Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Sư phụ

Đã lâu lắm rồi, con mới có dịp ngồi lại viết đôi dòng về Người – Sư phụ đáng kính của con. Được ở bên cạnh Người hơn mười mấy năm, giờ viết về Người, con không biết phải viết về điều gì nữa. Bởi lẽ, với con có quá nhiều điều để nhớ và viết.

Con vào chùa từ lúc còn rất nhỏ, nhỏ nhất luôn. Con còn nhớ lúc đó, con đi phụ với chú Trung đào đất để làm các đường ống dẫn điện. Sư phụ tới hỏi, nhỏ vậy sao mà đào được? Con mỉm cười trả lời, dạ được chứ hi. Nhân duyên con đến chùa cũng thật tình cờ và may mắn. Năm đó, chùa ở quê tổ chức đi chùa Hoằng Pháp tham dự Khóa Tu Phật Thất. Thường ở nhà, mẹ và con hay đi tụng kinh tối tại chùa, biết được chuyện này, mẹ đăng ký và dẫn con theo. Và đó là lần đầu tiên con được đi xa, đi thành phố và điều quan trọng hơn nữa đó chính là lần đầu tiên con được đi xe ô tô. Lúc đó hay gọi là xe car. Car là xe chứ còn gì nữa. Thật là ngốc hi! Lúc nhỏ cứ hễ mỗi lần xe ô tô đi ngang qua là lũ trẻ chúng con lại ùa ra xem, đồng thanh gọi. Xe ơi! Chở chúng tôi đi với. Máy bay cũng vậy, thấy máy bay, bay ngang cũng hùa nhau ra xem và gọi nhau ý ới: “máy bay kìa tụi bây ơi!”, “Máy bay ơi! Xuống đây chở tôi đi với.”  Tuổi trẻ thật là vui và thật là ngây thơ. Vậy là con đã được đi xe ô tô thật rồi. Vui quá!

Lúc đầu, chỉ nghĩ đi tham dự khóa tu xong là về, ai dè khi kết thúc khóa tu thì mẹ đổi ý, muốn ở lại chùa làm công quả. Mẹ đi đâu thì con đi đó, ở lại thì con ở theo chứ có biết gì đâu. Thế là con ở lại chùa làm công quả, lúc đó ở chùa vui lắm, làm đủ mọi chuyện, chuyện gì cũng làm, thích nhất là những lúc giải lao. Vì có bánh, trái cây, nước ngọt quá chừng luôn. Đặc biệt nhất là bánh tráng trộn, thời đó ai đi làm mà không biết món này là uổng lắm, cứ hễ làm xong là mua bánh tráng ăn. Ngon tuyệt vời và nhớ suốt đời thôi!

Thời gian trôi nhanh quá! Thấm thoát mà con đã ở chùa hơn 14 năm rồi, những huynh đệ ngày nào còn vui vẻ làm việc với nhau, giờ đã làm trụ trì hoặc đã đi du học tại một số nước để củng cố thêm kiến thức, ai cũng lớn hết rồi. Ngoài ra, một số sư huynh thì đã chọn cho mình con đường về lại với mái ấm gia đình sau một thời gian nương tựa Tam bảo tu học, âu cũng là cái duyên của mỗi người, khó trách được. Có những sư huynh, thời gian đầu tu tập, đạo hạnh tuyệt vời, ai cũng nghĩ sẽ là rường cột cho Phật pháp, nhưng duyên hết, lại phải trở về đời để tiếp tục duyên nợ.

Hôm nay, ngồi tại căn phòng, nơi đã trải qua biết bao cảm xúc, kỷ niệm, thăng trầm, buồn vui, hạnh phúc mà lòng không khỏi bùi ngùi xúc động, nhớ về những kỷ niệm ngày xưa, tình huynh đệ. Dẫu biết rằng, ai rồi cũng phải lớn, trưởng thành, mỗi người sẽ đi mỗi ngả để tìm cho mình con đường và lý tưởng riêng. Thầy vẫn ở đó, nhìn những người con của mình ngày một lớn khôn, trưởng thành. Có người ra để làm lợi ích cho đạo pháp, có người chưa thể đi trọn con đường mình đã chọn, âm thầm một ngày nào đó, đắp y qua phòng Thầy. Thầy ơi! Cho con xin ra đời. Biết nói gì bây giờ, khi con của mình đã nhất quyết ra đi, khuyên nhủ thế nào cũng không ở lại, đối với một người cha hết mực thương yêu các con của mình, những đệ tử sớm hôm nhắc nhở, lo lắng, mong sao sau này có thể thay Thầy tiếp nối mạng mạch Phật pháp, biết bao kỳ vọng của Thầy, nhưng các con vẫn gục ngã giữa đường, đi theo tiếng gọi của một bóng hồng nào đó. Thầy cũng chỉ biết khuyên cố gắng giữ sức khỏe đế sống tốt mà thôi, nếu muốn tu thì hãy về lại, Thầy lúc nào cũng chờ con. Còn có những sư huynh ra ở chùa riêng làm được những Phật sự lớn, những dịp lễ giỗ, về trình cho Thầy và Tổ những thành quả của mình, lúc đó Thầy cảm thấy vui hơn vì các con của mình đã lớn và thật sự trưởng thành rồi!

