Hè Về
...Tít tít... (Lời nhắn được để lại sau tiếng “tít”)
Alo, má hả?
Má ngủ chưa? Trưa nay má ăn cơm có ngon không má? Trời mưa rồi! Mưa to lắm, nước như trút xuống mặt đất từng đợt từng đợt mạnh. Mới nắng thiệt gắt mà trời đã mưa rồi!
Con mới ăn cơm xong, liền chạy lên phòng viết ngay cho má (hoà trong không khí người người xin giấy, bạn bạn cầm bút hì hục cắm cúi viết viết, ghi ghi). Nhưng mà con có làm tiếng giống trong điện thoại rồi đó, má cứ tưởng tượng mình đang nghe con nói nha má, vì cũng lâu lắm rồi con không đăng ký gói “k2” (25 phút/2000đ) nữa, chỉ để gọi mà rên rỉ, than vãn với má thôi đó!
Dạo này má sao rồi? Má còn ho nhiều không? Ba con còn hút thuốc như xưa nữa không má? Anh Trung hổm rày hết buồn tình chưa? Con bé Tư nói được chưa hè?
Má đừng có ngạc nhiên quá vì hôm nay sao con hỏi dồn dập, tới tấp nha! Cứ trả lời từ từ hết mấy câu đó là được rồi...
A, ừ, ừm, thì... thực ra gần một năm xa nhà vào thành phố học đại học, mà có lần nào con gọi về chỉ để hỏi má mấy cái kiểu vậy đâu, nên ngạc nhiên cũng phải. Con vô tâm quá phải không má?
À, con kể má nghe nè! Tuần nay con đi tu vui ghê đó! Má cũng đừng lo gì về vụ này nha. À, má không đang giận con đấy chứ? Cái vụ hôm thứ bảy tuần trước ý, con gọi cho má nói là giờ phải nộp điện thoại để yên tâm tham gia Khoá tu mùa hè ở chùa Hoằng Pháp, rồi má chưa kịp nói hết câu: “Ai bảo con...?” thì con tắt nguồn luôn ý. Tại con sợ má không cho con đi nên con làm liều, đợi đến phút cuối mới khai báo cho má. Mà cũng đúng thôi! Đời nào má cho con đi xa như vậy đâu, lại còn hết cả tuần, mà tuần sau nữa là thi cuối kỳ rồi. Có xin mấy chắc má cũng không đồng ý đâu!
Má biết không, ngay từ cái thời con còn ngây thơ, khờ khạo đến mức lấy cục xà bông thoa lên mặt để rửa, con đã thích chùa, thích điều được gọi là “tu” và “thuyết pháp”. Con xem trên tivi rồi băng đĩa mà con nhỏ bạn thân cho mượn, nhìn mấy nhỏ bạn đi lên chùa tu, được ăn chay, nghe giảng đạo, tự nhiên sao con cảm thấy thích kinh khủng, ước ao được một lần tận mắt thấy Phật, tận tai nghe pháp, đặt chân vào chùa tu. Thế mà lớn lên rồi có dịp nào đâu. Ăn no rồi tối ngày đi học, học rồi về, có thời gian đâu mà vào chùa, mà cũng không có chùa nào tổ chức khoá tu dành cho tụi trẻ như con mới ác chứ! Ở quê nghèo, tuy thanh bình thiệt nhưng thiếu thốn đủ thứ, rồi trong lòng con phát sinh ý thích ăn chay, giúp mấy con vật nhỏ trong nhà ra khỏi chỗ mà tụi nó bị kẹt, rồi thích nói chuyện với tụi nó (nói toàn nhảm nhảm không à, giờ nghĩ lại như bị tự kỷ luôn). Ba và mấy anh chị thấy con không dám đập muỗi trong màn, nhiều lúc la rầy con dữ lắm (hình như má cũng la con hay sao đó). Lúc đó, con buồn ghê luôn! Con tự hỏi: “Tại sao thế giới mà con đang sống không hề giống với những điều mà con đã thấy trong phim hoạt hình, trong mấy câu chuyện “Cô Tiên Xanh” hay trong truyện cổ tích thần tiên, nơi không hề có chỗ cho cái ác và sự giết chóc? Chẳng lẽ con người ta không thể sống