
Đừng để tâm nhỏ hẹp
Thế nào là người không vững chắc? Đức Phật dạy người không vững chắc là người có niềm tin thiếu suy nghĩ, không lâu bền và nhỏ hẹp.
Thứ nhất, người có niềm tin thiếu suy nghĩ dễ dàng tin vào những điều bất hợp lý, không thực tế. Thí dụ, việc chúng ta đốt vàng mã cho người chết là một hành động thể hiện niềm tin thiếu suy nghĩ. Quần áo giấy do người sống tạo ra mà lại đem đốt cho người chết và mong rằng họ dùng được! Có người nói một cách mỉa mai rằng, giả sử người chết có nhận được thật thì cái áo có tí xíu làm sao người chết mặc vừa, cái nhà cũng nhỏ quá làm sao người chết chui vào được? Niềm tin như vậy không thực tế. Tiêu phí tiền vào mớ giấy này chỉ làm giàu cho người sản xuất vàng mã mà thôi.
Rất nhiều người tin vào thuyết sáng thế, cho rằng tất cả mọi loài, mọi vật trên đời đều do Thượng đế sáng tạo ra. Nếu thế, ai là người tạo ra Thượng đế? Có người trả lời rằng Thượng đế tự tạo ra mình. Vậy thì con người cũng hoàn toàn có khả năng tự tạo nên chính mình. Tại sao phải tin là Thượng đế tạo ra mình để rồi mình không có quyền quyết định cuộc đời? Thuyết “Thượng đế tạo ra tất cả” này còn rất nhiều điểm vô lý nữa mà quý vị có thể tự tìm hiểu được. Vậy mà vẫn có rất nhiều người tin theo thuyết này. Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả do nhân duyên hợp lại mà thành, không có một đấng sáng tạo nào cả. Chính vì vậy, cuộc đời mỗi người hạnh phúc hay khổ đau hoàn toàn là do những hành động của chính họ quyết định.
Thứ hai, nhiều người chỉ giữ được niềm tin trong một thời gian ngắn, không lâu sau lại không còn tin nữa, hôm nay thế này, ngày mai thế khác, đó là người có niềm tin không lâu bền. Lý do của việc này cũng bởi niềm tin đó không được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết đúng đắn. Chẳng hạn, một người muốn giàu có, thay vì cố gắng trau dồi bản thân và làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, thì lại hay đi đến các đền chùa để cầu xin có nhiều tiền của. Trên thực tế, rất nhiều người đi tới chỗ này, chỗ kia để cầu tài xin lộc mà có người được, có người không được. Người được nói chỗ đó linh, người không được nói chỗ đó không linh. Người nào thấy không linh thì sẽ mất niềm tin, rồi lại tìm nơi khác để cầu khấn. Niềm tin như thế không thể vững bền.
Chính vì không tin vào nhân quả mà tin vào thần thánh, vào sự ban ơn của một thế lực vô hình cho nên niềm tin mới bấp bênh. Thật sự không có ông thần, bà thánh nào có thể ban ơn cho mình, giúp mình trở nên giàu có được. Mấy ai biết rằng, việc linh hay không là tùy thuộc vào việc chúng ta có phước hay không.
Chúng ta là chủ nhân của nghiệp mình đã tạo, chính chúng ta sẽ nhận lãnh quả báo cho tất cả ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình trong đời sống hằng ngày. Cho nên, được là do mình, không được cũng là do mình, nhân nào quả nấy, mình làm mình hưởng, mình gây mình chịu.
Đời nay nghèo đói là do kiếp trước tham lam, keo kiệt, bủn xỉn, không mở rộng lòng từ cứu vớt những người cơ nhỡ, khó khăn, cũng không cung kính cúng dường Tam bảo, cha mẹ, thầy tổ, nên không tích lũy được nhiều phước thiện. Vì vậy, muốn chuyển khổ thành vui, chuyển nghèo thành giàu, chúng ta phải từng bước từ bỏ hạt giống tham lam, gắng thực hành hạnh bố thí và làm từ thiện.
Trong suốt mấy chục năm dài hoằng pháp lợi sinh, đức Phật đã hướng dẫn chúng ta rất nhiều phương pháp tu tập để chuyển hóa nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp, xây dựng hạnh phúc,… Ngài cũng dạy chúng ta phải biết gieo nhân bố thí để gặt quả giàu có, sung túc về sau. Đức Phật không có quyền năng ban phước giáng họa cho bất kỳ ai. Là đấng Thiên Nhân Sư, Ngài chỉ nhận mình là một người chỉ đường, giúp chúng sinh nhìn ra con đường đi đến bờ giải thoát, an vui. Còn đi hay không, muốn thoát khổ tìm vui hay không là quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.
