Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Chiều Thu thật đẹp, Thu đương độ chín, nắng vàng trải nhẹ trên những ngọn đồi, đám mây bạc đương thong dong trên bầu trời xanh thẳm, những cành cây đương khoe mình với chiếc áo muôn màu rực rỡ khi lá phong đã chuyển sang màu đỏ nhạt, lá ngân hạnh cũng đã chín vàng, đung đưa trên cành trước gió Thu.
Một tiếng chuông ngân dài trong không gian tịch mịch, gió rít trong vườn chùa thức giấc tiếng phong linh. Tiết trời Thu lại càng tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho một ngôi chùa cổ ẩn mình dưới chân núi. Một vị sư già đương làm lễ trên chính điện, tiếng mõ lúc khoan, lúc nhặt chợt khiến tôi nhớ về Thầy tôi, vị Thầy mà tôi hằng tôn kính.
Thầy tôi mộc mạc, giản dị với chiếc áo nâu sòng đã bạc, đôi dép cũ đã mòn vì những chuyến hoằng pháp lợi sinh. Thầy tôi, giọng nói trầm ấm, dạy dỗ chúng tôi từ những ngày còn chập chững vào đạo cho đến tận bây giờ. Thầy tôi, ánh mắt nghiêm nghị nhưng thật hiền từ, đôi khi chỉ nhìn ánh mắt của Thầy chúng tôi thầm hiểu rằng Thầy vui hay có ý không vừa lòng với những việc làm hay lối suy nghĩ của chúng tôi. Thầy tôi lúc nào và bao giờ cũng vì mọi người, mong muốn cho tất cả đều được biết đến Phật pháp mà tu tập chuyển đổi nội tâm. Không khi nào Thầy rời chí nguyện hoằng pháp dù giờ đây Thầy đã bước sang tuổi lục tuần, độ tuổi mà với mọi người đây là thời gian tĩnh dưỡng.
Thầy tôi dạy chúng tôi thật kỹ càng và tỉ mỉ, làm sao để trở thành một vị Tăng đúng nghĩa, từ chuyện ăn, nết mặc, cho đến từng cử chỉ, hành vi. Mong cho chúng tôi trưởng thành để tiếp bước con đường mà Thầy đã đi trong suốt cuộc đời tu của mình. Những lời dạy của Thầy thật vô cùng giản dị nhưng lại mang một hàm ý sâu xa, với một bài học mà giá trị lợi ích lại vô cùng lớn và quan trọng cho những Tăng sĩ mới trưởng thành như chúng tôi. Trong tâm trí, tôi luôn in sâu những lời dạy của Thầy để làm hành trang cho con đường tu tập. Vì muốn hàng đệ tử ý thức rõ về việc tu tập của bản thân cần phải làm gì, Thầy đã dạy chúng tôi một bài học vô cùng đơn giản song lại vô cùng ý nghĩa, bài học mà Thầy đã được tiếp thu từ vị thầy của mình, vị Tổ sư khả kính đã có công khai sáng ngôi chùa Hoằng Pháp, ngôi chùa mà giờ đây tôi quy ngưỡng, nay bài học đó được truyền lại cho chúng tôi như một “Thiền ngữ” trong đời sống tu tập. Bài học ý nghĩa đó chỉ vỏn vẹn có bốn chữ: “Lấm rửa lệch kê”. Vì Tổ sư là người miền Bắc nên bốn chữ này đều là phương ngữ miền Bắc. Thầy đã giải thích cặn kẽ để những anh em miền Trung, miền Nam đều hiểu ý nghĩa của bốn chữ trong lời dạy của Tổ. “Lấm” tức là dơ bẩn, là không sạch. Những gì dơ bẩn, không sạch, chúng ta cần phải lau, rửa cho sạch sẽ. Còn “Lệch” là chỉ cho sự không đúng hướng thẳng, không đúng đắn, không ngay ngắn. Những gì không ngay thẳng như vậy, chúng ta cần chỉnh lại cho ngay thẳng.
Lời dạy của Thầy tôi đơn giản là vậy, nhưng ngẫm lại mới thấy ý nghĩa vô cùng. Thầy muốn chúng tôi hiểu được rằng, cần phải biết sửa chữa và thay đổi bản thân, tạo thói quen tốt từ những việc làm đơn giản nhất. Như vậy, từ những điều đơn giản nhất nếu chúng tôi biết rửa sạch khi dơ bẩn, kê lại cho ngay ngắn thì những cáu bẩn và lệch lạc trong cả thân và tâm đã huân tập từ bao đời bao kiếp chúng tôi sẽ có thể rửa sạch cũng như đưa về đúng quỹ đạo, như vậy mới có sự thành tựu trong lý tưởng tu học của bản thân.