Thầy ơi! Không biết ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được công lao của Thầy dành cho chúng con. Đôi khi biết Thầy mệt mỏi lắm, muốn nằm một tý cho khỏe, muốn buông ra một tý thôi, nhưng Thầy không nỡ. Vì những đàn con của mình vẫn còn nhỏ và nhiều vụng dại. Thầy vẫn thường hay nói, tre tàn thì măng mọc, nhưng măng chưa mọc thì làm sao Thầy có thể an tâm buông được, Thầy muốn giao, muốn tin tưởng lắm, nhưng các con vẫn còn ham chơi mà không bao giờ chịu lớn. Thầy lại tiếp tục cố gắng và hy sinh, chờ đàn con của mình khôn lớn, trưởng thành.

Ngẫm nghĩ lại thời gian con mới vào chùa, cho đến tận bây giờ. Chỉ có một điều con muốn nói về Thầy đó là: “Người thật là tuyệt vời!” Tuyệt vời hơn bao giờ hết! Không biết nhân duyên phước báo của con như thế nào mà con lại được gần và ở bên Thầy nhiều hơn các sư huynh khác. Đó là phước báo của con, và con phải trân quý. Con sẽ trân quý những tháng năm được ở bên Thầy, được gặp Thầy mỗi ngày, học và noi theo gương hạnh của Thầy. Thầy à! Thường thì ai cũng thích người dễ, ghét người khó, bởi nhắc hoài đâm ra ghét, không thích. Tuổi trẻ thật là ngây thơ, bồng bột và có những ý nghĩ thật là ngây dại. Thầy biết không, con nói điều này, Thầy đừng la con nha! Khi còn ở trong chúng, chưa có làm gì nhiều, mỗi khi Thầy đi công việc xa vài ngày, có khi cả tháng, những lúc như thế con vui lắm, được thoải mái, không còn bị Thầy phải nhắc nhở nữa, muốn làm gì thì làm. Nhắc tới đây mới nhớ về chuyện Tỳ-kheo Subhada chưa có niềm tin trong sạch nơi bậc Đạo sư, hay tin đức Phật tịch diệt Niết-bàn, trong khi biết bao đệ tử khóc than buồn rầu, thì ông Subhada lại vui mừng và nói rằng: “Các ông buồn làm gì, hãy vui lên vì từ nay về sau chúng ta sẽ được thoải mái, muốn làm gì thì làm, không còn bị Sa môn Cù Đàm ngăn cấm điều gì nữa, ông ấy không còn bắt chúng ta làm chuyện này hay không được làm chuyện khác. Các ông hãy vui lên, tại sao lại buồn cơ chứ.” Là một người đệ tử khi biết về chuyện này ai cũng không khỏi buồn rầu vì có đi xa mới trân quý những ngày ở gần, có mất đi mới trân quý những tháng ngày được sống bên nhau. Hầu như là thế, đứa con nào cũng mong muốn nhanh lớn để đi ra ngoài tự lập, tự sống thoải mái không còn sự ràng buộc, kiểm soát của cha mẹ, lúc đó sẽ được tự do, thích làm gì thì làm. Sống chung với Thầy, Thầy khó thiệt, nhưng khó như vậy mới giữ được mình, chứ dễ quá sẽ hư mất. Mà hư thì còn gì là quý báu nữa. “Giáo đa thành oán” mà, cho nên, mỗi khi Thầy đi xa là mừng lắm, được tự do, thích làm gì thì làm, giống như Tỳ-kheo Subhada quá mà, ai cũng trách Tỳ-kheo ấy, nhưng giờ có phải mình còn hơn ông ấy nữa.

