
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
“Con ráng học cho giỏi sau này hoằng pháp lợi lạc chúng sinh, con nhé!” Thầy nhẹ nhàng khuyên trước khi tôi lên đường ra nước ngoài du học. Những lời động viên đó chính là động lực lớn nhất mà bản thân tôi luôn khắc cốt ghi tâm. Sóng gió ba đào trần gian có hãi hùng bao nhiêu thì những lời Thầy vẫn là con thuyền vững chắc đưa tôi vượt trùng khơi muôn dặm. Tôi mạnh mẽ tiến về phía trước để thử thách với cuộc đời và vươn mình mang thông điệp tình thương của đức Phật đến với nhân sinh. Lời Thầy, vẫn còn mãi, tình thương luôn tròn đầy, gian nan như gió mát, hồng trần tựa sương mai. Giật mình tỉnh dậy giữa cái lạnh miên man vùng New England mà lòng thấy ấm áp đến lạ. Ắt hẳn đó chỉ là giấc mơ, giấc mơ thẳm sâu trong tiềm thức nhưng phản chiếu điều mà con người ta mòn mỏi nghĩ suy và thấm thía.
Ý niệm về con đường xuất gia trong tôi đã từng rất đơn giản: vào chùa, cạo đầu, hàng ngày tụng kinh niệm Phật, lâu lâu đi cúng đám và hơn hết là sống một cuộc đời “an bần lạc đạo”. Chắc hẳn ai cũng sẽ “cười vào mặt” cái suy nghĩ trẻ con, ngớ ngẩn và thực dụng đến vậy. Trẻ con mà! Nếu không ngớ ngẩn thì đâu ai cho phép được gọi là trẻ con. Nghĩ lại tôi vẫn thấy rằng suy nghĩ ban đầu của bản thân đã biểu hiện cái tính cách “tầm thường” của mình ngay từ khi còn nhỏ. Biết bao đứa “trẻ con” khác cũng bằng tuổi mà chúng nó có những suy nghĩ vĩ đại như làm bác sĩ, kĩ sư, tổng thống; trong khi mình thì chỉ mong cầu một cuộc sống an bần thôi sao! Và cái tính trẻ con ấy cứ đeo bám tôi (và chúng ta) mãi, đến tận bây giờ, mỗi khi mệt mỏi với sự bon chen của cuộc đời, tôi lại chỉ muốn được “an bần” một vài lần với thế gian.
Bước vào học kì thứ hai tại ĐH Harvard, vẫn với cái nhìn và sự cố gắng của kẻ “tầm thường”, tôi luôn lấy lời và cuộc sống của Thầy làm sự soi sáng cho con đường mà mình sẽ bước tiếp. (Đừng hiểu lầm nhé! Lời Thầy không nhẹ nhàng như ở trên đâu, và nếu tôi nhớ không lầm thì Thầy rất ít khi nói chuyện “tình cảm” đến vậy). Thầy luôn khuyên đại chúng rằng: “Người có ý chí phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường”. Làm sao một kẻ tầm thường như tôi có thể làm được điều gì phi thường như lời Thầy dạy? Tôi có đang làm Thầy và đại chúng thất vọng chăng? Những gì tôi đang học có thể mang lại được điều gì có ích cho cuộc đời nếu tôi không có được sự “phi thường” ấy? Với Thầy, thế nào mới xứng đáng được gọi là “phi thường”? Tôi luôn canh cánh với những nghi vấn đó, có lúc nó như là một gánh nặng và đôi khi cũng là một nguồn lực vô hình đưa tôi bước tiếp về phía trước.
