Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Vai trò của một tu sĩ là sửa đổi thân tâm và hoằng dương chánh pháp để tiếp nối ngọn đèn trí tuệ của chư Phật, vì vậy Thầy luôn trăn trở và nỗ lực để đưa lời dạy của đức Phật đến với tất cả mọi tầng lớp sĩ nông công thương, mọi độ tuổi. Cùng với sự hỗ trợ của chư Tăng và các vị thanh tín sĩ, những ý tưởng đã từng bước đưa vào thực hiện. Tất cả đều là thử nghiệm ở buổi ban đầu nhưng dần dần đã tạo nên tiếng vang và đem lại những thành công nhất định. Kết quả này thúc đẩy thầy trò tiếp tục vì chúng sanh mà phục vụ, tận dụng tất cả mọi phương tiện để truyền tải lời dạy của đức Phật và gắn kết con người vào nếp sống đạo đức để đem lại an vui, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Những khóa tu mang dấu ấn tiên phong
Năm 1999, Thầy có chuyến thăm viếng Hòa thượng Tinh Vân ở Đài Loan, một vị thầy nổi danh với vai trò giáo dục Phật giáo. Khi nhìn thấy đạo tràng chuyên tu của Hòa thượng được tổ chức trang nghiêm và quy mô Thầy chợt nghĩ đến việc xây dựng nó ở Việt Nam vì lúc ấy chưa có ai làm cả. Âu cũng là nhân duyên, trở về Thầy và chư Tăng mạnh dạn triển khai mô hình niệm Phật, xây dựng chương trình tu học, bố trí cách thức sinh hoạt và thời khóa tu tập, chọn lọc giai điệu niệm Phật để phù hợp với nhịp chân kinh hành, rồi xây dựng các tòa nhà để đáp ứng được nơi tu tập, ăn uống, ngủ nghỉ.
Bước đầu thực hiện cũng vấp phải nhiều rào cản vì là người tiên phong, nhưng Thầy không nhụt chí. Kiên trì phát triển mục tiêu của mình nên dần dần đã được sự đón nhận của đông đảo các đạo tràng trong cả nước. Từ con số vài chục người ở khóa tu đầu tiên nay đã lên tới vài ngàn. Nhiều nơi đã nương theo mô hình này để thành lập các khóa tu, tạo thuận duyên cho Phật tử tu tập và tiết kiệm được chi phí đi lại.
Dần dần, để nâng cao chất lượng khóa tu Thầy đã cho mở thêm chương trình Phật Học Thường Thức để giúp hành giả niệm Phật nắm được những giáo lý căn bản của Phật giáo, giúp họ có đủ chánh kiến để phân biệt giả chân, tránh rơi vào mê muội, tà tín.
Vào năm 2005, khi thấy những bạn trẻ tham gia Khóa Tu Phật Thất vào dịp hè, Thầy nghĩ đến việc xây dựng một khóa tu riêng dành cho người trẻ. Tuổi trẻ thì năng động và họ cần những lời dạy thiết thực giúp họ áp dụng được vào lối rẽ của cuộc đời. Họ không thể ngồi yên niệm Phật sáu thời một ngày, mà phải xen kẽ giữa tu học và vui chơi giải trí. Những đề tài dành cho họ cũng không thể chứa đựng quá nhiều triết lý Phật giáo, mà nên chuyển sang những vấn đề gần gũi với cuộc sống. Trên hết, phần lớn họ là sinh viên, vậy hành trang gì giúp họ định hướng cho tương lai và có thể mang theo bên mình như một liệu pháp giúp họ đứng vững giữa những áp lực, khó khăn và vấp ngã khi vào đời vì phần đông lớp trẻ thời hiện đại thiếu định hướng và trách nhiệm với bản thân, lại dễ rơi vào cám dỗ, và sống xa rời thực tế?
Những điều này làm Thầy suy nghĩ và quyết định tổ chức Khóa Tu Mùa Hè, tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích, vừa rèn luyện nhân cách lại vừa giúp họ nhìn lại bản thân để chọn một lối đi đúng cho cuộc đời mình.
Ý tưởng về Khóa Tu Mùa Hè thực sự là một bước đi tích cực trong chặng đường hoằng pháp. Trên danh nghĩa tôn giáo nhưng nó thực sự là một chương trình định hướng giáo dục và định hình nhân cách người trẻ. Nếu không đủ duyên lành để trưởng thành trong một môi trường tốt thì nhân cách con người ta có xu hướng tha hóa và lệch lạc. Đây là vấn đề chung của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Khóa tu có thể không giúp họ phục hồi hoàn toàn nhân cách sống nhưng sẽ cho họ một lựa chọn để quyết định cuộc đời mình: tiếp tục sống phù phiếm, vô nghĩa hay dừng lại để trưởng thành.
Xây dựng các chương trình Phật pháp ứng dụng
Trong một chuyến Phật sự tại miền Bắc năm 2006, Thầy được mấy cô Phật tử mời về nhà. Trên chuyến xe tình cờ Thầy được nghe câu chuyện về sự thay đổi màu nhiệm nhờ Phật pháp của một cô Phật tử. Câu chuyện khiến Thầy suy nghĩ về một chương trình, nơi những con người đã từng lầm lỗi trong quá khứ nay đã hồi đầu hướng thiện nhờ nhân duyên gặp được Phật pháp. Những trải nghiệm của họ sẽ là những pháp hành sống động và hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người. Người chưa tạo ác duyên nhiều sẽ thêm tinh tấn, và người đã gây tạo tội lỗi sẽ có thêm động lực để hối cải và hướng thiện. Và chương trình Phật Pháp Nhiệm Màu đã ra đời, đem lại sự mới mẻ và thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Lý thuyết suông cũng đem lại hiệu quả nhưng sẽ không thuyết phục bằng trải nghiệm chân thật. Chương trình vì vậy mà đã đem được nhiều lợi ích trong việc truyền tải pháp nhũ đến cho mọi loài, trổ quả “dị thục” nhân duyên gặp Phật cho những kẻ lầm lỗi.
Một chương trình cũng lấy cảm hứng từ người thực việc thực nhưng hướng nhiều đến tầng lớp tri thức trong xã hội. Nếu chương trình Phật Pháp Nhiệm Màu nhấn mạnh vào những nhân vật đã từng gây tạo lỗi lầm, nay nương vào những lời dạy của Phật để bắt đầu làm người tốt thì chương trình Hoa Mặt Trời ra đời để tiếp sức và củng cố niềm tin cho những ai đang thực hành lời Phật dạy, còn với những người chưa có cơ hội biết đến Phật pháp thì cũng sẽ nhân đây mà phát khởi. Những nhân vật trong chương trình là những người thành đạt, có địa vị và tiếng tăm trong xã hội. Họ thực hành lời Phật dạy trước là để duy trì trạng thái cân bằng giữa áp lực công việc và trách nhiệm với gia đình, xã hội; trách nhiệm càng cao, áp lực sẽ càng nhiều và Phật pháp giúp họ duy trì sự ổn định tâm lý trong cuộc sống cũng như phát huy vai trò của đạo đức trong cương vị quản lý.
Không chỉ thành công trong cuộc sống mà còn biết quay về nguồn cội tâm linh, đây sẽ là những sứ giả đắc lực giúp truyền tải những giá trị chân thật của Phật giáo đến giới tri thức một cách thuyết phục. Vị trí và sự thành công của họ trong xã hội sẽ dẹp tan những quan niệm sai lầm phổ biến và việc đồng hóa Phật giáo với những tôn giáo khác ở vai trò quỳ lạy, xin xỏ, cúng vái và mê tín.
Ngoài những chương trình mang dấu ấn tiên phong Thầy còn kết hợp những Khóa Tu Một Ngày dành cho những người bận rộn, giúp họ gieo một chút duyên với con đường giác ngộ. Những khóa tu này được áp dụng cho nhiều nhóm người khác nhau. Tất cả đều được tổ chức mỗi tháng một lần vào chủ nhật để mọi người ai cũng có thể tham gia, không vướng bận. Hiện tại có Khóa Tu Một Ngày dành cho “Sinh viên hướng về Phật pháp”, Khóa Tu Niệm Phật một ngày, và Khóa Tu Một Ngày dành cho thiếu nhi “Em về bên Phật”. Bên cạnh giảng pháp cho mỗi khóa tu, Thầy còn mời thỉnh những giảng sư thông hiểu giáo lý để làm chương trình Ánh Sáng Phật Pháp. Phật tử tại gia phần lớn hành trì dựa trên niềm tin vào đức Phật và giáo lý của Ngài chứ không có nhiều kiến thức để phân biệt tà chánh, vì vậy chương trình này sẽ giúp giải đáp những vướng mắc, nghi ngờ khiến người hành trì bối rối và thiếu kiên định.
Hỗ trợ giáo dục
Nỗ lực trong vai trò hoằng pháp lợi sinh Thầy vẫn không quên ươm mầm trí tuệ cho cả hai giới tăng tục qua con đường hỗ trợ giáo dục dưới hình thức gây quỹ. Hiện tại quỹ Đào Tạo Tăng Tài Ngộ Chân Tử dành cho Phật giáo, và quỹ Ươm Mầm Trí Tuệ dành cho các trường đại học bên ngoài. Mỗi năm Thầy hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng cho hai quỹ.
