
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Trải qua chẳng biết bao nhiêu khó khăn và thử thách, tôi mới trốn được ba mẹ để vào tới chùa Hoằng Pháp xin được xuất gia. Quãng đường dài hơn 1000 ki-lô-mét, ngồi xe từ miền Trung vào Sài Gòn khiến chúng tôi mệt mỏi. Vừa bước vào văn phòng, tôi đã thấy Sư phụ ngồi nói chuyện với sư Ngộ Chân Thành. Tôi bạo dạn bước tới hỏi Sư:
Kính bạch Sư! Con muốn xuất gia ạ?
Sư nói: Con muốn xuất gia à? Lúc đó, Sư và Sư phụ cùng nhìn tôi với ánh mắt trìu mến.
Sư nói: Vậy thì con qua bên Văn phòng đăng ký để tập sự xuất gia.
Tôi bỡ ngỡ và nôn nóng: Dạ, mô Phật! Thưa Sư, nhưng con muốn xuất gia ngay bây giờ có được không ạ?
Lúc đó, Sư phụ mới cười và dạy: “Con muốn xuất gia, thì phải đăng ký tập sự 6 tháng, để các thầy đánh giá đạo đức, xem con có đủ tư cách không? Ngoài ra, con phải học thuộc kinh kệ trong tất cả các thời công phu của chùa, nhất là kinh Lăng Nghiêm con phải thuộc, tới lúc đó các thầy sẽ họp để xem xét, rồi mới quyết định cho con xuất gia hay không?
Tôi nghe nói, liền rất buồn và lo; buồn là phải rất lâu nữa mới được xuất gia, chứ không phải như mình nghĩ là: muốn xuất gia ngày hôm trước, thì ngay ngày hôm sau là được cạo đầu làm người tu rồi; lo là: lo mình có học thuộc nổi chú Lăng Nghiêm hay không đây nữa? Vì cổ nhân dạy: “Đi lính sợ ải, đi sãi sợ Lăng Nghiêm”. Cuối cùng, tôi cũng đồng ý đăng ký tập sự xuất gia ở chùa Hoằng Pháp.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã đến ngày tôi được xuất gia. Tôi rất mừng, đêm trước ngày xuất gia, tôi điện thoại về nhà nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Ngày mai con sẽ được xuất gia, mẹ có vào Sài Gòn dự lễ xuống tóc của con không?”. Mẹ nghe nói con mình sắp xuống tóc, thì mẹ chỉ biết im lặng và khóc thầm, bởi mẹ đâu muốn tôi đi tu đâu? Mẹ nói: “Đường xá xa xôi mẹ không vào dự được, mẹ sẽ đốt hương cúng ông bà Tổ tiên, cầu nguyện cho con sức khỏe và được như ý nguyện. Hôm đó, mười hai anh em chúng tôi đủ tiêu chuẩn xuất gia, hình như ai ai cũng có người thân đến dự lễ, một buổi lễ trọng đại của cuộc đời mà. Riêng tôi chỉ lủi thủi có một mình. Sau khi xuống tóc xong, huynh đệ ai ai cũng được người thân vây quanh hỏi han chúc mừng, bao nét mặt vui tươi, bao nụ cười chia sẻ. Còn ở đâu đó có hình bóng lẻ loi, tự mình vui, cũng tự mình cười và cũng tự mình sẻ chia niềm vui với chính mình. Và tôi tự trách: “Ai bảo! Tự động trốn cha mẹ đi xuất gia làm chi? Bây giờ phải chịu cảnh này thôi.”
Sau khi xuất gia huynh đệ rất vui, lúc nào cũng thích sờ lên cái đầu trọc lóc, thấy là lạ làm sao ấy. Cũng kể từ đó, con đường tu học bắt đầu và chướng ngại đã ập đến với tôi rất nhiều. Là một đệ tử ở bên Sư phụ, được sự dẫn dắt của Sư phụ, nhưng tôi đã không nghe lời răn dạy của Thầy, cho nên tôi đã phạm một số sai lầm và những quyết định có tính chất quan trọng nhất của cuộc đời.