Rất nhiều lần tôi định hỏi Thầy thế nào là một người phi thường nhưng chính suy nghĩ đó lại khiến mình trở thành một kẻ tầm thường đến lạ! Ngẩn ngơ vô định trong bao mối suy tư và luôn tự mình phải cố gắng hiểu thâm ý sâu xa trong từng lời Thầy dạy đã hình thành trong tôi tính cách không bao giờ từ bỏ con đường đi đến điều phi thường. Sự động viên vô hình trong những lời dạy “chung chung” của Thầy cho đại chúng đã cho tôi cơ hội tự khám phá cái “ẩn số phi thường” mà sự hiện thân của Thầy đã và đang là minh chứng cho điều đó. Nhà triết học trung cổ người Pháp Pierre Abélard đã từng nói: “Vấn đề càng lớn và càng khó khăn thì sự thật càng đáng giá và đáng trân trọng”. Chính sự “thậm thâm” trong từng lời dạy của Thầy và chính sự “nhọc nhằn” muốn khám phá về quan điểm của sự “phi thường” trong tư tưởng của Thầy đã đưa tôi đến con đường mà tôi đang đi trong hiện tại. Hy vọng tôi sẽ khám phá được điều gì đó từ cái “vấn đề” mà tôi ngày đêm “khắc khoải”.
Tôi có còn “tầm thường” không? Vâng, tôi vẫn đang bình thường như bao con người khác, vẫn đang khó khăn “tiêu hóa” những tư tưởng hàn lâm và khô khan trong môi trường mà tôi hằng mong ước được học, vẫn đang sống với cái tầm thường trong thế gian nhưng mong muốn được tìm thấy điều phi thường mà Thầy mình từng dạy. Bản chất làm người vốn dĩ cho chúng ta cơ hội để một lần được làm kẻ tầm thường, rong ruổi trăm hướng tìm kiếm con đường hạnh phúc và chợt lơ ngơ lẩn thẩn khi sự phi thường chính là mặt bên kia của kiếp người. Vốn dĩ sự tầm thường là điều tất yếu của kiếp người để ta có cơ hội khám phá cái phi thường trong chính sự tầm thường đó. Sự tầm thường ấy như bùn, như khổ để chúng ta có cơ hội nhận ra rằng thì ra nếu không có bùn thì sen từ đâu nở, nếu không có khổ thì có chăng những kẻ nhân tài.
Tôi không được cơ hội sống gần Thầy như bao huynh đệ khác. Xuất gia được vài năm thì Thầy cho đi học ở Thái Lan. Sau đó tôi lại được qua Mỹ học và đến bây giờ sau gần ba năm ở Mỹ tôi chỉ có mấy lần được gặp Thầy trên đất nước xa lạ này. Mỗi lần nghe tin Thầy đi hoằng pháp ở Mỹ lòng tôi bộn bề những nguồn cảm xúc. Tôi vui mừng thay cho Phật tử ở xứ Mỹ khi được Thầy mang ánh sáng đạo Phật truyền trao, tôi hạnh phúc khi mình sẽ được gặp Thầy, nhưng tôi lại lo khi Thầy phải nhọc nhằn di chuyển đến nhiều nơi trong khi cơ thể vẫn chưa thích nghi với múi giờ bang này lại phải đi sang bang khác. Sức khoẻ Thầy đâu còn như trước, đi lại nhiều là việc Thầy cần hạn chế, nhất là đi xa. Vậy mà Thầy nào quản khó nhọc, nào ngại gian nan. Những lần tôi gọi điện hỏi thăm thì với giọng nói ấm áp và quyết đoán rằng Thầy vẫn khoẻ. Thầy không để cái tư tưởng giải đãi chế ngự trong tâm Thầy dù chỉ là một sát-na. Đó có phải là sự phi thường chăng!