Ở chùa của mình, anh em nào học xong rồi thì phải ra ngoài tự lập, tức là xây dựng một đạo tràng mới để hoằng pháp lợi sanh, chứ không được ở lại chùa. Thường thì anh em chọn một nơi nào đó có duyên rồi Thầy sẽ hỗ trợ mua đất, cất một ngôi nhà tạm, để duy trì sinh hoạt, chờ xin phép làm chùa. Thường thì mất thời gian dài để hoàn thành việc này, nên trong giai đoạn đầu mọi việc rất khó khăn, tất cả mọi thứ mình phải tự lo liệu, từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài. Khó khăn muôn trùng, mà những điều này, lúc ở trong chúng, ở với Thầy nào có ai phải chịu vất vả như thế. Ở với Thầy, Thầy lo mọi thứ, chỉ việc ăn và học, không phải lo nghĩ bất cứ điều gì. Còn khi ra ngoài, việc gì cũng phải lo, thiếu đồ ăn, nước uống, sinh hoạt, tất cả… Đó là về vật chất, còn tinh thần, rất nhiều cạm bẫy, hiểm nguy rình rập, một thân một mình, không Thầy, không huynh đệ, làm sao có thể vượt qua được mọi thứ khó khăn bên ngoài lẫn bên trong để giữ mình, hình ảnh Tăng tướng của một người xuất gia thanh tịnh. Lúc còn ở trong chúng, ai cũng muốn ra ở riêng, vì lúc đó muốn làm gì thì làm, không còn bị Thầy la rầy, kiểm soát. Giờ mới thấm thía công lao của Thầy. Phải chăng, Thầy muốn anh em chúng con, trải nghiệm để biết mình khôn lớn như thế nào, tự biết vượt qua và học cách trưởng thành. Nếu không như vậy, anh em chúng con chỉ biết Thầy mà không bao giờ biết cố gắng. Chúng con chỉ biết lúc nào cũng đòi hỏi, than phiền trách móc Thầy, sao không như thế, sao không tâm lý này nọ. Để rồi, giờ đây khi bước chân ra cuộc đời mới thấm thía những nỗi vất vả gian lao mà Thầy đã trải qua, từ đó mới hiểu và thương Thầy nhiều hơn.

Đức Phật biết được, nếu Ngài tồn tại thế gian lâu dài thì những đệ tử của Ngài sẽ không chịu tu hành. Còn đức Phật ở đó, Ngài vẫn tồn tại lâu dài với chúng ta, việc gì phải gấp gáp. Thầy cũng vậy, biết được anh em sẽ ỷ y vào Thầy, có Thầy nên không cần phải cố gắng, mọi chuyện có Thầy lo, nhưng không ai ở mãi với Thầy được, trước sau gì cũng phải lớn, và lo cho sự nghiệp riêng của mình, Thầy biết được chuyện đó, nên cho mấy anh em tự lập sớm, khi Thầy vẫn còn, chứ nếu sau này Thầy không còn nữa anh em sẽ bị hụt hẫng. Có một lần, con có hỏi Thầy về việc, tại sao Thầy không để mấy anh em lớn ở lại để phụ giúp công việc cho Thầy, lúc đó Thầy đỡ mệt hơn, hiện tại Thầy cho mấy anh em đi ra ngoài lập chùa, giờ còn mấy em nhỏ, Thầy cũng phải bắt đầu lại từ đầu, Thầy sẽ mệt hơn. Thầy nói, cũng nhờ nhân duyên vậy mà anh em sẽ cố gắng hơn, hiểu hơn về nỗi vất vả khi hình thành nên một ngôi chùa. Thầy có vất vả một chút cũng không sao cả. Hiểu được những điều đó anh em chúng ta phải tự cố gắng nhanh chóng lớn khôn để tiếp nối sự nghiệp của Tổ, của Thầy. Nếu không phát triển được cũng hãy cố gắng giữ gìn những gì mà Thầy đã gầy dựng. Thầy luôn mong và hướng về anh em chúng ta và chắc Thầy sẽ vui lắm khi anh em chúng con ngày một lớn khôn, và không để Thầy phải nhắc nhở nhiều nữa.

Tối hôm nay, trời bỗng mưa nhiều, lòng con có chút chạnh lòng, xúc động nhớ về công ơn của Thầy đã cho con ngày hôm nay. Thầy chưa bao giờ la rầy, hay nói lớn tiếng với con, mặc dù có những lúc con làm sai hoặc lỗi lầm rất nhiều, nhưng Thầy vẫn từ tốn, khuyên răn dạy bảo, và cố gắng lên. Con có được như ngày hôm nay, thân này, tâm hồn này là do Thầy, nhờ Thầy, tất cả là của Thầy. Ơn này, nghĩa này con suốt đời không thể nào quên và trả hết cho được. Thầy càng ngày lớn tuổi, anh em chúng con vẫn còn quá thơ dại, cứ làm phiền Thầy, để Thầy phải nhắc nhở, suy nghĩ nhiều, chúng con cảm thấy có lỗi và hối hận nhiều lắm. Biết nói gì đây, chỉ nguyện và cố gắng thật nhiều thực hành theo những gì Thầy dạy, đi theo con đường của Thầy đã truyền trao, để chánh pháp mãi lưu truyền, bất diệt. Cầu nguyện cho Thầy của con nhiều sức khỏe. Nhớ và thương Thầy nhiều lắm ạ! Sư phụ của con.

Thích Tâm Trọng kính ghi

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính