

Đừng để tâm nhỏ hẹp
[9] Để hiện hữu trên cuộc đời này, trước hết chúng ta phải có thức tái sinh (từ hành sinh ra thức), và cần tinh cha, huyết mẹ. Ba yếu tố này hợp lại mới tạo ra thân tâm của con người, gọi là danh và sắc. Danh là phần tinh thần, sắc là phần vật chất. Danh sắc sinh ra lục nhập (sáu căn) gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sau khi có sáu căn, chúng ta ra khỏi bụng mẹ, mở mắt chào đời. Lúc sáu căn tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì sáu thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, ý thức) sinh khởi. Từ xúc sinh ra thọ, tức lãnh thọ những cảm xúc vui, buồn, hoặc không vui không buồn. Từ thọ sinh ra ái, tức ưa thích, yêu mến. Hệ quả của ái là thủ, thủ là nắm giữ, vì ưa thích, yêu mến nên muốn nắm giữ về mình, vơ vét cho mình. Sau thủ là hữu, vì nắm giữ nên chúng ta phải tạo nghiệp để duy trì sự nắm giữ, duy trì quyền sở hữu của mình. Khi tạo nghiệp rồi, chúng ta phải trả quả, tức là phải sinh ra ở đời sau. Đã có sinh, ắt lại có lão tử, tức già và chết.Tóm lại, trong kinh Tăng Chi Bộ, phần “Cho Là Khinh”, đức Phật đã nêu ra năm hạng người: sau khi cho thì sinh lòng khinh rẻ, sau khi cùng sống thì sinh lòng khinh rẻ, người “miệng nuốt tất cả”, người không vững chắc và người ám độn, ngu si. Năm hạng người nêu trên, do còn nhiều ngã mạn, tham, sân, si,… nên còn gây tạo nhiều nghiệp bất thiện, và sẽ tự chuốc lấy quả báo khổ đau ở cả hiện tại và tương lai.
Trông người mà ngẫm đến mình, người học Phật chúng ta nên lấy đó làm tấm gương để cảnh tỉnh bản thân, tránh xa các ác pháp, đừng để bị rơi vào một trong năm hạng người này.
Bài kinh này có thể ứng dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Tất cả lời dạy của đức Phật đều nhằm mục đích giúp chúng ta hóa giải những nỗi khổ niềm đau, chuyển mê khai ngộ, làm lành lánh dữ. Chính vì vậy, chúng ta hãy cố gắng phấn đấu trong tu tập; tinh tấn học hỏi và thực hành những hạnh lành; luôn hoan hỷ, bao dung, thương yêu và giúp đỡ mọi người, mọi loài, để có được an lạc trong hiện tại và đạt đến giác ngộ, giải thoát trong tương lai.
(Quyển sách này được biên tập từ pháp thoại “Đừng để tâm nhỏ hẹp”, giảng vào ngày 02 tháng 10 năm 2011, trong “Khóa tu niệm Phật một ngày” tại chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh).