Hè Về
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.
Từ ngàn xưa, mái chùa đã là một nét đẹp văn hoá được rất nhiều người biết đến, tôn quý và lưu giữ cho đến ngày nay. Nếu đó đã là một giá trị văn hoá cao quý được người đời gìn giữ và lưu truyền thì văn hoá đó không gói gọn và dành riêng cho bất kỳ ai cả! Ai cũng có quyền tìm hiểu, tiếp xúc và chọn lựa tiếp thu nền văn hoá bất kỳ cho riêng mình và tất nhiên không ai có thể giới hạn được tuổi tác, giới tính, vùng miền... của người tiếp nhận. Với riêng con, cái suy nghĩ: Chùa chỉ là nơi dành riêng cho người già cả là một suy nghĩ hoàn toàn không đúng. Được có duyên lành biết đến, tiếp xúc và tham gia các buổi lễ ở chùa rất nhiều, nên con hiểu rằng, chùa không chỉ mang đến cho con người những kiến thức về văn hoá, giáo dục, khoa học và xã hội. Tất cả những giá trị đó không chỉ riêng dành cho người già mà cần hơn hết là những bạn trẻ, những thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước đáng nên được tiếp xúc và học hỏi từ thuở còn thơ.
Có câu nói rằng:
Ngày mới bắt đầu từ ban mai
Năm mới bắt đầu từ mùa xuân
Đời người bắt đầu từ niên thiếu.
Thời điểm xuất phát là một thời điểm rất quan trọng, biết chộp lấy thời gian đúng lúc để xuất phát trong một cuộc đua nước rút sẽ quyết định phần nào kết quả thắng thua ở cuộc thi chạy của bạn. Cuộc đời con người cũng vậy, muốn người đó trở thành một công dân tốt sau này thì ngay từ lúc còn nhỏ phải được dạy dỗ, chăm sóc và giáo dục kỹ càng. Bởi “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Bất kỳ một hành động nào dù nhỏ nhặt nhất cũng không nên xem thường. Vì bất kỳ một dao động nào sai lệch biên độ với một tần số lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo thành một chu kỳ mới rất khó thay đổi để có thể về lại một chu kỳ mới. Hành vi tạo nên thói quen con người cũng vậy, lâu dần sẽ tạo dựng nên tính cách và tính cách quyết định cuộc đời, số phận của mỗi con người. Đủ thấy những sự vật hiện tượng dù là nhỏ nhoi cũng có thể mang trong mình một sức mạnh to lớn nhiều khi có thể quyết định được cả một số phận con người. Như đức Phật đã từng nói: Không nên xem thường những điều nhỏ nhặt sau đây, đó là: một đốm lửa nhỏ, một con rắn con, một vương tử bé và một chú tiểu trẻ. Bởi một đốm lửa nhỏ có thể bùng lên thành ngọn lửa lớn thiêu đốt cả một cánh rừng rộng; một con rắn con tuy không làm hại ai lúc đó nhưng khi trưởng thành con rắn có thể làm hại bất cứ người nào; một vương tử tuy còn bé nhưng sau này có thể trở thành một vị vua lỗi lạc; một chú tiểu trẻ sau này có thể trở thành một vị Phật độ tận chúng sinh. Cho nên bất cứ việc gì cũng không nên xem thường, những người còn trẻ nếu không được uốn nắn và giáo dục lúc đầu thì có thể trở thành người xấu và tố chất đó sẽ làm hại cho bản thân, gia đình, xã hội mà họ đang sống, cũng như đốm lửa nhỏ giữa rừng, nếu không dập tắt sớm thì sẽ có nguy cơ gây cháy rừng là điều sớm muộn. Biết được như vậy thì ngay bây giờ chúng ta phải hướng đến một môi trường giáo dục tốt, toàn diện, đáng tin tưởng cho tuổi trẻ được phát triển đầy đủ hơn cả đức và tài. Xã hội ngày nay có vô số vấn đề nan giải, đâu đâu cũng thấy cạm bẫy và những việc làm sai trái mà thế hệ trẻ ngày nay rất dễ lạc đường vào. Ngoài việc được học và giáo dục trên ghế nhà trường, tuổi trẻ bây giờ hầu như chưa có một sân chơi lành mạnh nào toàn diện, hợp với đạo đức, văn hoá và thiết thực với khoa học ngày nay như ở chùa, các bạn nghĩ sao về điều này? Con thì cho rằng điều này thật đúng!
Có người cho rằng, đã nói đến chùa, nói đến tôn giáo là nói đến một vấn đề tâm linh, siêu hình, mê tín và không nên hoàn toàn tin tưởng vào những điều như thế. Bởi hầu hết các tôn giáo đều siêu hình, quan trọng hoá thần linh, hạ thấp con người và cho giới trẻ tin vào tôn giáo một cách quá sớm như vậy thì đó là một sai lầm. Con nghĩ, đó là một cái nhìn phiến diện và chưa hiểu rõ một cách sâu sắc mọi sự vật hiện tượng bên trong của vấn đề. Trên thế giới có rất nhiều tôn giáo khác nhau: Thiên chúa giáo, Hồi giáo, đạo Hinđu... và mỗi con người ở mỗi đất nước có quyền lựa chọn cho mình một tôn giáo riêng, hầu hết các tôn giáo đều hướng con người đến một giá trị sống tốt hơn, nhưng bên cạnh đó cũng còn rất nhiều khía cạnh xấu làm hạn chế và ảnh hưởng đến lợi ích và tinh thần con người do tôn giáo ấy mang lại. Chính vì sự hạn chế con người, sự mất logic và thiếu thực tế của tôn giáo tín ngưỡng ngày nay đã làm cho mọi người mất hết niềm tin vào tôn giáo, tín ngưỡng. Nhưng đạo Phật thì sao?
Trước hết, con muốn cho các bạn thấy rằng Đạo Phật không phải là một tôn giáo. Không giống như những đạo khác tôn sùng đấng siêu nhiên, đấng thần linh có quyền ban phước giáng hoạ cho con người mà đạo Phật là một đạo tôn kính những con người có thật với những lời dạy hợp lý, logic và đúng với khoa học kỹ thuật ngày nay. Đức Phật là một nhân vật có thật trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ cách đây hơn 2500 năm về trước, đó là một điều chắc chắn đã được lưu vào bút sách. Khi nghe tới điều này chắc trong số chúng ta sẽ có người nghi vấn và chưa tin tưởng, nhưng hãy thử đi sâu vào tìm hiểu các bạn sẽ thấy rõ được bản chất của vấn đề. Người thật việc thật gắn liền với những giáo lý, những nhận định sâu sắc mà bây giờ chúng ta, càng đi sâu vào tìm hiểu thì càng thấy đúng và phù hợp với những gì khoa học nghiên cứu cũng như nhận định lúc này. Theo thời gian chân lý ấy ngày càng bền vững, càng được ứng dụng vào nghiên cứu chứ không phải ngày càng bị lu mờ như những giả thuyết và lý luận chưa có căn cứ trong các tôn giáo khác. Một điều ví dụ đơn giản trong vô số những điều đúng đắn mà đức Phật ngày trước đã quán chiếu được và nói cho mọi người nghe, đó là: trong bát nước đức Phật cầm trên tay có hơn tám vạn bốn ngàn con vi trùng. Thời đó bằng mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy nhưng sự tiến bộ của khoa học ngày nay đã chứng minh, đúng là trong nước và trong mọi vật xung quanh chúng ta đều có vi trùng, vi khuẩn. Như vậy, cũng đủ thấy rằng đức Phật là một đấng giác ngộ siêu phàm, với trí tuệ và từ bi hơn người, Phật hoàn toàn là một con người bằng xương bằng thịt bình thường như biết bao người bình thường khác chứ không phải là một nhân vật thần linh, tưởng tượng. Khi đến chùa và tiếp thu nền văn hoá Phật giáo mà không được cho là mê tín, dị đoan. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cảnh giác trước ngoại đạo tà giáo đang mang danh nghĩa đạo Phật làm con người bị lạc hướng, hiểu lầm trong việc xác định.
Thái Lan là một đất nước có nền văn hoá, kinh tế và khoa học phát triển, đủ thấy đây là một đất nước văn minh. Và đất nước này chọn đạo Phật là Quốc Giáo. Cũng có nhiều quốc gia đã đưa ra quy định rằng tất cả những thanh niên trong độ tuổi nhất định nào đó phải thực hiện việc xuất gia, xa nhà và vào chùa tu trong vòng ba tháng, sau đó mới được quay về nhà. Đó cũng là một duyên lành cho những ai muốn chọn cho họ con đường xuất gia hẳn, bởi trong ba tháng đó, các bạn trẻ ít nhiều được học hỏi, được tiếp xúc với văn hoá tốt đẹp, đúng đắn của đạo Phật, và nếu muốn, họ sẽ chọn lựa cho mình con đường xuất gia lâu dài sau này.
Các quốc gia khác là như vậy, còn quốc gia mình thì sao? Giới trẻ của họ biết hướng đến Phật pháp như vậy từ rất sớm vậy thì cớ sao chúng ta lại hình thành cái suy nghĩ giới trẻ chúng ta không nên đến chùa là tại sao? Sao chúng ta lại vô tình tạo nên một suy nghĩ không đúng mà chính suy nghĩ ấy có thể là nguy cơ làm cho giới trẻ và con cháu chúng ta mất đi cơ hội được tiếp xúc với một môi trường học tập và phát triển đạo đức tuyệt vời như vậy. Nếu như chúng ta đã biết được đạo Phật là một đạo thiết thực, hợp lý và khoa học như thế thì hãy để cho tuổi trẻ, thanh niên và con của mình được đi chùa từ sớm.
Môi trường chùa chiền không phải chỉ là môi trường khô khan và bó buộc với những câu kinh và chuông mõ. Mái chùa ngày hôm nay đã và đang thực sự thu hút giới trẻ đến với những giá trị đạo đức, văn hoá và thư giãn với nội dung phong phú và lành mạnh. Những giá trị này nên được trau dồi từ lúc nhỏ chứ không phải là đợi đến già, bệnh hoặc gần chết mới đi tìm bờ bến nương tựa cho đạo đức cũng như cho cuộc sống tâm linh của mình. Tuổi trẻ của chúng ta đừng nên hoang phí, đừng đợi đến khi già rồi chúng ta mới giác ngộ được những giá trị văn hoá cao đẹp thì đến lúc đó cũng đã muộn màng để giúp ích cho cuộc đời.
Con cho rằng ý kiến chùa là nơi chỉ dành riêng cho người già, người chán đời, người sắp chết là một ý kiến không đúng, cổng chùa luôn luôn mở rộng để chờ đón tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Các bạn trẻ đến chùa không phải chỉ để tìm những giá trị tâm linh như những người già... mà đến chùa còn là để tiếp nhận, học hỏi những chân lý cao cả của một đạo đức cho là phù hợp với khoa học nhất trong tất cả các đạo giáo trên thế giới, đạo của từ bi và trí tuệ: Đạo Phật.
Nguyễn Thị Thuỳ Dung