Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Đó là những lời mà tôi nghe được từ chính vị sư huynh mà tôi rất thân thiết và yêu quý. Sư huynh sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo, gia đình có hai anh em. Anh trai cả xuất gia trong một Thiền viện lớn. Từ nhỏ sư huynh đã có được nền tảng Phật pháp khá vững vàng và căn bản do chính anh trai đã định hướng cho từ khi còn học cấp 3. Nhưng do vì mỗi người một tư tưởng một hoài bão, nên sư huynh đã chọn một ngôi chùa Tịnh độ mang tên Hoằng Pháp.
Khi tôi mới vào phòng tập sự thì cũng chính sư huynh là người chỉ bảo những điều căn bản trong phòng, quy củ, cách cư xử, nói chuyện với quý thầy… Lúc đó, chúng tôi rất thân nhau và đều làm chung trong một bộ phận nhà bếp mà hầu như ai tập sự cũng phải trải qua chính là đi chợ, nhặt rau, nấu cơm, một công việc rất hạnh phúc mà tôi hằng mong muốn đó chính là được học và nấu những món ăn thật ngon, thật bắt mắt để cho mọi người thưởng thức. Lúc chấp tác xong thì chúng tôi cùng nhau trở về phòng nghỉ ngơi đợi đến giờ đi thọ trai cùng quý thầy và đại chúng. Đến buổi chiều cũng xuống bếp làm việc xong xuôi rồi cùng nhau về phòng mỗi người một góc đọc sách, học kinh. Đến tối cùng nhau đi tụng kinh, niệm Phật và sám hối. Chúng tôi cứ thân nhau như vậy và không biết thân nhau từ bao giờ nữa, chắc từ nhiều kiếp trước đã có duyên với nhau rồi, mặc dù không cùng quê hương, dòng họ hay ruột thịt.
Dù nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng sư huynh có một bộ óc trí tuệ tuyệt vời, thông minh, hoạt bát hơn tôi rất nhiều. Ví như các thời khóa công phu, bái sám, nghi lễ của chùa sư huynh đều học rất nhanh và thuộc nằm lòng. Do đó, đến đợt thế phát xuất gia thì các sư huynh đều đậu hết, còn tôi chưa đủ duyên do sở học còn yếu. Dù rất buồn nhưng cố nén cảm xúc lại để chúc mừng các sư huynh và tự an ủi bản thân hãy cố lên biết đâu đợt sau sẽ tốt hơn.
Vài tháng sau tôi cũng được thế phát xuất gia và được trên Sư phụ cho đi học cùng sư huynh tại lớp Sơ cấp Phật học. Trong hai năm theo học, sư huynh luôn là người đứng vị trí đầu bảng trong lớp, lại luôn năng động trong các công việc của trường lớp nên tất cả vị giáo thọ đều yêu quý cũng như các bạn đồng học thương yêu, gần gũi. Tôi cũng lấy đó làm tấm gương cho chính tự thân để phấn đấu học tập vươn lên chính mình. Đáng nhớ nhất chính là trong vòng chưa đầy một tháng sư huynh đã thuộc lòng bộ kinh Pháp Cú gồm 432 bài kệ do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ ngôn ngữ Pali sang tiếng Việt, đó cũng chính là bộ kinh mà Sư phụ chúng tôi rất tâm đắc và luôn khuyến tấn sư huynh đệ chúng tôi nên cố gắng học thuộc lòng để làm nền tảng căn bản trong tu tập.
Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến! Khi hoàn thành xong Sơ cấp Phật học thì sư huynh xin trên Sư phụ đi học thêm ngoại ngữ để trau dồi sự giao tiếp và ngôn ngữ cho việc tu học Phật pháp. Lại một lần nữa, tôi kính nể trí tuệ của sư huynh hơn vì môn ngoại ngữ tiếng Anh là môn học đòi hỏi một người phải có sự kiên trì, nỗ lực, sự đam mê thì mới kham nổi. Do đã có trí tuệ và nền tảng căn bản nên sư huynh học chỉ trong vài tháng là đã nắm vững những điều quan trọng, thiết yếu của môn học, ngôn ngữ và sự giao tiếp đã tương đối ổn. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi chúng ta đặt quá nhiều thời gian cho cái phụ thì cái căn bản và cái chính bạn sẽ lơ là, lãng quên. Khi sư huynh đã quá đặt tâm vào ngoại ngữ và những việc bên ngoài thì sự công phu tu tập và hành trì giới luật cùng đại chúng lại thiếu đi, chính vì thế mà sự gần gũi, quan tâm giữa sư huynh đệ cũng giảm bớt. Tôi nói vậy không phải là trách móc hay nhìn lỗi của sư huynh mà tôi lấy đó làm bài học cho chính mình, nên xem cái gì là quan trọng nhất đối với sự tu tập của người xuất gia, đôi lúc dù không bằng lòng với nhau về một số việc nhưng tình huynh đệ vẫn luôn còn trong thân tâm.
Rồi ngày đó cũng đã đến, sư huynh khoác áo tràng lên và đi sang Phương trượng :
- Sư huynh: Bạch Sư phụ. Con xin xuất chúng hoàn tục.
- Sư phụ ngạc nhiên và hỏi: Sao con lại muốn xuất chúng.
- Sư huynh đáp: Dạ, do gia đình con có việc (ấp úng).
- Sư phụ: Gia đình con có việc gì mà phải xuất chúng mới giải quyết được. Có chuyện gì hãy kể cho Thầy nghe, nếu được thì Thầy và đại chúng trợ giúp cho.
- Sư huynh: Dạ, giờ ở nhà mẹ con đang bệnh, em trai nhỏ đang đi học, không ai lo nên con muốn xin về nhà ra bên ngoài làm việc để lo cho gia đình.
- Sư phụ: Giờ con cứ lo tu đi, còn chuyện gia đình của con Thầy sẽ nhờ Thầy trưởng ban từ thiện lo cho, hoặc Thầy sẽ hỏi ý kiến chư Tăng là đưa cả mẹ và em con vào chùa làm việc chấp tác, đến giờ thì đi tụng kinh; còn em con thì vẫn đi học bình thường, lúc rảnh thì đi làm việc lặt vặt trong chùa. Khi đó gia đình được đoàn viên thì con khỏi phải lo.
- Sư huynh: Dạ! Con cảm ơn Sư phụ. Nhưng… nhưng…(ấp úng), con muốn về lo cho mẹ cùng em có được cuộc sống tốt hơn, được gần gũi quan tâm nhiều hơn và con cũng đã tìm được những công việc thích hợp rồi, mong Sư phụ hoan hỷ cho con.
- Sư phụ nói: Con chỉ nhìn được cái trước mắt mà không nhìn được cái về sau. Con đừng tưởng ra ngoài có công ăn việc làm rồi, mới khiến cho gia đình hạnh phúc được. Không đơn giản như vậy đâu! Đôi khi mình chỉ nhìn và vẽ ra toàn những con đường đầy hoa mà không biết rằng có nhiều chông gai trong đó, nhất là lo không được cho mẹ và em, có khi lại là gánh nặng cho gia đình.
- Sư huynh: Bạch Sư phụ hoan hỷ cho con.
Dù Sư phụ có khuyên nhủ và tạo điều kiện như thế nào để sư huynh có thể tiếp tục tu học, nhưng sư huynh cứ một mực muốn xin đi. Sư phụ đành chấp nhận dù rất buồn và tiếc cho sư huynh, một nhân tài đã ra đi.
- Sư phụ: Con đã cương quyết vậy thì Thầy cũng không khuyên nổi. Chúc cho con ra ngoài cố gắng, chăm chỉ làm việc lo cho gia đình, luôn nhớ những việc thiện và lúc rảnh thì ghé chùa thăm Thầy và đại chúng.
Nghe đến đây con cũng buồn lắm! Nhưng do duyên mỗi người đã gieo với Tam bảo, có sư huynh thì vẫn đang tu tập tốt, có sư huynh thì xuất gia được một thời gian thấy không phù hợp với pháp môn. Khi chứng kiến những việc như vậy con cũng lấy đó làm bài học cho tự thân. Cầu chúc cho sư huynh cố gắng, chăm chỉ trong công việc mình đã chọn và luôn luôn có sức khỏe tốt để chăm lo gia đình, khi tỉnh thức lại rồi thì sư huynh hãy luôn nhớ có Sư phụ và đại chúng ở bên.
Thích Tâm Huấn kính ghi