Để minh chứng cho những lời dạy, Thầy đã lấy chính cuộc sống hằng ngày của mình làm gương cho chúng tôi, đây là điều khiến chúng tôi lại muôn phần kính ngưỡng. Quả thật, bài học về “Lấm rửa lệch kê” đã được thể hiện trọn vẹn trong đời sống của Thầy. Quan sát từng cử chỉ đến lời nói của Thầy, tôi thấy mình còn quá nhiều sai sót. Hằng hữu trong Thầy là sự điềm đạm, ái ngữ, sự thân thiện và biết lắng nghe, trong sinh hoạt hằng ngày là sự đúng giờ và ngăn nắp. Như thế, tôi sẽ còn phải sửa chữa nhiều lắm, từ từng câu nói làm sao cho ái ngữ, cho đến bàn học làm sao cho gọn gàng,… Dẫu biết rằng, trải qua một quãng thời gian dài nữa tôi chưa chắc được trọn vẹn như Thầy, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng học tập theo Thầy để hoàn thiện chính bản thân mình và cũng là để làm gương cho hàng cư sĩ đúng như lời Thầy đã dạy. Và đây cũng là bài học “thân giáo” cao cả mà chúng tôi được tiếp thu từ Thầy.
Mang trên mình trách nhiệm lớn lao, là hàng sứ giả Như Lai, phải đem giáo pháp tình thương và hiểu biết đến với mọi miền, Thầy tôi như thấu sâu hiểu nhiều về nỗi buồn đau của nhân thế. Suốt bao năm gần gũi bên Thầy, tôi chưa bao giờ thấy Thầy bận việc riêng, vẫn đau đáu một niềm làm sao cho Phật pháp được phổ cập đến với quần chúng, làm sao cho mọi người đều được thấm nhuần lời Phật dạy, để cuộc đời này vơi đi những niềm đau nỗi khổ và thêm những nụ cười của sự hạnh phúc an vui. Và như thế, dù hoàn cảnh có ra sao, không nề khó khăn, vất vả, Thầy vẫn đặt công tác hoằng truyền, xiển dương chính pháp lên hàng đầu. Đây chính là lời nhắc nhở chân tình rằng phải luôn ghi nhớ bổn phận, trách nhiệm cao cả khi đã mang trên mình hình tướng “đầu tròn áo vuông” mà Thầy đã dành cho chúng tôi. Để có được điều đó, đòi hỏi chúng tôi cần phải có sự nỗ lực cố gắng thật sự và không ngừng nghỉ từ những điều nhỏ nhất. Bài học “Lấm rửa lệch kê” sẽ là một trong những khuôn vàng thước ngọc giúp tôi hoàn thiện chính bản thân, đạt đến sự khiêm tốn, giản dị, ân cần, chất phác, nói được làm được như Thầy.
Thời gian trôi qua thật nhanh, ngày nào tôi còn làm tiểu được gần gũi nghe Thầy chỉ dạy mỗi ngày. Hôm nay, tôi đã xa Thầy đến miền đất lạ. Nhưng những lời Thầy đã dạy, những bài học Thầy đã trao vẫn còn nguyên giá trị và theo sát tôi trên bước đường tu đạo. Vì những bài học này, những lời dạy này chính là lẽ sống, là tình thương, là ngọn nguồn trí tuệ, là giá trị của đạo mầu giải thoát, là lối ứng xử của Tăng thân, là nẻo đường an lạc mà cả một đời Thầy đã truyền dạy.
Tiếng chuông chiều vẫn thong thả từng tiếng khoan thai trong không gian tịch mịch chốn già lam. Đã bao lần chúng tôi nhớ về Thầy nhưng năm nay lại là một dịp đặc biệt, vì Thầy tôi tròn sáu mươi xuân với bốn mươi lăm mùa sen thơm thừa hành Phật sự. Ở nơi phương xa, biết bày tỏ làm sao cho hết lòng tri ân sâu sắc kính dâng lên Thầy, người mà tôi một lòng quy ngưỡng, chỉ biết thầm cầu nguyện cho Thầy luôn mạnh khỏe, mãi là tàng cây lớn tỏa bóng mát an lành che chở cho tất cả chúng sinh trên bước đường tìm về với bến bờ giải thoát. Và sẽ mãi mãi hiện hữu một vị Thầy khả kính, vị Thầy mộc mạc giản dị nhưng lại mang một tâm nguyện bao la, cao cả, để tôi luôn tự hào rằng, đó chính là “Thầy tôi”.
Incheon, những ngày đầu thu
Thích Tâm Hậu kính ghi