Với Thầy giáo dục Phật giáo luôn đóng một vai trò quan trọng. Những vị xuất gia tương lai đều là phải tự mình dẫn dắt chúng sanh, vì vậy nếu không có kiến thức thì quả là một thiếu sót lớn. Vì vậy Thầy đã nghĩ tới việc gây quỹ hỗ trợ chút ít cho các trường Phật học được duy trì. Người tu không thể tạo ra của cải, vật chất; vì vậy các trường Phật học gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển. Thầy biết khoản đóng góp không nhiều nhưng ủng hộ vào sự nghiệp giáo dục vẫn là việc nên làm và đáng được ưu tiên.
Còn về quỹ Ươm Mầm Trí Tuệ dành cho sinh viên nghèo cũng từ chủ trương đạo đời không tách biệt. Giúp chúng sanh bớt khổ vốn dĩ là trách nhiệm của bậc sa môn, rồi sau đó nếu thuận duyên có thể dẫn dắt họ vào đạo, đây cũng là một loại phương tiện vậy.
Bên cạnh việc triển khai mô hình các khóa tu Thầy còn mở thêm một lối vào đạo thông qua con đường giải trí. Các bộ phim Phật giáo do chùa đầu tư sản xuất và một chương trình ca nhạc Phật giáo được tổ chức quy mô, đầu tư bài bản hàng năm tên Diệu Âm Hoằng Pháp là những bằng chứng về hiệu quả của việc hoằng pháp qua khía cạnh giải trí.
Chỉ cần có thể giúp người ta bớt khổ thì đều được áp dụng triệt để, đây gọi là phương tiện quyền xảo, một nét đặc sắc trong tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Chúng sanh thích gì Thầy lấy đó làm phương tiện dẫn dắt vậy.
Xây dựng các truyền thống Phật giáo
Gia tài chân chánh của Phật giáo là trí tuệ, vì vậy mỗi một người con Phật ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy, tránh để Phật pháp rơi vào sự đoạn diệt. Vì chỉ có trí tuệ mới phá tan được xiềng xích vô minh, trói buộc con người trong luân hồi sinh tử bất tận. Đây là mục đích và ý nghĩa của đêm hoa đăng được tổ chức vào mỗi lễ vía đức Phật A Di Đà. Thắp đèn nhắc nhở người tu học phải cố gắng thắp lên ánh sáng trí tuệ trong tâm để được giải thoát, đó là mục đích tối thượng. Truyền đèn biểu trưng cho trách nhiệm của người con Phật: lan truyền ánh sáng trí tuệ để muôn loài ai cũng được an lạc, hạnh phúc.
Mô hình này cũng đã tạo nên một ấn tượng đẹp trong việc truyền tải thông điệp giữ gìn và phát triển gia tài của đức Bổn Sư. Chỉ cần một tấm lòng chân thật vì đạo pháp, người ta sẽ biết việc nên làm. Có lẽ tâm Thầy cũng như vậy.
Bên cạnh đêm hoa đăng, gần đây Thầy đã tổ chức một buổi Lễ Tri Ân Đệ Tử mình và toàn thể Phật tử đang làm việc và cống hiến tại chùa. Với suy nghĩ tập thể mới đem lại sự thành công vì cá nhân Thầy không thể làm tất cả mọi thứ để phát triển đạo tràng cũng như thực hiện mọi hoạt động hoằng pháp. Mọi thứ trong cuộc sống đều phải tương tác lẫn nhau để tồn tại, không có Thầy thì không có đạo tràng, nhưng nếu không có người ủng hộ và thực hiện thì đó cũng chỉ là một đạo tràng chết, vậy nên cả hai bên đều cần và đáng được tri ân.
Làm người trên mà hạ mình xuống để tri ân người dưới không phải chuyện dễ dàng vì ai cũng có một cái tôi, và nó thường tỷ lệ thuận với địa vị và danh tiếng. Tu là sửa đổi và ngăn ngừa ác pháp, nên buổi lễ tri ân vừa mở ra một truyền thống tốt đẹp vừa để ngăn trừ tăng thượng mạn trưởng thành.
Nhìn lại…
Dù là người tiên phong trong việc áp dụng những mô hình tu học tương thích với nhu cầu của lối sống hiện đại và nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người trong và ngoài cuộc, Thầy vẫn chẳng lấy đó làm tự hào. Một tu sĩ phải nhờ ơn muôn loại để hoàn thiện thân tâm và giải thoát khỏi luân hồi, vì vậy Thầy luôn coi việc dấn thân là một hành động đích thực để báo ân cuộc đời. Đây là tâm niệm Thầy vẫn dùng để nhắc nhở chính mình:
Ta mang ơn nặng cuộc đời
Nguyện xin trọn kiếp vì người hiến dâng.
Đậu Bao