Thứ ba, người có niềm tin nhỏ hẹp không biết trân trọng tự tính, không tin mọi chúng sinh đều có Phật tính cao quý, không tin một khi tam nghiệp trong sạch và thuần khiết, chân lý vô thượng sẽ hiển bày[6].
Trong kinh Pháp Hoa, có câu chuyện như sau: Một người con trai nọ bỏ nhà đi lang thang từ nhỏ. Mấy chục năm trời người cha đi tìm con mà vẫn không thấy tung tích đâu cả. Đến một xứ xa, người cha quyết định ở lại lập nghiệp và làm ăn rất phát đạt, có được nhiều nhà cửa, ruộng vườn, kẻ hầu người hạ. Dù vậy, ông vẫn luôn nhớ thương con.
Gã cùng tử, chính là người con trai đang đi lang thang cầu thực kia, một hôm tình cờ lại đi tới đúng ngôi nhà của người cha. Anh ta nghĩ rằng có thể vào đây để xin việc làm, bèn mon men đến đứng trước cửa. Nhìn vào nhà, anh thấy trong tòa dinh thự nguy nga, đồ sộ có vô vàn vật báu, lại có một người đàn ông rất sang trọng đang ngồi trên ghế, kẻ hầu người hạ đứng xung quanh. Người con suy nghĩ:
- Ông này chắc là vua nên mới có nhiều kẻ hầu người hạ và giàu có như thế này. Thôi, mình nên đi chỗ khác, đứng ở đây coi chừng bị người ta bắt.
Thế là anh bỏ đi. Nhưng đúng lúc đó, người cha ngồi trong nhà nhìn thấy anh và nhận ra đó chính là người con mà mình tìm kiếm bao năm. Ông mừng quá, định kêu người con vào nhưng lại thấy anh bỏ chạy. Ông bèn sai gia nhân đuổi theo. Khi bị các gia nhân bắt được, gã cùng tử hoảng sợ và la toáng lên:
- Tôi có tội gì đâu, tôi có làm gì đâu, xin tha cho tôi!
Rồi anh ta sợ quá và ngất đi. Các gia nhân khiêng anh về nhà. Nhìn con, người cha biết sau mấy chục năm trời đi xin ăn, làm thuê, kiếm sống bằng những nghề hạ tiện, căn tính người con đã trở nên thấp kém, bây giờ mà nói ra sự thật chưa chắc anh ta đã nghe. Thôi, đành phải tùy duyên. Thế là ông bảo gia nhân thả người con ra. Người con tỉnh lại, thấy vậy mừng quá liền chạy đi.
Biết người con kém cỏi, người cha nhờ hai gia nhân trong nhà đi tìm gặp và rủ anh ta cùng làm nghề hốt phân, hứa hẹn sẽ được trả lương cao. Ban đầu người con cũng còn sợ, nhưng được hai gia nhân động viên:
- Chúng ta cùng làm, không có gì đâu mà sợ. Anh cứ đi theo chúng tôi.
Người con nghe cũng bùi tai, liền đi theo họ về nhà ông trưởng giả. Thế là người con trở thành gia nhân trong nhà, nhưng vẫn không hề hay biết mình đang làm việc cho chính cha của mình. Hằng ngày hốt phân, ăn uống khổ cực, công việc dơ bẩn, nhưng anh ta lại thấy rất vừa lòng. Người cha thỉnh thoảng ra vào, nhìn thấy con vất vả, cực khổ như vậy thì rất thương xót. Một thời gian sau, ông tìm gặp và động viên anh ta:
- Con ráng chăm chỉ, đừng đi đâu hết. Cứ ở đây làm rồi ta giúp cho.
Thấy ông chủ thương mình, anh ta rất vui. Một thời gian sau, người cha lại nói:
- Ta thấy con làm việc rất tốt, siêng năng chịu khó. Bây giờ, ta nhận con làm con nuôi.
Nghe vậy anh ta rất vui mừng, càng hăng hái, phấn khởi làm việc hơn. Đến lúc sắp chết, ông trưởng giả mới cho họp tất cả gia nhân, nói ra sự thật rằng người hốt phân chính là con ruột của ông và để lại toàn bộ gia tài cho anh. Lúc đó anh ta mới biết mình đúng là con trai của ông trưởng giả, vậy mà bấy lâu nay anh ta không hề nhận ra cha của mình.
Câu chuyện này rất hay và thâm thúy. Gã cùng tử trong câu chuyện do không có niềm tin vào bản thân, không tin mình là con trai của ông trưởng giả nên đã đánh mất nhiều thời gian và cơ hội quý giá. Nếu người Phật tử chúng ta không dám tin rằng trong mình có nhiều hạt giống cao thượng, mình cũng có thể trở thành một vị Phật tương lai thì có khác gì gã cùng tử kia? Đây gọi là người có niềm tin nhỏ hẹp.
Như vậy, đức Phật dạy hạng người thứ tư là người không vững vàng, có niềm tin thiếu suy nghĩ, không lâu bền và nhỏ hẹp. Quý vị hãy tự đánh giá xem mình có thuộc hạng người thứ tư này hay không?
Lòng tin rất quan trọng trong cuộc đời con người. Tín là niềm tin. Niềm tin là sức mạnh. Không có lòng tin, chúng ta khó thành tựu được mục đích, lý tưởng của mình. Tin mình làm ăn được, chúng ta mới bỏ vốn ra đầu tư. Tin mình có khả năng học thành tài, chúng ta mới gắng sức trau dồi học vấn. Tin mình cứ tu tập rồi sẽ thành tựu Phật quả, chúng ta mới tinh tấn hành trì. Cho nên, đức Phật dạy, trong Ngũ Căn và Ngũ Lực[7] thuộc 37 Phẩm Trợ Đạo, tín căn và tín lực chính là pháp đầu tiên. Như vậy, tin là bước đầu học đạo, là mẹ sinh ra các công đức. Khởi điểm là lòng tin, rồi mới tinh tấn tu tập, từ đó mới lần lượt phát sinh niệm, định và tuệ.
Vậy thế nào là niềm tin chân chính? Trong kinh Tăng Chi Bộ[8] có ghi chép lại điển tích như sau: Một thời, Thế Tôn đang du hành trong xứ Kosala, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi vào Kesaputta – thị trấn của người Kalama, người Kalama liền đến bạch với đức Thế Tôn rằng:
- Bạch đức Thế Tôn, có một số Sa-môn, Bà-la-môn đến Kesaputta khen pháp môn của họ, chê pháp môn người khác, không biết ai đúng, ai sai?
Đức Phật ân cần dạy bảo:
- Này các Kalama! Chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì Sa-môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình.
- Này các Kalama! Khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi. Các pháp này bị những người có trí chỉ trích. Các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì hãy từ bỏ chúng.
- Này các Kalama! Khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi. Các pháp này được người trí tán thán. Các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì hãy chứng đạt và an trú.
Như vậy, đức Phật đã trả lời rất rõ ràng: Ngài không khen pháp mình đúng và cũng không chê pháp người sai. Ngài dặn dò chúng ta trước khi tin tưởng bất kỳ điều gì cũng cần suy nghĩ, cân nhắc cho thật kỹ và đem ra thực hành, nếu thấy điều đó có lợi ích, được người trí tán thán, đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và mọi người trong hiện tại và tương lai thì lúc ấy mới nên tin.
Nghe những lời dạy của đức Phật, tất cả người dân đều rất hoan hỷ, họ càng thêm yêu quý và vững tin vào trí tuệ của Ngài. Bài pháp trên là một minh chứng hùng hồn cho niềm tin chân chính, đúng chân lý, có cơ sở, hợp lòng người và thuận lẽ đạo.
Biết được đâu là những điều đúng đắn để đặt niềm tin là một điều rất quan trọng, bởi nuôi dưỡng một niềm tin không chân chính còn có thể khiến chúng ta bị tổn hại về tiền của, sức khỏe, và thậm chí cả tính mạng:
Về tiền của, nhiều khi chúng ta bỏ tiền ra chỉ để mua thêm cái lo, cái sợ vào thân. Có câu ca dao thế này: “Tay cầm tiền quý bo bo, đem cho thầy bói rước lo về mình”. Nhiều người đi xem bói mà chỉ nghe được toàn những lời như “năm nay bị xui”, “tháng này bị hạn”, thế là tự dưng vừa mất tiền, vừa lo lắng, không được chút lợi ích gì. Tin vào xem bói là một niềm tin không chân chính, vừa tổn hại đến tài sản, vừa rước thêm phiền não.
Về sức khỏe, “có bệnh thì vái tứ phương”, khi đau ốm chúng ta thường được nhiều người khuyên rằng ở chỗ này, chỗ nọ chữa trị tốt lắm, nhưng nếu chưa tìm hiểu kỹ lưỡng thì không nên tin theo. Tôi biết có nhiều trường hợp, thay vì đi bác sĩ chữa trị thì lại đi xin nước thần, nước thánh để uống cho hết bệnh, nhưng uống rồi mà bệnh vẫn y nguyên, thậm chí còn nặng hơn.
