

Chuyển hóa khổ đau
Khi đi học, nhờ những kỳ thi mà chúng ta đánh giá được khả năng, trình độ hiện tại của mình. Cũng vậy, nhờ những khó khăn, thử thách mà chúng ta biết được mình tu tập tiến bộ đến đâu. Nếu có thể quán khó khăn là cơ hội tốt để nâng cao trình độ, rèn luyện ý chí và sức chịu đựng của mình, thì không thử thách, chướng ngại nào có thể làm cho chúng ta đau khổ nữa.
Đơn cử một việc nhỏ như bị mất ngủ. Mất ngủ dễ khiến chúng ta bực bội, cằn nhằn. Nhưng nếu biết quán đây là cơ hội tốt để tu tập thì chúng ta sẽ chuyển hóa được sự bực bội của mình. Bình thường, ngồi niệm Phật năm, mười phút là mình gục lên gục xuống. Hôm nay, tự nhiên không ngủ được, vậy đây chính là cơ hội tốt để mình niệm Phật. Nghĩ vậy, tự nhiên mình hết bực bội, rồi ngồi hoặc nằm niệm Phật một hồi là ngủ được thôi. Bực bội không mang lại lợi ích gì, mà lại càng tăng thêm phiền não. Biết quán cơ hội, xem những điều bất như ý chính là lúc thích hợp để rèn luyện thì chúng ta sẽ được an vui.
Trong những Khóa tu Phật thất, luôn có những người mới tham dự được một, hai ngày là đã xin về. Tôi hỏi lý do thì họ nói là bận công việc. Nhưng tôi biết rằng không phải như vậy, vì nếu có ý định dự tu bảy ngày là phải chuẩn bị, sắp xếp hết các công việc ở nhà trước rồi. Mặc dù họ không nói ra, nhưng tôi hiểu lý do thật sự là vì vào đây họ cảm thấy bị ràng buộc, khó chịu: phải ăn chay, nằm đất, ngủ tập thể, sống trong khuôn khổ nội quy, đi ăn cơm phải xếp hàng,…
Khi ở nhà, chúng ta muốn làm gì thì làm, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, ngủ còn có giường nệm hoặc phòng máy lạnh,… Nếp sống sung sướng như vậy quen rồi, bây giờ thay đổi tự nhiên thấy khó chịu; hay nói chính xác hơn nữa là thấy khổ chứ không thấy vui.
Chúng ta biết rằng, đức Phật từng sống trong cung vàng, điện ngọc, trong hoàn cảnh rất sung sướng. Thế mà Ngài từ bỏ hết, đi vào rừng tu, ăn thì phải đi xin, ngủ thì dưới gốc cây, đầu trần, chân đất, sống không nhà cửa, nhưng Ngài vẫn rất an vui hạnh phúc. Còn chúng ta vào chùa, hoàn cảnh sống mới hơi khác một chút mà đã thấy khổ, thấy khó chịu. Đó là do chúng ta chưa biết chuyển hóa khó khăn.
Nếu biết quán cơ hội, xem ăn chay, nằm đất, ở tập thể,… là phước, là điều kiện tốt để rèn luyện ý chí thì chắc sẽ không ai xin về nữa. Sự thật là có nhiều người đi tu Phật thất bảy ngày xong còn muốn xin ở lại, vì đã tìm thấy được niềm vui trong tu tập.
Trong ba tháng hè ở chùa Hoằng Pháp, có nhiều em học sinh đến đăng ký xin được tu học cùng đại chúng. Trong số đó, có em mới ở được hai, ba ngày là đã xin về. Ngược lại, có những em sau khi vi phạm nội quy nhiều lần, bị quý thầy kỷ luật và mời về thì lại khóc, năn nỉ quý thầy cho ở lại. Và những năm về trước, không ít em về đây học hè xong còn xin được ở lại xuất gia luôn.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, nếu biết quán cơ hội, xem thời gian được ở chùa là dịp để mình rèn luyện ý chí thì chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Cùng một hoàn cảnh, nhưng ai có thể chuyển hóa thì sẽ tiếp tục đi lên, còn không thể thích ứng thì tự nhiên sẽ thấy khó chịu và phải bỏ cuộc.
Có những người đến chùa xuất gia tu học với hi vọng là đường tu sẽ tốt đẹp, gặp nhiều điều thuận lợi. Nhưng không ngờ lại gặp rất nhiều chướng duyên, trở ngại, khiến cho họ phiền não, đau khổ. Họ không thấy được rằng, trong một tập thể thì “chín người mười ý”, làm sao tránh khỏi những chuyện đụng chạm với nhau. Nếu không biết chuyển hóa, cứ để phiền não âm ỉ trong lòng thì họ sẽ ngày càng đau khổ. Mỗi ngày sự đau khổ đó lại lớn dần, khiến cho nhiều người thối tâm Bồ-đề và cuối cùng đành bỏ cuộc, không tu nữa.
Nếu biết phương pháp quán này, xem đau khổ là cơ hội để rèn luyện ý chí thì họ sẽ chuyển hóa được những đau khổ của mình. Một hoa tiêu[2] tài ba phải là người chống chọi được với sóng to, gió lớn. Người tu giỏi phải là người vượt qua được những thử thách, khó khăn. Phần lớn những bậc vĩ nhân được mọi người tôn sùng đều phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách. Vàng pha tạp muốn có giá trị hơn phải trải qua một quá trình tinh luyện để trở thành vàng ròng. Một khúc gỗ muốn trở thành một bức tượng đẹp và quý thì phải chịu đục, đẽo, bào, gọt,… Hạt lúa muốn trở thành hạt gạo trắng thơm ngon cũng phải trải qua một quá trình xay xát.
Chúng ta cũng vậy. Trên cuộc đời này, tất cả khó khăn, thử thách đều là những cơ hội rất tốt để chúng ta rèn luyện ý chí và thăng hoa nhân cách, làm cho con người mình càng thêm giá trị. Câu chuyện sau đây là một thí dụ:
Có một vị thiền sư chân tu đức độ nên dân chúng quanh vùng rất kính ngưỡng. Gần thất của sư, có gia đình hai mẹ con sống với nhau và cô con gái rất xinh đẹp. Một hôm, bà mẹ phát hiện cái bụng của con gái cứ dần lớn lên. Bà hỏi cô xem tác giả là ai. Hỏi tới hỏi lui, cuối cùng cô nói rằng của nhà sư. Bà giận quá, đi qua bên thất của sư, mắng nhiếc, xỉ vả hết lời. Sư cứ ngồi nghe, rồi chỉ nói một câu: “Thế à!”.
Sau khi cô con gái sinh, bà mẹ đem qua giao cho sư và nói rằng: “Con của ông thì ông nuôi đi”. Sư lại bình thản trả lời: “Thế à!”. Từ đó, sư phải đi xin sữa để nuôi đứa bé. Tiếng tăm, uy tín của sư bị đổ vỡ hết, không còn ai tin tưởng nữa. Trước đây, người ta cung kính sư bao nhiêu, bây giờ người ta khinh rẻ bấy nhiêu. Nhưng sư vẫn âm thầm nuôi đứa bé.
Đến một hôm, lương tâm cắn rứt, cô con gái thấy rằng việc làm của mình như vậy là sai. Cô bèn thú thật với mẹ rằng sư không phải là cha của đứa bé. Thế là bà mẹ đi qua thất của sư để xin sám hối. Lần trước, bà chửi bới, mắng nhiếc bao nhiêu thì lần này bà nói ngọt, năn nỉ, vái lạy bấy nhiêu. Sau đó bà xin đứa bé về. Sư cũng chỉ nói: “Thế à!”, rồi trả đứa bé lại cho bà.
Theo tôi thấy, vị sư này có sự tu tập rất cao, nên khi sự việc xảy đến, ngài rất bình tĩnh. Ngài nghĩ đây là cơ hội để rèn luyện ý chí và sự kiên nhẫn của mình. Khi sự thật đã rõ ràng, uy tín của ngài càng được tăng thêm. Như vậy, nếu chúng ta biết kiên nhẫn trước oan gia, những trái nghịch hoặc những bất hạnh xảy đến với mình, cố gắng chuyển hóa thay vì đau khổ về chúng, thì sự đau khổ sẽ trở thành niềm an vui.
[2] Hoa tiêu: Là người lái tàu.