Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Chiều buông nắng ngả về Tây
Chùa xưa còn đó dang tay đón chờ.
Mỗi lần con được trở về với mái chùa xưa, nơi đã để lại cho con những ký ức thật đẹp của thuở ban sơ ngày mới vào chùa, con lại thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Chú điệu ngây thơ ngày nào cứ vô tư nhìn đời bằng đôi mắt tinh nguyên, không phải lo âu, buồn phiền, suy nghĩ… Thời gian lặng lẽ trôi qua, mái chùa xưa giờ vẫn còn đó, những kỷ niệm về tình huynh đệ thuở nào vẫn còn đây và dòng ký ức ấy cứ luôn âm thầm chảy tràn trong tâm thức. Để mỗi lần ôn lại chuyện ngày xưa, còn nhớ mãi đêm trước ngày thế phát xuất gia, cả đám chúng con không đứa nào ngủ được. Đứa vuốt ve, chải chuốt lại mái tóc lần cuối; đứa soi gương cố hình dung diện mạo mình sẽ như thế nào khi không còn tóc; đứa lại buồn miên man khi ba mẹ bận việc nên không lên chùa dự lễ được… Rồi cả đến khi được truyền trao giới pháp, chính thức trở thành một người xuất gia, huynh đệ chúng con như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Tất cả niềm vui nỗi buồn ấy tạo thành một món quà ký ức vô giá, làm hành trang theo chân người tu sĩ trên suốt hành trình cuộc sống. Để rồi, mỗi lần có việc phải đi xa, con lại bồn chồn, háo hức mong muốn ngày được trở về. Vì nơi ấy có một người Thầy khả kính, luôn dõi mắt nhìn theo trên mọi nẻo đường mà chúng con đang rong ruổi. Người đệ tử mang tâm nguyện, bước những bước đi theo hạnh nguyện Thầy truyền trao. Chính ánh mắt quan tâm, lo lắng, bao dung của Thầy, đã tiếp cho chúng con nguồn động lực trước bao phong ba, bão táp của cuộc đời, và tình thương ấy đủ lớn cho chúng con cảm nhận rằng: Tình Thầy thật cao cả đến dường nào…
Chúng con thường không biết trân quý những phút giây hiện tại. Những thứ đang hiển nhiên tồn tại mà con cứ vờ đi trong lãng quên. Đó là những phút giây bên Thầy, được người ân cần chỉ dạy; đó là lời hát ru ầu ơ của mẹ, vỗ về đứa con thơ trong giấc ngủ trưa hè; hay đó còn là chén trà nóng làm ấm lòng huynh đệ mỗi khi có dịp đoàn viên… Đến một lúc nào đó, khi cỗ xe thời gian chở tất cả những gì đang hiện hữu đi vào quá khứ, con mới bàng hoàng, luyến tiếc, mong muốn những phút giây bình yên trở lại, nhưng tất cả đã quá muộn màng.
Mái chùa xưa nay đã khoác lên mình màu rêu phong cổ kính, nhưng Thầy vẫn miệt mài ngồi đó bên trang sách, đem lời kinh tiếng kệ đến với mọi người. Nếu đạo Phật là con đường của tình thương và sự hiểu biết, thì Thầy là một sứ giả Như Lai truyền trao chân lý giác ngộ, thay Thế Tôn giáo hóa muôn loài. Mỗi câu chuyện bên Thầy, dù đó chỉ là lời nói đơn sơ, giản dị đến những việc làm tưởng chừng bình thường, nhưng để cho chúng con những phút giây chiêm nghiệm, học tập và ứng dụng vào đời sống tu hành.
Con còn nhớ một lần được nấu cơm cho Thầy. Huynh đệ con vì quá chú trọng việc chế biến các món ăn, cũng một phần do thiếu chánh niệm, nên quên luôn việc nấu cơm. Đến giờ ăn, khi mọi thứ đã tươm tất, thì hỡi ơi! Nhìn lại nồi cơm, mọi thứ đã quá muộn màng. Thế là buổi sáng hôm ấy không có cơm, Thầy phải dùng tạm mì gói. Khi bưng bát mì lên mời Thầy, con cảm thấy có lỗi vô cùng, chỉ vì sự sơ ý của mình đã khiến Thầy trễ giờ ăn sáng, còn phải dùng tạm mì gói. Đợi Thầy dùng điểm tâm xong. Con lặng lẽ đến bên Thầy thưa chuyện: “Mô Phật! Bạch Sư phụ. Sáng hôm nay trong lúc chuẩn bị đồ ăn sáng, con đã sơ ý quên cắm nồi cơm điện, nên để Sư phụ phải dùng trễ bữa và ăn tạm mì gói. Con xin sám hối!”. Thầy nở một nụ cười trên môi và nói những lời vô cùng ấm áp, làm xóa tan bao mặc cảm tội lỗi trong con: “Vậy à, có sao đâu con, nhờ vậy mà sáng nay Thầy được ăn mì gói. Mì con nấu cũng ngon đấy chứ”. Chỉ nhiêu đó thôi, đủ cho con thấy ấm áp cõi lòng, vì tình Thầy quá bao dung, độ lượng. Không một lời rầy la, không một câu trách mắng, sự từ tốn và bao dung của Thầy đã tác động đến con rất nhiều, đó là sự nhận thức về tinh thần chánh niệm ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Hay vào những ngày lễ lớn, cuối năm chùa khá bận rộn cho các công tác chuẩn bị. Do mải mê làm việc, huynh đệ chúng con thường hay buông lung, phóng túng, đánh mất oai nghi của người xuất gia. Biết chuyện, Thầy đã ân cần chỉ dạy chúng con trong giờ nói chuyện buổi sáng. Câu nói của Thầy khiến con nhớ mãi: “Làm cũng phải tu, tu để soi sáng việc của mình làm”. Bài giảng của Thầy phần nào giúp chúng con nhận thức được những sai phạm và sửa đổi để hoàn thiện chính mình.
Có một lần, Thầy đi hoằng pháp ở Anh quốc. Trước khi đi, sức khỏe của Thầy không được khỏe lắm. Qua bên đấy thời tiết khá lạnh, nên bệnh tình của Thầy ngày càng nặng thêm. Dẫu mang bệnh trong người, nhưng mỗi khi có đạo tràng nào mời chia sẻ Phật pháp, Thầy vui vẻ nhận lời ngay. Khi ngồi trước những đạo hữu nơi đất khách quê người, đối với họ bằng những tâm hồn cần tưới tẩm tình thương, lòng nhân ái của sự bao dung, tha thứ, Thầy đã vì họ truyền trao chánh pháp mà quên đi bệnh tình của bản thân. Vì Thầy thấy được tấm lòng khát ngưỡng học hỏi giáo lý của những kiều bào xa phương; hay đơn thuần thương cho nỗi khổ của những hạt giống Bồ-đề đang tìm cầu một lối thoát…. Nhưng có lẽ, cái gì cũng có giới hạn của chính nó, bệnh tình của Thầy ngày càng nặng, không có dấu hiệu thuyên giảm, nên mọi Phật sự trong chuyến đi lần này đều hoãn lại. Thầy về nước mà tâm không thoải mái, vui vẻ như mọi lần. Bởi đâu đó, trong suy nghĩ Thầy vẫn gợn lên chút áy náy, có lỗi vì chuyến hoằng pháp chưa hoàn thành trọn vẹn, và phụ lòng bao kỳ vọng của Phật tử phương xa, chỉ với mong muốn được nghe giảng, được tận mắt thấy gương mặt từ hòa của Thầy dù chỉ một lần. Nhưng Thầy ơi! Con tin mọi người sẽ hiểu và cảm thông với Thầy. Vì ai trong chúng ta khi đã mang tấm thân giả tạm này đều có lúc phải bệnh.
Mỗi người khi mang bệnh, dù chỉ nhẹ thôi cũng thường ngụy biện, bào chữa cho mình hàng ngàn lý do để được lười biếng, được nghỉ ngơi và nuông chiều cái thân tứ đại này. Nhưng với Thầy lại khác! Trở về sau chuyến hoằng pháp, tuy trong người không được khỏe, nhưng Thầy vẫn cố gắng tu tập và sinh hoạt như hằng ngày. Vẫn ngồi đó trên chiếc bàn quen thuộc, nhưng không đọc sách nghiên cứu như mọi ngày, mà Thầy chỉ ngồi để gồng mình chống lại căn bệnh đang làm Thầy mỏi mệt. Huynh đệ chúng con thấy Thầy mệt nên khuyên: “Thầy nên nằm nghỉ một tí cho khỏe!”. Thầy nhìn chúng con và từ tốn trả lời: “Thầy không sao đâu, mình đau ốm thật ra cũng là cơ hội tốt cho mình tu tập mà. Bệnh tật là lẽ thường của đời người, ai mà không có những khi ốm đau. Người đời khi bệnh thì họ nghỉ ngơi, an dưỡng, còn mình là người tu khác hơn một chút, đâu thể nào vì một chút bệnh duyên mà giải đãi được”. Thầy mệt nên không nói nhiều, nhưng con còn biết được một điều: Thầy muốn làm tấm gương để anh em noi theo, và cũng để tránh những suy nghĩ không hay của những người chưa hiểu chuyện.
Thưa Thầy! Những năm tháng bên Thầy, là khoảng thời gian con thấy mình hạnh phúc nhất, vì có cơ duyên được làm đệ tử của Thầy; được tưới tẩm tâm hồn trong suối nguồn tình thương; được tận hưởng hương vị an lạc, giải thoát trong sữa pháp Thầy trao. Quãng thời gian không đủ dài, nhưng đã cho con tích lũy những bài học vô cùng quý giá. Trong sinh hoạt hằng ngày, Thầy giản đơn, bình dị. Trong tiếp Tăng độ chúng, Thầy từ tốn, khiêm cung. Người âm thầm chỉ dạy hàng đệ tử chúng con nhân cách đạo đức cũng như cách thức tu tập thông qua thân giáo và khẩu giáo. Cả cuộc đời, Thầy khép mình vào nếp sống thiền môn, oai nghi, giới luật; lấy tinh thần “ít muốn, biết đủ” làm niềm vui trên lộ trình giải thoát.
Dẫu biết bánh xe vô thường cứ mãi trôi lăn. Tâm con người luân phiên trong những trạng thái: vui buồn, ganh ghét, hơn thua…đắp đổi. Một bài hát dù có hay, nhưng khi ta nghe nhiều sẽ chán và đến một lúc nào đó sẽ không nghe nữa, lâu ngày nó trôi dần vào cõi lãng quên. Vần thơ có sâu lắng, câu văn có súc tích, đem đến bao dư âm cho người đọc, nhưng cảm giác ấy theo thời gian cũng sẽ nhạt nhòa. Riêng những lời Thầy dạy, những việc Thầy làm, sẽ mãi in sâu trong tâm trí của chúng con, sẽ mãi là hành trang cho con tiếp bước vào đời. Để những khi chùn bước trên con đường giác ngộ, con lại nghĩ về Thầy mà mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh.
Dẫu mai đi khắp phương trời
Những lời Thầy dạy đời đời khắc ghi.
Khi đi xa, con nhớ lắm những phút giây bên Thầy, những buổi sáng ngồi ăn cơm và nghe pháp, những giờ họp đại chúng, cả những lời Thầy chỉ dạy mỗi lần có anh em nào sai phạm… Cảm giác ấy như đứa trẻ thơ thèm khát bầu sữa mẹ những lúc đói lòng. Mỗi lần tâm Bồ-đề của con khô héo trên bước đường hoằng pháp, con lại trở về bên Thầy, để tưới tẩm yêu thương, để được ngắm nhìn nụ cười ấm áp đầy lòng từ bi của Thầy, để Thầy nắm lấy tay con dìu đi trên bước đường giải thoát.
Con về đây bên tình Thầy ấm áp
Nghĩa đệ huynh son sắc vẹn câu thề
Dẫu mai này trên khắp nẻo sơn khê
Tình pháp lữ muôn đời không thay đổi.
Thích Tâm Lực kính ghi