Chướng ngại thứ nhất, liên quan đến tình cảm.
Có một Phật tử ở Hà Nội, viết lá tâm thư gửi đến chùa và xin cho con gái 18 tuổi, bị ung thư đại tràng vào chùa nương tựa tu tập. Tôi vì lòng thương nên đã quan tâm quá mức, khiến đại chúng ai ai cũng nghi ngờ rằng tôi và người con gái đó nảy sinh tình cảm nam nữ. Rồi chuyện đó đến tai Sư phụ, Sư phụ đã nhắc xa, nhắc gần, nhắc khéo, nhắc nặng, nhắc nhẹ, nhưng tôi vẫn cố chấp cho rằng mình làm đúng. Bản thân tự nghĩ: “Người ta nói gì thì nói, miễn mình không có là được!” Thời gian sau, thì cô gái đó cũng trở về nhà của mình. Thế rồi, theo dòng thời gian tôi lâm vào chán nản và buồn phiền, vì trách sao không ai hiểu mình, bênh mình, kể cả Sư phụ mình?
Chướng ngại thứ hai, sử dụng điện thoại.
Trong nội quy của chùa, không cho phép các Sư chú sử dụng điện thoại riêng. Tuy nhiên, tôi vẫn cố tình lén lút sử dụng, chỉ dám nhắn tin, để chế độ im lặng và ít khi dám nghe gọi. Lúc nào cần liên lạc với ai, thì chờ đến giờ Sư phụ ngồi công phu thì tôi mới dám gọi nhưng cũng rất lo. Người ta nói chẳng sai: “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Có một hôm, tôi vừa mới lấy điện thoại ra, xem có ai gọi hay nhắn tin gì không. Thì Sư phụ đi ngang qua và thấy. Sư phụ nói: “Chú xài điện thoại à? Lấy ra nộp cho Thầy”. Tôi run run, không biết chuyện gì đang xảy ra với mình nữa? Hai lỗ tai kêu ù ù, như mới nghe xong một tiếng sét lớn vậy. Sau một hồi trấn tỉnh lại, tôi bẽn lẽn lấy điện thoại đưa Sư phụ. Sau ngày đó, tôi bị đưa ra trước đại chúng sám hối, thật rất hổ thẹn với mọi người. Từ đó, cuộc sống của tôi đảo lộn, trong lòng thì buồn, đi đâu ai cũng nhìn mình với ánh mắt lạ thường. Có nhiều khi áp lực lên cao quá, tôi tự hỏi: “Cuộc sống ở ngoài đời có nhiều phiền não, khổ đau; bây giờ vào chùa muốn tìm sự an lạc, giải thoát sao không thấy, ngược lại còn khổ hơn nữa. Sao bản thân mình nghiệp chướng nặng nề như vậy? Có khi nào mình sẽ hoàn tục không?” Nhưng cuối cùng tôi cũng được huynh đệ động viên, cố gắng suy nghĩ tích cực, tự thân chuyển hóa các tham ái, phiền não và may mắn phước duyên tôi đã vượt qua.
Chướng ngại thứ ba, …
Năm 2009, có Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới về triển lãm tại chùa Hoằng Pháp trong mười bảy ngày. Đó là thời gian rất hoan hỷ của người con Phật. Riêng tôi đã có một quyết định táo bạo, khác người, đó là: Tự thấy mình nghiệp chướng quá nặng nề, trở ngại trên con đường xuất gia học đạo, nên tôi đã tỏ rõ sự quyết định sám hối bằng cách, chặt một ngón tay để cúng dường chư Phật, nguyện cho nghiệp chướng được tiêu trừ, con đường tu học Phật pháp được đến nơi, đến chốn. Nghĩ là làm, tôi đã làm thật. Tôi xuống bếp mượn một con dao thái rau, lên phòng đóng cửa lại và làm theo quyết định của mình. Tôi còn nhớ như in cái khoảnh khắc đêm hôm ấy, tôi đưa con dao lên chặt một nhát, nhưng ngón tay trỏ không đứt, tôi nghĩ là: mình chặt hơi nhẹ. Nhìn xuống, tôi thấy gân và xương lòi ra, nhưng máu không chảy, tôi lấy hết can đảm và chặt nhát thứ hai, ngón tay bay ra xa, lúc đó máu bắt đầu chảy ra rất mạnh, máu xì ra như ống nước bị vỡ vậy, bốn cái khăn lớn mà tôi chuẩn bị sẵn trước đó cũng không lau hết máu. Thế là không biết phải làm sao cầm được máu, nên tôi chạy xuống phòng y tế để nhờ các cô cầm máu, cô Xuân và cô Ngộ thấy vậy liền bật khóc và đưa tôi đi bệnh viện.
