
Đừng để tâm nhỏ hẹp
Ví như thân thể con người mang rất nhiều thứ bệnh, cần phải có nhiều loại thuốc khác nhau để chữa trị; Phật pháp cũng có vô lượng pháp môn để thích ứng với sự sai khác về căn cơ, trình độ, nghiệp báo của mỗi người. Vì vậy, tùy theo từng đối tượng và hoàn cảnh mà đức Phật nói pháp.
Với người xuất gia, đức Phật chú trọng nói về giới luật, về tai hại của ngũ dục, lục trần; chỉ dạy những phương pháp để chuyển hóa nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý; hướng hành giả đến con đường giác ngộ, giải thoát và thành tựu Phật quả.
Với người tại gia, đức Phật chú trọng nói về ngũ giới, chỉ bày những phương pháp để xây dựng hạnh phúc gia đình, để tạo phước trong hiện tại và tương lai. Có khi đức Phật nói pháp thiện để chúng ta noi theo thực hành. Cũng có khi Ngài nói về pháp bất thiện để chúng ta thấy được những điều sai trái mà tránh.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, phần “Cho Là Khinh
”[1], đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có năm hạng người như sau hiện hữu trên cuộc đời: một là sau khi cho, khinh rẻ; hai là sau khi cùng sống, khinh rẻ; ba là miệng nuốt tất cả; bốn là người không vững chắc; năm là người ám độn, ngu si”.
Đây là bài pháp đức Phật nói với các thầy Tỳ-kheo, nhưng lại có thể ứng dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Nếu là người có tâm nhỏ hẹp, có nhiều tính xấu thì sẽ còn gây tạo nhiều nghiệp bất thiện, để rồi tự chuốc lấy quả báo khổ đau cho mình trong hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, dù là người xuất gia hay tại gia, chúng ta đều phải tránh rơi vào một trong năm hạng người này. Nhưng trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về năm hạng người mà đức Phật đã nhắc đến trong bài pháp nêu trên.