Năm 2018, Thầy có một Phật sự lớn tại Mỹ, Thầy dự định kiến tạo ngôi già lam Hoằng Pháp tại tiểu bang California. Đó như là một bước đi hiên ngang và mạnh mẽ mà Thầy luôn tâm huyết thực hành. Xây dựng một chi nhánh tại Mỹ thể hiện tinh thần không biên giới của lời Phật dạy và trái tim vô uý của những nhà hoằng pháp như Thầy. Thầy biết rằng khi mang lời Phật dạy đến một xứ sở “xa lạ”, xa lạ ngay trong tư tưởng và xa lạ ngay trên một con đường, thì khó khăn là điều không bao giờ tránh khỏi. Thầy bị người ta phản đối, dựng chuyện nói xấu, và có người còn xỉ vả danh dự của Thầy, nhưng không hiểu sao Thầy vẫn cứ tiếp tục giữ vững lập trường, mang ánh sáng của đức Phật soi chiếu vào cái cõi “vô minh tăm tối” ấy! Có lần tôi định hỏi tại sao Thầy lại có thể chịu đựng được những điều đó thì chính câu nói “từ bùn sen nở, từ khổ người tài” lại là câu trả lời cho chính tôi. Đó có phải là sự phi thường chăng!
Với Thầy, người xuất gia mang trọng trách với Phật pháp và với chúng sinh. Nếu xuất gia chỉ để tìm sự “an bần” như tôi lúc nhỏ thì chắc không có chỗ “dung thân” trong ngôi già lam Hoằng Pháp. Nhưng tôi tự hỏi, thế thì tại sao một con người tầm thường chỉ mong muốn sự an bần như tôi lại có cơ hội tu tập dưới sự hướng dẫn của Thầy! Có phải tư tưởng an bần của bản thân được Thầy chuyển hoá thành một điều gì đó tốt đẹp hơn? Có phải cuộc đời của Thầy là bài pháp vô ngôn đã tưới tẩm những hạt giống “phi thường” trong mỗi người đệ tử để chúng tôi đều mang trong mình một sứ mạng quan trọng? Có phải chính sự bao dung của Thầy đã luôn nâng đỡ tôi mỗi khi vấp ngã đã soi sáng thêm cho con đường mà tôi đang đi? Và có phải, đó chính là sự phi thường chăng!
Thầy chắc chắn không bao giờ tự nhận bản thân là một con người phi thường. Chắc hẳn, ai cũng vậy, nếu họ tự nhận rằng họ phi thường thì chính cái tầm thường trong sự so sánh đó đã nói lên hết tất cả. Nhưng có phải Thầy cũng chỉ là một con người bình thường như chúng ta chăng? Tôi có thấy điều gì “khác biệt” trong cuộc đời của Thầy đâu. Thầy sống giản dị như một bài pháp nhẹ nhàng. Thầy không có gì nhiều ngoài sách vở. Gia tài của Thầy được kế thừa từ những lời Phật dạy. Đặc biệt, Thầy rất quan trọng trong việc nhắc nhở chúng tôi phải sống gọn gàng ngăn nắp. Thầy thường dùng lời của sư Tổ “lấm rửa lệch kê” để động viên đại chúng nên nhìn cách sống của mình là tính cách của mình. Căn phòng của mỗi người thể hiện một phần tính cách của người đó. Chúng ta sẽ luôn có lý do cho sự bừa bãi của bản thân và lý do lớn nhất mà chúng ta nên thấy đó là “sao chúng ta để cái tâm tầm thường sáng tạo ra nhiều lý do nhằm bao biện cho cái tầm thường ấy”. Thầy không để những tư tưởng tầm thường khởi lên những ham muốn tầm thường cho cuộc đời trở nên tầm thường. Đó có phải là sự phi thường chăng!
Ngoài trời, tuyết bắt đầu rơi. Đây là đợt tuyết đầu tiên ở thành phố Cambridge. Ngồi trong thư viện Widener mà tự nhiên lòng tôi thấy hạnh phúc đến lạ. Tôi không được như Thầy của mình ở bất kì phương diện nào cả. Nhưng tôi hạnh phúc vì được làm đệ tử của Thầy. Nhờ lời dạy của Thầy mà tôi có được ngày hôm nay. Vì lời dạy của Thầy đã khiến tôi bước đến phía trước. Chính lời dạy của Thầy đã vực dậy những tư tưởng “không mấy tầm thường” để tôi không gục ngã trên con đường “ít người đi” ấy. Mặc dù chỉ mới bước vào học kì thứ hai nhưng số lượng bài vở cũng khá nhiều và tôi phải dành hầu hết thời gian sau giờ học để vào thư viện ngấu nghiến những quyển sách dày cộm cho những tiết học tiếp theo. Những quyển sách ấy đôi khi lại trở thành những cái gối không mấy thoải mái để tôi có giấc mơ đẹp về cuộc hội thoại với Thầy.
