
Hạt Từ Tâm
Khi nhận một món quà có giá trị lớn, hoặc khi được có một chức phận hơn người, ta cảm thấy thỏa mãn và ngộ nhận đó là hạnh phúc. Chúng ta thường vui vẻ với những thứ vật chất hiện hữu ngay trước mắt. Nhưng cũng có những thứ hạnh phúc mặc dù không hiện hữu nhưng vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta, và cũng vì sự xuất hiện nhỏ nhoi ấy mà đôi khi chúng ta quên mất sự tồn tại quan trọng của nó. Đó chính là hạnh phúc đến từ sự quan tâm, lo lắng, từ tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô và nhất là cha mẹ. Vậy mà đến bây giờ, tôi - một sinh viên Sư phạm năm 2 mới nhận ra được sự thiêng liêng cao quý hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này cái hạnh phúc vô hình đó, cái mà tôi cho rằng một đứa nghèo như tôi sẽ không bao giờ có được.
Tôi sinh ra ở vùng đất nghèo khó Thừa Thiên Huế. Vì chữa bệnh cho đứa em gái và cũng để kiếm tiền trang trải, chi trả cho căn bệnh ung thư bẩm sinh của em tôi, cả gia đình tôi chuyển vào miền Nam sinh sống. Căn bệnh nghiệt ngã ấy không những lấy hết mọi sức lực cuối cùng của em tôi mà nó còn lấy đi cả nét xuân tươi trẻ và trí lực của ba mẹ. Suốt ngày phải lo lắng săn sóc cho em trong bệnh viện, ba mẹ hầu như không còn thời gian và cũng quá mệt mỏi để quan tâm đến tôi - một đứa bé 6 tuổi đang tuổi ăn, tuổi lớn. Và trong tôi đang dần hình thành ý nghĩ ba mẹ xem tôi là của nợ.
Ngày mà em tôi không chịu nổi sự đau đớn, giày vò thể xác của những liều thuốc xạ trị... em mất cũng là ngày mà gia đình tôi hụt hẫng tột độ. Ba mẹ không ai nói một lời nào, chỉ âm thầm, lặng lẽ. Ba thì lao vào hút thuốc, uống rượu. Còn mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ lắm nên cách chịu đựng đau khổ của mẹ là lao động, và đó cũng là điều nên làm nhất lúc này - khoảng thời gian nhà tôi nghèo khó nhất. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Sức chịu đựng của con người cũng vậy, thân thể mẹ tôi ngày càng gầy gò, ốm yếu. Mạnh mẽ là vậy, cứng rắn là vậy nhưng cũng yếu đuối lắm, chỉ là cách giấu nỗi đau khác nhau thôi. Mấy đêm tôi thấy mẹ lấy cái núm bình sữa của em tôi nhìn ngắm thật lâu, rồi mẹ khóc. Mẹ khóc không thành tiếng, mẹ cố gắng nuốt nỗi đau vào lòng. Chưa bao giờ mẹ nói hay than thở với tôi về điều đó, về nỗi đau mà mẹ phải chịu đựng. Tôi biết mẹ thương em tôi lắm, nhưng trong suy nghĩ của tôi lúc đó chỉ là sự ghen tỵ, bất mãn với tình yêu thương mẹ dành cho em. Cái suy nghĩ ngu ngốc rằng mẹ luôn coi tôi là của nợ ấy càng lớn dần và càng ngày tôi càng tin vào nó hơn, tôi tự thấy mình đang suy nghĩ đúng.
Tiếp sau ngày em tôi mất là chuỗi ngày ba mẹ tôi cãi nhau rất nhiều, từ những việc nhỏ nhặt nhất cũng khiến ba mẹ to tiếng với nhau, và có những lúc ba mẹ đánh nhau, ném đồ đạc lung tung. Kết thúc những trận đánh nhau đó là một đứa trẻ vừa nước mắt đầm đìa vừa nhặt những mảnh vỡ của ly chén. Đứa trẻ đó còn phải đối diện với sự giễu cợt, chê cười của hàng xóm, của bạn bè vì có ba mẹ không hòa thuận, có gia đình không hạnh phúc. Ban ngày, đi ra đường, đứa trẻ ấy không dám ngẩng mặt lên nhìn mọi người. Đến lớp, đứa trẻ ấy không biết ghi vào mục nghề nghiệp của cha, của mẹ trong sổ liên lạc như thế nào, vì ba mẹ nó làm gì có nghề nghiệp ổn định, cho dù có nghề thì đó cũng là những nghề thấp kém của xã hội. Và cũng vì những lý do đó mà trong tâm trí tôi luôn luẩn quẩn ý nghĩ muốn thoát khỏi cái gia đình này, nơi đau khổ này và oán trách số phận đã cho tôi sinh ra trong hoàn cảnh ấy và có những người thân như vậy. Suy nghĩ đó càng vững chắc và luôn tỷ lệ với những đổ vỡ ngày càng nhiều của ba mẹ. Tôi tự nhủ với bản thân hãy cố gắng chịu đựng, nếu muốn thoát khỏi cái gia đình này, phải học thật giỏi, phải đỗ đại học để đi xa, để tự mình tìm kiếm hạnh phúc của riêng tôi.
Năm tháng trôi qua nhanh, suy nghĩ đó nuôi tôi sống, và việc học ở trường cũng phần nào làm tôi nguôi ngoai đi suy nghĩ bất hiếu đó. Tôi nhận ra mình chẳng biết suy nghĩ gì ngoài việc chịu đựng và buồn phiền. Những năm tôi học cấp hai, gia đình tôi làm ăn khá giả, nỗi buồn phiền ngày mất của em tôi cũng đã nguôi ngoai phần nào, nên ba mẹ tôi ít cãi nhau hơn, quan tâm tôi nhiều hơn và tôi cũng dần “khai trừ” suy nghĩ ngu ngốc lúc bé, nhưng tôi biết nó vẫn tồn tại và trỗi dậy mỗi khi tôi bị ba mẹ rầy la. Tôi tự bào chữa cho những việc mình làm là do ba mẹ: “Ba mẹ sinh tôi ra, không lo cho tôi thì tôi hỗn hào cãi lời cha mẹ, tôi không biết nghe lời cũng đúng thôi, ba mẹ không hiểu gì tôi nên cũng đừng dạy tôi phải làm gì!”. Khi viết ra những lời này là lúc tôi đang tự giày vò bản thân mình bởi tôi thật sự là một người con bất hiếu .
Lần đầu tiên đến với Khóa Tu Mùa Hè là vì sự tò mò qua các đĩa VCD của bạn bè và tôi không hề nghĩ mình sẽ thay đổi gì. Tôi đi là vì ham vui, vì tò mò, vì để có một lý do được đi chơi, tìm kiếm sự vui vẻ bên ngoài. Thế nhưng, khi vào tu chính thức ngày 14/7, tôi học được cách trân trọng hạt cơm hạt gạo và sự nặng nhọc của cha mẹ để cho chúng tôi no bụng như thế nào. Lần đầu tiên đọc kinh Vu Lan, tôi đã bật khóc nức nở khi nhận ra bóng dáng mình trong những tội nhân bất hiếu, nhận ra công ơn dưỡng dục, sinh thành của ba mẹ tôi cao vời nhường nào. Vậy mà có lúc tôi bất hiếu quên đi công ơn ấy, quên đi sự tồn tại của cái hạnh phúc còn cha còn mẹ trên đời, và thay vào đó là cứ nhớ hoài những lời rầy la, những đòn roi của mẹ khi tôi làm việc gì sai mà tôi cho là đúng.
Con nào biết mẹ đánh con một thì mẹ đau ngàn lần hơn thế. Nhà dột, mẹ nằm chịu lạnh ướt dưới nền nhà để dành cho con chỗ khô ráo. Con hỏi thì mẹ nói “Mẹ quen nằm đất hơn.”. Bữa ăn, mẹ gắp cho con miếng thịt ngon, dịu dàng bảo con ăn cho khỏe mà học, mà chơi. Con hỏi thì mẹ nói “Mẹ đau răng, chan nước ăn là được rồi!”. Dĩa trái cây, mỗi khi ăn xoài mẹ giành phần hột, chừa cho con hai má xoài ngon ngọt. Con hỏi, mẹ nói “Mẹ thích ăn hột hơn”.
Cứ như thế, con vô tâm sống trong sự yêu thương của mẹ mà không hề hay biết. Nghe mẹ trả lời, con chỉ à vậy thôi chứ không hề suy nghĩ gì nữa. Con còn nghĩ mẹ có những sở thích kỳ lạ: Thích ăn hột xoài, thích nằm đất, quên mua sắm áo quần cho mẹ,... để rồi sững sờ nhận ra bản thân thật là vô tâm. Mẹ thích ăn hột xoài vì để con phần má, mẹ nằm đất để con nằm chăn ấm nệm êm, mẹ quên mua sắm quần áo cho bản thân để dành tiền đó cho con thêm miếng bánh, cây kem,... cho bằng bạn bằng bè. Mẹ từng nói: “Ba mẹ sẽ về quê trồng rau sinh sống qua ngày khi con và chị hai học xong đại học, có việc làm ổn định, ba mẹ không còn gì hối tiếc cả”. Ba mẹ ơi! Con đã biết lỗi của con rồi! Con xin ba mẹ hãy tha thứ cho con. Những giọt nước mắt này vẫn chưa muộn phải không ba mẹ? Con đã tìm ra đường đi của mình, con đã có đủ dũng khí và năng lượng để gõ cánh cửa yêu thương đang dần hé mở trong lòng con. Con yêu ba mẹ rất nhiều!
Con cám ơn quý thầy, cô chú công quả đã cho con có cơ hội được nói ra suy nghĩ tận đáy lòng mình.
Lê Thị Trung Thu - Vũng Tàu