Bác sĩ hỏi: Sao bị đứt tay?
Tôi nói dối là: “Do sơ ý trúng dao đứt.” Nhưng làm sao qua được con mắt nghề nghiệp của họ. Bác sĩ nói: Thầy chặt tay phải không?
Tôi im lặng! Bác sĩ nói: Thầy anh hùng quá, dám chặt tay của mình. Thầy không sợ đau sao? Vì sao Thầy làm vậy? Tôi nói: Dạ để cúng dường chư Phật.
Bác sĩ trố mắt nhìn tôi, lúc sau cầm máu Bác sĩ hỏi:
Nếu Thầy hối hận hãy còn kịp, đem ngón tay đó lên đây, để chúng tôi nối lại vẫn được. Vì chưa quá 3 tiếng đồng hồ, chùa ở gần bệnh viện, nên đi bây giờ sẽ kịp cho Thầy.
Tôi nói: Đã chặt và quyết định cúng dường cho Phật rồi, sẽ không bao giờ hối hận, vậy thì nối lại để làm gì?
Bác sĩ lắc đầu nhìn tôi và nói: Bây giờ sẽ phải cắt bớt xương ở ngón tay của Thầy, mới có da và thịt để khâu lại được, sẽ rất đau đấy, Thầy ráng chịu nhé!
Nói rồi bác sĩ lấy kìm cắt thật! Tôi thấy rất đau, đúng là cắt xương, xẻ thịt; nhưng trong tâm thì tự nhiên có điều gì đó vui mừng, có lẽ vì mình đã nỗ lực quyết chí cúng dường ngón tay cho chư Phật và hoàn thành được tâm nguyện của bản thân. Trong sự đau đớn đó, tôi thiếp đi trong khoảnh khắc.
Sau khi biết tin, Sư phụ quở trách tôi rất nặng nề, vì sự bồng bột của mình: “Chú xuất gia làm đệ tử Thầy, mà chú làm cái gì cũng không hỏi ý Thầy, chú có để Thầy ở trong mắt hay không?”. Nghe Sư phụ quở trách như vậy, tôi thấy rất có lỗi với Sư phụ, nhưng tôi biết rằng: Sư phụ rất lo lắng và thương yêu đệ tử.
Thời gian đó chúng tôi đã bớt công việc, không làm tiếp khách ở Văn phòng nữa mà lo chuyện tu hành hơn. Bản thân đã ngồi lại, hồi quang phản chiếu, nhìn những lỗi lầm của mình đã gây tạo ra và tôi đã quyết định gặp Sư phụ để được sám hối với Người cho lòng được nhẹ nhàng. Tôi qua phòng Phương trượng gặp Sư phụ, quỳ xuống và bạch với Sư phụ rằng:
Kính bạch Sư phụ! Con biết, nghiệp chướng của con rất nặng nề, tập khí phiền não còn sâu dày, lúc nào cũng cố chấp cho mình là đúng, làm theo ý riêng của mình, không vâng theo những lời dạy dỗ của Sư phụ. Con biết là con đã sai, lỗi của con không sao mà kể cho hết được, con đã sám hối chư Phật, chư Bồ-tát; thế nhưng, sau mỗi lần sám hối không bao lâu lại phạm nữa, được vài ngày vẫn chứng nào tật nấy, vẫn cố chấp, vẫn ngang ngược, vẫn tự cho mình là đúng. Ai khuyên cũng không lắng nghe, tự làm theo ý của mình. Vì vậy, con đã tự tạo ra cho mình rất nhiều khổ đau và chướng ngại trên con đường xuất gia. Thời gian qua con đã làm cho Sư phụ phải lo lắng, thất vọng về con quá nhiều, và mặt khác con đã làm ảnh hưởng nhiều đến đại chúng tu tập. Tội lỗi của con vô cùng lớn! Kính bạch Sư phụ! Con như vậy có còn tu được nữa hay không? Có nên tiếp tục tu không?
