa lớn nhưng sự trải nghiệm với cuộc đời của tôi thật rất thấm thía. Vì đã trải qua bao nhiêu nghịch cảnh, đau thương mà tôi đã nhận ra cuộc đời là bể khổ. Tôi muốn thoát ra cái khổ luôn kìm hãm con người trong cái sanh già bệnh chết, và tìm đến hạnh phúc xuất thế bao năm qua. Tôi chưa bao giờ ân hận khi cạo bỏ mái tóc xanh và những bộ đồ đẹp, để khoác trên mình chiếc áo nâu bình dị và nhẹ nhàng. Được như vậy là nhờ ơn tế độ của ân sư.
Bao năm qua ngày nào trong tâm tôi luôn gọi Người bằng hai từ trìu mến và đầy thân thương “Sư phụ”. Thầy là người bao năm qua tôi luôn ngưỡng mộ và quý kính. Vì Người luôn có tấm lòng từ bi bao la. Người đã và đang đem hạnh phúc đến cho mọi người và chỉ cho họ con đường ánh sáng và chân lý Phật Đà, hướng dẫn cho mọi người biết tu nhân tích đức, biết làm lành tránh ác, biết lìa bóng tối bước vào ánh sáng, từ nẻo tà bước vào đường chánh, từ mê lầm bước đến giác ngộ. Nên bao nhiêu năm qua rất nhiều người chìm trong bóng tối vô minh đã biết quay về ánh sáng, biết tu học để đạt được hạnh phúc. Thầy mở ra rất nhiều khóa tu dành cho mọi lứa tuổi như là: Khóa Tu Niệm Phật Một Ngày, Khóa Tu Phật thất, Khóa Tu Sinh Viên, Khóa Tu Mùa Hè, Khóa Tu Thiếu Nhi,… để hướng mọi người về con đường thiện. Vì cuộc sống bây giờ quá đầy đủ, nên phần nhiều mọi người chỉ biết hưởng thụ dục lạc, tạo nghiệp ác rất nhiều. Thế nên Sư phụ đã dùng rất nhiều phương tiện để đưa Phật pháp vào đời một cách thiết thực gần gũi. Sư phụ là người tiên phong trên con đường đưa đạo vào đời, Người dám bỏ ra một số tiền lớn để dựng lên những bộ phim Phật giáo rất hay và ý nghĩa như: Con đường giác ngộ, Tìm về bến giác, Hổ ly sơn thất thế,... Ngoài ra, Người còn làm những vở cải lương rất hay như Quan Âm Thị Kính, Lưới tình, Thả một bè lau,... và mở ra chương trình ca nhạc Phật giáo Diệu Âm Hoằng Pháp. Người còn tổ chức chương trình quỹ học bổng Ươm Mầm Trí Tuệ, hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học và quỹ đào tạo Tăng Tài Ngộ Chân Tử. Người còn mua đất để mở rộng các chi nhánh từ Bắc vào Nam và sang cả nước ngoài... Tất cả chỉ vì nhân sinh từ đó chúng ta thấy được tấm lòng bao la rộng lớn của Người. Có những lúc Thầy đi Phật sự xa nửa tháng hay một tháng đôi khi hơn, nhưng lúc nào Người cũng quan tâm gọi điện thoại về hỏi thăm tình hình tu học, sức khỏe của đại chúng như thế nào, còn sức khỏe của mình thì sao Người lại không quan tâm đến? Vì tuổi đã lớn nên Người thường bị bệnh nhưng vì mọi người, Người luôn kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn của thân thể suy hao, mỏi mòn theo năm tháng…
Sau những chuyến Phật sự Người trở về với đại chúng, đó chính là thời gian tôi cảm thấy hạnh phúc nhất vì được nhìn thấy những bước chân thong dong với chiếc áo nâu đã phai màu theo thời gian, được nghe những lời chỉ dạy ấm áp trong bữa điểm tâm sáng. Đề tài mà Người chia sẻ là về Phật pháp hay chuyện đời thường, nhằm khuyến tấn mọi người cùng nhau tu tập, phải thương yêu, nâng đỡ nhau trên đường đạo. Mọi người ai cũng nghĩ rằng: “Là vị trụ trì trong một ngôi chùa lớn, lại có danh tiếng thì chắc là cuộc sống sung sướng lắm, ăn ngon, mặc đẹp, ở thì sang trọng, nào là có máy điều hòa, nệm êm chăn ấm, bàn ghế sang trọng.” Nhưng mọi người đâu biết rằng cuộc sống của Người rất đơn sơ và bình dị, ở trong căn phòng vỏn vẹn chỉ có mấy mét vuông, xung quanh toàn là kinh sách và cái bàn chỉ để được hai cuốn kinh là đã chật chỗ, chỉ có chiếc quạt máy đã cũ kêu vo ve, với chiếc giường nhỏ, chiếc mền, gối, chiếu bình dị… Nhưng trong căn phòng đó luôn luôn gọn gàng, ngăn nắp. Ngài thường dạy cho mọi người phải sạch sẽ, nên người thường nói: “Nhìn nhà thì biết người, nhìn người thì biết tâm”. Người có tính tiết kiệm, không bao giờ xài phung phí bất cứ một cái gì, vì đó là công sức mồ hôi nước mắt của người khác nên phải biết tiết kiệm. Phần nhiều là trụ trì thì chuyện tiền bạc đều do mình quản lí, còn Người thì không. Bao năm qua Người bàn giao hết cho thủ quỹ, ngay cả giấy tờ có giá trị người cũng không giữ. Thầy còn rất khiêm hạ, những ai xá chào Thầy cũng liền chào lại. Người dạy rằng hãy xem người dưới là ân nhân thay vì đầy tớ. Rồi trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, hay nói năng, Người đều dịu dàng khoan thai. Có những lúc bị bệnh mệt muốn nằm nghỉ nhưng sợ mọi người nói là mình không làm gương, nên người gắng gượng không dám nằm xuống nghỉ ngơi. Còn việc công phu thì Người luôn luôn tinh tấn, không lúc nào bỏ việc tu. Dù là đi Phật sự hay tiếp khách, người vẫn giữ thời khóa cho mình. Vì vậy, Sư phụ luôn luôn là tấm gương sáng cho tôi noi theo. Người nói được và làm được. Mọi người ai cũng ngưỡng mộ và tôn kính Người.
