Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Một nẻo về

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.

Hai câu trong bài thơ Tiếng hát con tàu của nhà thơ Chế Lan Viên mà tôi đã được học và nhớ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng có lẽ cho tới tận bây giờ, tôi mới thực sự thấy cái hay và thi vị của hai câu thơ ấy.

Huynh đệ chúng tôi có mấy người hay chơi với nhau, cùng công quả dưới nhà bếp và cùng đi lạy Quan Âm sau mỗi thời công phu chiều. Mỗi người một quê, từ giọng nói, phong tục, cách sống cho tới lứa tuổi đều khác nhau. Tôi ở ngoài Bắc, đây là lần đầu tiên tôi được vào miền Nam và các huynh đệ ai ở miền Nam thì cũng chưa một lần ra thăm miền Bắc và miền Trung. Còn người ở miền Trung thì cũng chưa biết miền Nam và miền Bắc như thế nào. Tất cả không hẹn mà gặp, đều quy tụ về nơi đây cùng ở một chùa, cùng chung một Thầy, cùng tu một pháp môn, và đặc biệt luôn hòa hợp với nhau trong đời sống xuất gia.

Thời gian làm chú điệu rồi Sa-di của tôi trôi qua nhanh chóng trong vòng tay yêu thương của Thầy và đại chúng. Công việc hằng ngày cứ tuần tự diễn ra như một lập trình có sẵn, không ai phải lo nghĩ gì ngoài việc ăn, ngủ, công quả, học và tu. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được tu học trong một môi trường tốt như vậy, thật đúng là: “Ăn cơm có canh, tu hành có chúng.” Sống trong môi trường tinh tấn ít ai có thể giải đãi được, bởi lẽ tình thương của Thầy cộng với sự bao bọc của đại chúng khiến cho mỗi hành giả luôn luôn thức tỉnh những hạt giống bồ-đề trong tâm hồn họ, hay nói rõ hơn là tâm sở thiện của mỗi người luôn luôn được nuôi dưỡng, tưới tẩm dưới những giọt nước thanh lương mà Thầy dành cho đại chúng.

Thế hệ chúng tôi đi xuất gia đã là thời kỳ công nghệ thông tin phát triển. Vì vậy, việc nghe giảng và đọc sách tương đối đầy đủ và dễ dàng. Thường thì anh em chúng tôi hay nghe Sư phụ giảng hoặc những đĩa của các vị giảng sư giảng tại Khóa Tu Phật Thất của chùa, và học qua băng đĩa cũng như qua các tác phẩm của quý Hòa thượng lớn. Có một lần, tôi tình cờ được một sư đệ đưa cho  cuốn sách: “Nẻo về của ý” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi nghiền ngẫm tác phẩm đó vài lần và còn tìm đọc thêm nhiều tác phẩm khác mà Thiền sư đã xuất bản. Với cách hành văn giản dị mà mạch lạc, từng câu chuyện về đời sống của những vị tu sĩ trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh thật đơn sơ trầm lắng, thế nhưng mang theo đó là nhựa sống mãnh liệt, là ý chí vươn lên như những cây tùng, cây bách của núi rừng Đại Lão. Những con người bình thường, họ ưa sống đời phạm hạnh và tâm hồn thoát tục, luôn luôn hướng đến tha nhân. “Nẻo về của ý” khi ấy đã chinh phục tôi.

Phảng phất đâu đây, tôi thấy mình đang ở đó, giữa núi rừng hùng vĩ với những câu chuyện về đời sống xuất gia mà chính tôi cũng đang được trải nghiệm. Tôi bắt đầu tưởng tượng và ước ao mình cũng có một cái thất với xung quanh là thiên nhiên dịu mát giữa những đồi thông reo, thật thơ mộng và tràn đầy thiền vị. Lâu lâu có những huynh đệ lên thăm và cùng nhau đàm đạo giữa một khung cảnh an nhiên thoát tục. Thật là lý tưởng biết bao nhiêu! Đó chính là “nẻo về của ý” chứ còn gì nữa!? Tôi cứ mơ mộng như thế! Cho đến khi được Thầy chỉ dạy, và nhận một ngôi chùa ở vùng quê miền Bắc, gần ngay nơi mà tuổi thơ tôi vẫy vùng.

Cái tết đầu tiên thật đầm ấm khi có các huynh đệ cùng tôi đón một mùa xuân xa Thầy. Về cuối năm tiết trời nơi đất Bắc rét mướt, vật chất nơi chùa quê còn thiếu thốn nhiều do đã lâu không có hình bóng của nhà sư. Nhưng điều đó đối với chúng tôi không có gì là quan trọng. Với những người theo chủ nghĩa duy vật họ nghĩ rằng vật chất sẽ chi phối tinh thần, tâm cũng do vật mà sinh ra, họ sẽ phấn đấu làm sao để đời sống vật chất ngày càng thăng hoa và họ phủ nhận duy tâm. Còn người theo chủ nghĩa duy tâm thì tất cả mọi sự vật hiện tượng đều do tâm. Họ nói năng và hành động theo sự điều khiển của tâm, trong khi tâm thì luôn thay đổi. Cho nên, họ phủ nhận vật chất. Chính vì vậy mà duy tâm và duy vật luôn luôn có sự tương khắc. Con đường của chúng tôi là trung đạo, không nghiêng về bên nào, bởi vì nếu không có vật chất thì tâm không có nơi để hóa hiện, còn nếu không có tâm thì không có cái gì để nhận thức vật chất. Do vậy, tâm và vật không thể rời nhau, cũng giống như nước và sóng, tuy hai mà một. Thực chất đây là hai trạng thái của một vấn đề gọi là tâm phân biệt. Vậy, “đối cảnh vô tâm” hay nói cách khác là đối với vật thì tâm không phân biệt, đó là mục đích cao nhất mà chúng tôi cần chinh phục và để đạt được điều này thì không gì khác là phải tự mình nỗ lực thực tập thông qua giáo lý của đức Phật.