Tôi nói xong, cổ họng nghẹn lại, hai mắt rướm lệ, dường như muốn khóc òa lên như một đứa trẻ bên cha? Sư phụ nghe xong, ngồi trầm ngâm một lúc, sau đó người nhìn tôi với ánh mắt thấu hiểu và yêu thương, Sư phụ dạy rằng:
Chỉ cần con biết quay đầu nhìn lại và biết được lỗi lầm của mình để nỗ lực sửa sai, con như vậy là làm đúng, như vậy mới là người tu; chuyện của con cũng đã qua rồi, không nên nhắc lại làm gì, chỉ cần nhớ lấy đó làm bài học này để tu hành, thì sau này sẽ tốt lên thôi, con cứ cố gắng tiếp tục mà tu .
Sư phụ vừa nói xong, hai mắt tôi đỏ hoe, tự nhiên hai hàng nước mắt tôi lúc đó đua nhau rơi xuống lã chã, khiến cả trái tim của tôi dường như được sưởi ấm, tâm hồn của tôi dường như bắt gặp được chân lý vậy. Cả người lúc đó hân hoan, nhẹ nhàng, vui sướng, mà đến tận bây giờ không bút mực nào có thể diễn tả hết được cảm xúc lúc đó. Cho dù chúng ta tạo nghiệp nặng đến cỡ nào. Nhưng chỉ cần ta quay đầu biết sửa sai, thì chư Phật - Bồ-tát liền đón nhận bạn. Cho dù nghiệp chướng của bạn sâu dày đến mức nào. Thế nhưng bạn biết lỗi và quyết một lòng sửa lỗi, ngày hôm qua trở về trước xem như đã chết đi, ngày hôm nay bạn xem như được sinh ra và sống lại, làm mới lại từ đầu, thì vẫn là đệ tử ngoan của chư Phật và Bồ-tát.
Có thể nói: Thầy tôi là vị Phật, là vị Bồ-tát trong sâu thẳm của trái tim của tôi vậy. Người là chỗ bố thí Vô úy (không sợ hãi) cho chúng tôi nương tựa; Người luôn dang rộng vòng tay yêu thương và chở che, bảo bọc mỗi khi tôi hay một đệ tử nào đó vấp ngã trên đường tu hành; Người đã không chê bai, bỏ rơi và xa lánh chúng tôi khi gặp khó khăn, chướng ngại và hoạn nạn trên con đường tu hành; Người đã đón nhận chúng tôi vào lòng, bằng cả đôi bàn tay dịu dàng, sẵn sàng nắm chặt tay chúng tôi, dìu dắt các đệ tử đi qua mọi khó khăn và khổ đau. Người đã không kỳ thị một đứa đệ tử như tôi, ngược lại người còn vỗ về tôi bằng ánh mắt từ bi và cả một trái tim thấu hiểu, yêu thương vô bờ bến. Người là hiện thân mẫu mực của một vị chân tu, mà chúng tôi phải noi theo suốt đời này, trong công cuộc sự nghiệp tu hành và hoằng pháp lợi sanh.
Trên đây là vài câu chuyện, kỷ niệm về bản thân chúng con với Sư phụ trong thời gian con còn được gần gũi, tu học bên Người. Nguyện ghi chép lại để dâng cúng dường Sư phụ, nhân dịp mừng khánh tuế Người tròn 60 tuổi đời, 45 tuổi đạo. Con kính nguyện, mong Sư phụ luôn được mạnh khỏe, an vui, để tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp, đem ánh sáng trí tuệ từ bi đến với mọi người.
Thích Tâm Đại kính ghi