Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Con xuất gia khi tuổi đời đã bước sang bên kia sườn dốc. Những tưởng với những trải nghiệm ở đời, với việc tinh thần tu học giáo pháp Như Lai, với sự tận tình chỉ dạy của Bổn sư, con sẽ nhẹ nhàng từng bước đi trên con đường giác ngộ. Song, xuất gia là việc được tái sinh và sống trong một môi trường mới, vậy nên dẫu đã ở độ tuổi thất thập thì con vẫn chỉ là chú Sa-di nhỏ. Vậy nên, cũng đôi lần con gặp những chướng duyên, đặc biệt là đối với việc đối nhân xử thế. Bởi lẽ, tâm lý thông thường của những người mới xuất gia là có lòng từ bi rộng lớn. Thay vì như trước, khi nghe chuyện gì luôn cảnh giác, hay đặt nghi vấn, thì nay hễ thấy ai gặp hoạn nạn, khổ đau thì “tâm từ” liền xúc động, con lại muốn giúp đỡ. Vừa tin tưởng lời Phật dạy cũng vừa muốn chứng tỏ mình là một nhà tu chân chánh nên thấy ai gặp khổ nạn thì mình muốn cứu giúp liền. Những người hiểu được tâm lý này thường lợi dụng, ngụy tạo hoàn cảnh khổ đau để được người tu giúp đỡ. Hay nói một cách khác hơn là lừa đảo.
Vào năm 2006, con được bổ sung vào phòng phát hành phụ giúp thầy Tâm Mẫn vì thầy còn phải đi học giáo lý. Lúc đầu thầy hướng dẫn cho con quen việc rồi sau đó thầy lo đi học để một mình Tâm Điền lo toan mọi việc. Thật ra công việc này cũng lợi ích cho bản thân. Mình không được đi học thì theo dõi bài giảng của các giảng sư, giới thiệu lại cho các Phật tử mua đĩa giảng về tu học. Vừa nghiên cứu Phật pháp vừa nói lại cho Phật tử nghe, vừa thực hành tu học, xem ra mình cũng có phước duyên trên đường xuất gia học Phật.
Một hôm, như thường lệ, con giảng cho khoảng bốn, năm Phật tử hỏi về Phật pháp đến 10 giờ là xong, mọi người ra về. Duy chỉ có một người nữ khoảng trên bốn mươi tuổi ở lại với vẻ mặt đau khổ, có việc xin trình bày. Cô này kể rằng: “Nhà cô ở Rạch Giá, chồng làm thuê theo ghe đánh cá ngoài khơi và bị chết trong một trận bão. Cô có một đứa con gái mười lăm tuổi ở với bà ngoại, cô lên Sài Gòn làm thuê kiếm tiền gửi về nuôi con. Nơi cô làm lại chứa gái mại dâm. Có lúc thiếu người cô phải “đi khách” để kiếm tiền. Không ngờ sau đó cô bị nhiễm virus HIV. Gia đình biết được không cho cô trở về quê. Cô phải ở lại Sài Gòn vừa lo ăn, lo thuốc chữa bệnh. Sau đó, bị đưa vào trại tập trung, lại phát hiện đang mang thai, không chịu phá thai lại trốn trại, nằm viện nhiều lần, sanh con bị chết. Câu chuyện rất dài dòng, có nhiều tình tiết rất logic, cũng có lúc con nhờ người xác minh một vài sự việc là có thật. Vì vậy, con đã giúp đỡ cô khoảng bảy tháng rồi không thấy cô đến. Có lẽ, cô không ngụy tạo được thêm hoàn cảnh nên không đến. Khoảng 2 tháng sau cô đến phòng Phát Hành với áo tràng lam của người xuất gia, nhưng với khăn choàng trên đầu không che kín được những sợi tóc chưa cạo.
Sự việc bại lộ, cô ta xin sám hối và hứa sẽ hoàn lại số tiền đã nhận. Ước tính vừa tiền trai Tăng của con và tạm mượn của Tam bảo tộng cộng khoảng 30 triệu đồng.
Con nói với cô ta: “Đây là nghiệp kiếp trước tôi đã vay mượn, nay tôi phải trả. Tôi chỉ yêu cầu cô sau này không được tái phạm và biết bố thí cúng dường để tiêu được nghiệp”.
Sau đó Tâm Điền đắp y đến “phương trượng” sám hối Sư phụ. Sau khi nghe con trình bày hơn nửa giờ, Sư phụ nói việc này cần đưa ra sám hối trước đại chúng để mọi người cảnh giác. Khoảng hai tuần sau, con sám hối trước chúng Tỳ-kheo và Sư phụ chỉ dạy: “Người xuất gia có lòng từ bi là tốt nhưng từ bi phải có trí tuệ, không khéo làm thất thoát của Tam bảo và còn tạo nghiệp cho người khác”. Con quá xúc động, vừa nức nở thưa rằng: “Kính bạch Sư phụ, vì con quá vô minh gây ra điều lầm lỗi, Sư phụ không trách phạt lại chỉ dạy một cách nhân từ, độ lượng, con xin ghi nhớ suốt đời và con xin sám hối bằng cách mỗi ngày lạy 108 lạy và lạy suốt một năm”.
Câu chuyện ấy cũng đã trôi qua hơn mười năm, giờ đây qua bao cuộc bể dâu trong chốn Thiền môn, mọi cảm quan đã khác. Song, con biết rằng, nếu sự việc ngày ấy không được Sư phụ nhân từ chỉ dạy thì đã không có một Tâm Điền như ngày hôm nay. Cho đến giờ, sự việc ấy đã trở thành một bài học kinh nghiệm không chỉ về lòng từ bi, mà còn là sự dạy dỗ của một vị thầy đối với đệ tử bằng thân giáo và khẩu giáo. Nhớ lại, trong lúc con đắp y đến “phương trượng” trình bày sự việc, Sư phụ cho phép đứng chắp tay trình bày sự việc hơn nửa giờ, thương người lớn tuổi không bắt quỳ. Sư phụ chăm chú lắng nghe và theo dõi câu chuyện. Rồi, khi sám hối trước đại chúng, gương mặt Sư phụ luôn hiền hòa, lời nói nhẹ nhàng, không trách cứ, không đưa ra hình phạt. Sư phụ đã cảm thông được do đệ tử chưa hiểu mà làm sai chớ không do cố ý. Chính lòng “từ bi” đối với đệ tử có tuổi và với “trí tuệ” hiểu được tâm trạng của đệ tử lúc đó nên Thầy đã dùng “thân giáo, khẩu giáo” phù hợp khiến cho Tâm Điền phải “tâm phục, khẩu phục” suốt đời không quên.
Thích Tâm Điền kính ghi