Đức hạnh của người như bài kinh Pháp cú: “Hương của các loài hoa, không thể bay ngược gió, hương của người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay”, hay câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đó là do từ sự tu tập giới định tuệ mà được thành tựu.
Sư phụ có chí nguyện đào tạo những vị Tăng vừa có đức và có tài, nên Người luôn luôn chỉ dạy chúng tôi rằng: “muốn có bánh tròn thì ép vào khuôn tròn, muốn có bánh vuông thì ép vào khuôn vuông”. Vì vậy huynh đệ chúng tôi luôn sống trong nền tảng giới luật, vì chư Tăng là người đại diện đức Phật hoằng truyền Phật pháp đưa đạo vào đời. Hình ảnh của một người tu sĩ rất quan trọng, nên bao năm qua tôi rất vui mừng vì đã tìm được bến đỗ bình yên, được nương tựa vào vị minh sư vừa có thực hành và có giáo pháp (pháp học và pháp hành). Đây là môi trường thuận lợi cho việc tu học. Sư phụ luôn luôn gần gũi nhắc nhở, sách tấn huynh đệ chúng tôi phải thương yêu lẫn nhau. Người là một người Thầy vừa là một người cha luôn mong cho con mình nên người, “tuy người không sinh nhưng có công dưỡng dục thì sinh dưỡng đạo đồng nặng bằng nhau”.
Bao năm qua tôi luôn cố gắng, nỗ lực tu học để không phụ lòng của Người. Có những lúc huynh đệ chúng tôi vì là tuổi trẻ nên thường có những sai phạm, tính tình hơi lỗ mãng, làm việc theo bản tính, nhưng khi biết sai và sám hối thì Người luôn nở nụ cười từ bi tha thứ những lỗi lầm. Người nói: “Con người ai cũng có sai lầm, nhưng biết sai mà sửa thì vẫn là người tốt”. Có một chuyện mà tôi nhớ nhất là lúc Sư phụ đi Phật sự bên Mỹ gần hai tháng, huynh đệ chúng tôi vì thấy thương Người quá nên bàn nhau sẽ sửa sang lại chỗ ở của Sư phụ cho được tươm tất hơn. Tuy nhiên, vừa làm mọi người vừa lo khi về sẽ bị Sư phụ mắng, vì người thích sống đơn giản. Nhưng sau chuyến Phật sự trở về, Người thấy căn phòng đã thay đổi hoàn toàn, mới hơn, sạch sẽ hơn, bàn làm việc rộng hơn, cửa sổ thì thoáng và sáng hơn, Người vẫn nở trên môi một nụ cười bao dung. Vậy là chúng tôi đã không bị mắng vì việc làm của mình. Sự thật thì bao năm qua tôi chưa từng thấy Người nói lớn tiếng hay là quát mắng đệ tử, mà luôn nhẹ nhàng chỉ bảo. Vì thế mỗi khi ở gần Người, tôi luôn có được cảm giác bình yên, đó là do từ tâm yêu thương lan tỏa mà có. Được gần gũi Người là một điều hạnh phúc trong cuộc đời tôi. Trong Lương Hoàng Sám, chương thứ XXIV – Lễ Phật thế Sư trưởng, có đoạn như sau: “Vì cha mẹ tuy có công sinh thành dưỡng dục chúng con nhưng không thể làm thế nào cho chúng con mau xa lìa đường ác. Cho nên Sư trưởng đối với chúng con có ơn đức vô lượng. Sư trưởng có lòng đại từ, dìu dắt khuyên dỗ, hằng dạy chúng con tu thiện, muốn chúng con ra khỏi biển sinh tử đến bờ giải thoát bên kia. Mọi điều lợi ích đều khiến chúng con thấy Phật, trừ hết phiền não kiết tập, an trú vào đạo vô vi. Ơn đức như vậy, ai hay báo đáp cho cùng tận. Dầu trọn đời tu hành, đó chỉ là tự lợi chớ chưa phải báo đáp ơn Sư trưởng”. Sở dĩ Phật dạy: “Thiện tri thức trong thiên hạ, không ai hơn sư trưởng, đã tự độ mình lại hay độ người...” Nên bao năm qua tôi luôn lấy câu của Sư phụ “Hãy sống như hoa, dù sự sống ngắn ngủi, nhưng hoa đã tỏa hương và làm đẹp cho cuộc đời này” để áp dụng vào đời sống tu tập của bản thân. Tôi sẽ luôn sống và làm theo tấm gương của Sư phụ.
Tuy những dòng chữ không thể bày tỏ được hết những nỗi niềm mà tôi muốn nói với Người, nhưng mượn những dòng chữ này để thay cho lời tri ân của người đệ tử đối với Thầy mình. Tôi chỉ mong sao cho Người luôn có sức khỏe để dìu dắt huynh đệ chúng tôi và mọi người đến được bến bờ giải thoát.
Thích Tâm Trịnh kính ghi