

Đừng để tâm nhỏ hẹp
Trong gia đình, chúng ta sống chung với ba mẹ, anh em, vợ chồng, con cái; khi xa nhà, chúng ta ở ký túc xá và sống chung với bạn bè, đồng nghiệp; hoặc nếu đến chùa tu tập, làm công quả trong các khóa tu, chúng ta sẽ sống chung với những người bạn đạo.
Sau khi ở cùng một thời gian, do thường xuyên gặp mặt, tiếp xúc, nói chuyện, chúng ta sẽ ngày càng thân thiết với nhau hơn, nhưng nếu không cẩn thận sẽ dễ sinh ra coi nhẹ, không còn lễ độ hay tôn kính nhau như ban đầu nữa.
Trong cuộc sống, sự khinh thường có thể được thể hiện qua nhiều hành động. Thí dụ như người này quay mặt đi chỗ khác, không đáp lại câu nào trong khi người kia đang nói chuyện, hoặc người này thường xuyên nói nặng lời xúc phạm người kia. Hay như trong gia đình, nhiều khi chính những đứa con cũng có thái độ khinh thường đối với cha mẹ. Cha mẹ dạy bảo con không nghe lại còn cố tình phớt lờ hoặc cãi lại. Những lúc như thế, chúng ta cảm thấy vô cùng bực tức và buồn khổ. Cho nên, quý vị hãy nhớ kỹ, đừng bao giờ khinh thường người khác, bởi chúng ta bị tổn thương, phiền não và đau khổ như thế nào thì người khác cũng sẽ cảm thấy khổ đau y như vậy.
Vì sao sau khi sống chung, người này lại khinh thường người kia? Có nhiều lý do dẫn đến việc mọi người khinh thường lẫn nhau: Do thấy mình có địa vị cao hơn; do thấy được cái xấu, cái sai của người nên khinh thường. Hay thậm chí, thấy mình có đạo đức và giữ được giới luật tốt hơn trong khi tu học, nên khinh thường những người mình cho rằng vô đạo đức và không giữ giới.
Dù lý do khác nhau, nhưng thái độ khinh thường xuất hiện đều là do có sự chấp ngã. Trong đạo Phật, ngã có nghĩa là tôi, của tôi; chấp ngã là chấp cái tôi, cái của tôi. Khi chúng ta cảm thấy mình giỏi hơn, giàu hơn, đẹp hơn, đạo đức hơn, có địa vị hơn,… nói chung là thấy mình hơn người thì trước sau gì tâm khinh thường cũng sẽ phát khởi. Thứ hai là do không giữ thái độ tôn trọng, tôn kính lẫn nhau. Sống với tâm không tôn trọng người, chắc chắn sẽ có lời nói, thái độ, ánh mắt, hành động khinh rẻ người. Ai cũng muốn được tôn trọng, không ai muốn bị người khác khinh thường, vậy tại sao chúng ta lại khinh thường người khác?
Trong kinh Tăng Chi Bộ, phần “Người Vợ Trẻ”[4], đức Phật dạy: “Ví như, này các Tỳ-kheo, người vợ trẻ, trong đêm hay ngày, được đưa về nhà chồng, nàng cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt mẹ chồng, cha chồng, trước mặt chồng, cho đến trước mặt các người phục vụ, làm công. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, nàng có thể nói với mẹ chồng, với cha chồng, với chồng: “Hãy đi đi, các người có biết được gì?”… Do vậy, này các Tỳ-kheo, các thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ sống với tâm người vợ trẻ khi mới đến nhà chồng”. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các thầy cần phải học tập”.
Đức Phật dạy chúng ta phải sống giống như người vợ trẻ mới về nhà chồng. Một người vợ mới về nhà chồng hết sức dễ thương. Trước cha chồng, mẹ chồng và mọi người trong gia đình chồng, cô đều khiêm hạ, lễ phép, cung kính, siêng năng. Sống một thời gian lâu, càng ngày càng quen thân, đến một lúc nào đó cô sẽ dám nói ra những câu từ thô lỗ, cộc cằn. Ở chùa Hoằng Pháp, tôi cũng thấy có thực trạng này. Nhiều chú mới vào chùa rất dễ thương, cung kính, lễ phép, khiêm hạ, siêng năng, được lòng mọi người. Một thời gian sau, các chú bắt đầu quen rồi, ngày nay dễ một chút, ngày mai dễ một chút, rồi sau sinh ra xem thường. Cho nên, đức Phật mới nói là: “Sau khi sống chung, khinh rẻ”.
Muốn có cuộc sống thuận hòa, an vui, chúng ta phải luôn tôn kính nhau, không chấp ngã, không phân cao thấp với nhau. Hi vọng rằng trong số chúng ta không ai thuộc hạng người “sau khi sống chung, khinh rẻ” này.
[4] ĐTKVN (2000), “Người Vợ Trẻ”, Chương Bốn Pháp, Phẩm Không Hý Luận, Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.