Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Lặng nhìn từ xa

Trong khoảng lặng mênh mông, tôi thường thích ngắm từ xa về những người thân quý bên cạnh mình. Trong vô vàn cách nhìn, tôi vẫn luôn chọn cách lặng nhìn từ xa, vì dưới góc độ này giúp tôi hoài niệm và trân trọng những gì đã đi qua, cũng như phát huy những điều tốt đẹp trong hiện tại theo cách của riêng mình. Sự kính quý vẫn là quý kính, tấm lòng đó tôi gửi đến người Thầy của mình qua cái nhìn từ xa.

Ngày nào, từ một học sinh trường huyện xa nhà lên tỉnh học, tôi đã có duyên ở chùa vài tháng vào trước học kỳ cuối của năm lớp mười hai. Khoảng thời gian ấy, tôi vừa đi học vừa làm công quả, được tu tập, gần gũi với các thầy và sư cô. Suy nghĩ ban đầu của tôi khi ở chùa là để ít tốn khoản tiền thuê phòng trọ, lại được ăn chay, đỡ tốn chi phí cho việc ăn uống, vượt qua khoảng thời gian khó khăn vì kinh tế gia đình, và tiếp tục đi đến giấc mơ thi vào đại học sắp tới. Nhưng rồi nhân duyên đã đến, tôi chợt nhận ra mình thích hợp hơn khi sống ở chùa, đó là lý do cuối cùng tôi đi theo con đường xuất gia.

Sự quyết định này thôi thúc tôi phải tìm hiểu kỹ về con đường mình đi, vấn đề quan trọng chính là người thầy dẫn dắt phải là bậc minh sư. Các bạn biết không? Tôi đã tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa suốt hơn một tuần để cầu nguyện, “Phật gia hộ cho con tìm gặp bậc minh sư”. Nguyện tìm ra được vị Thầy dẫn đường sáng suốt, đầy lòng từ bi. Sau giờ công phu khuya, tôi thường hay ở lại khoảng hơn một tiếng để tiếp tục đọc thêm phần kinh chú, nhằm hướng nguyện cho mục tiêu ấy. Vài tháng sau, rời quê tôi lên chùa Hoằng Pháp, thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi đã có những ngày tháng tập sự để xuất gia, trở thành tu sĩ, đi theo con đường của bậc Tỉnh Thức. Tôi đã được Thượng tọa Thích Chân Tính thế phát cho mình, đó là niềm vui lớn nhất của tôi, vì Ngài là người Thầy vừa có lòng yêu thương lớn, lẫn sự hiểu biết tuyệt vời. Vào chùa tuy tôi không được gần gũi quá nhiều với Thầy của mình, không phải là vì Ngài quá cách xa, mà là vì đồ chúng quá đông. Vả lại, tôi phụ trách một vài công việc lặt vặt ở bộ phận nhà bếp. Do vậy, lúc đầu tôi chỉ được nhìn ngắm Sư phụ từ xa, chỉ có các thầy lớn có công việc được sự chỉ đạo, hướng dẫn, dìu dắt trong công việc hoằng pháp thì sẽ gần gũi và học hỏi nhiều hơn từ Thầy. Sau này, tôi chuyển lên làm thủ quỹ, văn phòng, nên cũng gần gũi hơn với Thầy. Hiểu được sự khó khăn trong việc trụ trì một ngôi chùa lớn, cũng như trách nhiệm giáo dưỡng đồ chúng đông, tôi trân trọng với mọi việc Thầy mình đã làm, cộng với phần quý kính từ xa, rồi nhủ thầm, “gắng lo tu tập, không phạm điều luật gì trong chúng, để Thầy luôn an tâm, không lo lắng về mình”. Mỗi thành viên trong chúng là những giọt nước được hoà quyện vào nhau để rồi cùng chảy ra đại dương. Mỗi cá nhân phải sống trong tinh thần hoà hợp, thì Tăng đoàn mới phát triển vững mạnh, sự sống chung trong môi trường tu tập mới tràn đầy niềm vui. Từ suy nghĩ ấy, tôi cũng như những huynh đệ khác, nếu chưa làm được điều gì đền đáp cho Thầy, thì chúng tôi cũng cố gắng hoà hợp, yêu thương, và quan trọng là giữ gìn nội quy, tuân thủ giới luật, để Thầy mình vui, làm được nhiều công việc hơn nữa cho chúng sinh.

