Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Bên Cội Tùng Già

Đây là lần đầu tiên tôi đặt bút để viết về Thầy. Không phải tôi chưa từng viết mà chỉ vì tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Tôi có một chút đam mê với văn chương thi phú nhưng ít khi nào tôi chịu ngồi lại để hoàn thành một tác phẩm. Tôi ưa viết lách, những dòng tâm trạng ngắn, có tư duy chiều sâu và ý nghĩa. Tôi sẵn sàng ngồi hàng giờ chỉ để nghiền ngẫm, mày mò và tự tình với một cuốn sách hay. Nhất là những quyển sách mang dáng dấp phong trần, tự tại của một tao nhân mặc khách nào đó đang phiêu diêu với việc giỡn chơi và nhảy múa trên con chữ.

Thầy tôi, trong cái nhìn cảm quan và gần gũi, là một người chuộng nếp sống bình dị, gọn gàng. Phòng Thầy chẳng có gì hấp dẫn ngoài một kệ sách bốn tầng nằm hiên ngang uốn theo hình chữ L ngay gian giữa. Thầy bảo: “Đó là gia tài của Phật, người tu chỉ cần sự nghiệp trí tuệ là đủ, không cần phải thêm gì khác”. Kệ sách của Thầy có đủ muôn hình vạn trạng, mà cốt lõi và dễ thấy nhất vẫn là kho tàng Tam Tạng Kinh Điển mà suốt cuộc đời hoằng pháp đức Thế Tôn đã truyền trao.

Suốt hai năm được kề cận, tôi chưa bao giờ nghe tiếng la mắng hay một lời trách hờn từ Thầy cả. Vả chăng là những lần vụng về, vấp ngã, Thầy buồn nhưng chỉ nhắc nhở chứ chưa hề trách phạt huynh đệ chúng tôi. Thầy bao dung như dòng suối mát, tuy nghiêm khắc nhưng vẫn ấm áp tình người khiến cho một ai đó dù lần đầu gặp gỡ cũng phải khép mình, cung kính, chẳng dám có hành động ngỗ ngang.

 Thầy hiếm khi nói nhưng thân giáo Thầy đã nhiếp phục tất cả. Dù là người đi trước, đã bước xa trên lộ trình tỉnh thức, nhưng Thầy vẫn luôn khiêm tốn và sẵn sàng đón nhận những lời đóng góp chân tình từ mọi người. Thầy tự nhận mình là một phàm Tăng, còn nhiều vụng về, khiếm khuyết chứ chưa phải là một bậc Thánh uy nghiêm, kiện toàn oai nghi, giới luật nên sẽ không tránh khỏi những lúc vô tình khiến người buồn phiền. Ngẫm cũng phải, con người mấy khi hoàn hảo, người tu thật ra cũng là đang trên lộ trình gột rửa thân tâm, gột rửa những bợn nhơ phiền não và tắm mình trong dòng suối pháp thanh lương của Phật. Đợi đến lúc tẩy sạch tất cả, không còn những cấu uế, lậu hoặc tức khắc sẽ hóa thành hồ nước mát tinh khiết, thanh trong.

Mỗi buổi sáng, Thầy thường dùng điểm tâm với đại chúng. Thầy nói: “Được dùng bữa chung với mọi người là một điều vô cùng ấm áp. Sẽ thật tẻ nhạt và buồn chán khi phải dùng riêng”. Đó là cách mà Thầy hòa chung với đoàn thể, luôn nhớ mình là một khất sĩ, để không có sự phân biệt hay khoảng cách xa xôi nào khiến mọi người phải khép nép mà luôn cung kính, thân cận và tin yêu.

Thầy luôn trải lòng để lo toan và tựu thành cho tất cả. Mỗi lần nhận tiền cúng dường, Thầy đều đưa vào Tam bảo, Thầy không tiếc gì cho những chuyến Phật sự lớn lao. Bởi thế, người ta khen Thầy: “Người nhỏ mà có cặp mắt to”. Nhờ có đôi mắt quảng đại ấy mà ngôi chùa Hoằng Pháp từ ngày Thầy tiếp nhận, đã lớn dần theo năm tháng. Nó đã chắp cánh cho biết bao ước mơ còn đang dang dở, viết tiếp cho những mảnh đời, những số phận bị lãng quên và nó còn truyền lửa cho biết bao thế hệ vươn mình tìm ra ánh sáng. Thông qua tổ chức các khóa tu chuyên biệt, liên tục đi tiên phong những chương trình Phật giáo đặc sắc, thu hút mọi tầng lớp không chỉ người già, các bạn trẻ thậm chí đến cả các em thiếu nhi. Thầy bảo: “Làm việc cho Phật thì không sợ tốn, chỉ sợ mình không đủ ý chí và nghị lực phi thường, huống gì chúng ta chỉ là người giữ hộ gia tài pháp bảo, không nên tham cầu để rồi hối tiếc”. Phương châm của Thầy theo các bậc tiền nhân: “Ăn cơm của Phật thì làm việc cho Phật, một ngày không làm, ngày đó không ăn cơm”. Câu nói chân tình ấy ngắn gọn mà đầy khí chất, đã đánh động vào tận sâu tâm thức của anh em chúng tôi. Dù đi suốt cuộc đời này chúng tôi cũng chưa chắc đi hết công trình cả đời Thầy gầy dựng, hà huống là chạm được gót bụi trần tỉnh thức của Như Lai.

Vào mỗi buổi sớm mai, sau buổi điểm tâm là mười lăm phút lắng lòng tỉnh thức, Thầy trải lòng với đại chúng. Đôi khi chỉ là những lời nhắc nhở chân thành, tha thiết, nhằm giáo giới cho các đệ tử của mình; cũng có khi là những lời dạy uy nghiêm, vững chắc kinh nghiệm suốt một đời Thầy từng trải; lại có khi là những thông báo cho những chuyến Phật sự xa xôi sắp tới; và có lúc đơn giản chỉ là bảo tồn và phát huy nếp sống tỉnh thức trong Tăng đoàn thông qua những lời dạy của đức Phật từ ngàn xưa… Còn rất nhiều khía cạnh khác mà bằng đôi mắt từ bi và quảng lãm, tầm nhìn thâm viễn thấu suốt, Thầy đã tận tâm vun vén để tiếp sức cho chúng tôi trên lộ trình tìm về chân phúc.

Có đôi lúc chúng tôi đã chểnh mảng và vô tâm với những lời nhắc nhở tha thiết của Thầy. Biết rằng mình còn là kẻ sơ cơ, vụng dại, tập khí phàm tục còn quá sâu dày nên chưa thể vẹn tròn giới luật của bậc Thánh. Những lúc như thế, người cha lành buồn phiền, đau đáu một nỗi lo, nghiêm khắc nhắc lại lời của Phật: “Mỗi người hãy là hòn đảo tự thân cho chính mình”. “Thầy không bắt buộc các anh em vào đây để sống đời tu sĩ kham khổ, đi xuất gia là do anh em tự nguyện, nếu cảm thấy tu hành là một việc khó làm, khó nhẫn thì bất cứ lúc nào anh em cũng có thể hoàn trả lại y áo, trở về với gia đình. Còn nếu đã nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, thì phải tinh tấn lên để giải thoát, nêu cao đời sống phạm hạnh, không lười biếng, giải đãi, biết sống cuộc đời thiểu dục tri túc, có như vậy mới không cô phụ đi lý tưởng của đời mình”. Ngày tháng trôi mau, vô thường không đợi, chiếc thuyền Bát nhã do chính ta tự lèo lái. Người xuất sĩ đi ngược dòng đời, nếu không cố gắng ắt sẽ bị sóng gió cuộc đời cuốn phăng trở lại. Đã thoát ra khỏi hố bùn, sao còn nỡ để dính bụi nhơ?

Mỗi lần như vậy, chúng tôi chỉ biết khép mình lặng im trước những lời giáo giới uy nghiêm của Thầy. Hành trình của người tu thật ra là một hành trình dài vạn dặm, trên đường đi ắt sẽ phải gặp nhiều gian nan thử thách. Bụi đường nhân gian sẽ dính đầy chân, phong hoa tuyết nguyệt cũng sẽ đề huề lưng túi. Thầy tôi năm nay cũng đã bước sang tuổi lục tuần, thân thể tuy vẫn còn mạnh khỏe nhưng giọt thời gian đã phủ đầy những vết nhăn trên khuôn mặt phúc hậu. Thấm thoắt đã bốn mươi lăm năm trôi qua, kể từ ngày Thầy bước theo gót chân của Phật, chưa một lần quay đầu nhìn lại phía hoàng hôn. Thầy bước đi bằng cả ý chí và nghị lực phi thường của bậc đại trượng phu không hề mỏi mệt, đã tiếp nối và truyền được ngọn lửa trí tuệ, tình thương của chư Phật, chư Tổ cho hàng hậu học gần xa.

Cống hiến gần như cả cuộc đời, trái tim của một bậc xuất trần thượng sĩ chưa một lần chùn bước. Thầy hay khuyến khích, động viên sự nỗ lực của mọi người bằng một câu tuyệt ngôn vững bền như sắt đá: “Người có ý chí phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường”. Phải! Có lẽ với chúng tôi, Thầy là một vị Bồ-tát, một người cha lành và là một người phi thường thật sự. Thầy nói được làm được, không nói suông để làm đẹp lòng người. Những chuyến Phật sự phương xa dù là trong hay ngoài nước, có khi là nửa vòng trái đất, suốt hàng giờ di chuyển mệt mỏi. Đến lúc trở về, Thầy luôn luôn mỉm cười, không bao giờ kêu than, chán nản. Vì tấm lòng quảng đại bao la, sức chịu đựng của Thầy bền bỉ đến vậy. Thầy phát nguyện với Phật, mỗi ngày dù trăm công ngàn việc thì ít nhất phải dành trọn một thời để công phu tu tập. Và thật khó tưởng tượng được thời công phu mà Thầy tôi chọn để phát nguyện lại vào lúc nửa đêm. Đó là thời gian mà người ta thường đang say sưa bên giấc mộng hòe tuyệt diệu, tỉnh mộng đã khó hà huống gì nghĩ đến việc công phu.

Rất nhiều những chuyện khó khăn mà Thầy tôi đều đã vượt qua thành công bằng nghị lực và ý chí mạnh mẽ. Như ánh sáng của đôi vầng nhật nguyệt, các tinh tú chẳng thể sánh bằng. Ánh sáng ấy phủ khắp nhân gian lầm lạc, đem đến tình thương và nguồn sống cho mọi loài bình đẳng, vị tha. Bậc tiền nhân Nguyễn Bá Học đã từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Hay chợt nhớ một câu thơ văng vẳng bên tai của Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận: “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt, Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Thầy đã dạy chúng tôi một bài học ngàn đời xuyên suốt: “Có đi ắt sẽ đến, có nỗ lực chắc chắn sẽ thành công”.

Thật may mắn thay, trong suốt hai năm tôi được gần gũi Thầy sớm tối. Là một kẻ vụng về, rất nhiều khuyết điểm. Con đường tu học còn trải dài thênh thang, xa vắng. Nhờ Thầy nhắc nhở, sách tấn tôi nhận ra mình phải tinh cần nỗ lực để từng bước hoàn thiện con đường lý tưởng. Thầy chăm chút từ oai nghi, phép tắc cho đến con đường xa rộng. Tôi ngày một trưởng thành từ những việc nhỏ, không còn ngước nhìn thành giếng, biết mình phải vươn xa đến những chân trời cao rộng. Không cho phép mình chùn bước, mai này dù không là cánh chim đại bàng to lớn nhưng vẫn có thể làm một hòn sỏi hiền từ trong ngôi nhà của Như Lai.

Mỗi buổi tà dương, tôi thường lặng nhìn những giò lan rừng đung đưa theo gió, phả chút hương thơm của màu nắng nhạt, lung linh sâu thẳm một tâm tình hòa quyện theo làn mây chiều bàng bạc, nhắn nhủ đến nơi rừng thiêng đại ngàn xa vắng. Dưới chân tôi là những viên sỏi trầm buồn, đan xen với thảm cỏ nhung nằm yên bình dưới rặng tùng già rắn chắc. Thầy tôi mỗi buổi sớm mai và mỗi chiều vàng vọt trong căn phòng nhỏ vẫn cặm cụi xem từng trang kinh Phật, lần dở những kí ức cổ xưa và tìm về trong hiện tại. Tôi sẽ lưu giữ khoảnh khắc này, lưu giữ mãi hình bóng Thầy vẫn ngày đêm miệt mài, cần mẫn bên từng trang kinh ấy. Tôi sẽ trân quý những phút giây bên Thầy còn lại, để một mai khi cơn gió tàn canh vô tình thổi đến, cuốn đi cội tùng uy nghiêm già cỗi, bóng mát không còn phủ kín những cõi lòng vụng dại. Tôi sẽ không phải hối tiếc mà tự sầu:

Bao năm hoang phí phận người,

Một đêm thức giấc nghe đời đã khuya.

Nhưng chắc chắn một điều cơn gió vô tình ấy sẽ không bao giờ cuốn đi được những hồi ức đẹp, những hình ảnh uyên nguyên và cả những lời dạy mẫn từ Thầy đã ban rải khắp nhân sinh.

Thích Tâm Học kính ghi

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính