Cảm Nhận Khóa Tu Mùa Hè
Người cha thứ hai

Người ta thường nói rằng: “Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn”. Nhớ mới ngày nào còn phải xếp hàng để đăng ký vào khoá tu, mọi thứ đều mới mẻ với một sinh viên chưa bao giờ biết đến Khoá tu mùa hè, vậy mà giờ đây con lại sắp phải nói lời chia tay với mái chùa thân yêu này. Thời gian cứ nhanh chóng trôi qua không theo một sự sắp xếp nào cả. Nhanh thật đấy thầy ạ! Mới đây mà chúng con đã bước tới chặng đường cuối của khoá tu rồi, ngày đem lại cho chúng con những cảm xúc bồi hồi khó tả cũng đã đến!

Con là sinh viên của một trường thể thao, là một người ít nói và khó gần, làm cho những ai tiếp xúc đều cảm thấy lạnh lùng khó tả. Một người khô khan về văn chương, tối ngày chỉ lo banh với bóng. Người ta hay nói một cách ngắn gọn, súc tích là “Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” đấy! Thế nhưng không hiểu sao ngay lúc này, con lại cầm viết lên và tuôn ra những dòng suy nghĩ mà con cho là “kinh điển”. Chắc có lẽ những bài học của quý thầy đã đem đến cho con quá nhiều tình cảm. Đây là lần đầu tiên con được tiếp xúc, sinh hoạt và hoà mình vào đạo Phật trong khoảng thời gian dài như thế. Đây là nơi lần đầu tiên trong đời con được ngủ chung với nhiều người trong cùng một căn phòng đầy ắp những kỷ niệm vui buồn như thế.

Bảy ngày “tu tập” nơi đây đã giúp con học được nhiều bài học và trau dồi những kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhưng nếu có ai hỏi ngày nào đem lại nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất, con sẽ không ngần ngại hét lên thật to rằng “đó là ngày thứ tư”. Tại sao thứ tư là ngày đặc biệt như vậy? Bởi vì ngày đó đem lại cho con quá nhiều cảm xúc. Đầu tiên là buổi giảng của thầy Thích Tâm Nguyên với chủ đề “Những nụ cười ở lại”. Lúc đầu, thầy đem lại sự vui vẻ và tò mò cho các bạn khoá sinh bằng những câu chuyện trong cuộc sống, nhưng bất ngờ sau đó một lá thư được thầy đọc lên. Những dòng thư đầu tiên thầy đọc lên có vẻ bình thường như mọi lá thư khác, nhưng với những câu từ bình thường đó đã làm cho những dòng nước mắt của mọi người xung quanh phải tuôn rơi. Không chỉ có các bạn nữ mà ngay cả các bạn nam cũng không kìm nén được cảm xúc. Khi nhìn lại, quả không sai khi người ta nói con là một người lạnh lùng, có lẽ con “vô cảm” trước những dòng thư ấy. Bỗng nhiên, một tiếng nhạc cất lên (không biết là bài gì) lồng vào những dòng thư làm cho lòng người phải rung động. Có một chuyện lạ xảy ra thầy ạ! Từ đâu trong đôi mắt con tuôn ra những dòng lệ nóng. Trời ơi! Người như con mà cũng biết khóc ư? Con vẫn chưa thể nào tin được một người lạnh cảm, cứng rắn như con mà cũng phải “rơi lệ” trước những dòng cảm xúc của một người xa lạ, giữa đám đông cả nghìn người như thế này. Con đã cố gắng “gồng” lên để giữ được sự mạnh mẽ của một thằng con trai, nhưng con biết lúc này là rất khó đối với con. Bởi vì, những dòng thư ấy nói về đấng sinh thành, công lao nuôi dưỡng, dạy dỗ của cha mẹ. Thầy càng đọc thư thì càng xuất hiện nhiều thêm những giọt nước mắt trên má của các bạn khoá sinh và cả chính con nữa. Thật ra, con biết vì sao mình lại như vậy. Chính vì con là một người ít quan tâm đến cha mẹ, không khi nào con để ý đến công việc, sức khỏe, tâm tư, và tình cảm của họ. Ngoài giờ học, hầu hết con dành thời gian tập luyện mấy môn thể thao mà con yêu thích. Có bao giờ con để ý đến những suy nghĩ của mẹ, của cha. Con đâu biết rằng trên đôi mắt mẹ đã xuất hiện nhiều vết chân chim, vai mẹ hao gầy theo năm tháng; mái tóc cha đã thay màu bạc, bàn tay cha đã chai sạn vì gió bụi thời gian. Cha mẹ của con đã đi gần hết quãng đường đời của một con người mà con nào có biết. Thế rồi, câu chuyện trong lá thư đó cũng kết thúc, con mất một vài phút để trở về với bản chất “người băng” của chính mình. Buổi giảng cũng kết thúc, để lại trong lòng mọi người nhiều suy nghĩ. Tất cả các bạn trong giảng đường đều đứng lên để bày tỏ lòng thành kính với thầy. Thầy đã giúp cho mọi người nhận ra nhiều điều mà từ trước tới giờ có lẽ họ không để tâm đến. Trong khoá tu này, các bạn khoá sinh và chính con đã rút ra được rất nhiều bài học trong cuộc sống.

Buổi chiều cùng ngày được bắt đầu với một cơn mưa tầm tã, có lẽ ông trời cũng xúc động trước những hình ảnh của các bạn khoá sinh và chính con trong buổi giảng lúc sáng. Nhưng không phải là vậy đâu, cơn mưa là để thử thách tinh thần đoàn kết và yêu thương lẫn nhau giữa mọi người, chính cơn mưa ấy đã in sâu vào trái tim con những hình ảnh mà con không bao giờ quên được!

Trời mưa rất lớn, có một vị thầy mặc bộ quần áo ướt dầm dề lên thông báo rằng “các bạn tập trung di chuyển qua giảng đường chính”. Lúc đó con cũng chưa hiểu rõ tại sao thầy lại để quần áo ướt đến như vậy. Nhưng khi con di chuyển xuống tới phía hông chánh điện để lên giảng đường thì trước mắt hiện ra một hình ảnh bất ngờ đầy xúc động, nó khiến con lặng đi một lúc. Đó chính là hình ảnh của quý thầy dùng mọi cách để đưa các bạn khoá sinh di chuyển trong mưa để có thể lên giảng đường chính. Những người thầy trong bộ “quần áo nâu” ướt đẫm, kéo những tấm bạt, những cái ô che cho các bạn khoá sinh di chuyển để không bị ướt, còn chính quý thầy lại là người bị những giọt mưa ấy trút xuống không ngần ngại. Hình ảnh của người thầy chạy lên chạy xuống quan sát, miệng thì không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Nền gạch ướt đấy, đừng có chạy, kẻo trượt ngã!”. Con đang chăm chú vào từng hành động, cử chỉ của người thầy ấy, vì đó là hình ảnh rất đặc biệt, thì đâu có tiếng của một vị thầy khác từ ngoài cửa nói vào: “Này, ra đây!”, lúc đó lòng con vui không thể tả, vì trong khoá tu ai cũng muốn được lên giảng đường chính đầu tiên. Con lật đật chạy ra và đứng vào trong chiếc ô ấy, di chuyển một cách chậm rãi, bỗng có một giọng nói nhẹ nhàng bên tai: “Che cho các con, đầu không bị ướt, để không bị bệnh”. Trong lòng con vui biết bao khi đến được giảng đường chính an toàn và đặc biệt là không bị ướt, nhưng khi nhìn lại thì người thầy ấy đã ướt dầm dề nhưng mặt thầy vẫn toát lên được vẻ hạnh phúc vì đã làm được một việc thật ý nghĩa ấy. Lúc đó, con như chết lặng, cảm xúc chợt ùa về vì có lẽ đây là hình ảnh khó quên nhất trong cuộc đời. Con thầm cầu xin quý thầy hãy cho con gọi quý thầy bằng một tiếng “cha”. Quý thầy chính là những “người cha thứ hai” của mọi khoá sinh.

Tạm biệt nhé, tạm biệt những “người cha thứ hai” của chúng con. Con xin lỗi tất cả vì những lỗi lầm mà chúng con đã gây ra, đã có những lúc chúng con có những hành động và lời nói thiếu suy nghĩ, những lúc ngồi đọc kinh ngủ gật, những cái lưng cong khi ngồi tịnh toạ, những cặp mắt khép mở để “giám luật” quý thầy (như quý thầy đã nói). Những lời dạy từ quý thầy, những buổi pháp đàm đầy ý nghĩa, những bài hát tập thể cho đến những buổi cơm bị phạt quỳ vì mất trật tự sẽ là hành trang cho chúng con mang theo trên suốt quãng đường đời. Chúng con hứa sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ công của quý thầy. Những hình ảnh đan tay nhau ngồi hát, những giọt nước mắt của các bạn khoá sinh sẽ mãi trong tâm trí con thầy ạ! Hãy cho chúng con gọi một tiếng “cha”, những “người cha thứ hai” của chúng con!

Nam mô A-di-đà Phật.

Trần Huy Hoàng

Sách cùng thể loại
Bức Thư Gửi Phật
Bức Thư Gửi Phật
Nhiều tác giả
Sâu Thẳm Lòng Con
Sâu Thẳm Lòng Con
Nhiều tác giả
Con đường hạnh phúc
Con đường hạnh phúc
Nhiều tác giả
Lời Con Kể
Lời Con Kể
Nhiều tác giả
Lời Trái Tim Muốn Nói
Lời Trái Tim Muốn Nói
Nhiều tác giả
Hạt Từ Tâm
Hạt Từ Tâm
Nhiều tác giả