Ngắm nhìn từ xa, tôi không phải không thấy rõ ràng, mà nó là cách nhìn không ồn ào và thầm kín. Ở đó, tôi nhận thấy rất nhiều những gì mà Thầy mình đã làm trong công cuộc hoằng pháp độ sinh, một tinh thần hoằng pháp không mệt mỏi, một chí nguyện độ tha không bờ bến, một tấm lòng yêu thương không giới hạn, một sự hy sinh thầm kín không thể nào diễn tả bằng lời, một sức nhẫn triền miên trong vô vàn sự khó khăn, chướng ngại từ ngoại đạo, những người đố kỵ, ganh ghét, cả những người đệ tử không nghe lời giáo huấn. Và còn nhiều đức hạnh khác nữa, làm sao tôi ghi hết ra được, chẳng lẽ con khen cha, mình khen gia đình mình mãi, nên thôi tạm dừng lại vậy. Tôi vốn dĩ không phải là dạng người cứ mến mộ, ái mộ, ngưỡng mộ một ai đó theo phong trào mà không tìm hiểu, người đó là ai, họ đã làm gì? Sự cống hiến và con người của họ như thế nào? Thế nên, tôi ngắm nhìn Thầy của mình từ xa, để từ từ cảm nhận và học hỏi. Ngài dạy đệ tử luôn kính quý tri ân mọi người giúp đỡ mình, tạo cơ hội cho mình, dẫn dắt mình. Luôn tri ân và báo ân, luôn dạ thưa và kính quý những người đã từng hỗ trợ, đồng hành với mình trong công việc lẫn trên con đường tu tập.

Đức hạnh bố thí, giúp đỡ thì Thầy là tấm gương quá rõ, vì Thầy đã từng dạy: “Cho là còn có mất đâu. Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”. Cả một đời cống hiến trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, hoá độ những người có duyên, Thầy đã đi từ Nam ra Bắc, đến khắp các tỉnh thành của bản đồ Việt Nam, và cả nhiều nước khác nhau trên bản đồ thế giới. Sự cho đi về pháp học, pháp hành cho mọi người, nhằm giúp cho người thoát khổ thêm vui. Sự cho đi không giới hạn từ lời nói đến hành động đó, nó cứ liên tục và liên tục không thôi, làm ảnh hưởng đến nhiều người trong đồ chúng Phật tử, đệ tử của Thầy.
Thầy chúng tôi thường nói, thường khen ngợi tán dương quý thầy tài giỏi và trí đức rất nhiều, các vị thầy cùng thời với Ngài, cả các thầy và quý sư cô trẻ. Bởi lẽ, Thầy luôn khiêm hạ, nhắn nhủ trong lòng Ngài và những người theo bước chân Thầy là phải: “Có tâm, có tầm và có đức”. Không ngừng trau dồi học hỏi, tuân thủ giới luật và nỗ lực, cố gắng hết sức trong công cuộc hoằng pháp vì mọi người, và trong tu tập vì lợi ích cho chính mình. Niềm vui mà nhìn ngắm từ xa, tôi thương, tôi kính và tôi quý Thầy trong sự yên bình và hạnh phúc lắm! Vì ngay từ đầu tôi đã nói, mình là người xuất gia trẻ rất cần những vị Thầy sáng suốt và đầy lòng yêu thương để dẫn đường và chỉ lối, bậc hiền Tăng trong đời, điều đó rất là quan trọng. Chính vì thế, càng ngắm nhìn Thầy của mình tôi càng cảm thấy vô cùng hạnh phúc và may mắn, vì được làm đệ tử của một người thầy như Thầy. Trái đất quay tròn, chuyện gặp Thầy và được xuất gia với Thầy ắt hẳn là do duyên. Trải qua thời gian tu học với chúng và được gần Thầy, tuy hôm nay do duyên tôi phải xa cách Thầy của mình, vì sự nghiệp hoằng pháp, và còn nhiều lý do khác nữa, nhưng hình bóng Thầy vẫn in nguyên đó. Nhân dịp chúng đệ tử làm kỷ yếu về Thầy, tôi không biết viết gì về Thầy, không phải là không có gì để viết, mà là tôi không biết bắt đầu từ đâu, và rồi tôi quyết định lấy chủ đề trên để thêm một lần nữa người đệ tử phương xa lại được lặng nhìn về Thầy với nỗi niềm thầm kín.

Hằng mong Thầy có nhiều sức khỏe, mãi là vầng thái dương luôn sáng, là ánh trăng ngày rằm luôn soi, để ngày lẫn đêm chúng con luôn được quay về nương tựa tu học và đi theo dấu chân Thầy.

Hoằng Pháp Tự - Mỹ quốc

Thích Tâm Khương kính ghi

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính