
Đừng để tâm nhỏ hẹp
Hằng ngày chúng ta ăn cơm, ăn thức ăn, uống nước, uống thuốc. Khi đói, chúng ta ăn uống để chữa đói, để nuôi cơ thể, để khỏe mạnh; khi bệnh, chúng ta uống thuốc để chữa bệnh. Nhưng cũng lắm khi việc ăn uống của chúng ta lại tạo ra bệnh hoặc nuôi thêm bệnh. Quý vị thấy có lạ không? Có ai muốn ăn vào để gây bệnh đâu? Thực ra, uống rượu và ăn những thức ăn chứa nhiều độc tố chính là một trong các nguyên nhân gây ra bệnh trong cơ thể chúng ta.
[4] ĐTKVN (2000), “Người Vợ Trẻ”, Chương Bốn Pháp, Phẩm Không Hý Luận, Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.
Muốn khỏe mạnh và sống lâu, chúng ta phải quan tâm và điều tiết chế độ ăn uống sao cho khoa học và hợp lý. Loại thức ăn, thức uống nào có lợi cho sức khỏe, chúng ta dùng, tránh xa những loại gây hại cho cơ thể. Nhưng đôi lúc vì thấy ngon mà chúng ta chẳng kiêng cữ gì, món nào cũng cho vào miệng. Lợi dùng đã đành mà hại cũng chẳng từ. Đến lúc các chứng bệnh nan y xuất hiện, chúng ta mới than trời trách người.
Đức Phật nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. “Bồ-tát sợ nhân” nên trước khi làm một điều gì Bồ-tát thường hay suy xét xem điều đó có lợi hay có hại. Nếu có lợi, các Ngài tận tâm tận lực thực hiện; nếu có hại, các Ngài nhất quyết không làm. Còn “chúng sinh sợ quả” nên cứ thích việc gì là làm việc ấy, chẳng hề suy xét lợi hại. Khi quả khổ đến, chúng sinh khiếp sợ, rên la, than thân trách phận. Đó là do chúng sinh thiếu chính niệm, tỉnh giác, không biết giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý.
Nhưng “miệng nuốt tất cả” ở đây không chỉ muốn nói về việc “tiêu thụ” thức ăn, mà còn muốn nhắc chúng ta về việc “tiêu thụ” những lời nói trong cuộc sống. Hồi còn bé, những lời dạy của cha mẹ là những bài học đầu tiên để chúng ta học hỏi, hiểu biết. Khi đến trường, chúng ta lắng nghe những lời dạy của thầy cô giáo để có kiến thức, có nghề nghiệp. Khi đến chùa, chúng ta ghi nhớ và thực hành những lời dạy của đức Phật, của chư Tăng để sống đạo đức, sống an vui.
Nhưng ngoài ra, chúng ta cũng “tiêu thụ” cả những tin tức nóng hổi trên báo đài, “nuốt” những lời đàm tiếu, thị phi ở ngoài xã hội. Bất chấp đúng sai, phải trái, tốt xấu, chúng ta đều nghe, để rồi phán xét, phê bình, ca tụng, chỉ trích, khen người này, chê người kia. Nói cách khác, chúng ta luôn hướng tâm ra bên ngoài, gom góp đủ mọi chuyện trên đời. Dần dần chúng ta quên mất việc phải xét lại bản thân mình, trở thành người nhiều chuyện, ba phải, hay bới móc, dễ gây mất lòng người và tự chuốc lấy oán thù vào thân. Điều đáng buồn là thực tế có rất nhiều người như vậy.
Tại sao chúng ta không trân quý, không tận dụng thời gian mà lại để cuộc đời mình trôi qua vô ích, thậm chí còn làm những việc rước thêm phiền não vào người và làm vẩn đục ba nghiệp thân, khẩu, ý? Tại sao chúng ta không dùng thời gian vào việc học pháp và thực hành những điều lợi ích, mà lại để tâm của mình rong ruổi theo cảnh trần, tiêu phí biết bao phút giây quý báu vào chuyện phải quấy, tốt xấu của thế thái nhân tình?
Thời gian là vàng bạc. Cuộc đời này rất ngắn ngủi, ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc vô thường sẽ đến gõ cửa nhà chúng ta. Nếu biết tận dụng thời gian, chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội. Xin hãy dành thời gian vàng ngọc nghiên cứu Phật pháp, thực hành lời dạy của đức Như Lai để thân tâm chúng ta được nếm trải những hương vị ngọt ngào, cao quý của giáo pháp nhiệm mầu.
Khuyên là khuyên vậy, nhưng do nghiệp lực, đôi lúc, chúng ta nghe pháp cảm thấy buồn ngủ, không vô, nhưng nghe chuyện thị phi thì thấy rất tỉnh táo, lại còn nhớ dai. Xưa ở chùa có một bà cụ đi xuất gia, được quý thầy giao cho nhiệm vụ hằng ngày thỉnh chuông vào hai buổi sáng và chiều. Quý thầy dạy bà một bài kệ để thỉnh chuông, nhưng học cả chục năm mà bà vẫn chưa thuộc. Một hôm tôi đi công việc về, thấy có đám người tụ tập đông nghẹt trước cổng chùa, thấy lạ nên tôi hỏi:
- Không biết bữa nay có chuyện gì mà người ta tụ tập đông quá?
Thế là bà cụ kể lại mọi chuyện đã xảy ra cho tôi nghe: Từ việc bà này chửi bà kia ra sao, đến việc bà kia chửi bà này thế nào, vanh vách từ đầu tới cuối không sót một chữ. Tôi thấy rất buồn cười. Cái chuyện người ta chửi nhau thì bà cụ nhớ kỹ như vậy, còn một bài kệ thỉnh chuông ngắn ngủn thì bà học cả chục năm cũng chưa thuộc. Thế mới thấy, nhiều khi nghe chuyện không đâu, mình lại nhớ rất kỹ.
“Có những chuyện đáng quên lại hay nhớ. Có những chuyện đáng nhớ lại hay quên”. Khi nghe pháp cần tập trung, cần nhớ để mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân thì nhiều người cứ nghe là ngáp ngắn ngáp dài; còn nghe mấy chuyện vớ vẩn thì tỉnh lắm, nhớ hết từng li từng tí để còn đi tán dóc. Cho nên, quý thầy thường dạy rằng:
Bớt đi lời nói thị phi,
Bớt đi tội lỗi sân si đau buồn.
Thêm câu niệm Phật nhiều hơn,
Phước điền thêm lớn, tâm hồn thêm vui[5].
Tóm lại, nếu không phân biệt điều tốt, điều xấu mà cứ để “miệng nuốt tất cả”; thích nghe, thích nói những chuyện thị phi thì dần dần những “thức ăn” đó sẽ làm cho tâm chúng ta trở nên xấu xa, ích kỷ và nhơ nhớp. Việc này cũng giống như việc chúng ta chọn thức ăn hằng ngày, nếu biết lựa những thứ tốt thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, dẻo dai; ngược lại, nếu không biết chọn lọc mà ăn cả những thứ độc tố vào người, cơ thể sẽ ốm đau, bệnh hoạn.
Trong kinh có nhắc đến hạng người “miệng nuốt tất cả” là để chúng ta biết mà tránh rơi vào trường hợp ấy. Quý vị thử xem mình có phải là hạng người hay nghe ngóng chuyện của người khác, “nuốt tất cả những lời thị phi” này hay không? Hi vọng rằng không ai trong chúng ta có tên trong danh sách hạng người thứ ba này.