Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Nghĩ

Thầy tôi tóc đã hai màu, tuổi cũng đã gần bước qua con dốc cao của cuộc đời. Ấy vậy mà vẫn nghĩ…

Từ những ngày đầu gầy dựng nên cơ nghiệp sư Tổ để lại, một mình Thầy bươn chải khắp mọi nơi khi tuổi đời còn khá trẻ. Khi thì là một vị trụ trì đứng trên cương vị lãnh đạo, lúc thì như người giữ lửa chốn thiền môn. Quanh năm suốt tháng vẫn một mình đi về trên nẻo tịnh. Lắm lúc cảm thấy thương Thầy vô hạn. Tôi tánh ít hay bộc lộ tình cảm nên mượn lời văn thô kệch để khua môi múa mép, dù biết là mượn những lời ngoa mị để viết về Thầy, nhưng đó cũng là chút trải lòng của kẻ hậu bối đang kế tục dòng thiêng đối với bậc trưởng thượng đáng kính.

Tánh ít nói, luôn nghiêm nghị và cũng ít khi khen ai, nhưng với tôi Thầy là cả một bầu trời đầy nắng. Bên Thầy, tôi nhỏ bé và e ấp như chồi sen đang tựa liên đài. Có thể chưa đủ ánh sáng và dưỡng chất yêu thương để vươn cao lên khỏi mặt nước vô thường như những đóa sen khác, nhưng được bên Người là cả một sự ban ơn. Đôi khi cũng hờn giận, trách Thầy, nhưng Thầy vẫn là một ông Bụt hiền từ và mẫu mực.

Đã bao năm trôi qua, chùa bao lần thay áo, đàn con của Thầy cũng ngày một đông hơn và gánh nặng trên đôi vai Thầy cũng vì thế thêm oằn trĩu. Bao lớp người đi rồi lại về, Thầy vẫn dang rộng vòng tay chào đón. “Trò giận Thầy thì có, chứ nào Thầy có giận trò đâu!”, đó là câu nói của Thầy mà tôi luôn giữ trong mình như một sự trân trọng và hoài thương. Các sư anh tôi rời Thầy ra đi, có người vì sự nghiệp hoằng hóa, có kẻ vì tiếng gọi con tim. Người chịu ơn Thầy cũng lắm mà kẻ bội ơn cũng nhiều, có những lúc thấy tiếc cho Thầy và thấy thương cho những ai còn mê bởi một chút sai lầm mà bán rẻ cả lương tri, họ vì một mục đích nhỏ nhoi của riêng mình mà coi rẻ tình “Linh Sơn Cốt Nhục”, không nghĩ đến thâm ân giáo dưỡng cao vời. Có kẻ đi bặt vô âm tín, có người về thăm quê cũ chùa xưa, nhưng không một lần ghé lại thăm Thầy, ấy vậy mà Thầy vẫn nhắc đến tên anh đôi bận...

Có lẽ do con đông mà Thầy lao tâm khổ tứ, vẫn nghĩ cho chúng mặc dù chúng đã lớn khôn. Thầy vẫn đau đáu một nỗi niềm cho đạo pháp ngày sau, nghĩ tưởng đến tương lai của thế hệ mai hậu và nặng lòng vì đàn con của Thầy. Trước đây, khi còn là chú điệu, tôi thường tự hỏi, không hiểu vì sao không khi nào thấy Thầy đi tụng kinh cùng đại chúng. Thầy hư quá đi! Nói người khác đi công phu mà mình thì cứ ngồi tịnh tọa trong phòng! Rồi lớn lên một chút, khi tôi được bên Thầy ngày đêm hầu cận, tôi mới hiểu Thầy ngồi để tâm tịnh, để làm sao đàn con yêu đang khao khát pháp mầu, tự mình đi trên đôi chân giữa chiến trường đạo tuệ được tự tin và vững bước. Nghĩ làm sao cho mai này đạo pháp được xiển dương...

Lý ra cái tuổi của Thầy bây giờ là để nghỉ ngơi với cư trần lạc đạo, với am mây thảo cảnh, nhưng hiếm khi thấy Thầy được thảnh thơi dạo gót an nhàn. Có chăng, đó cũng chỉ là những bước chân suy tư chậm rãi với vẻ ngoài trông nhẹ nhàng, nhưng trong lòng còn hoài niệm những trở trăn.