Đến bây giờ, sau hơn mười năm theo Thầy học đạo, tôi phải chấp nhận rằng bản thân vẫn chưa hiểu được làm thế nào để được trở nên phi thường. Điều tôi luôn tâm niệm đơn giản là nếu mình theo đuổi một điều gì đó thì hãy theo đuổi đến cùng; dù có khó khăn đến đâu cũng không được từ bỏ; nghĩ đến những cơ hội mà bản thân đang có, dù cơ hội ấy có thuận lợi hay không, để tiếp tục bước đi mỗi ngày. Bởi vì, khi biết bản thân đang có cơ hội thì chính sự nhìn nhận đó là minh chứng của cơ hội lớn nhất: cơ hội được sống dưới sự hướng dẫn của Thầy mỗi ngày. Có thể tôi đang sống một cuộc đời tầm thường, có thể tôi chưa làm được điều gì lớn lao, có lẽ chấp nhận sự tầm thường của bản thân và cố gắng bước theo con đường của Thầy chính là điều “phi thường” nhất mà tôi có thể làm. Nhưng hơn hết tôi vẫn còn có một con đường để đi, có một ý chí để phấn đấu và một người Thầy luôn sẵn sàng chở che mỗi khi vấp ngã.
Không ai dám nói trước được điều gì trong cuộc đời vô thường này cả. Chính vì điều đó, Thầy cũng không mong đợi điều gì từ bản thân tôi. Thầy hiểu rằng điều gì đến trong cuộc đời của mỗi người đều là do nhân duyên sinh diệt. Nhờ vậy, những gì tôi làm không bị áp lực từ sự mong chờ của Thầy, chính tôi là người vẽ nên cuộc đời của bản thân để đền đáp sự “không mong đợi” đó của Thầy. Tôi thấy mình có thêm sức mạnh và sự tự do trên con đường mình chọn. Tôi cảm nhận được sự tin tưởng của Thầy trong những lần trò chuyện ngắn ngủi qua điện thoại. Thầy không động viên ngọt ngào, Thầy không thể hiện tình cảm gần gũi, Thầy cũng không mang đến điều mà những người tầm thường mong đợi. Đơn giản, Thầy hiện diện đó như một lời nhắc nhở vô ngôn rằng “Con ráng học cho giỏi sau này hoằng pháp lợi lạc cho chúng sinh, con nhé!”
Đừng ganh tị vì tôi được những lời nhẹ nhàng đó từ Thầy bạn nhé! Vì nếu bạn ganh tị thì bạn chẳng có chút sáng tạo nào cả. Sự gắn bó của tôi và Thầy là sự sáng tạo nhẹ nhàng trong vũ trụ bao la muôn màu này. Tôi luôn lấy đó làm sự động viên cho bản thân mỗi khi mệt mỏi. Ai cũng có quyền viết nên những trang sách cho cuộc đời của mình! Tại sao chúng ta lại ràng buộc trong những quy luật mang hình bóng chấp thủ và chấp ngã. Hãy tự do viết lên một quyển sách đẹp, quyển sách có ích, quyển sách mang thông điệp “phi thường” mà Thầy đã truyền trao. Tôi sẽ viết quyển sách đó và luôn nguyện với lòng, với Thầy rằng xin cho quyển sách ấy có tên “Không Phụ Như Lai, Không phụ Thầy”.
Thư viện Widener, ĐH Harvard
Thích Tâm Tiến kính ghi