Sách HT. Thích Chân Tính
Sau khi cho, khinh rẻ

Đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu thế nào là “cho”? Thuật ngữ Phật học gọi “cho” là “bố thí”, bao gồm bố thí cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Có ba thứ chúng ta có thể cho đi, đó là cho tài, cho pháp và cho vô úy.

Cho tài là cho những loại vật chất bên ngoài như cơm, áo, gạo, tiền,… Cho pháp là cho những lời khuyên về Phật pháp, dùng lời khuyến hóa người tu nhân học Phật, hoặc đem băng đĩa, kinh sách biếu tặng cho người. Cho vô úy là cho sự không sợ hãi, nghĩa là chúng ta dùng sự hiểu biết, kiến thức, chất xám của mình để giúp đỡ, an ủi những người bệnh, những người gặp hoạn nạn, những người đang lo sợ, buồn phiền,… để họ cảm thấy an ổn và vững tâm hơn.

Bố thí là một hành động tốt, xuất phát từ tâm thiện muốn giúp đỡ người khác, thế nhưng có nhiều trường hợp sau khi cho lại sinh lòng khinh rẻ. Thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu những lý do khiến người cho khinh thường người nhận.

Có cả lý do chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do người cho còn nhiều chấp ngã, nghĩ rằng mình là người giàu có, người ban ơn. Nguyên nhân khách quan là do người nhận đôi khi thiếu tự trọng, bất nhã, hoặc lợi dụng lòng tốt của người cho mà sinh lười biếng, nên người cho không bằng lòng, sinh ra tức giận và khinh rẻ người nhận. Hoặc sau khi nhận, thay vì sử dụng số tiền đó vào việc chính đáng, người nhận lại phung phí, hết rồi xin nữa. Thế là người cho sinh ra bất mãn.

Trước đây, tôi có biết một vị cư sĩ làm công quả trong chùa, chuyên lo việc từ thiện phân phát cho những người nghèo khổ, túng thiếu. Ông thường ngồi trực ở văn phòng chùa, ai đến xin giúp đỡ, ông sẽ tùy theo hoàn cảnh khó khăn của mỗi người mà giúp nhiều hay ít. Người cư sĩ này lúc đầu nhận lãnh công việc rất hoan hỷ, thấy ai đến xin cũng vui mừng, cung kính, nói năng êm ái, nhẹ nhàng. Thế rồi, một thời gian sau, vì người đến nhiều quá, đôi khi còn thiếu lịch sự, khiến ông sinh ra phiền não. Ông bắt đầu có thái độ khinh thường, không tôn trọng, khi có người đến ông chỉ liếc mắt nhìn, thậm chí còn phát ngôn nặng nề. Vậy là sau một thời gian làm việc, tiếp xúc với nhiều thành phần phức tạp, ông đã hoàn toàn quên mất rằng mình đang phụ chùa làm các việc từ thiện; không những thế, ông còn hay bực tức, khó chịu, khinh rẻ những người đến nhờ giúp đỡ.

Đó là một trường hợp thực tế đã xảy ra. Trong cuộc sống chắc hẳn sẽ còn nhiều trường hợp tương tự như thế nữa. Vậy làm thế nào để tránh rơi vào hoàn cảnh sau khi cho sinh lòng khinh rẻ?

Để thực hiện được một hành động bố thí, cần phải có ba điều kiện: có thiện tâm, có ruộng phước và có tài vật. Thiện tâm là tâm tốt, tâm từ bi. Khi nhìn thấy một người gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng ta phát khởi lòng thương, nghĩ rằng người khổ cũng như mình khổ, người đói cũng như mình đói, người bệnh cũng như mình bệnh. Vì lòng thương đó mà chúng ta muốn bố thí, muốn giúp người vượt qua khó khăn. Vậy nên điều kiện đầu tiên là phải có thiện tâm.

Ruộng phước là mảnh đất để chúng ta gieo hạt giống bố thí, hạt giống đó sẽ nảy mầm, mọc thành cây và tạo ra quả phước. Như vậy, khi thực hiện một hành động bố thí, những người mà chúng ta giúp đỡ chính là “ruộng phước” của chúng ta.

Ruộng phước chữ Hán gọi là “phước điền”. Có ba kiểu phước điền: Một là bi điền, tức ruộng thương xót, ruộng tình thương. Ví như khi gặp người có hoàn cảnh đói khổ, hoạn nạn, chúng ta phát khởi lòng thương và giúp đỡ họ, đó chính là chúng ta đang gieo hạt phước trên ruộng bi điền. Hai là kính điền, tức ruộng cung kính. Những hành động cúng dường Tam bảo, ủng hộ việc hoằng pháp lợi sinh chính là những hạt phước gieo trên ruộng kính điền. Ba là ân điền, tức ruộng báo ân. Để gieo phước trên ruộng này, chúng ta cần báo đáp công ơn to lớn của những người mà ta đã thọ ơn trong cuộc đời như cha mẹ, thầy tổ,… Có ruộng phước, tức gặp được những người cần sự giúp đỡ của ta, là điều kiện cần thứ hai để thực hiện một hành động bố thí.

Muốn giúp người đói thì phải có lương thực; muốn giúp người bệnh thì phải có thuốc men; muốn giúp người nghèo thì phải có tiền bạc, đó chính là tài vật. Tài vật gồm hai loại là tịnh vật và bất tịnh vật. Tịnh vật là những của cải vật chất có được từ mồ hôi, công sức bằng những việc làm chân chính, trong sạch. Bất tịnh vật cũng là của cải vật chất do công sức làm ra, nhưng không phải bằng nghề chân chính. Chẳng hạn, chúng ta cũng vất vả ngày đêm, lao tâm lao lực, nhưng là để rình mò ăn cướp, ăn trộm, hoặc lừa đảo người ta lấy tiền, thì những tài vật này là tài sản có được một cách không chính đáng, nhà Phật gọi đó là bất tịnh vật.

Tóm lại, để hành động bố thí được thành tựu một cách trọn vẹn cần phải hội đủ cả ba điều kiện, đó là có thiện tâm, có ruộng phước và có tài vật. Nếu cả ba điều kiện ấy đều đã hội tụ, tự nhiên chúng ta sẽ hết lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn về mọi mặt.

Cho và nhận là hai việc mà mọi người đều phải thực hiện trong cuộc sống thường ngày. Không ai có thể tự mình sống mà không nhận sự trợ duyên từ những người xung quanh. Vì vậy, khi cho, chúng ta hãy xem đó là lẽ đương nhiên trong mối quan hệ tương hỗ giữa mình và người, không nên phân biệt người cho, người nhận. Điều quan trọng là chúng ta cần phải thành tâm, không tỏ vẻ xem thường hay thương hại người khác. Như thế, tâm chúng ta sẽ không vướng vào chấp ngã, phiền não hoặc sinh lòng khinh rẻ người nhận.

Nếu còn chấp mình là người cho và đối tượng là người mang ơn mình thì chắc chắn một lúc nào đó, chúng ta sẽ khởi phiền não và tỏ thái độ khinh thường người nhận. Cho như thế làm tâm hồn trở nên nhỏ hẹp, rò rỉ phước báu của mình rất nhiều. Trong kinh đức Phật dạy, đây là hạng người “sau khi cho, khinh rẻ”. Mỗi người chúng ta hãy tự xét lại xem mình có rơi vào hạng người thiếu phước này hay không?

Việc bố thí có ba mục đích: Một là mở rộng lòng từ – khi phát khởi lòng thương và thực hành bố thí, chúng ta sẽ mở rộng được lòng từ của mình đối với mọi người, mọi vật. Hai là tạo phước – bố thí không những làm lợi ích cho người mà còn tạo phước cho mình. Năm quả báo của bố thí là tuổi thọ gia tăng, sắc thân xinh đẹp, thân tâm an lạc, trí tuệ nhạy bén và có được tài sản. Ba là trừ tâm bỏn xẻn – khi chúng ta không chỉ nghĩ đến việc tích lũy của cải mà còn biết mở rộng lòng ra để bố thí cho những người cần, đó là mình đang tiêu diệt lòng tham, dứt bỏ tâm bỏn xẻn và loại trừ tâm ganh tị.

Ngoài ra, đối với những hành giả tu hạnh Bồ-tát, bố thí Ba-la-mật còn là pháp đứng đầu trong lục độ Ba-la-mật[2]. Ba-la-mật là những phẩm hạnh không nhuộm màu vị kỷ, không đượm nhuần tà kiến và không ẩn ý ngã mạn. Ba-la-mật nhờ trí tuệ dẫn dắt và do lượng từ bi vun vén đắp bồi. Như vậy, bố thí Ba-la-mật là bố thí mà không dính mắc vào việc cho, người nhận và vật cho. Nhân lành của hành động bố thí sẽ tạo ra quả phước giúp hành giả tăng trưởng cả đạo tâm và đạo nghiệp trong hiện tại và tương lai.

Thuở còn tại thế, đức Phật đã dạy các thầy Tỳ-kheo về bốn phương pháp để đưa mọi người đến với Phật pháp, gọi là “Tứ nhiếp pháp”[3], gồm bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp. Trong bốn phương pháp này, đức Phật dạy pháp đầu tiên là bố thí nhiếp, tức dùng bố thí để đưa người vào đạo. Chẳng hạn, nếu có người đang gặp đói khổ, bệnh tật mà chúng ta đem Phật pháp đến chia sẻ với họ ngay, có lẽ họ sẽ rất khó tiếp nhận. Thay vào đó, chúng ta nên dùng tài vật để giúp họ vượt qua cơn đói khổ trước mắt, rồi sau đó mới chia sẻ Phật pháp thì sẽ giúp họ chuyển hóa được khổ đau lâu dài. Có thể nói, bố thí nhiếp là phương cách khả thi đầu tiên để thuyết phục người khác học và thực hành Phật pháp.

Do đó, đức Phật khuyên chúng ta phải thực hiện bố thí Ba-la-mật. Nếu làm được điều này, tâm khinh thường, cống cao, ngã mạn sẽ không còn phát sinh nữa. Chúng ta hãy biết cho đi với lòng từ ái, quan tâm tự nhiên như tình thương vô bờ bến và vô điều kiện của người mẹ đối với con. Khi con khóc, mẹ cho bú; khi con đói, mẹ đút cơm. Nhẹ nhàng và đơn giản thế thôi.

 


[2] Lục độ Ba-la-mật gồm: Bố thí Ba-la-mật, Trì giới Ba-la-mật, Tinh tấn Ba-la-mật, Nhẫn nhục Ba-la-mật, Thiền định Ba-la-mật và Trí tuệ Ba-la-mật.

 

[3] Để hiểu rõ hơn về Tứ nhiếp pháp, mời xem thêm Bốn phương pháp cảm hóa lòng người, Thích Chân Tính (2018), NXB Văn Hóa – Văn Nghệ.

Sách cùng thể loại
Quả báo sát sinh
Quả báo sát sinh
Thích Chân Tính
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Thích Chân Tính
Tâm sự đầu năm
Tâm sự đầu năm
Thích Chân Tính
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Đúng Người Đúng Việc
Đúng Người Đúng Việc
Thích Chân Tính
Cúng Dường
Cúng Dường
Thích Chân Tính