Ấn Phẩm Chùa Hoằng Pháp
Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính

Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
Ngôi nhà Hoằng pháp

Vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn là học Tăng chùa Vĩnh Nghiêm, mỗi chiều tôi thường ghé qua thư viện đọc sách. Tại đây tôi đã gặp một vị áo nâu sờn màu làm thủ thư, rồi dần dần không biết từ khi nào tôi và thầy - Thượng tọa Thích Chân Tính - đã quen nhau. 

Khoảng cuối năm 1990, Thầy mời tôi dự giỗ tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp. Lúc mời, Thầy còn chỉ đường: “Cứ đến Thành Ông Năm rồi hỏi chùa Hoằng Pháp thì người ta chỉ cho” - Tôi nghĩ chắc Thầy không còn nhớ. Đó là ngôi chùa nằm ở vùng ngoại ô, sâu trong khu quân đội, trông hẻo lánh ít ai biết đến. Đây là lần đầu tiên tôi biết chùa Hoằng Pháp. Và có lẽ cũng từ đây, huynh đệ bắt đầu thân nhau. Rồi, năm tháng trôi qua, chúng tôi có duyên được gắn bó, cùng chung Phật sự. 

Kể từ sau thập niên 1990, đất nước mở cửa hội nhập, các lĩnh vực trong đời sống xã hội, cố nhiên là tôn giáo cũng được thoáng hơn. Trước đó, các hoạt động Phật sự “muốn làm gì thì làm” nhưng chỉ... trong phạm vi ngôi chùa. Việc tổ chức một sự kiện Phật giáo ngoài xã hội là điều chưa thấy xảy ra. 

Năm 1995, tôi nhớ thầy Chân Tính lúc bấy giờ là Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử THPG TP Hồ Chí Minh. Một lần, huynh đệ gặp nhau, Thầy nói: “Đằng này sắp tổ chức thi văn nghệ cho các Gia Đình Phật Tử toàn thành phố, Thầy làm xướng ngôn viên (MC) giùm nhé”. Tôi khoái chí hỏi: “Thầy định tổ chức ở chùa nào?”. Thầy cười rất tự tin: “Ra nhà hát Hòa Bình tổ chức mới hoành tráng chứ!”. Nghe nói “ra nhà hát Hòa Bình”, tôi ... giật bắn người. Làm sao điều đó có thể xảy ra! Vì rằng, từ trước tới giờ, Giáo hội chưa một lần tổ chức sự kiện Phật giáo nào ngoài phạm vi ngôi chùa, đừng nói là tại nhà hát lớn nhất thành phố. Mặt khác, đơn vị tổ chức thi văn nghệ lại là một tiểu ban chứ cũng không phải là danh nghĩa Ban Trị sự Thành hội Phật giáo. Có lẽ đọc được suy nghĩ hồ nghi của tôi, Thầy cười nói: “Phần tổ chức thì có đằng này lo, Thầy cứ chuẩn bị khâu xướng ngôn thật tốt đi nhé!”. Tôi vâng một cách ầm ừ nhưng lòng thì chưa đủ độ tin vì chưa có một cơ sở gì để bảo đảm là Thầy có thể tổ chức thi diễn văn nghệ Phật giáo ngoài nhà hát. Thế rồi chương trình thi văn nghệ Phật giáo vẫn được tiến hành sau nhiều cuộc họp. Tôi nhớ vòng sơ khảo diễn ra suôn sẻ tại hội trường Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Quận 3 trên đường Điện Biên Phủ. Hội thi thành công, Tôi cầm tay Thầy nói: “Thầy táo bạo thật!”. Thầy cười xoà: “Có gì đâu, còn vòng hai, vòng ba nữa”. 

Một tháng sau, vòng bán kết được diễn ra tại nhà hát Bến Thành, rồi tháng sau nữa đêm chung kết thành công rực rỡ tại nhà hát Hòa Bình. Đây cũng là cơ hội đầu tiên để một MC như tôi nếm trải cảm giác đứng trên sân khấu trước nhiều nghìn người. 

Suốt ba tháng liền từ mùa Phật đản đến mùa Vu Lan năm đó, phong trào văn nghệ Phật giáo trở nên sôi động khắp nơi. Gia Đình Phật Tử tại các chùa liên tục thi để được đậu lên cấp quận, cấp quận thì miệt mài thi để được lên thi cấp thành phố. Hội thi cấp thành phố thì được tổ chức tại các trung tâm lớn khiến hiệu ứng xã hội được lan tỏa mạnh mẽ. Chưa bao giờ âm vang khúc ca Phật giáo được lan tỏa sâu rộng đến thế.