Trên báo cũng từng đăng một trường hợp của cô gái mới 26 tuổi nhưng lại mang vẻ ngoài của một bà già 80 tuổi. Khi phóng viên hỏi lý do, cô nói rằng cô bị bệnh phong, rất kị cá biển, nhưng vì thèm mà cô ăn. Sau đó, da cô nổi sần lên, ngứa ngáy rất khó chịu. Cô gãi nhiều quá khiến da sưng vù lên. Khổ nỗi, cô nhất quyết không đi bác sĩ chuyên khoa chữa trị mà nay đi ông thầy thuốc này, mai đi ông thầy lang kia, uống riết mà không khỏi, da mặt cứ dày lên mãi. Một thời gian sau bệnh chuyển sang mãn tính, trông cô giống hệt như một bà già.
Do cô gái này không tin vào bác sĩ mà lại đi tin phương pháp chữa trị của những người không có chuyên môn nên bệnh tình mới ngày càng nặng. Qua thí dụ trên, chúng ta cũng thấy được niềm tin không chân chính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào.
Về tính mạng, trên báo cũng từng đưa tin về câu chuyện của bà A, cư trú ở xã Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cuối năm 2008, mẹ của bà A chết. Cả gia đình vừa lo hậu sự cho bà cụ xong thì vài ngày sau, chị gái của bà A cũng đột ngột qua đời dù không có bệnh tật gì. Chuyện trùng tang này làm cả gia đình bà A sống trong sợ hãi. Đúng lúc này, cô Duyên – bạn của con gái bà A, nói rằng do gia đình ăn ở thất đức nên mới bị các “ngài” trách phạt, nếu không cúng bái cẩn thận thì bà A sẽ là người tiếp theo phải chết. Tin tưởng mù quáng vào Duyên, gia đình bà A đã chi khá nhiều tiền để Duyên cúng bái, giải hạn trùng tang. Nhưng không chỉ vậy, ngoài việc cúng bái, Duyên còn dùng tay, chân, thậm chí cả chày đâm tiêu đánh đập bà A, với lý do để các “ngài” không phạt bà nữa. Đỉnh điểm của câu chuyện là khi Duyên dùng chân đạp lên người làm cho bà A bị thương nặng, gia đình phải đưa đi cấp cứu nhưng bà đã chết trên đường đến bệnh viện. Cái chết thảm thương của bà A xảy ra chỉ vì cả gia đình bà đã quá mê tín. Nuôi dưỡng những niềm tin không chân chính có thể nguy hiểm đến tính mạng của con người.
Không chỉ gây ra những tổn hại ở hiện đời, niềm tin không chân chính còn có thể khiến con người đọa lạc vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ở Ấn Độ thời xưa, người ta giết rất nhiều thú vật để cúng tế cho người chết, với niềm tin rằng làm như vậy sẽ tạo ra công đức hỗ trợ cho người chết tái sinh về cảnh giới an lành. Có lần, các thầy Tỳ-kheo hỏi đức Phật:
- Bạch đức Thế Tôn, việc cúng tế như vậy có công đức gì hay không?
Đức Phật trả lời:
- Này chư Tỳ-kheo, hành động sát sinh để cúng tế cho người chết như vậy không hề có một chút công đức nào hết.
Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ về một vị Bà-la-môn muốn giết một con dê để cúng tế. Khi được đưa ra tắm rửa ở bờ sông, con dê đột nhiên cười lớn, cười xong lại òa lên khóc. Khi được hỏi vì sao cười rồi lại khóc, con dê kể lại rằng:
- Ngày xưa, tôi cũng là một vị Bà-la-môn, vì muốn tế người chết nên tôi giết dê đem cúng. Trong 499 đời sau đó, tôi trở thành dê và đời nào cũng phải chịu quả khổ bị chết vì đứt đầu. Đây là đời thứ 500 và cũng là đời sau cùng, hôm nay tôi sẽ thoát khỏi kiếp làm dê, vì vui mừng mà tôi cười lớn. Nhưng do tôi lỡ giết một con dê mà phải chịu nạn đầu lìa khỏi cổ, hôm nay, ông giết tôi rồi cũng phải chịu cảnh khổ như tôi, vì xót thương ông nên tôi khóc.
Niềm tin không chân chính thực sự nguy hại như vậy đó. Ngày nay, Phật tử chúng ta may mắn được học giáo pháp của Như Lai, phải nên siêng năng tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành để có được chính kiến, chính tư duy, có như vậy mới đưa ra được những quyết định đúng đắn trong cuộc đời.
[6] Mời xem thêm phẩm Tín Giải trong Kinh Pháp Hoa để hiểu rõ hơn điều này.
[7] Ngũ Căn gồm: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Ngũ Lực gồm: tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.
[8] ĐTKVN (2000), “Các Vị Ở Kesaputta”, Chương Ba Pháp, Phẩm Lớn, Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.