nhân hậu và từ bi được hay sao?” Má cũng chẳng thể biết điều này đâu! Ba không thích ăn chay và lại ham mê dục sắc. Anh Trung cũng thích ăn thịt, ngại món chay, sống buông thả và lêu lổng, hỗn hào với cha mẹ. Chị Hai đã lấy chồng rồi và chẳng tin gì vào Tam bảo. Ngay đến má, một Phật tử đã quy y từ nhỏ mà cũng không thường xuyên đi chùa, ăn chay, niệm Phật. Đó là lý do con không bao giờ được phép làm những việc phước thiện nhiều, không được ăn chay trường và đi lễ Phật. Má đã nói: “Chỉ cần mình có tâm được rồi!”, nhưng mà con hỏi má tâm ở đâu khi má cầm dao chặt thịt, ngắt đầu tôm, nạo vảy cá, lột da ếch,... chỉ để nấu những bữa ăn dinh dưỡng theo cách má và ba quan niệm? Tâm ở đâu khi má không thực tập niệm Phật, thiền định thay vì xem phim? Con đã nhiều lần khuyên răn nhưng sao má không tin con? Trái tim con đau lắm má hiểu không? Con muốn làm người tốt. Muốn từ bi, “thèm” được tu má à... Nhưng may mắn thay, khi vào Sài Gòn, ước mơ tu tập và ăn chay của con đã trở thành hiện thực rồi má ạ! Giờ con đã vào đây, vào mái chùa Hoằng Pháp và tu được sáu ngày rồi. Ngày mốt là con về. Mà nguyên nhân đưa con đến đây thì có thể nói là một điều thiện duyên. Nghĩ đi nghĩ lại con cũng không ngờ là mình lại hên đến vậy? Bữa đó, đi học thêm tiếng Nhật, tình cờ con nghe nhỏ bạn xin thầy cho thi sớm hơn hai ngày để đi chùa. Con nghe đến chùa liền hỏi thì mới biết là nó đi Khoá tu mùa hè ở chùa Hoằng Pháp. Ngay thời khắc đó, tim con đập rộn ràng má à! Cái cảm giác thích tu và khát khao tu tự dưng dâng trào mãnh liệt, chẳng khác gì năm xưa. Rồi con gắng thu xếp để đi đăng ký ngay sáng hôm sau. Con cũng chẳng biết sao nữa, gần tới ngày thi rồi mà bài vở thì chưa cái nào hoàn tất cả, vậy mà con lại quyết đi là đi. Nhỏ bạn đi theo để giúp con làm thủ tục. Con nghĩ nó thiệt là người có tâm Bồ-tát. Má không ngờ được đâu, cuối cùng nó không đi tu được vì lịch thi bị thay đổi. Thế là con đường đến chùa tu luyện chỉ còn lại mình con! Má có nghĩ là duyên phước lắm con mới được trở thành một trong một ngàn rưỡi người có mặt ở đây không má?
Đến chùa vào một buổi chiều thứ bảy âm u, ảm đạm; nỗi buồn xen với nỗi lo! Con lo không biết mình có quen với cuộc sống tập thể hay không? Nơi mà có tới hơn một ngàn người dùng chung hai, ba chục cái nhà vệ sinh, nhất là đối với một người mắc bệnh trĩ như con thì nỗi lo này càng có lý do để ngự trị, khiến con không lúc nào yên ổn. Con cũng lo sợ mình chưa tu lần nào, sẽ bị lạc loài, cô độc trong biển người tài trí vẹn toàn. Con cũng lo cho kỳ thi chưa tới nữa. Rồi con lo má sẽ lo cho con nhiều hơn những điều con lo đến hàng trăm lần ấy chứ! Người hay lo xa nó vậy đó, khó mà kiếm được giây phút bình yên! Nhưng thật là diệu kỳ biết bao từ buổi tối đầu tiên con ở chùa! An lành, yên tĩnh, chẳng ồn ào náo nhiệt, gây bực bội khó chịu như khi ở ký túc xá, không chút phiền muộn vấn vương, mọi bụi trần toan tính, bon chen đời sống thường nhật bị xua đuổi khỏi tâm can.
Ngoài những tháng ngày con được ôm ấp, chở che trong đôi bàn tay ấm áp, tràn đầy yêu thương của ba mẹ. Những ngày vừa qua có thể nói là những ngày hạnh phúc và an bình nhất trong cuộc đời mười chín năm tồn tại của con. Giả sử như có người hỏi con rằng ai yêu bạn nhất cõi đời, với tình yêu không điều kiện, tình yêu vô hạn thì con sẽ trả lời ngay đó là ba, là mẹ, và là quý thầy, quý sư cô chùa Hoằng Pháp. Tấm chân tình mà quý thầy, quý sư cô dành cho lũ trẻ chúng con lớn lắm, bao la lắm! Nó thấm vào tấm lòng mỗi chúng con một cách nhẹ nhàng, nhưng đủ sức mạnh để khiến con tim rung động, bị cảm hoá tự lúc nào chẳng biết. Ba mẹ thương con thì con biết, con cảm nhận được hết, thế nhưng cái cách mà ba mẹ thương con hoàn toàn khác với cách thầy cô đã thương. Ba thường mắng con bằng lối áp đặt, ràng buộc rất khó chấp nhận, má thì mỗi lần gọi cho con là liên tục la con, nói tới tấp vào tai con, khiến nhiều lúc con có cảm giác bị áp lực ghê lắm! Con luôn phải tự an ủi mình rằng đó là do ba má thương con, muốn con tốt hơn thôi! Quý thầy cô ở đây thì khác, họ lúc nào cũng từ tốn, dịu dàng, ân cần chỉ dạy tận tình từng li từng tí cho chúng con, đúng như những gì mà con luôn mong muốn nhận được từ ba má: sự ngọt ngào, tình cảm trong cả lời nói và hành động. Con thèm khát điều đó lắm má ạ!
Vào chùa tu, đây cũng là lần đầu tiên con thực sự được sống trong tình thương, từ bi hỷ xả và sự cảm thông chia sẻ, nhường nhịn nhau đến nỗi con bị đắm chìm trong dòng suối mát rượi ấy mà quên đi cuộc đời thường của mình, quên đi nỗi đau về thể xác vì bệnh tật. Tính ích kỷ của con cũng dịu đi, bản tính bi quan và lối sống lệch lạc, lười tư duy của mình cũng giảm bớt. Lần đầu tiên, trong cuộc đời con học được cách yêu thương chân thật, không vụ lợi, chẳng dối trá, không nhỏ nhen, chẳng tầm thường. Lần đầu tiên trong đời, con nhìn thấy sự chờ đợi trong im lặng, chẳng chút bực bội, khó chịu, cảm nhận được tình thương con người dành cho nhau lan tỏa giữa một không gian rộng lớn qua những hành động hết sức nhỏ nhặt, tưởng chừng bình thường nhưng lại rất cao thượng như: nhường nhau phòng tắm, phòng vệ sinh, chỗ ngủ, cái ly uống nước, chỗ treo phơi quần áo, đôi dép,... không hề có sự vội vàng, chen lấn, xô đẩy. Thế giới mà con mơ ước là đây! Và giờ phép màu đã diễn ra kỳ diệu đến mức con không nghĩ là thật, chỉ là mơ mà thôi!
Mỗi lần nghĩ tới căn bếp nóng bức, ngột ngạt, thì hình ảnh quý thầy, quý cô với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi cứ ẩn hiện trong tâm trí con. Má ơi! Con thấy hình ảnh của má trong đó! Rồi thương cô bảo vệ trẻ đứng gác suốt đêm, thương cô chú dọn nhà vệ sinh, lau dọn giảng đường - nơi nằm của chúng con...Thương lắm! Nhưng con không biết làm sao để họ biết được lòng con đây! Chỉ nguyện sống tốt, sống biết ơn, trách nhiệm, làm người tốt, giúp mình, giúp gia đình và giúp xã hội.
Má ơi! Con nghĩ là má nên vào đây tu đi, rồi má sẽ thấy suy nghĩ của mình là thiếu cơ sở khi nói rằng những người đi tu là những người thất tình, học hành không bao nhiêu và phần nhiều đều giả dối (thực ra thì là ba khẳng định điều này, má chỉ nghe, tin theo thôi!). Chắc chắn má sẽ rất mực kinh ngạc và ân hận vì suy nghĩ thiếu cơ sở đó cho xem. Họ là những người có học vấn cao, nhiều thầy là thạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân của các trường đại học lớn ở Việt Nam. Một số thầy còn du học bên Pháp, Thái Lan... nữa đó má! Trí tuệ cao siêu lắm cơ, lại còn làm thơ, ngâm thơ bùi không tả nổi, ngọt ngào và da diết đến vô cùng. Có lúc con nghĩ quý thầy ở đây chắc là xuất thân từ các nhà hiền triết, văn hoá học, tâm lý học hay các nhà thơ, nhà văn cũng có. Đó là bởi cái tài nói chuyện, chỉ dạy, hướng dẫn, khuyên răn và giảng pháp của quý thầy rất sâu sắc dễ đi vào lòng người nghe. Giọng nói quý thầy, quý sư thì ấm áp, ngọt ngào, nghe cứ miên man, xao xuyến trong lòng. Từng lời nói, lời giảng về đạo đức, về trách nhiệm của quý thầy nghe sao gần gũi. Từng khuôn mặt hiền lành, đôi khi mang một chút vô tư của quý thầy khiến cho nhiều người cảm mến. Từng ánh mắt chân thành, cử chỉ thân thiết, từng câu hỏi quan tâm đại loại như: “Trưa nay các con ăn cơm có no không?”. Hay “Các con có đau thì xuống phòng Y tế xin thuốc uống cho mau khỏi, đau thì tu không được đâu đó!” (trước đó chỉ có một vài tiếng ho nhỏ vang lên) khiến cho ai cũng cảm thấy thân thương. Cho đến từng cái đánh khẽ (bằng chiếc gậy gỗ tựa như mái chèo) vào mông mỗi lần lì lợm, không vâng lời quý thầy, sư cô... con sẽ khắc ghi sâu vào trong trái tim bé nhỏ, đã bị làm khô cạn bởi dòng xoáy vô hình mà rất mực nhẫn tâm của lòng thù hận, sự ganh đua, đố kỵ, tham lam... À, suýt nữa con quên kể cho má nghe, quý thầy ở đây không những “trí huệ như biển”, tài cao đức rộng mà còn sở hữu rất nhiều tài lẻ nữa đó má. Có thầy hát rất hay mà quan trọng hơn là thầy toàn hát mấy bài do thầy tự sáng tác thôi! Bài nào bài nấy đều hay, câu chữ rất cô đọng và nội dung rất ý nghĩa, như có một cuộc đời, một tâm trạng ẩn khuất sau mỗi bài hát vậy. Còn có thầy cực kỳ dí dỏm, chuyên đem đến niềm vui cho chúng con. Má biết không, bài pháp về “Người đồng hành” của thầy Tâm Tiến đã tạo nên một cơn chấn động lớn cho nguyên giảng đường đó má. Mấy thầy giỏi thiệt! Còn thầy Trụ trì Thích Chân Tính có khuôn mặt cực kỳ phúc hậu, hiền lành mà thanh cao lạ thường. Thầy cũng là một dịch giả nổi tiếng đó nha má. Và, có sư đẹp người lắm mà lại hiền hậu, dịu dàng, đôi khi còn hát hay nữa! Còn về việc ăn uống, má khỏi lo. Con ngày nào cũng ăn thiệt no, no căng bụng luôn, vì thức ăn chay rất là ngon và bổ dưỡng chứ không phải như má nghĩ đâu, có hôm còn có cả sữa và chè nữa (con nghĩ chắc sau khoá tu con tăng lên được mấy ký). Nhưng khi ăn sao con thấy thương mấy thầy nấu nướng quá, phải chịu nóng bức, mệt nhọc, làm suốt ngày lẫn đêm, không nghỉ ngơi gì hết. Con thực sự ngưỡng mộ quý thầy, thần tượng quý thầy, quý cô, muốn đi tu như họ. Thôi, con đi lên giảng đường nha má. Khi nào có thời gian con sẽ kể tiếp cho má nghe. Đợi con nha!
...Ngày cuối cùng ở chùa Hoằng Pháp cung điện của tình thương, lâu đài của trí tuệ siêu phàm...
Sáng nay, thầy Viên Trí đã khép lại chuỗi pháp thoại theo các chủ đề, tình bạn, tình yêu, lý tưởng sống, gia đình và vấn nạn xã hội mà con đã được nghe mấy ngày vừa rồi! Má biết không? Mỗi bài giảng là một cơ hội lớn để con được tự do bộc lộ biết bao cảm xúc bấy lâu cất giữ trong lòng, để con được dỗ dành bằng dòng sữa mát tươi của nguồn tri thức và kinh nghiệm sống, làm hành trang hữu ích trên mỗi dấu chân đi qua, để con được khóc, được cười như một đứa trẻ chưa chịu lớn hoặc sợ quá sự lớn lên, sợ bể khổ. Nhờ những bài học, những giờ phút quý báu trên giảng đường mà con đã ngộ được rất nhiều điều mà chưa một ngôi trường nào có đủ tình thương, nhân ái để dạy cho con. Và chính nơi đây, con nhận ra mình đã sai, sai rất nhiều. Mười chín năm sống trên cõi trần gian này, con đã vì nhiều lý do mà gây tạo bao lỗi lầm. Con có lỗi với má. Ngày ngày, con để ngoài tai hết thảy những lời dạy bảo của má, hỗn hào cãi lại má. Suốt năm, suốt tháng con chỉ biết rên rỉ, than vãn về sự bất công của cuộc đời, về những cơn đau đớn thể xác, con chẳng hề biết rằng mỗi lần rên lên như thế là mỗi lần trái tim tưởng chừng băng giá từ lâu của má quặn thắt trong từng cơn nấc nghẹn ngào. Má đau hơn con đến vạn lần nhưng con nào có hay! Có lần con còn trách má sao lại sinh con ra làm một đứa con gái xấu xí, ích kỷ và đau khổ như vậy... Con có lỗi với ba. Không bao giờ con nghe hết câu nói của ba. Con khinh ba vì ba bảo thủ, học hành không ra được bác sĩ, kỹ sư như ba người ta. Con ghét ba vì ba không thương má. Bỏ mặc má sau khi má sanh con ra ở bệnh viện tỉnh xa nhà trong tình trạng thập tử nhất sinh, chỉ vì con không phải là con trai. Con chưa bao giờ tâm sự với ba, mát-xa cho ba, hỏi ba vài câu,... Con chưa khi nào sống vì người khác hết, chỉ toan tính cho chính bản thân mình... Con còn có lỗi với chính cuộc đời mình vì con đã tránh xa nẻo chính, bị ô nhiễm bởi lối sống dựa dẫm, không lý tưởng, không mục đích, sống theo xu hướng, thời thế, đám đông. Đời con đầy rẫy tội lỗi.
Giờ ngồi đây, trong không gian tĩnh lặng của giờ phút sắp chia tay, trong bóng tối heo hắt buồn, hai hàng nước mắt con chảy ra chan hoà cùng những ân hận xin sám hối. Cầu xin ba má tha thứ cho lỗi lầm bất hiếu của con. Ở đây, quý thầy nói rằng ai cũng từng phạm phải sai lầm, nhưng thầy bảo có thể nhận biết và sửa chữa được sai lầm, má ạ! Quý thầy đã gieo trồng hạt giống yêu thương trong con, vỗ về tâm hồn con. Bài kinh Vu Lan đã dắt con tìm ra con đường sám hối, làm lại cuộc đời, sống đời thanh cao.
Con đã hy vọng trở về với chính mình, tin vào nơi Tịnh độ Tây phương đang sẵn sàng chào đón con phía trước. Quý thầy cô và những cô chú công quả, bảo vệ, hộ pháp, các bác sĩ,... đã cưu mang, cứu vớt hạt giống hiền lương còn sót lại trong tâm hồn con để rồi nuôi dưỡng nó thành mầm sống mãnh liệt. Con thầm cảm ơn tất cả, vì lòng từ của họ đã lôi con ra khỏi khổ đau và cầm tay con dắt đến bến bờ thanh tịnh. Con xin cảm ơn... cảm ơn... cảm ơn... Con muốn ôm chầm lấy quý thầy, quý sư cô, mọi người trong chùa, ôm để cho thấy lòng biết ơn trời bể của con dành cho họ. Nhưng thật khó biết bao! Mai này khi con ra đời, tranh chấp, mưu cầu, sân hận, hờn ghen, bon chen sẽ cuốn lấy, không còn được duyên phước thù thắng đến chùa học đạo, gặp và tâm sự với quý thầy nữa. Vô thường là đó, có rồi mất đó! Thế nhưng, quý thầy, quý cô ơi! Con sẽ nhớ mãi bóng hình thầy cô trong tim, giữ gìn cẩn thận từng câu từng chữ thầy cô dạy bảo trong trí óc để luôn nhắc nhở mình làm thiện, xa lánh ác, để tự thức tỉnh mình quay về chánh đạo mỗi lúc sa ngã, lạc lối.
Nếu có điều gì để hy vọng vào lúc này, thì đó là lại được tham dự những khoá tu sau nữa. Muốn lắm! Thích lắm! Biết làm sao đây?
Đời vô thường...
Không biết có còn cơ hội để trở về đây lần nữa?
Không biết có còn phước báu để lại được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người?
Ôi! Thương nhớ... nhớ thương...
Quay về không biết quý thầy cô còn ở đó nữa hay không?
Má có thấu lòng con?
Thương yêu.
Nguyễn Minh Thủy Tiên