Chuyển hóa khổ đau
Khi người khác làm cho chúng ta đau khổ, chúng ta không nên oán thù, nguyền rủa, tìm cách trả thù họ. Oán thù chỉ đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa đôi bên, khiến đôi bên đều khổ đau. Thay vào đó, hãy dùng phương pháp quán từ bi để chuyển hóa sự sân hận của mình.
Cần phải hiểu rằng, khi một người gây đau khổ cho chúng ta tức là họ đang tự gieo nhân đau khổ cho chính mình, và trong tương lai sẽ phải gánh hậu quả đau khổ. Thí dụ, nếu có người hại mình là họ đang làm những việc không tốt, chắc chắn sau này sẽ phải chịu quả báo không tốt, thậm chí có thể bị đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Chính vì vậy, chúng ta hãy thương họ nhiều hơn.
Thời đức Phật còn tại thế, có một vị đại đệ tử của Ngài là Tôn giả Phú-lâu-na. Một hôm, Tôn giả xin đức Phật tới xứ Du-na để hoằng pháp[1]. Đức Phật hỏi:
- Ta nghe đồn dân ở đó chưa được khai hóa, họ rất hung dữ, thầy tới đó có kham nổi hay không?
Tôn giả Phú-lâu-na trả lời:
- Bạch đức Thế Tôn, chính vì dân ở đó chưa được khai hóa nên con phải có trách nhiệm tới khai hóa cho họ, và chính vì họ hung dữ nên con muốn đem giáo pháp từ bi của đức Phật tới để chuyển hóa họ.
- Như vậy là tốt, thế nhưng khi thầy đang thuyết pháp người ta chửi thầy thì sao?
- Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ rằng họ vẫn còn tốt vì chưa đánh đập con.
- Nếu họ đánh đập thầy thì sao?
- Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ rằng họ vẫn còn tốt vì chưa giết con.
- Nếu họ giết thầy thì sao?
- Bạch đức Thế Tôn, vì mục đích hoằng pháp lợi sinh, sự hi sinh của con thật không uổng phí. Nhưng nếu họ giết con thì sẽ phải chịu quả báo đau khổ. Do vậy, con càng thương họ nhiều hơn. Họ giết con là vì họ không biết nhân quả, tội phước nên mới làm như vậy.
- Tốt lắm, thầy có thể thành công trong việc giáo hóa dân xứ Du-na.
Như vậy, khi có người gây đau khổ cho chúng ta, thay vì ôm ấp nỗi khổ, niềm đau, chúng ta nên quán từ bi để thương họ vì những điều tội lỗi họ đã làm, và trong tương lai họ sẽ phải chịu những quả báo đau đớn. Nếu biết quán từ bi, chúng ta sẽ vơi đi khổ đau và không ôm lòng oán hận những người đã hại mình.
[1] Mời xem thêm Thích Minh Tuệ (1993), “Phú Lâu Na Bố Giáo Ở Du-na”, Phật Và Đại Đệ Tử, trang 199.