Rồi năm sau, năm sau nữa không tổ chức hội thi, sau này Thầy tổ chức văn nghệ cúng dường Phật đản, cúng dường Vu Lan tại các nhà hát lớn do các ca sĩ nổi tiếng biểu diễn.

Có thể nói, Thầy là người tiên phong trong việc xiển dương Phật pháp bằng con đường văn hoá, văn nghệ, mượn khúc hát lời ca để đưa ánh sáng chánh pháp phổ biến sâu rộng nơi đời. Cố nhiên, những khúc nhạc Phật giáo tân thời trước đó vẫn được thực hiện nhưng chủ yếu là ở phòng thu và chỉ được phổ biến qua các băng cassette. 

Như một cái duyên, Thầy nghỉ Ban Hướng dẫn Phật tử chuyển qua làm Ban Văn hóa thì tôi lại vào vị trí Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử thành phố thay Thầy.

Cứ ngỡ, việc ai nấy làm, nhưng một thời gian không lâu tôi và Thầy lại “đồng thuyền đồng hội”.

Trong Ban Văn hóa có một tổ công tác gọi là Tổ In Ấn - chuyên trách về xuất bản kinh sách, văn hóa phẩm Phật giáo. Thời điểm này, Tổ In Ấn đang trên đà tuột dốc không phanh và dường như đang đứng trên bờ vực phá sản. Ban Trị sự THPG đã có lúc nghĩ đến việc “thanh lý Tổ In Ấn rồi nghỉ quách đi cho rồi”. Nhưng quan điểm thầy Chân Tính cùng với Hòa thượng Thích Giác Toàn (bấy giờ là Trưởng ban VH) và Ni trưởng Như Hoa thì không, phải duy trì và phát triển một tổ chức truyền bá Pháp bảo. Cũng xin nói thêm ở thời điểm này Tổ In Ấn gần như là trung tâm duy nhất cung cấp Kinh, Luật, Luận và các văn hóa phẩm Phật giáo cho các đại lý, phòng phát hành kinh sách trên cả nước. Lúc bây giờ với vai trò là Thư ký Ban Văn Hoá, Thầy “kéo” tôi vào với nhiệm vụ “Chuyên viên Thiết kế - Mĩ thuật - Kĩ thuật” nhằm đổi mới hình thức và nâng cấp chất lượng sản phẩm Kinh, Luật, Luận. Chỉ trong vòng ba năm, mấy huynh đệ đã cống hiến số lượng kinh sách phổ biến toàn quốc mà nguồn vốn Giáo hội đạt được trị giá tương đương với vài căn nhà ở quanh khu vực thiền viện Quảng Đức (vì lúc bây giờ Tổ In Ấn đã có ý định mua một căn nhà quanh thiền viện Quảng Đức để mở văn phòng và làm kho kinh sách để không phải thuê mặt bằng (thiền viện Quảng Đức) và thuê kho (chùa Phổ Quang). 

Trong một lần ngồi trò chuyện sau dịp tết, Thầy nói với tôi sao mình không làm một cái gì đó để làm sinh động thêm cho lễ hội Phật đản sắp tới (?). Tôi cười nói: “Đó đó, giờ Thầy muốn đẻ thêm gì nữa đây!”. Thầy nói: “Thì làm lồng đèn Phật đản”. Thế là một mùa Phật đản lồng đèn rực sáng, lung linh các chùa và khắp phố phường. 

Có một điều ít ai biết đến là nhiều năm tham gia Tổ In Ấn kinh sách nhưng Thầy phát nguyện không lấy lương. Dù nhân viên mang bao thơ đến tận chùa Hoằng Pháp, Thầy cũng chỉ mỉm cười và hồi đáp “thành tâm cúng dường”.

Cuối năm 1997, Thầy tổ chức lễ lạc thành chùa Hoằng Pháp. Có một chút vội vàng là lễ lạc thành được diễn ra cận kề thời điểm đại hội Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội, trong khi cả tôi và Thầy đều là thành viên ban triển lãm của đại hội. Xong lễ, hai huynh đệ vội vội vàng vàng xách túi ra sân bay. Mấy tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, tôi bắt đầu cảm nhận và dần ngộ ra chân tính của Thầy. Trước giờ tôi chỉ hiểu Thầy là người của phong trào, người của những đêm văn nghệ, những chiếc xe hoa, những chiếc lồng đèn... Nhưng không, Thầy rất tâm huyết với mạng mạch Phật Pháp, với nghệ thuật xây dựng Tăng đoàn và phương pháp mang đạo vào đời. 

Sau đại hội, Thầy có tham vấn một số trung tâm tu học ở trong và ngoài nước, trong đó có Đài Loan và dường như con đường hành đạo của Thầy bắt đầu có hướng mới. 

Năm 1999, lần đầu tiên Thầy tổ chức khóa tu mang tên “Phật thất” có khoảng hơn 60 người tham dự. Chỉ mới vài khoá thôi mà lượng người về dự lên đến vài trăm, rồi vài nghìn. Hành giả không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà hầu như là cả nước về dự. Thầy bắt đầu gặp khó khăn, khóa tu nhiều khả năng phải dừng lại. Trong một cuộc họp, tôi là người “ngồi phía bên kia” nghe những câu luận tội về những “cái sai” của Thầy. 

Kết thúc cuộc họp, Thầy chỉ nói một câu: “Chỗ nào sai thì con xin sửa, chỗ nào còn thiếu thì con xin bổ sung, chỉ mong khóa tu được tổ chức để Phật tử các nơi về học Phật và hành theo Phật”.

Mùa Phật đản năm 2011, tôi mời Thầy và thầy Nhật Từ sang hành đạo ở châu Âu, trải qua bốn nước, gần 20 điểm đến với thời gian gần ba tuần. Bà con ở khu vực Đông Âu thường là bận làm ăn nên lễ hội hầu như chỉ tổ chức buổi chiều hoặc tối, xong lễ bao giờ cũng đến khuya. Thì giờ rảnh rỗi, được bà con đưa huynh đệ chúng tôi đi tham quan nơi này chốn kia, lúc thì thả bộ trên những con phố cổ ở Quảng trường Con Gà, tham quan cầu Tình - Charles, hay Quảng trường Con Ngựa - Czech; có khi cất bước quanh thành cổ Cung điện Hoàng gia Warszawa, hay thăm Quảng trường Anh hùng, Đài kỷ niệm thiên niên kỷ, toà nhà Quốc hội cổ kính nhất châu Âu - Hungary... Ấn tượng nhất vẫn là những công việc mang tính đối ngoại vô cùng hiệu quả cho chuyến đi. Tại Đức có Trung tâm VHPGVN bang Sacchen và chúng tôi đã có chương trình thăm quốc hội Bang để cảm ơn chính phủ nước bạn đã quan tâm đến đời sống tâm linh cũng như các lĩnh vực sinh hoạt kinh tế, văn hoá của bà con ta tại đây; có khi đến thăm các Đại Sứ quán để đề đạt nguyện vọng của bà con; mỗi sự kiện là nét son đồng hành Phật sự, mỗi con đường đều để lại dấu ấn hoằng pháp khó phai.

Nhanh quá! Mới đó mà đã mấy mươi năm rồi! Đã qua cái thời mỗi ngày gặp nhau, hết bàn kế hoạch này lại thảo Phật sự kia, giờ thì chỉ gặp nhau mỗi khi tôi lên Hoằng Pháp thuyết giảng. Ngồi với nhau trong những phút giây thật tĩnh lặng, sâu lắng; nhìn nhau bằng ánh từ hoà và nụ cười hoan hỷ. Thỉnh thoảng hớp ngụm trà thơm, cảm nhận sau cái đắng, chát, đọng lại là dư vị ngọt ngào.

Tôi hình dung con đường hành đạo của Thầy đi từ “Hướng dẫn Phật tử” đi ngang qua “Văn hoá” và cuối cùng là trở về với ngôi nhà chính mình: ngôi nhà Hoằng Pháp.

Thượng tọa Thích Trí Chơn

Sách cùng thể loại
Tặng Phẩm Xuân 2024
Tặng Phẩm Xuân 2024
Thích Chân Tính
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Giới thiệu ấn phẩm mới: Lịch bàn 2023
Thích Chân Tính
Tặng phẩm xuân 2023
Tặng phẩm xuân 2023
Thích Chân Tính
Nắng trong mưa
Nắng trong mưa
Chùa Hoằng Pháp
Bài học người Phật tử
Bài học người Phật tử
Thích Chân Tính
Em về chùa tu học
Em về chùa tu học
Thích Chân Tính