Thầy luôn khuyến tấn anh em chúng tôi lo tu học để mai sau còn có vốn “đi về”, nhiều lúc Thầy còn nghĩ xa cho anh em chúng tôi – “Anh em còn trẻ nên cố gắng học để có kiến thức sau này hành đạo, mình mang thân là trưởng tử Như Lai, được người đời gọi là thầy mà cốt cách và kiến thức không ra một người thầy thì thật lỗi với đạo. Kiến thức là thứ tài sản quý giá không ai có thể lấy đi của mình, vì thế anh em phải cố gắng học, chí ít khi chúng ta không còn tiếp bước trên con đường lý tưởng hoặc rẽ sang một ngã khác, không còn khoác trên mình chiếc áo người tu thì cũng có cái mà tự lo cho chính mình”. Đấy! Thầy đã lo đến thế còn gì!? Ấy vậy mà cũng có người bảo khó khăn, ràng buộc. Hai da! Âu cũng là cái duyên, cái nợ, cái phước phần và cả cái nghiệp của mỗi người vậy! Đường đời thì lắm chông gai mà đường đạo thì còn xa vời, mông lung lắm lắm! Cái vỏ cây còn chưa đụng tới thì làm sao biết cái lõi nó như thế nào? Khi các con Thầy còn mãi quẩn quanh trong rừng đời đầy lắm những hố sâu. Thầy lại nghĩ và nghĩ...

Thầy ơi! Chúng con biết rằng Thầy luôn lo nghĩ cho chúng con, nhưng con chim nhỏ lúc nào cũng muốn được rời tổ để sải cánh bay cao trên nền trời xanh rộng. Hãy để nó bay đi rồi đến một ngày nào đó, khi mỏi mệt nó sẽ tự quay về. Chúng con cần phải tự nỗ lực nhiều hơn, phải va vấp với đời thì mới biết được đâu là chân, đâu là mị. Cây có kết trái thì cũng phải qua bao sương gió mới nên hình. Có thể có những con chim bay theo phương nào khác không bao giờ quay về nữa, đó cũng là lẽ tự nhiên bởi rằng một khi tâm đã chọn lối nào để đi, quyết chí thì có cách ngăn, trở ngại chúng cũng tìm đến nơi, đó cũng là cái duyên nơi đạo và cái nợ ở đời. Dầu gì những hạt lép bao giờ cũng bị gió ngũ dục thổi bay ra khỏi chiếc nia tịnh lạc, chỉ còn sót lại những hạt mọng, căng tròn chứa đựng những tinh túy của khí thiêng đất trời.

Ai rồi cũng lớn, rồi cũng phải trải qua những thăng trầm, vinh nhục trong đời, nhưng chí ít chúng con vẫn còn hạnh phúc khi có Thầy cạnh bên khuyến tấn, dõi theo từng bước chúng con đi. Và, con luôn tự nghĩ rằng mình là kẻ “ăn mày” hạnh phúc nơi cửa Phật, được Thầy dìu từng bước đến bờ vui. Con nghĩ một ngày nào đó mình cũng mong được như Thầy, sẽ làm một điều gì đó để cống hiến sức trẻ cho đạo pháp như lời mình đã phát nguyện khi xuất gia. Và bóng hình Thầy luôn là điểm tựa để con suy xét và tự nhắc nhở mình mỗi khi làm một điều gì đó. Thầy ơi! Những lúc vui, những khi buồn Thầy luôn là khởi đầu để con được tiếp thêm động lực cho mình. Tận đáy lòng, con luôn mong Thầy có nhiều sức khỏe và an vui. Những lúc xa Thầy, sống nơi đất khách quê người con luôn làm bạn với cô đơn và nhung nhớ, nhưng đó cũng là một bài học hay, một trải nghiệm cho con được nuôi lớn từng ngày, bởi có làm bạn với cô đơn mới bước qua những cô đơn. Con giờ đã lớn nhưng mỗi khi nghĩ về Thầy, hình bóng thân thương ấy lại hiện trong con vẫn là chú tiểu bé nhỏ được Thầy chở che ngày nào.

Bao nhiêu nỗi lòng con trút cạn, có thể với ai đó nó là một sự ướt át, màu mè nhưng với con là đóa hoa lòng để dâng lên Thầy và cũng là động lực để con tập đi trên con đường lý tưởng mình đã chọn. Có lẽ thời gian đã bào mòn đi sức trẻ nhưng trong con vẫn luôn thầm nhắc nhở bản thân: “Liệu mình có còn nghĩ như cái nghĩ ngày xưa?”

Thái Lan, Memory Hp

Thích Tâm Đồng kính ghi

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính