Hè Về
Nhắc đến chùa chắc hẳn ai ai trong chúng ta cũng đều liên tưởng ngay đó là một không gian thanh tịnh, yên bình, là nơi sinh hoạt Phật pháp của các Phật tử, là nơi mỗi người tìm đến để sám hối những lỗi lầm đã mắc phải, là nơi cầu nguyện cho thế giới bình an, nhà nhà hạnh phúc. Có ý kiến cho rằng: “Chùa chỉ là nơi dành cho người già, những người sắp rời xa cõi vô thường này tìm tới”. Theo con đó là một ý kiến phiến diện, một cách nhìn không chính xác và thiếu đầy đủ về vấn đề này.
Vì đâu mà hình thành nên ý kiến trên? Họ chỉ suy nghĩ đơn giản chùa là chốn để cho người già tìm đến để ăn chay niệm Phật, nhìn lại cuốn phim cuộc đời mà họ đã đóng để chờ cái kết của bộ phim là về với tổ tiên, mong muốn sau khi giã từ cõi trần, linh hồn họ được siêu thoát tìm được về nơi Cực Lạc thông qua việc tụng kinh hàng ngày. Một suy nghĩ không sai, nhưng ở chùa không chỉ có vậy, ở chùa còn nhiều điều khác dành cho tất cả mọi người chứ không riêng gì người già. Bản thân con một người trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước, đang sống và học tập ở một trường đại học trên thành phố mang tên Bác với bộn bề lo loan từ bát cơm, gói mì, từ quần áo tư trang đến sách vở, bài tập trên lớp, từ những kỳ thi vắt dần sức khỏe, trí óc của bản thân nhưng sâu trong tâm khảm con luôn hướng về Phật. Con nghĩ rằng tất cả chúng ta dù ở lứa tuổi nào, làm công việc gì, hoàn cảnh ra sao thì cổng chùa vẫn mở rộng chào đón chúng ta. Là một sinh viên mới chỉ tạm xa vòng tay cha mẹ được vài năm, mới đi được vài bước vào đời biết bao cám dỗ, chông gai đang đợi trước mắt, con chọn cách bước qua thử thách để tiến đến thành công chứ không chọn cách né tránh rào cản cuộc đời. Xác định cho bản thân được mục tiêu cuộc sống, hàng ngày hàng giờ con vẫn đang góp nhặt từng bài học bỏ vào hành trang cuộc đời. Ở trường học thầy cô dạy cho ta kiến thức khoa học, cho ta kỹ năng nghề nghiệp để hình thành cho mỗi người một cái nghề sinh sống; những ngày tháng học phổ thông hay cả trên giảng đường đại học ta đã liên tục tích lũy, phấn đấu để bước ra đời với một cách chững chạc nhất. Cũng có một nơi dạy ta nhiều hơn thế, giúp ta lớn nhanh, giúp ta khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn đó là trường đời, cùng nơi này dạy cho ta những thói hư, tật xấu. Hàng ngày, để sống con người ta không ngừng lao động, luôn có trong mình cái gọi là tham vọng, chính tham vọng đã vô tình đưa ta từ tội lỗi này, đến tội lỗi khác. Tội lỗi ở đây không hẳn là phạm pháp, chỉ đơn giản là đi ngược lại với đạo lý làm người. Những đứa con mải mê công việc mà quên đi cha mẹ ở nhà, mãi lo tình yêu trai gái, tình nghĩa vợ chồng mà quên đi ơn dưỡng dục. Những toan tính trong đời khiến cho sự lạnh nhạt, thờ ơ của con người nhân lên gấp bội. Đi đường gặp người không may bị nạn phần đông chỉ nhìn rồi vội vã quay đi, đi lo cho danh vọng, tiền tài, lo cho bản thân họ. Giữa phố thị xa hoa khó tìm thấy tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Sinh hoạt hàng ngày của người lớn làm ảnh hưởng đến lối sống, cách cư xử và tính nết của trẻ em. Đó mới là điều đáng lo ngại. Trẻ thơ như trang giấy trắng mà người lớn tha hồ viết lên đó. Cuộc sống cứ thế vội vã qua đi rồi đến một ngày khi không còn sức để chạy nữa, con người ta bước chậm dần, ngồi nghĩ lại “được gì mất gì?” Tất cả là vô thường mà thôi. Ai ai trong chúng ta cũng nên tìm cho mình những khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn cuộc đời một cách chậm hơn - chùa là nơi như thế. Vào chùa nghe pháp, tụng kinh đủ mọi lứa tuổi, thành phần, không phân biệt là ai, ở đây người trẻ rất nhiều đó là hướng đi đúng đắn mà mỗi người đã lựa chọn. Bản thân con khi bước chân vào chùa Hoằng Pháp với lòng thành kính của một Phật tử và sự háo hức của một người trẻ - “người đặc biệt” đang cảm nhận được sự trưởng thành, sự thay đổi của bản thân thông qua sự thay đổi trong sinh hoạt ở chùa. Quý thầy dạy con từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, oai nghi lúc ăn cơm, lúc tụng kinh, lúc niệm Phật. Thông qua điều đó, con thấy cuộc sống chậm lại, chậm đến cái ngưỡng mà mỗi con người ở đây ai ai cũng có thể suy nghĩ thấu đáo trước khi làm, chẳng còn thấy xuất hiện lời thị phi, đấu đá, ganh ghét nhau như ngoài đời thay vào đó là sự hoà đồng, kính trọng, tôn nghiêm, mọi việc đều diễn ra trong chuẩn mực.
Hằng đêm tụng kinh “Vu Lan Báo Hiếu” con mới thấy được công ơn cha mẹ lớn nhường nào, không cầm được nước mắt khi nghĩ về người cha đã khuất, người mẹ đã già nơi miền Trung dông bão, nghĩ những lần mẹ đánh đòn vì không nghe lời dạy, nghĩ những phút ngỗ ngược cãi lại cha, rồi những khi con ốm đau bệnh tật cha mẹ chạy vạy thuốc thang tim con đau nhói. Chưa một lần nói “Con yêu cha nhiều”, chưa dám nói “Thương mẹ lắm mẹ ơi”, là con trai con ngại lắm, ngại phải nói ra; nhưng giờ vào chùa con mới hiểu được cơ hội chẳng có nhiều, một mai kia mẹ xa rời con thì con muốn nói cũng không kịp nữa rồi! Thứ hai tuần tới khi con bước chân rời khỏi nơi đây con sẽ đón chuyến xe sớm nhất để về với mẹ, ôm mẹ, hôn mẹ, phụ việc nhà như cái cách mẹ đã yêu thương con, về với mẹ để con nói rằng “Nhờ đức Phật con trai của mẹ đã lớn thật rồi”.
Tam Tự kinh có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Khi con người ta sinh ra bản chất lương thiện nhưng trường đời phá dần nhân cách qua cuộc sống thường ngày. Con tìm đến chùa cũng giống bao bạn trẻ khác là để tĩnh tâm tìm lại con người mình thật sự, hướng thiện, hợp đạo lý làm người. Ở đây quý thầy còn rất trẻ rất nhiệt huyết và tận tình chỉ bảo cho chúng con. Trước khi vào chùa con cứ nghĩ các sư thầy, sư cô ăn chay niệm Phật ở trong chùa chắc cũng không phải là nơi để mình tâm sự chuyện đời đâu. Nhưng con đã nhầm, các quý thầy rất giỏi, rất am tường mọi việc, con không biết được rằng kinh Phật đều có tất cả các việc mà người đời làm, thầy lấy kinh ra giải thích thế mới biết được Phật pháp vô biên nhường nào. Con đã tìm ra lý tưởng sống, chân lý cuộc đời. Ở đây dạy ta chữ “ngộ”, ngộ ra nhiều điều mà trước giờ ta cho rằng chẳng có gì đáng bận tâm. Khi tự mình tìm ra con đường riêng của mình thì những bước đi sẽ vững vàng hơn, tự mình khám phá ra lẽ sống thì sẽ khắc cốt ghi tâm không bao giờ thay đổi vì cái đó thuộc về mình.
Thế đó, đến chùa con người ta học được nhiều lắm, học được từ bi, yêu thương muôn loài, học cách sống chan hoà thân thiện, tránh xa tội lỗi, tâm trí sáng dần. Những người trẻ đang thiếu, thiếu điều này nên các bạn hãy đến chùa để tu học để thay đổi, để sống an vui bỏ qua danh lợi, sống có trách nhiệm hơn với bản thân gia đình và xã hội. Thay vì cầu mong xin xỏ bề trên giúp đỡ cho đường đời bằng phẳng, bạn hãy khởi dậy tâm thiện vốn có và tu tập, rèn luyện để vững bước trước sóng gió cuộc đời.
Khi ta nhắc đến cửa chùa,
Là nơi thanh tịnh lại vừa oai nghi
Đức Phật mở cửa từ bi
Cầu cho cuộc sống bớt đi muộn phiền
Ai ai đến với đất thiền
Cũng đều có được phúc duyên tràn đầy
Ở đây có cỏ cùng cây
Có cây đại thụ, có cây ươm mầm
Miễn là xuất phát từ tâm
Chùa đều rộng mở chẳng trừ một ai
Cho dù là gái hay trai
Dù bé dù lớn dù tài dù không
Từ những con bé nhi đồng
Cho đến anh chị, đến ông đến bà
Không chỉ chốn của người già
Mà là tất cả chúng ta nên vào
Ở đây thầy dạy cúi chào
Dạy đi dạy đứng thế nào cho nên
Giúp cho ý chí vững bền
Khiến cho tâm thiện càng thêm rạng ngời
Cho ta hành lý vào đời
Cho ta có được tiếng cười thảnh thơi
Chưa kể vào lúc vui chơi
Kết thêm bè bạn tuyệt vời làm sao
Ở đây thấy thật thanh cao
Mỗi khi tất cả ngồi vào tụng kinh
Vu Lan báo hiếu ân tình
Công cha nghĩa mẹ cho mình biết ơn
Ở đây chẳng tính thiệt hơn
Tu sao cho được sạch thơm con người
Bạn ơi đã sống ở đời
Hãy về cửa Phật rạng ngời tuổi xuân.
Đăng Quý