Rồi cái tết đầu tiên cũng qua đi, các huynh đệ lại trở về bên Thầy và đại chúng. Còn tôi ở lại với ngôi chùa, một mình với những bộn bề công việc của người “chấp chính đương nhiệm”. Tôi nhanh chóng bắt tay vào việc sắp xếp mọi thời khóa tu tập cho mình và bà con chùa quê. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo của nó, tôi dần lớn lên trong tư tưởng của một hành giả đơn độc vượt qua mọi thử thách, nhưng quả thật đây không phải là một việc đơn giản. Nhiều lúc tôi như muốn bỏ cuộc...

Các thời khóa công phu dần đi vào ổn định. Buổi tối, quý Phật tử tới chùa rất đông, còn buổi khuya thì chỉ có mình tôi tụng niệm.

“Một mình, một mõ, một chuông
Một chùa, một cảnh, một đường tìm tu”.

Bước theo lối hành lang để đi lên chánh điện tụng kinh khuya, những ánh đèn dầu leo lét, len lỏi vào giảng đường qua những song cửa khi tỏ lúc mờ, tạo thành nhiều hình thù khác lạ, những tiếng lá xào xạc sau làn gió Nam nhè nhẹ. Xa xa ở ngoài vườn lờ mờ mấy thân cây cụt ngủn do mới trồng, tiếng dế kêu, thỉnh thoảng những con mèo hàng xóm lại ngoéo lên những tiếng kêu thất thanh hay gầm gừ giành giật nhau con mồi. Tất cả những thứ ấy khiến tôi hơi dờn dợn trong người, tôi lại nghĩ đến những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn mà tôi hay nghe vào ban đêm mỗi khi trời đổ mưa. Thật bi đát, quanh tôi không một bóng người, chỉ một mình với khung cảnh rùng rợn đang khiến người ta phải bỏ chạy. Bất chợt tôi nhớ đến lời Thầy, khi tôi đảnh lễ Người để đi nhận chùa riêng. Thầy tương đối kiệm lời và chỉ nhẹ nhàng nói: “Người có ý chí phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường.” Thú thực, lúc ấy tôi chưa hiểu gì cả, phần vì phân tâm nhiều việc, phần thì chưa được trải nghiệm nhiều trong cuộc sống. Giờ phút này sao tôi lại thấy nó hay đến như vậy! Từng câu, từng chữ như thức tỉnh nơi tôi, một người tu sĩ trẻ với tuổi đời chưa đến 30.

Sư phụ ơi! Con nhớ Thầy, nhớ các sư huynh sư đệ, nhớ những kỷ niệm buồn vui và nhớ cả những con đường thân quen hằng ngày cùng đại chúng xếp hàng đi ăn cơm, đi công phu và đi chấp tác dưới nhà bếp. Con không cần chùa nữa, con không cần một cái thất giữa đồi thông thơ mộng nữa, mà giờ đây hơn gì hết con chỉ cần được về bên Thầy và quý huynh đệ, để được sống lại những ngày con đã sống. Khi ấy, con thấy mình thật hạnh phúc và ấm áp vì con được bên Thầy và đại chúng. Bước đường của con sẽ vững chãi hơn khi nẻo về luôn luôn có Thầy âm thầm dõi theo và chờ đón. Nỗi sợ sệt, sự chán chường giờ đây được thay bằng nỗi nhớ nhung da diết của một người con xa Thầy. Nhưng cũng từ nỗi nhớ và lòng tin nơi Tam bảo, điều đó đã trở thành động lực, là niềm tin mãnh liệt đang ngự trị trong con, một con người với tràn đầy nhựa sống, khát khao được cống hiến cho lý tưởng lợi tha.

Tôi đã hơi vội vàng khi đưa ra nhận định của mình qua một cuốn sách, thật không dễ dàng gì để hiểu một tác phẩm và lại càng khó khăn hơn khi ta muốn hiểu về tác giả của tác phẩm ấy. Cũng giống như để thương thì trước hết ta phải hiểu. Để hiểu được có lẽ chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh mà chính tác giả đã sống hay đúng hơn thì cũng phải là những trải nghiệm tương tự.

Ai rồi cũng sẽ có một nẻo về và tôi cũng đã tìm được cho riêng mình một nẻo ấy, nơi đó có Thầy tôi, có huynh đệ và có cả những kỷ niệm in đậm một thời. Nhưng vượt lên trên tất cả đó là nẻo về của sự thanh thản và an lạc trong nội tâm, nơi có vị Cha già đang chờ những gã cùng tử quay về nương náu, nẻo về của sự giác ngộ, thảnh thơi. “Nẻo về của ý” đã chinh phục tôi và hôm nay có lẽ tôi đã chinh phục được “Nẻo về của ý”.

Thích Tâm Kính kính ghi

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính